Tham vấn viên gợi ý rằng, “Liệu có phải bằng một cách nào đó mà bạn đang sợ tương lai không?”
Nỗi sợ tương lai? Chưa bao giờ tôi nảy ra ý tưởng rằng mình sợ tương lai. Ngược lại, từng có một thời gian tôi cảm thấy mình sống quá nhiều trong tương lai, mà lảng tránh hiện tại. Tôi muốn phủ nhận ngay lập tức.
Nhưng mà khoan đã nào! Cảm xúc là một thứ kỳ lạ. Mong mỏi một thứ không có nghĩa là mình không sợ nó. Nếu khép lòng không chịu đón nhận ý tưởng mới thì sẽ chẳng đi đến đâu.
Một buổi chiều nắng đẹp. Một ly cà phê, à không, một ly sữa đặc có đường pha cà-phê-in. Một cuốn sổ kẻ ô li san sát. “Sợ tương lai à…”
Tiền giả định về tương lai và nỗi sợ
Cụm từ sợ tương lai bản thân nó bao hàm một vài tiền giả định. Trong bài viết này, tôi không hứng thú bàn về thời gian dưới các góc nhìn vật lý; vì vậy, cứ tạm cho rằng thời gian tồn tại như một chiều kích của thế giới trải nghiệm. Có thể nó không tồn tại, hoặc có thể nó chỉ là một dạng khác của không gian, nhưng thảy không quan trọng. Ta biết rằng ta trải nghiệm hiện tượng thời gian bằng cả tâm trí và cơ thể mình, vậy là đủ. Theo đó, tương lai đối xứng với quá khứ qua tâm hiện tại, nếu ta đưa chuỗi tuần tự của sự kiện sống lên một trục ngang (trục dọc hay trục chéo cũng được, tùy sở thích).
Như vậy, tương lai là đối tượng của tâm trí và nếu ta sợ nó, nghĩa rằng đây là một nỗi sợ có đối tượng. Không phải một nỗi sợ như nỗi sợ hiện sinh (angst), mà cảm giác lo hãi không gắn với bất cứ thứ gì cụ thể; Loại sợ ấy gắn liền với bản thân sự tồn tại và mang đến cho khổ chủ căn bệnh của tâm hồn – the sickness unto death, theo ngôn ngữ của Kierkegaard.
Mặc dù tôi tin rằng chủ đề về một nỗi sợ không đối tượng – có thể do thiếu vắng một sự ấm nóng vỗ về trong mối quan hệ giữa mình với chính mình – rất đáng để khám phá; nhưng bài này sẽ chỉ tập trung vào góc nhìn còn lại, một nỗi sợ có đối tượng và đối tượng ở đây là tương lai. Bởi vì nếu là nỗi sợ có đối tượng thì chúng ta mới dễ dàng khu trú nó gọn ghẽ bên trong góc nhìn điều khiển học.
Như vậy, ta đã giải quyết xong tiền giả định thời gian và nỗi sợ có đối tượng. Tiếp theo, chúng ta cần hiểu điều khiển học là cái gì.
Thành tố của điều khiển học
Điều khiển học (cybernetics) có từ nguyên là tiếng Hy Lạp cổ đại kubernētikēs, hay “giỏi về lái thuyền”; trong Cộng Hòa quyển 6, Plato so sánh hoạt động lái thuyền với việc quản trị một quốc gia.
Nhưng phải đến năm 1948, từ điều khiển học mới chính thức được Norbert Wiener sử dụng để gọi tên một ngành khoa học mới. Cuốn sách Cybernetics: Or Control and Communication in the Animal and the Machine của ông cung cấp một góc nhìn độc đáo về mọi sinh thể sống, coi chúng là những hệ thống nhỏ tương tác với những hệ thống lớn hơn, sử dụng các vòng phản hồi để tự điều chỉnh và tự điều hướng.
Tiếc là tôi chưa có dịp tìm hiểu về Norbert Wiener, nên tạm quay lại cái phép so sánh đơn sơ của Plato để phục vụ cho bài viết này. Chúng ta không nhất thiết phải hiểu cụm từ “lái thuyền” theo nghĩa hàng hải hiện đại. Hy Lạp cổ đại rất khác thời ngay, và quan trọng hơn, cơ chế của phép ẩn dụ không hoạt động như thế. Nghĩa là, ta có thể hiểu lái thuyền bao gồm tất cả các hoạt động giúp con thuyền bì bõm đến được địa điểm mong muốn, bao gồm cả việc xác định địa điểm mong muốn đó. Người lái thuyền trong hoàn cảnh này phải thực hiện một công việc vô cùng phức tạp: Không chỉ đòi hỏi một hiểu biết sâu sắc về cấu tạo máy móc của chiếc thuyền, về các yếu tố thiên nhiên nơi dặm khơi, cách thức chiếc thuyền lẫn thiên nhiên tương tác với nhau, mà còn kiêm nhiệm cả công việc của thuyền trưởng lẫn hoa tiêu, bao gồm chọn lựa điểm đến, xác định đường đi và các trạm dừng, điều hướng con thuyền đi đúng lộ trình, phối hợp các nguồn lực hiện có trên thuyền, tránh né các mối nguy hiểm dọc hành trình,...
Tôi tin rằng ánh xạ là cách biểu diễn toán học cho phép so sánh trong lập luận, và nếu như vậy, khi chứng minh được đó là một phép song ánh thì có thể kết luận hai hiện tượng hoàn toàn tương đương. Để chứng minh hoạt động lái thuyền tương đương với hoạt động quản trị, tôi có một hàm song ánh nho nhỏ phía dưới.
Đừng bận tâm nếu bạn không thích mấy khái niệm toán học như trên. Nói một cách giản dị, ý tôi là hoạt động lái thuyền và hoạt động quản trị có bốn thành tố tương đương nhau, như sau:
Thứ nhất là một mục tiêu, hay đích đến. Trước khi dong buồm ra khơi, chúng ta cần xác định được hòn đảo mà chúng ta muốn đến.
Thứ hai là một trạng thái nguồn lực, hay vị trí hiện tại. Chúng ta cần phải biết mình đang ở đâu thì mới ra được những quyết định hiệu quả để đến hòn đảo mong ước.
Thứ ba là một chiến lược, hay đường đi. Để đến được hòn đảo đó, chúng ta cần đi theo hướng nào, lộ trình nào, đi về phía Đại Tây Dương mới mẻ hay dọc theo bờ biển Phi, vượt qua Mũi Hảo Vọng để đến Ấn Độ Dương.
Thứ tư là một cơ chế kiểm soát để nhận biết và đáp ứng kịp thời trước các tín hiệu phản hồi. Như la bàn, các chòm sao, khí hậu, các ngọn hải đăng,.. để giữ thuyền đi đúng hướng và tránh né các vùng biển động, vùng nước cạn, rặng đá ngầm hay cướp biển.
Có được cả bốn thành tố, con thuyền của chúng ta khả năng cao sẽ đến được đích, đạt được kho báu của vua hải tặc, cho dù bạn chỉ là một thằng nhóc đến từ vùng biển yếu nhất.
Điều khiển học được hiểu như nào đã rõ. Giờ quay lại chủ đề chính: sợ tương lai dưới góc nhìn điều khiển học.
Thao tác hóa nỗi sợ tương lai
Nếu ta xem con người là những thực thể đang cố gắng lèo lái bản thân trong môi trường của họ, thì tương lai – đối với một cá nhân – là hệ quả hợp lý của các hành động trong hiện tại khi tương tác với mọi bối cảnh sống của họ.
Giống như một con thuyền lênh đênh trên đại dương mênh mông. Nếu được điều hướng hợp lý, nó sẽ cập bến đất liền (giả sử rằng đây là mục tiêu của thủy thủ đoàn); ngược lại sẽ bị dông bão vùi dập. Quan điểm này có thể khiến nhiều người khó chịu, bởi nó quy gán hết mọi trách nhiệm lên cá nhân mà bỏ qua những tác động từ hoàn cảnh, những thứ vượt quá tầm kiểm soát của cá nhân. Hoàn toàn ngược lại. Một cách hiển nhiên mà nói, nếu chúng ta không nhận thức được các yếu tố của môi trường – dù là sự bất công trong phân bổ tài nguyên, sự thiếu may mắn trong hoàn cảnh sinh dưỡng hay sự phân biệt đối xử dựa trên những đặc điểm không thể thay đổi – thì làm sao ta có thể đưa ra những phản ứng phù hợp?
Dưới góc nhìn điều khiển học, công việc của một người lái thuyền bao gồm cả việc nắm bắt được những ràng buộc phức tạp của các hệ thống đang bao trùm họ – hệ thống máy móc của con thuyền, hệ thống thời thiết khí hậu nơi vùng biển, hệ thống những thực thể cùng tham gia khác (bao gồm cả quái vật, người cá và hải tặc) – từ đó ra những quyết định hợp lý, để trước nhất là tồn tại và tiếp theo đó là đến được cái đích phù hợp. Đúng là trong bất cứ hợp đồng chuyên chở nào cũng sẽ có điều khoản loại trừ trách nhiệm cho các tình huống bất khả kháng; nhưng nghĩ thử xem nào, khi thật sự đối mặt với các tình huống như vậy, ta muốn cố hết sức vượt qua nghịch cảnh hay buông xuôi chặc lưỡi “Dù gì thì bảo hiểm cũng sẽ chi trả cho cái mạng của mình!”?
Nói vậy mới thấy, một người lái thuyền chịu trách nhiệm tối đa cho những gì xảy đến với con thuyền của họ, cũng giống như một cá nhân chịu trách nhiệm tối đa cho những gì xảy đến với tương lai của họ – thông qua các hành động trong hiện tại. Đây không phải là một góc nhìn đổ lỗi nạn nhân, đây là góc nhìn để sống cuộc đời không hối tiếc. Như đã nói, công việc của một người lái thuyền cực kỳ khó khăn, giống như công việc làm người vậy. Quan trọng là cần hiểu mình và hiểu bối cảnh để thiết lập được mục tiêu phù hợp.
Lèo lái cuộc đời của mình, cá nhân cần đảm bảo cả bốn thành tố đã liệt kê phía trên. Đầu tiên, “Mục tiêu/đích đến của mình trong tương lai là gì, có hợp lý không, có đủ thỏa mãn không?”. Thứ hai, “Nguồn lực/vị trí hiện tại của mình là ở đâu, yếu mạnh rủi ro cơ hội ra sao?”. Thứ ba, “Chiến lược/hướng đi này có giúp mình đến được với đích đến đó không?”. Thứ tư, “Mình có đi đủ nhanh chưa? Mình có đang giữ đúng hướng không? Các cột mốc nào báo hiệu điều đó? Những chuyện gì có thể xảy ra? Gặp chướng ngại vật thì sao? – Có một cơ chế kiểm soát hiệu quả để đánh giá các tín hiệu và phản ứng kịp thời, đảm bảo mình đi đúng hướng và tránh cạm bẫy dọc đường đi”.
Với một khung lý thuyết như vậy, sợ tương lai trong bối cảnh này có thể đến từ cả bốn thành phần trên. Cảm giác không mặn mà với mục tiêu hoặc không thể đạt dược mục tiêu. Cảm giác tệ hại về hiện tại. Cảm giác không chắc chắn về con đường. Cảm giác không thể định vị được bản thân đang ở nơi nào trên con đường đã định, hoặc đánh giá rằng hiện tại mình đang đi lệch hướng/đi chưa đủ nhanh trên lộ trình ấy.
Khi bất cứ thành phần nào trong bộ điều hướng đó không được đáp ứng đầy đủ, tương lai của một người trở nên nhòa mờ. Cá nhân bị nuốt chửng bởi trạng thái lo âu.
Một lần, thầy tôi chia sẻ một mẹo nhỏ khi chẩn đoán, rằng “Hướng về tương lai là lo âu. Hướng về quá khứ là trầm cảm”. Tôi được thuyết phục bởi mệnh đề đó. Lo âu được kích hoạt như một phần của cơ chế giúp cá nhân chuẩn bị cho một tương lai không mấy thuận lợi. Sự chuẩn bị đó, khi trở nên thái quá, là hình thái của bệnh lý. Có thể là tích góp quá nhiều – một cách bất hợp lý – các nguồn lực trong hiện tại. Người tích góp của cải, người tích góp sự yêu mến của mọi người, còn người lại tích góp tri thức.
Ở đây tôi muốn tập trung vào hiện tượng mưu cầu tri thức một cách cưỡng chế. Như Maslow từng phân tích, kha khá nhu cầu tri thức nhằm để thỏa mãn nhu cầu an toàn. Bởi vì khả năng dụng ngôn liên quan trực tiếp tới khả năng sắp xếp mô hình về thế giới của mỗi cá nhân. Khi mô hình này vững chãi, cá nhân tự tin vào khả năng dự đoán tương lai của mình; sự chắc chắn mang đến lòng an tâm và sự bất định mang đến nỗi lo âu.
Nhưng khi công cuộc mưu cầu tri thức trở nên bất hợp lý, người ta đắm chìm một cách nực cười trong mô hình trừu tượng của bản thân, bỏ qua một thế giới sống động và chân thực ngoài kia. Này đọc, này suy ngẫm, này dự đoán, này lên kế hoạch. Càng suy nghĩ, ta càng phát hiện ra nhiều điều không chắc chắn, ta lại càng lo âu và mưu cầu thêm nhiều tri thức. Tương lai trở thành một hố đen sâu thẳm, thu hút toàn bộ sự chú ý của ta.
Tương lai là hệ quả của hiện tại, khi hướng quá nhiều về tương lai, hiện tại trở nên không bao giờ là thỏa mãn. Với một tâm thế như vậy, người ta không bao giờ cảm thấy đủ.
“Có cảm giác như bạn đang đi trong làn sương vậy?”, tham vấn viên gợi ý.
Đi tham vấn mà nói chuyện lý thuyết nhiều như vậy, thật không phải chút nào.
Mặc dù cái cách mà tôi hình thành lý thuyết như trên thể hiện những chất liệu tôi tích lũy được từ cuộc sống, nghĩa là đã bộc bạch một phần con người tôi; nhưng tôi tin rằng nếu thiếu mất đại từ nhân xưng “tôi” đứng trước mỗi mệnh đề thì tôi vẫn sẽ chỉ núp đằng sau một bức tường an toàn. Trong trường hợp đó thì cái đống rườm rà phía trên chỉ thuần túy lập luận vô thưởng vô phạt, chức năng trị liệu không xuất hiện. Muốn thay đổi bất cứ thứ gì của bản thân, trước hết cần ý thức được, rồi sau đó chịu trách nhiệm tối đa cho nó.
Vậy thì, giờ có lẽ là lúc tôi long trọng khẳng định rằng, toàn bộ bài viết này chẳng gì khác ngoài câu chuyện của tôi được trừu tượng hóa dưới góc nhìn điều khiển học.
Xem nào,… kể từ đâu nhỉ?
Xảy ra là đôi ba tháng trước, tôi có đọc được một bài đăng ẩn danh trên nhóm Facebook của Spiderum. Nội dung xoay quay việc bạn chủ tút không có “chính kiến” như thế nào, đến nỗi mỗi khi người khác hỏi muốn ăn gì hay thích loại quần áo ra sao, như một cơ chế phòng vệ, bạn đối đáp lại bằng những câu hài hước nhưng cũng thể hiện sự bất cần, thách thức và cả hạ thấp đối phương – tôi diễn giải như vậy, có thể không chính xác. Lặn lội sau hàng chục bình luận công kích từ mọi người, tôi thấy bạn ấy chia sẻ lý do khiến bạn như ngày hôm nay. Đó là từ thực hành nuôi dạy sai lầm của phụ huynh, làm bạn phát triển xu hướng chối bỏ mọi cảm nhận của bản thân; cái đặc điểm tính cách đã cắm rễ - có lẽ - đã hơn hai mươi mấy năm cuộc đời.
Trùng hợp thay, lúc đó trên website Spiderum cũng đang nổi rần rần chủ đề về những đứa trẻ “ngoan”, những đứa trẻ “hiểu chuyện” với một loạt bài đăng đối đáp nhau. Mọi người nói về việc không được chú ý, không được thỏa mãn, không được tưới tắm; nhưng không một ai nhắc đến nỗi đau tinh thần lớn nhất cả thảy – sự phủ nhận bản thân. Hai sự kiện diễn ra đồng thời, khiến tôi gần như mong mỏi tìm thấy một bình luận nào đó rút ra được sợi chỉ đỏ kết nối giữa hai câu chuyện, rằng “Bạn này là minh chứng hùng hồn cho bi kịch của một đứa trẻ hiểu chuyện nè!”. Chẳng phải hiển nhiên sao?
Mệnh đề là bạn luyện tập thứ gì, sẽ trở thành thứ đó. Đứa trẻ hiểu chuyện rèn luyện năng lực đàn áp nhu cầu bản thân để làm hài lòng người lớn. Như một hệ quả tất yếu, nó lớn lên sẽ chẳng biết mình thích gì, muốn gì và thậm chí cần gì. Bức tranh của nó về chính nó nhạt nhòa đến nỗi không thể nhận ra các chi tiết.
Những đứa trẻ như vậy rất nhiều, đúng hơn là rất rất nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh văn hóa nước ta, cái vòng kim cô được đặt trên nền móng của sự tủi hổ.
Nói lại chuyện của mình. Bức tranh của tôi về bản thân cũng chẳng khá khẩm hơn gì. Tôi đã nói về chuyện này rồi nhỉ, trong một bài viết từ 5 năm trước; Nhiều nét tương đồng với bài đăng ẩn danh trên. Có lẽ tôi không muốn nhắc lại. Tôi còn chẳng dám mở ra mà đọc bình luận nữa cơ. Chỉ là tôi tin rằng đó là nguồn cơn cho kha khá nỗi lo âu hiện tại của bản thân, cũng như về xu hướng không cảm thấy đủ ở hiện tại.
Hợp lý mà nhỉ? Nghĩa thử xem, nếu một người không vẽ được một bức tranh sắc nét về bản thân mình, thì người đó không xác định được vị trí của mình ở hiện tại. Mà không xác định được vị trí của mình ở hiện tại đồng nghĩa với việc không tổ chức được các trải nghiệm trong quá khứ theo một mạch xuyên suốt; nghĩa là không xác định được vị trí của mình trong quá khứ. Mà không xác định được vị trí của mình trong hiện tại lẫn quá khứ thì làm gì sở hữu một cái gì rõ ràng ở tương lai!
Có lẽ đây cũng là lý do tôi khoái viết bài tự sự nhiều đến vậy. “Em nghĩ mình đã làm việc rất nhiều trên bức tranh của bản thân. Có nhiều mảnh ghép vô cùng sắc nét. Nhưng vẫn còn rất nhiều mảnh nhạt nhòa.”
Tái hiện thế giới bằng ngôn từ. Ngôn ngữ hóa những trải nghiệm giúp tôi cố định những thứ khó nắm bắt. Nhờ vậy tôi có thể xác nhận được bản thân – ngược lại với sự phủ nhận bản thân – đồng thời bảo vệ mình tốt hơn trước các sự tấn công, đặc biệt là sự tấn công bởi nỗi tủi hổ xuất phát từ chính bên trong. Và tất nhiên, cũng sẽ thật tiện lợi nếu những bài viết của tôi giúp được một ai đó trong hành trình tự xác nhận bản thân của họ. Tôi tin rằng bài viết của mình đủ kỳ lạ để không dễ dàng tìm thấy thứ tương tự ở nơi khác. Suy cho cùng, đâu phải ai cũng hớn hở bảo vệ cái bạo lực trong một thế giới hướng tới văn minh như hiện tại? Cái bài về con Bắp ấy.
Vậy là, quyết định rồi nhé! Tái hiện thế giới bằng ngôn từ sẽ là đích đến cho con thuyền của tôi. Một đích đến đủ tham vọng để tôi cảm thấy hứng thú khi theo đuổi. Một đích đến đủ khái quát để tôi bao gồm tất cả trải nghiệm mỗi ngày vào thành một phần của hành trình.
Không phải lần đầu tôi đặt mục đích tối hậu cho bản thân mình – bao gồm cả cái lần năm lớp 7, quyết tâm trở thành người giàu nhất thế giới, chấm dứt nạn đói toàn cầu và được đời đời tưởng nhớ công ơn. Có lẽ cũng không phải là lần cuối cùng. Nhưng cứ xem đã. Ít nhất tôi nghĩ rằng cái mục đích này có thể phụng sự được mình trong khoảng 5 năm tới. Chuyện sau đó sẽ là chuyện sau đó.
“Tôi cảm giác, giống như lời bạn nói, bạn có thiên hướng nghiên cứu hơn là lâm sàng.”
“Em cũng thấy vậy. Nhưng em nghĩ là đi theo nghiên cứu, em sẽ chẳng tìm thấy được cái gì.”
“Quan trọng là bạn tìm kiếm cái gì thôi.”
----surphi10, 30/09/2023
P/s: Quèo, mình lại nhét quá nhiều thứ vào một bài viết. Nhưng bạn biết đấy, đó là dòng chảy suy nghĩ của tôi ở trạng thái tự nhiên. Tôi sẽ không cố gắng gò nó vào một cấu trúc kể chuyện cổ điển; suy cho cùng, trường phái tôi muốn theo đuổi là hậu ấn tượng. Tất nhiên, tôi vẫn sẽ tìm cách cải thiện phong cách của mình.
Xem thêm một bài viết khác cũng dưới góc nhìn điều khiển học:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất