Mùa này trời Hà Nội mới là đầu mùa rét, nhưng các tỉnh miền núi phía Bắc đã vài nơi có tuyết rơi, người dân bắt đầu đốt củi lửa trong nhà, trẻ em vùng núi cũng ít đến trường hơn, một phần vì rét và một phần phải lo kiếm tiền phụ gia đình vượt qua mùa đông này. Mà hình như nhiều ông sinh viên mười tám đôi mươi cũng có thói quen đấy mỗi khi trời trở gió, các bác nhỉ.
Phần lớn các trường đại học lúc này đang cho sinh viên thi cuối kỳ, nên ngoài thời gian ở phòng thi, khoảng trống còn lại là khá phù hợp cho các tổ đội tình nguyện thực hiện các hoạt động của họ. Đó là thực trạng tôi nhận thấy ở trường đại học của mình, và chắc mấy trường khác ở Hà Nội cũng giống trường tôi nhỉ. Hi vọng là thế để bạn hiểu nguồn cảm hứng tôi viết bài này đến từ đâu.

1. Hoạt động tình nguyện là gì?

Theo định nghĩa tìm được trên Wikipedia, Tình nguyện nói chung được coi là một hoạt động vị tha trong đó một cá nhân hoặc nhóm cung cấp dịch vụ không mang lại lợi ích tài chính hoặc xã hội "nhằm mang lại lợi ích cho người, nhóm hoặc tổ chức khác".
Nói cho dễ hiểu thì các tổ đội tình nguyện là các nhóm người hay tổ chức, họ tạo ra giá trị cho xã hội là các chương trình tình nguyện, làm từ thiện hoặc lao động công ích tại một hoặc một số địa phương. Tổ chức kiểu này có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa Đoàn Thanh niên Việt Nam, hoặc Hội Sinh viên Việt Nam, hoặc cũng chỉ đơn giản là tự phát do một nhóm bạn trẻ muốn làm việc có ích cho xã hội. Bên cạnh những chương trình nhỏ lẻ tự phát, một số chương trình tình nguyện hàng năm rất nổi tiếng mà ai cũng biết có thể kể đến như: Mùa Hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Sưởi ấm vùng ABC miền XYZ, vân vân và mây mây. Đó là những điều tôi thấy ở hoạt động tình nguyện của các trường đại học hiện nay, còn ở các trường cấp 3 thì cũng tôi không rành lắm.
Theo như một nguồn định nghĩa truyền miệng khác, mấy đứa bạn cùng lớp đại học và một vài anh chị thân thiết ở công ty; bao gồm cả những người đã từng, đang hoặc không bao giờ tham gia hoạt động tình nguyện, mỗi người họ có những góc nhìn rất trái ngược nhau. Có khi hoạt động tình nguyện được gắn với những mĩ từ cao đẹp như “làm việc tốt”, “giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn”, “ở đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên”, hay “đi dân nhớ, ở dân thương”. Nhưng cũng có lúc, người trong cuộc thì bảo rằng đi làm tình nguyện chỉ là lao động công ích, bán rẻ sức trẻ, còn người ngoài cuộc lại nói bọn tình nguyện là lũ vô công rồi nghề, phá làng phá xóm chứ có gì đâu.
Hừm….xem nào…ý kiến của mình nên là….khoan, trước khi đóng gói câu chuyện của một tổ chức hay hình thức hoạt động hàng chục năm tuổi ở Việt Nam chỉ bằng vài tính từ hay mấy dòng kết luận, hãy tư duy xem đã!!!
2. Tại sao hoạt động tình nguyện lại tốt?

Như đã nói ở trên, hoạt động tình nguyện được sinh ra với mục đích ban đầu rất tốt, đó là vì sự phát triển chung của con người, còn nói vi mô đi một xíu thì giúp người khác cũng là việc nên làm mà, mình vui, bạn vui, chúng ta hạnh phúc. Nên điều đầu tiên phải khẳng định là nó có mục đích đúng.
Các chương trình tình nguyện do sinh viên tổ chức thường diễn ra quanh năm, như một vài cái tên tôi lấy ví dụ ở câu hỏi số 1, chủ yếu là các chương trình đi giúp đỡ bà con nông thôn. Hoạt động ấy có thể giúp đỡ bằng vật chất hoặc là tinh thần, hoặc thậm chí cả 2 luôn nếu đó là chương trình signature của tổ đội tình nguyện.
Nếu là vật chất thì các bạn sinh viên sẽ góp tiền vào mua đồ ví dụ như quần áo, sách vở, hay nếu to thì có cả suất học bổng cơ đấy. Tiền cho các vật chất này không phải là so sinh viên bỏ tiền túi ra, theo như tôi nghe kể là vậy, mà là do các bạn làm một số đồ ăn đặc sản hoặc đồ handmade hay homemade gì đó để bán kiếm lời. Lợi nhuận thu được sẽ dùng làm từ thiện, nhưng cách chia lợi nhuận đó thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới biết thôi, tôi không biết nên không bình luận.
Còn nếu giúp đỡ về tinh thần thì sinh viên tình nguyện sẽ đến vùng nông thôn đó, tổ chức chương trình văn nghệ từ thiện cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, rồi dạy chữ cho các em ấy, rồi giúp người dân sửa cái mái nhà, trồng mấy cái cây, còn làm các thứ điện đường trường trạm thì chắc phải là tổ chức từ thiện chuyên nghiệp hơn chứ không phải sinh viên. Nếu có bạn nào đã từng tham gia tình nguyện ở trường đại học rồi thì confirm ở phần nhận xét xem tôi đoán có đúng hay gần trúng không nhé.
Theo quan sát của cá nhân tôi; một người không hoạt động tình nguyện ở đại học nhưng quen biết nhiều bạn đã từng tham gia; các chương trình tình nguyện đòi hỏi một số lượng nhân lực khá đông đảo. Chương trình nào cũng phải huy động đến hai chục, ba chục người tham gia là con số tối thiếu trong tất cả các khâu. Lấy ví dụ như chương trình “Tiếp sức mùa thi” được lên báo hằng năm đó, các bạn tình nguyện viên rủ nhau làm vạch phân luồng giao thông, nối tay nhau xếp thành hàng dài ơi là dài, việc đó là đáng tuyên dương nhưng nếu ít người thì chắc chắn làm không nổi.
Quay lại vấn đế chính, làm việc trong môi trường đông người, chắc chắn các bạn ít nhiều sẽ học được vài thứ hay ho từ cách làm việc nhóm, làm sao để giữ kỉ luật trong team, làm sao để mọi người đồng thuận với ý kiến tốt nhất và chung tay phối hợp ăn ý với nhau. Số lượng càng đông thì câu chuyện làm sao để hiểu ý nhau trong công việc càng trở nên phức tạp.
Nếu là vị trí một người leader, bạn phải lên kế hoạch theo các mốc thời gian như thế nào, phân bổ nhân lực làm sao, tìm cách thúc đẩy mọi người bằng lời động viên, bằng phần thưởng hay hình phạt. Nếu là vị trí thành viên bình thường, làm sao để ý kiến của mình được mọi người chú ý, làm sao để nói chuyện với cái đứa làm chung cho nó hiểu rằng chúng ta nên phối hợp và có mặt đúng giờ, hoàn thành chỉ tiêu hoặc là sẽ bị đội kỉ luật đấy, toang lắm. Kỹ năng dùng Excel để quản lý các đầu việc, nhắc deadline bằng Google Calendar, rồi họp online bằng Google Meet hay Microsoft Team, thậm chí là kĩ năng deal giá với cô bán cơm trưa quán quen, làm sao để cô cho nhóm mình được ngồi lại lâu lâu để ăn xong còn họp hành, tất cả cũng từ dăm ba việc tổ chức chương trình tình nguyện mà khôn ra.
Rồi không chỉ là kỹ năng, làm việc trong các tổ đội tình nguyện là lúc bạn sẽ được đi rất nhiều nơi, giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn hơn mình, đó là lúc bạn hiểu rõ nhất tâm hồn mình có thể mở động đến mức nào. Bạn sẽ làm gì khi trước mặt bạn là một người cựu chiến binh cao tuổi bị cụt mất 2 chân? Liệu bạn có nhanh nhảu chạy lại giúp ông ấy đẩy xe lăn ngay lập tức, hay bạn còn chạy lại gọi đội trưởng trước để xin ý kiến chỉ đạo, rồi gọi đồng đội xem có ai đang rảnh thì ra giúp một tay?

Bạn sinh ra ở thành phố, gia đình trung lưu trở lên, chưa từng biết mùi phải lợp mái nhà sau một trận mưa bão, phải biết cuốc đất trồng cây dưới cái nắng hè oi ả, điều mà thế hệ phần lớn bố mẹ hay ông bà chúng ta quen như cơm bữa. Cuộc sống những năm tháng học sinh của bạn chỉ loanh quanh từ nhà đến trường, từ trường về nhà, cuối tuần đi trà sữa hoặc trà đã là hết. Hơi thiếu muối, xin cho tôi nói thẳng. Vì thế ở tổ đội tình nguyện, càng gặp gỡ nói chuyện với nhiều loại người ở các tầng lớp xã hội khác nhau, quan sát cách bản thân phản ứng trước một sự việc cụ thể, tự khắc bạn sẽ hiểu được bản thân mình là người như thế nào, nên sống làm sao, phát triển bản thân theo hướng nào. Đó là điều tối quan trọng khi đang ngấp nghé ở ngưỡng cửa 18 tuổi thanh xuân, vẫn ngây ngô và hoang mang không biết cuộc đời đi về đâu.
Đấy, có bao nhiêu là thứ phải học. Tôi thiết nghĩ sẽ có nhiều sinh viên năm nhất, là các bạn tỉnh lẻ, thường gọi vui là tấm chiếu mới, sẽ cần những môi trường cho các bạn ấy thử làm những việc từ nhỏ nhặt đến to lớn, phải ở trong nhiều tình huống bất ngờ đến ngớ ngẩn, để nâng cao kỹ năng sinh tồn từng chút từng chút một để giúp tấm chiếu ấy được trải đời một cách từ từ trước khi ra đời thực sự.

3. Tại sao hoạt động tình nguyện lại không tốt, thậm chí là đáng bị lên án gay gắt? 


Luận điểm đầu tiên là hoạt động tình nguyện "không tốt cho một số người". Các tổ đội tình nguyện không phải môi trường phù hợp cho những người mong muốn học hỏi những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp. Nghe có vẻ như bị mâu thuẫn vì như đã nói ở trên, làm việc trong các dự án từ thiện hay tình nguyện, các bạn cũng sẽ học được kha khá kĩ năng. Nếu tôi ở trong vai là thành viên anh chị của tổ đội tình nguyện đang ngồi phỏng vấn các em khoá mới, tôi cũng sử dụng luận điểm ở câu hỏi số 2.
Tuy nhiên, từ góc nhìn mà tôi cố gắng khách quan nhất có thể, những kĩ năng làm việc nhóm, sử dụng công cụ này kia để quản lí công việc có thể học được ở bất kì tổ đội câu lạc bộ nào, trong bất kì dự án to nhỏ nào khác, thậm chí là học ở một cấp độ cao hơn, sâu sắc hơn rất nhiều. Nếu bạn chưa từng tham gia câu lạc bộ tổ đội, chưa biết nó là cái gì sau 12 năm học phổ thông, thì bạn tham gia hoạt động tình nguyện là một lựa chọn ổn.
Nhưng tôi, hay phần lớn những người mà tôi biết rằng họ không chọn hoạt động tình nguyện vì ở đó không học được những chuyên môn, những kinh nghiệm phù hợp với định hướng phát triển bản thân mà chúng tôi tự đề ra. Nếu bạn học Photoshop “chỉ để làm kịp deadline” cái banner chương trình tình nguyện mà không cần nhờ mấy đứa bạn designer, thì khả năng cao là định hướng phát triển bản thân của bạn phù hợp với tổ đội tình nguyện. Còn nếu bạn muốn làm việc trong ngành marketing nói chung hay ngành design nói riêng, muốn làm được một cái banner và nghe nhận xét từ tiền bối trong ngành về sản phẩm của mình, muốn sản phẩm của mình lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp để có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, in some way, môi trường bạn chọn để phát triển bản thân nên là một câu lạc bộ về marketing hay truyền thông.

Không có tổ đội, câu lạc bộ hay tổ chức nào đáng mơ ước hay đáng bị ghét, chỉ là văn hoá hoạt động của tổ chức ấy có phù hợp với định hướng phát triển bản thân của bạn hay không mà thôi.

Cũng đừng vì bản thân không phát triển theo hướng đó mà ghét các tổ đội tình nguyện, phủ nhận công sức giúp đỡ xã hội của các bạn thanh niên áo xanh. Tôi đã tự nhắc nhở bản thân mình như vậy khi có cơ hội nói chuyện và giao thiệp nhiều hơn với những người quen trong tổ đội tình nguyện.
Luận điểm thứ hai và có lẽ là cuối cùng cho câu hỏi thứ 3, đúng là tổ đội tình nguyện có một số văn hoá hoạt động nên được gọi là “tiêu cực”. Tôi không dám đánh đồng tất cả tổ đội tình nguyện trên đất nước Việt Nam này, những trải nghiệm tôi kể tiếp theo chỉ là quan sát của bản thân về mấy tổ đội ở trường đại học nơi mình đang học.
Văn hoá đầu tiên là nhậu nhẹt. Mùa đông này lên vùng cao làm chương trình thì rét lắm, khi nào bà con đi ngủ hết mà lửa trại còn chưa tắt thì anh em mình lại làm vài chén cho ấm người. Anh em với nhau, vừa là đồng hương, vừa là đồng chí đồng đội chiến hữu oằn tà là vằn, chả nhẽ không mời nhau được chén rượu. Còn nếu là mùa hè thì đêm nay trăng thanh gió mát, lửa trại còn nồng, sức trẻ còn thắm, anh chị em mình lại đắm đuối vài ly, mà có khi đến vài lít. Ngồi cùng mâm lẩu mà đồ chưa lên hết thì việc đầu tiên anh em làm phải là “đồng khởi cái đã nhỉ”. Những lần ngồi ăn uống với các bạn tình nguyện cũng là lần đầu tôi biết đến mấy bài hò châm tửu vừa dài vừa rát họng. Rồi thì cái văn hoá mời rượu là phải mới từ người cấp cao đến cấp thấp, phải đi hết một vòng mới được ăn, ăn được vài miếng thì lại thấy thằng khác đến mời mình, lại phải múc tiếp một chén rồi anh em mình trăm phần trăm, hò dô ta hầy. Hò xong, hầy xong thấy bể nước thánh hơi cạn thì lại gọi thêm 2 can, mà rau thịt mì trong nối thì cứ nguội dần đều. Nghe đến đoạn này chắc nhiều bạn có thể tự tưởng tượng nốt đoạn sau nhỉ, gợi ý một vài hình ảnh thì đó là mùi cay nồng và gương mặt ửng đỏ.
Viết xong mấy dòng miêu tả này đến chính tôi còn phải giật mình nghĩ lại xem mình có chém gió quá tay hay không khi viết về trình độ nhậu nhẹt của các thanh niên áo xanh tình nguyện. Nhưng sự thật là những buổi giao lưu giữa câu lạc bộ của tôi với tổ đội tình nguyện là lần đầu tôi biết đến trải nghiệm “say mềm”. Phần lớn anh em tình nguyện đều là trai quê, mấy ông đấy mà rủ nhậu thì phải biết.
Cho nên, nếu vẫn quyết định tham gia tổ đội tình nguyện thì luyện tập nâng tửu lượng lên đi nhé. Còn tôi thì chọn không, mấy thứ dễ gây nghiện ngập ấy không phải là gu của tôi, uống để biết mùi biết vị biết thưởng thức thì không sao, chứ uống đến “say mềm”, rồi tích luỹ cái thói quen “chuốc rượu” vào người thì xin lỗi, không phải định hướng phát triển của tôi.
Văn hoá tiếp theo mà tôi thấy không ổn trong các tổ đội tình nguyện là chuyện các bạn hát hò ở sân kí túc xá. Hoạt động này thường diễn ra vào mùa hè, chứ trời đang rét như lúc tôi viết bài này thì sẽ không ai ngồi vòng tròn giữa sân để hát đâu, lạnh phát ốm. Cá nhân tôi thấy hoạt động ấy cũng hay, tiếng hát lấn át tiếng ve, cho cái nắng hè bớt oi ả đôi chút, nhưng tại sao đến đêm các bạn vẫn hát vậy, để cho ông mặt trời đi ngủ nữa chứ. Haizz, là một người sống ở kí túc xá gần tròn 12 tháng, tôi hết sức quan ngại về trình độ giữ trật tự công cộng của các thanh niên áo xanh tuổi đôi mươi ấy. Cũng may là ở chỗ tôi các bạn sinh viên phản ánh với ban quản lí nhiều quá, các nhóm tình nguyện đã di cư, nhưng đến mùa hè tiếp theo thì tôi chưa biết thế nào, mấy ông đội trưởng đội tình nguyện tôi quen cũng thuộc loại bảo thủ lắm.
Nếu có đồng chí nào định đứng lên thay đổi cái mặt xấu trong văn hoá hoạt động của tổ đội tình nguyện thì cũng được thôi, tôi hoàn toàn ủng hộ và rất mong được trợ giúp nếu có cơ hội, nhưng hãy nhớ, trước khi làm tướng thì phải làm lính, liệu trong lúc làm lính bạn có dám chắc mình hoà nhập nhưng không hoà tan?

4. Nói tóm lại thì:

Hoạt động tình nguyện về bản chất là sinh ra với mục đích đúng đắn. Các dự án từ thiện, chương trình tình nguyện là cơ hội để bạn học hỏi thêm nhiều kĩ năng. Còn chuyện kĩ năng đó có cần thiết với định hướng phát triển bản thân hay không thì do bạn tự quyết định, chứ lỗi không đến từ tổ đội tình nguyện.
Chuyện nữa là hoạt động tình nguyện cũng có những thói hư tật xấu, chuyện nhậu nhẹt và chuyện làm ồn chỉ là ví dụ tôi thấy ở trường đại học của mình, còn ở khu vực bạn học tập sinh sống thì tôi không biết nha. Tổ chức nào cũng vậy hết, tổ chức thì cũng từ con người mà ra. Nếu tự tin có thể hoà nhập nhưng không hoà tan với cái văn hoá nhậu nhẹt hát hò của tổ đội tình nguyện thì bạn có thể thử sức, lựa chọn nằm ở bạn.

P/s: nếu các bạn thấy bài viết xứng đáng thì cho mình xin 1 upvote nhỏ nhoi nhé, xin cảm ơn chân thành!!!!