[Sổ tay thợ đóng sách] Trang 6 : Đóng bìa mới cho cuốn sách cổ : Lối văn nôm An Nam (1917)
Bài viết hôm nay sẽ thuật lại quá trình đóng, phục chế lại cuốn sách Chrestomathie Annamite (Lối văn nôm An Nam), bởi tác giả Edward Nordeman, xuất bản năm 1917.
Bài viết hôm nay sẽ thuật lại quá trình đóng, phục chế lại cuốn sách Chrestomathie Annamite (Lối văn nôm An Nam), bởi tác giả Edward Nordeman, xuất bản năm 1917.
I. Thông tin, tình trạng sách
Chrestomathie Annamite (Lối văn nôm An Nam), tác giả Edward Nordeman, xuất bản năm 1917. Cuốn sách được in kiểu typo cổ điển, đóng bìa mềm, gáy cong, có đóng nấm (mặc dù chưa chắc có phải nguyên bản không
1
), khâu tay với chỉ dây gai loại tốt, không có đai hỗ trợ. Các lỗ khâu được cưa thay vì đục. Cuốn sách đến tay mình trong tình trạng khá tệ. Bìa trước và sau đã rời mất, gáy sách không còn, để lộ ra lưng sách với các vết keo cũ. Nếp gấp ở các tay sách đã khô và rạn nứt. Hầu hết các đoạn chỉ đã bị mục và đứt, khiến các tay sách rất lỏng lẻo và rời ra. Toàn bộ cuốn sách bị hư hại nhẹ bởi nước. Có các vết mọt sách đục từ gáy vào trong ruột sách, tuy nhiên không quá nghiêm trọng. Chất lượng giấy thực ra là rất tốt, mình thấy không có dấu hiệu của các vết cháy axit màu ố vàng, điều mà các loại giấy chất lượng thấp hay gặp phải. Bề mặt giấy nhẵn bóng và khi sờ vào cảm giác vô cùng thích.
Có một điều mình thắc mắc đó là tính nguyên bản của cuốn sách
1
. Dường như cuốn sách này đã trải qua ít nhất một lần sửa chữa, nếu không phải là cả đóng lại. Một số tay sách đầu cho thấy việc sử dụng kỹ thuật khâu đục (stab sewing) - một phương thức để khâu các tay sách lại khi vùng nếp gấp đã bị tổn thương nặng. Đây là cách lười biếng và vô tâm nếu người làm muốn cuốn sách thực sự được sửa chữa, hoặc cũng có thể chỉ là do thiếu kinh nghiệm. Các vết cưa ở lỗ khâu cũng thể hiện điều này. Vì để sửa những hư hại như vậy vượt quá khả năng nên mình quyết định gửi cuốn sách tới Hán Nôm Đường, vốn rất chuyên nghiệp trong chuyện này để các trang giấy được vá lại trước khi khâu. Cuốn sách về với tay mình khoảng 2 tuần sau đó.
Cuốn sách được đặt bọc theo kiểu 3/4 với da và giấy thủy ấn, đóng theo lối laced-in tapes. Gáy sách lót cứng (rigid-back) và có 5 gân giả (false bands) gắn lên.
II. Thi công
Phải cảm ơn Hán Nôm Đường vì đã làm một công việc tuyệt vời. Các tay sách giờ đây trông lành lặn và sạch đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên mất không lâu để mình nhận ra một vấn đề : Vì số các trang sách được vá rất là nhiều nên giờ gáy sách bị phồng lên một khoảng thấy rõ (do các lớp giấy mới chồng lên nhau). Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới công đoạn khâu cuốn sách. Bạn thấy đấy, thường thường một thợ đóng sách sẽ kiểm soát độ phồng của gáy sách bằng việc chọn độ dày của chỉ khâu, với mục tiêu tạo độ chêch lệch bằng 1/3 độ dày của lõi sách ban đầu. Chỉ có độ dày 0,35mm khi khâu với 20 tay sách sẽ làm cuốn sách dày lên thêm khoảng 7mm. Nhưng giờ độ phồng của cuốn sách đã đạt đến mức đó mà còn chưa trải qua công đoạn khâu thì sẽ phải xét đến yếu tố khác. Đó là chiều cao vai sách - phần nhô ra trông như mái hiên, hình thành sau khi đóng nấm cho sách. Sách có độ phồng lớn thì sẽ có vai lớn hơn, và vai lớn hơn thì sẽ phải có bìa dày hơn để đi kèm.
Mình quyết định chọn loại chỉ 30/3, dày ~0,35mm, khâu với 3 đai ruy băng linen.
Tờ gác mình không làm theo kiểu khâu cùng với lõi sách như thường lệ (gọi là made-endpapers), mà dùng khớp da thay cho nó. Kỹ thuật này mình tham khảo được từ bác Peter Caine, một thợ đóng sách sống tại Pháp. Bác rất nhiệt tình khi vẽ cả hình minh họa cho mình để dễ hiểu hơn. Bác nói đây là kiểu mà người Pháp hay sử dụng.
Mình đã từng làm khớp da trước đó, tuy nhiên kết quả và cách thức thực hiện chưa được ưng ý cho lắm. Mặc dù có khả năng cao là nó có độ chắc chắn cao hơn so với cách làm này nhưng về thẩm mỹ nó có nhược điểm là để lộ vết đâm khâu. Cách làm mới này khắc phục được điều đó.
Việc khâu, đóng gáy và tạo cấu trúc cho cuốn sách đã diễn ra suôn sẻ. Với độ phồng lớn của sách thì mình cho vai sách nhô ra 4mm, và có tấm bìa bồi 2 lớp với độ dày tương ứng. Cổ áo/chỉ đầu (Endbands) khâu bằng chỉ 2 màu đen đỏ trên một lõi dây cói.
Sau công đoạn này là công đoạn bọc sách. Mình sử dụng tấm da dê Alran màu đỏ vermilion có vân khá mạnh. Giấy thủy ấn mình tự làm với tông màu nóng để tăng sự hòa hợp với da bọc.
Khớp da hoạt động một cách hoàn hảo! Từ trước đến nay mình chưa làm được một cuốn sách có bìa mở được tốt như vậy, 180 độ và có khi hơn thế nữa! Các màu khi phối với nhau cũng khiến mình rất ưng ý. Công đoạn cuối cùng là trang trí.
Mình mạ nhũ vàng ở gáy với con lăn cổ của Pháp và một dấu trung tâm (center-piece) cổ từ Anh. Trên bìa cũng chạy đường chấm dọc theo mép của các phần bọc khác nhau
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất