Ngày 26/3/2024, truyền thông đồng loạt đưa tin ông Nguyễn Ngọc Thủy bị cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ vì hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 
Nếu là 1 nhà đầu tư có lẽ bạn sẽ không xa lạ gì với hình ảnh “Shark” Thủy, 1 trong những nhà đầu tư quyền lực của chương trình Shark Tank Việt Nam. 
Thời điểm 2018, 2019, Shark Thủy nổi lên như 1 hiện tượng nhờ sức hút khi tham gia chương trình Shark Tank. Bên cạnh việc chi tiền đầu tư nhiều dự án khủng trên sóng truyền hình, ông còn là nguồn cảm hứng cho giới trẻ khi là doanh nhân duy nhất tại Shark Tank không có bằng đại học. Có lẽ vì sự đặc biệt đó mà ông lấy lòng được rất nhiều dân cư mạng với hình ảnh thành công bằng sự tự lực, tự học. 
Nhưng giờ đây, khi đang từ đỉnh cao danh vọng, bỗng chốc dưng rơi xuống đáy vực của sự thua lỗ, lừa đảo và bị hàng nghìn người căm phẫn. Điều gì đã thực sự xảy ra với Shark Thủy? Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết bên dưới nhé. 

1, Shark Thủy là ai?

Shark Thủy, tên thật là Nguyễn Ngọc Thủy, sinh ngày 17/4/1982, tại Hà Nội. 
Ông được biết đến là doanh nhân đã từng bỏ ngang đại học và thành công phát triển xây dựng được tập đoàn nghìn tỷ từ 2 bàn tay trắng. 
Mọi thứ bắt đầu từ năm 2008 khi ông thành lập công ty Egame, tiền thân của Tập đoàn Egroup,  tiên phong trong công cuộc phát triển những sản phẩm ứng dụng công nghệ trong giáo dục. 
Hệ sinh thái của Egroup sau đó phát triển trải rộng nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Trong đó, nổi bật nhất là Apax Holdings (Mã chứng khoán: IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, công ty duy nhất được niêm yết và thiết kế nhiều thương vụ đầu tư lớn. Còn lại, công ty Egame và Ecapital là các đơn vị mà thông qua nó, Egroup gọi vốn từ nhà đầu tư.
Đi sâu hơn về quá trình phát triển, trong thời gian hoạt động từ 2009 - 2017, Egroup đã đạt được nhiều thành tựu, nổi bật có thể kể đến như: ra mắt trò chơi giáo dục trực tuyến 3D đầu tiên tại Việt Nam mang tên Chinh phục vũ môn năm 2009 (thu hút hơn 1 triệu học sinh sử dụng và bị tạm dừng năm 2016 do lo ngại học sinh có khả năng nghiện game), hay nhiều lần phối hợp với các Bộ Giáo dục, Đoàn Thanh niên tổ chức các cuộc thi về giáo dục với sức hút rất lớn (200,000 - 800,000 thí sinh tham dự mỗi cuộc thi).
Tháng 6 năm 2016, Egroup ký kết cùng Tập đoàn giáo dục Chungdahm (Hàn Quốc) phát triển chuỗi trung tâm tiếng Anh cho trẻ em mang tên Apax English (tên gọi khác là Apax Leader). 
Giai đoạn 2017 - 2020, sự phát triển vượt bậc của thương hiệu Apax thậm chí đã làm thay đổi bộ mặt thị trường giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam. Thời "hoàng kim" 2020 - 2021, mô hình này có đến hơn 120 cơ sở, trải dài 32 tỉnh thành, và hơn 120.000 học viên theo học, bỏ xa nhiều đơn vị đào tạo tiếng Anh cùng phân khúc trên thị trường như Apollo (50 trung tâm), ILA (44 trung tâm) và VUS (41 trung tâm).
Giai đoạn này cũng trùng với thời điểm ông Thủy tham gia chương trình truyền hình thực tế "Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank" trong 2 mùa 2018 và 2019. Ông Thủy lúc này đang là founder kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup. Đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhiều công ty con như: Egame, Apax Holding, Apax English.
Trong chương trình Shark Tank, ông Thủy gây được sức ảnh hưởng lớn khi nắm kỷ lục cao nhất về số thương vụ đầu tư. Cụ thể, trong 9 công ty nhận được lời đề nghị đầu tư trên sóng truyền hình thì có đến 8 công ty được rót vốn và số tiền giải ngân thực tế còn lớn hơn rất nhiều so với số tiền được cam kết trên truyền hình.
Ví dụ như We Escape - 1 start up về trò chơi nhập vai thực tế đã gọi vốn thành công 5 tỷ đồng từ Shark Thủy để đổi lấy 36% cổ phần. Thực tế, ông Thủy đã đầu tư gấp 6 lần cam kết, khi chi 30 tỷ đồng để sở hữu 70% cổ phần. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm dịch, chi phí mặt bằng quá lớn đã tác động nặng nề đến We Escape. Hệ thống phải đóng hơn một nửa số cửa hàng và chính thức gục ngã.
Kết quả đầu tư các thương vụ khác như Soya Garden, Umbala hay Talks Café đều không quá thành công, nhưng nhờ việc sẵn sàng đầu tư khủng và có nhiều phát ngôn truyền cảm hứng ấn tượng nên Shark Thủy đã nhanh chóng gặt hái được nhiều danh tiếng và trở thành nguồn cảm hứng trong giới khởi nghiệp thời bấy giờ.

2, Các sai phạm

2.1,Gốc rễ vấn đề

Bước sang những năm 2020, Shark Thủy bắt đầu mở rộng mô hình kinh doanh vào bất động sản. Egroup gọi đây là mô hình "bất động sản giáo dục" - nghĩa là các bất động sản với mục đích xây dựng cơ sở giáo dục trên đó (trường, lớp, trung tâm dạy học), chủ đầu tư vì vậy hưởng lợi từ cả việc phát triển cơ sở giáo dục và bất động sản tăng giá.
Slogan "McDonald's không chỉ bán hamburger và 'Shark' Thủy không chỉ có các sản phẩm giáo dục" được truyền thông rộng rãi trên các nền tảng của Egroup trong giai đoạn ấy, ý muốn so sánh hoạt động đầu tư bất động sản giáo dục này sẽ thành công như mô hình kinh doanh bất động sản tương tự như của McDonald's những năm 1950.
Tuy nhiên Covid 19 có lẽ là yếu tố rủi ro mà Shark Thủy chưa lường trước được. 
Việc mở rộng quá nhanh( từ 12 lên 120 trung tâm chỉ trong 6 năm 2015-2021, được đánh giá ngang với thành quả sau 20-30 năm của các ông lớn đi trước), lại thêm đầu tư lĩnh vực mới là bất động sản, cùng với tác động từ Covid đã khiến Egroup bắt đầu lộ ra các điểm yếu về sức khỏe tài chính.
Cụ thể là đòn bẩy tài chính của các công ty trong tập đoàn quá cao (vay nợ quá nhiều).
Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận suy giảm
Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận suy giảm

2.2,Sai phạm bắt đầu 

- Huy động vốn lãi suất cao nhưng không thể thanh toán:
Điểm lại 1 chút về hệ sinh thái Egroup để dễ hiểu vấn đề, chúng ta có Egame và Ecapital là 2 đơn vị gọi vốn cho Egroup.
Với việc quảng cáo mức lãi suất cao gấp nhiều lần tiền gửi ngân hàng, các công ty này đã kêu gọi tiền từ nhà đầu tư thông qua 3 hình thức: (1) Hợp đồng mua trái phiếu, (2) Thỏa thuận hợp tác chiến lược với công ty Egame, và (3) Hợp đồng hợp tác đầu tư.
Cụ thể, từ 2017, Egame và Ecapital kêu gọi nhà đầu tư thông qua các "thỏa thuận hợp tác chiến lược" để đổi lấy cổ phần của công ty mẹ Egroup. Theo thỏa thuận, nhà đầu tư phải nắm giữ cổ phần này trong một khoảng thời gian (thường là 1 năm). Đến ngày tất toán, phía Egroup cam kết tìm đối tác mua lại hoặc trực tiếp tập đoàn mua lại với giá cao.
Tính chênh lệch giá mua lại, nhà đầu tư có thể thu lãi 20-25%/năm (2017-2018), sau giảm dần về 17-18% vào 2019-2020. Đến năm 2021, mức lãi này chỉ còn 14-15%, tuy nhiên vẫn là mức rất cao khi so với các kênh đầu tư khác.
Trước năm 2020, Egroup vẫn trả lãi đầy đủ. Tuy nhiên đến đầu năm 2020, tập đoàn này bắt đầu chây ỳ việc chi trả, thậm chí đơn phương chấm dứt việc thanh toán các khoản lãi mà không có thông báo cụ thể với nhà đầu tư.
1 nhà đầu tư tên Thái Thị Bình, 66 tuổi cho biết: Năm 2021, bà ký 1 văn bản gọi là hợp đồng hợp tác chiến lược với công ty Egame. Theo hợp đồng, bà Bình trả 200 triệu đồng để nhận hơn 5000 cổ phần (khoảng 38.000/cổ phiếu). Công ty cam kết 1 năm sau sẽ tìm người khác mua lại chỗ cổ phần đó hoặc công ty sẽ tự đứng ra mua với giá gần 43.000/cổ. Ngoài ra công ty còn tặng thêm cho bà 141 cổ phiếu (khoảng hơn 5 triệu đồng). Nói chung điều khoản dài dòng nhưng hiểu là công ty cam kết mức lợi nhuận khoảng 18%/năm cho số tiền đầu tư 200 triệu của bà, tức bà sẽ được nhận lại hơn 230 triệu sau 1 năm. Đúng là 1 khoản đầu tư không thể tiềm năng hơn.
Tuy nhiên đến ngày đáo hạn, bà Bình không nhận được tiền về và được thông báo công ty đang khó khăn nên chỉ có thể trả khoản lãi 18%, chứ không thể trả gốc cho bà được. Mà muốn nhận tiền lãi thì bà cũng phải ký thêm 1 hợp đồng gia hạn việc bán lại cổ phần. Không chấp nhận điều kiện công ty đưa ra nên bà đã ngay lập tức đâm đơn kiện. 
Bà cũng cho biết có nhiều nhà đầu tư khác giống như bà là người già, người hưu trí, thậm chí vay nợ để đầu tư cho công ty thì giờ đều đang lâm vào cảnh khốn cùng và rất lo lắng.
Việc chậm trả lãi cũng xảy ra tương tự với những người nắm giữ trái phiếu tại các doanh nghiệp cùng hệ sinh thái của ông Thủy (1 kênh huy động vốn khác).
Theo số liệu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hệ sinh thái của ông Thủy trong giai đoạn 2018-2021 đã phát hành 6 lô trái phiếu, hơn 1.340 tỷ đồng, lãi suất 12-15%. Lãi suất trái phiếu trung bình trên thị trường giao động 9-12%.
Không thể trả nợ cho nhà đầu tư đúng hạn, ban lãnh đạo Egroup xin khất thêm 3-5 năm, tức tối đa đến 2028, theo kịch bản lạc quan nhất. Với những nhà đầu tư không chờ được, Egroup lên phương án cấn trừ bằng các tài sản khác bao gồm bất động sản, gói đầu tư "nhượng quyền" các trung tâm tiếng Anh, học tiếng Anh và các thiết bị gia dụng.
- Nợ tiền học phí, lương nhân viên:
Không chỉ chậm trả lãi cho nhà đầu tư, công ty Shark Thủy còn thất hẹn trong việc trả học phí, nợ lương, tiền bảo hiểm của giáo viên, nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng ở các trung tâm Apax English - mắt xích quan trọng nhất tạo ra nguồn thu cho toàn bộ hệ sinh thái Egroup.
Từ cuối 2019, chuỗi trung tâm Apax English bị nhiều phụ huynh tại TP HCM, Hà Nội, Đăk Lăk, Đà Nẵng khiếu nại, đòi hoàn trả hàng tỷ đồng học phí đã đóng trước vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, ôm tiền bỏ rơi khách hàng, thậm chí dừng hoạt động.
Đến cuối 2023, chuỗi trung tâm tiếng Anh này đã thông báo mất khả năng thanh toán. 
Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, Apax nợ phụ huynh tại đây hơn 108 tỷ đồng, đã trả được 14,2 tỷ, còn gần 94 tỷ đồng. 
Còn theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2024, các công ty trong hệ sinh thái của Shark Thủy đang nợ Bảo hiểm xã hội tổng cộng hơn 100 tỷ đồng.
Chưa kể các khoản nợ tại ngân hàng cũng vài trăm tỷ và nợ lương nhân viên cũng vài chục tỷ đồng.

3, Hậu quả:

Trả lời VnExpress cuối năm 2022, ông Thủy thừa nhận hệ sinh thái "gặp khó khăn trên nhiều mặt", lớn nhất là dòng tiền. Trong cuộc họp nhà đầu tư đầu tháng 8/2023, Chủ tịch Egroup cũng cho rằng nguyên nhân cốt lõi dẫn đến khủng hoảng do mô hình kinh doanh "tăng trưởng nhanh bằng vay nợ". 
Ông Nguyễn Ngọc Thủy phát biểu tại buổi đối thoại
Ông Nguyễn Ngọc Thủy phát biểu tại buổi đối thoại
Năm 2022, Shark Thủy đã quay lại Shark Tank, tuy nhiên không phải với vai trò nhà đầu tư rót vốn mà là với vai trò chủ doanh nghiệp đi gọi vốn để cứu chính các dự án đã đầu tư của mình.
2 năm sau Covid qua doanh nghiệp của ông tái cấu trúc, dùng hết tài sản từ nhà cửa, đồ dùng cho đến bất động sản để gán nợ. Thế nhưng vẫn không thể lấy được niềm tin từ nhà đầu tư, cổ phiếu của Apax cứ thế mà cắm đầu giảm, về mức giá “trà đá” chỉ dưới 2000. Thậm chí bị hủy niêm yết trên sàn Hose và đình chỉ giao dịch do vi phạm nghiệm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. 
Cho đến ngày 26/3/2024, ông Thủy chính thức bị bắt giữ và điều tra.
Tin vui sau cùng là ngay sau khi bị khởi tố, ông Thủy đã ủy quyền điều hành và chuyển toàn bộ quyền sở hữu cổ phần tại 2 doanh nghiệp này cho em gái là bà Nguyễn Thị Dung. Mục đích để “đảm bảo hoạt động ổn định tại các đơn vị thành viên và đảm bảo quyền lợi cho các học viên, khách hàng, đối tác và cổ đông công ty”, đại diện Tập đoàn Egroup cho biết.
Ít nhất thì nhà đầu tư và khách hàng cũng có thể an tâm phần nào và chờ đợi các phương án xử lý tiếp theo.

4, Kết luận: 

Vậy là, lại thêm 1 công ty nữa lừa đảo nhà đầu tư bằng việc đưa ra mức lãi suất cao cho các khoản tiền huy động, tiền vay. Tất nhiên lý do có thể là do Covid, tuy nhiên sai vẫn vẫn là sai, lừa đảo thì vẫn là lừa đảo. Và người chịu thiệt vẫn là những nhà đầu tư đã tin tưởng và đưa tiền cho Shark.
Nhà đầu tư vì tham các khoản lợi nhuận kếch xù mà sẵn sàng đưa tay, bỏ qua các yếu tố rủi ro còn lớn hơn rất nhiều đang trực chờ phía sau. Vì thực tế trong đầu tư thì không có gì lợi nhuận cao mà rủi ro lại thấp như những thứ mà các công ty lừa đảo luôn thủ thì vào tai chúng ta cả. 
Từ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, rồi hằng hà sa số các vụ lừa đảo kiểu như vậy đã, đang và sẽ xuất hiện trên thị trường. Phương pháp, cách thức có thể khác nhau đôi chút, nhưng kết quả thì luôn chỉ có 1, và kết quả đó thì thường không vui dành cho các nhà đầu tư xấu số.
----------------------------------------------------
Trang cá nhân tác giả: https://tinyurl.com/6p7ndj6r