Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Nếu đã đọc bài review mình viết gần đây về Wayfarers, anh em hẳn sẽ biết cái bộ này được định nghĩa bởi một niềm lạc quan gần như bất tận. Trên thực tế, Wayfarers dồi dào lạc quan tới độ lắm khi đọc thấy cứ… trẻ con thế nào ấy. Nhưng dẫu mang nét trẻ con như vậy, Wayfarers nhìn tổng thể chẳng hề thiếu nhi chút nào. Các truyện trong bộ này vẫn mang lại được một cảm giác nghiêm túc bất ngờ, ngang ngửa hay thậm chí còn ăn đứt mấy tác phẩm “người lớn.” Một trong những thứ làm nên sự nghiêm túc của series là cách nó chẳng bao giờ đưa ra một phương án “mì ăn liền” nào cho những vấn đề của mình cả.
Anh em đọc SFF hẳn cũng chẳng còn lạ gì với kiểu nhiều tác phẩm rất thích để mọi vấn đề trong câu chuyện của mình được giải quyết một cách khá là êm đẹp khi lết về đến cuối. Chỉ cần đấm cho Chúa Tể Hắc Ám ngã lăn quay cu lơ ra đất, lật đổ được chính phủ tàn ác thống trị, phế truất được gã CEO gian xảo, cho nổ tung xác được tàu mẹ của bọn ngoài hành tinh xâm lược coi như mọi thứ xong hết cả rồi. Hòa bình liền được lập lại, nhân dân được yên ổn tận hưởng cuộc đời ấm no, kẻ địch hoặc cong đuôi chạy không bao giờ dám bén mảng trở lại hoặc bị trừ diệt hoàn toàn, những chủng tộc trước kia là thù nay lại khoác tay nhau làm bạn. Nói chung, lúc về cuối, đáp án của tác phẩm sẽ giải quyết khá triệt để mọi thứ. Cứ lắp đáp án vào là đâu đều sẽ vào đó cả.
Mỗi tội thực tại thường chẳng bao giờ đơn giản như thế cả.
Trong mọi vấn đề, ta luôn có những thứ mang tính bề nổi và cả những nguyên nhân sâu xa dẫn đến nó. Kể cả nếu có trị được mấy thứ bề nổi, nếu không tìm cách giải quyết cái gốc rễ, vấn đề không sớm thì muộn cũng sẽ tái xuất hiện, hoặc mang nguyên dạng hình cũ hoặc dưới một dạng hình mới. Sở dĩ Chúa Tể Hắc Ám lên nắm được quyền lực vì lũ quỷ bị mấy thành phần thượng đẳng phân biệt kinh quá, giờ đập chết hắn rồi mà vẫn kỳ thị quỷ tiếp thì bao lâu nữa một tên khác trỗi dậy đây? Chính phủ hồi trước cai trị với quả đấm sắt là vì dân tình quá máu chiến và hay gây gổ, giờ đưa người lên thay thì trị dân kiểu gì nếu không tiếp tục rắn tay nào? CEO bị cho mất chức thì ok rồi, nhưng cái hệ thống cho phép tên CEO ấy lộng quyền vẫn còn thì giải quyết thế nào đây?
Khốn nạn là những vấn đề mang tính gốc rễ như vậy cực kỳ khó có câu trả lời gọn ghẽ. Không ai có thể đấm chết cụ đói nghèo, phân biệt giai cấp, phân biệt chủng tộc, và đủ thứ yếu tố xã hội khác đã sản sinh ra những vấn đề kia. Sẽ không có chuyện ta tìm được một đáp án lắp bụp phát vào là yên ổn hết sạch, như kiểu 1 + 1 = 2, mà những vấn đề này đòi hỏi phải giải quyết nó theo kiểu nhích từng bước, chơi kiểu 1 + 1 = 1,00000001 + 0,99999999 = 1,00000002 + 0,99999998 = 1,00000003 + 0,99999997 = … Liệu cái chuỗi này có lết đến được 2 không, ta sẽ chẳng bao giờ biết cả, và chốt lại tác phẩm với một đáp án ỡm ờ như thế thì hơi khó để tạo sự thỏa mãn cho người thưởng thức.
Tuy nhiên, Wayfarers rất mạnh dạn nhìn nhận cái thực tế này, và thường để cho các tác phẩm của mình chốt lại với việc thực tại không hề thay đổi, nhưng cũng bắt đầu có một số bước nho nhỏ để 1 + 1 tiến dần về 2. Thể hiện rõ nhất điều ấy có lẽ sẽ là Record of a Spaceborn Few, cuốn thứ 3 trong series.
Record of a Spaceborn Few lấy bối cảnh là một xã hội du mục loài người, sinh sống trên một hạm đội gồm 31 con tàu không gian, có tên là Exodus Fleet. Hạm đội này là nỗ lực sinh tồn tuyệt vọng của con người, được xây dựng khi Trái Đất đã trở nên không còn sinh sống được nữa, và là mái nhà mới của nhân loại, trôi dạt giữa không gian. Vì tài nguyên trên tàu rất hạn hẹp, loài người hình thành một thể chế tương tự mô hình cộng sản/xã hội chủ nghĩa. Tất cả mọi thứ, chạy từ lương thực, thuốc men, nguyên liệu thô cho đến cả không khí sạch đều được gộp chung lại và phân bổ đồng đều cho tất cả mọi thành viên trong hạm đội, và ai cần cái gì thì sẽ đổi chác đồ với nhau. Mô hình này giúp dân trên Exodus Fleet (gọi là Exodan) về cơ bản không ai chết đói cả, nhưng họ có một cuộc sống khá kham khổ.
May mắn thay, giữa lúc đang trôi dạt ngoài không gian, Exodus Fleet đã gặp gỡ một liên hiệp các nền văn minh ngoài hành tinh có tên là Galactic Commons (gọi tắt là GC), và đã được họ kiếm cho một ngôi sao vô chủ để neo đậu tàu mình xung quanh, xây dựng một mái nhà mới, đồng thời có cơ hội đổi chác với các công dân GC khác. Nhờ đó, dân Exodan có cơ hội tiếp cận với trọng lực nhân tạo, nguồn năng lượng ổn định, và hàng loạt những công nghệ tiên tiến khác để giúp cải thiện đời sống của mình.
Tuy nhiên, vấn đề của dân Exodan không hề biến mất, mà nó chỉ chuyển đổi sang một dạng khác. Thậm chí, họ còn gặp phải nhiều vấn đề mới nữa.
Vấn đề đầu tiên Exodus Fleet gần như chẳng sản xuất được cái gì mà các nền văn minh khác cần hết, thế nên họ về cơ bản phải sống nhờ lòng hảo tâm của các nền văn minh khác. Rất nhiều người cảm thấy bất mãn với cảnh sống ở đây, thế là ngày một nhiều dân Exodan bỏ xứ đi bươn chải kiếm sống ở những vùng GC khác, khiến Exodus Fleet cứ dần dần bị chảy máu dân cư. Nó chưa đến nỗi trở thành một “thị trấn” ma, nhưng lượng người sinh ra ngày càng không bù nổi với lượng người rời đi, và chắc chỉ tầm một vài thế kỷ gì đó, Exodus Fleet sẽ chẳng còn mấy ai cư ngụ nữa.
Vấn đề thứ hai là dù chẳng có nhiều mặt hàng để trao đổi, Exodus Fleet vẫn sở hữu một số thứ có giá trị. Chính bởi vậy, tài nguyên giờ đã có thể rời Exodus Fleet để đi ra ngoài, và dòng tiền của GC đã có thể tràn vào hệ thống. Bên cạnh đó, những con người rời quê lập nghiệp vẫn hay gửi tiền về cho gia đình, tạo thành một dòng kiều hối cho Exodus Fleet, khiến sự hiện diện của ngoại tệ trong nền kinh tế Exodus Fleet càng thêm phần rõ rệt. Điều này khiến nền kinh tế khép kín của Exodus Fleet bị ảnh hưởng rất mạnh, và chính phủ Exodus Fleet phải rất mệt mỏi để đảm bảo xã hội mình khỏi bị xáo trộn quá nhiều.
Vấn đề cuối cùng là sự giàu có của GC và sự nghèo nàn của Exodus Fleet còn có tác động rất lớn đến văn hóa của dân Exodan. Trẻ con trên Exodus Fleet ngày càng trở nên sính ngoại hơn, nói tiếng Klip (ngôn ngữ chung của GC) còn sõi hơn cả tiếng Ensk (tiếng mẹ đẻ trên Exodus Fleet), và ngày một cảm thấy chán ngán với các bản sắc truyền thống của mình. Điều này kết hợp với sự tự ti sẵn có về cái bản chất Đỗ Nghèo Khỉ của bản thân khiến dân Exodan thế hệ cũ nhìn chung không mấy thiện cảm với người ngoài, dù cho họ là người ngoài hành tinh hay con người sinh ra ở những vùng miền khác trong GC.
Những vấn đề này được nêu ra và bàn luận rất kỹ, nhưng đáng chú ý là cho đến tận những dòng cuối cùng của tác phẩm, ta không hề có một giải pháp triệt để nào. Dân Exodan vẫn cứ rời GC mà đi, trẻ con nhìn chung vẫn cứ me GC như cũ, và Exodus Fleet vẫn cứ tồn tại trên một cái nền kinh tế bấp bênh như vậy. Tuy thế, Becky Chamber lại rất khéo léo đưa ra một số giải pháp “mầm.” Nói ra thì hơi lộ cốt, nhưng chúng nó về cơ bản rất vặt vãnh, chẳng thể nào chặn đứng được những gì đang diễn ra trong một sớm một chiều, hay thậm chí có khi còn chưa chắc sẽ giải quyết được gì cả. Dẫu vậy, đây vẫn là những bước nhằm đánh thẳng vào gốc rễ vấn đề chứ không xoáy vào những thứ mang tính bề nổi.
Dù hơi khó thực hiện, cái kiểu mô típ đấy cũng không hẳn là quá hiếm trong Sci Fi. Một ví dụ khác ta có thể nhìn vào là tiểu thuyết Dogs of War của Adrian Tchaikovsky.
Trong tác phẩm này, nhân loại đã tạo ra hàng loạt chủng thú đột biến để phục vụ mình, và trong số đó có mấy con bị bắt đi làm lính đánh thuê. Lúc các tội ác chiến tranh ghê rợn mà bọn thú bị ép phải thực hiện bị phơi bày trước mắt bàn dân thiên hạ, công chúng trở nên hãi sợ tới mức đã tống thẳng bọn thú kia vào các trại tập trung, bất kể chúng nó có phải là thú phục vụ cho quân đội hay không, và tí nữa thì đưa hết bọn nó vào phòng hơi ngạt cho đủ combo.
May mắn là trong phiên tòa xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế, tòa đã cho bọn nó được quyền sống. Dẫu vậy, phán quyết này của tòa vẫn chỉ xử lý được một vấn đề bề nổi, còn sự phân biệt và sợ hãi của con người đối với lũ thú này vẫn chẳng thể động vào được, khiến cuộc sống sau khi phiên tòa kết thúc của chúng nó vẫn rất khốn đốn. Đến cuối truyện, tình hình có được cải thiện thêm tí chút, nhưng về cơ bản vẫn chẳng ra đâu vào với đâu cả.
Một tác phẩm khác cũng đáng được nhắc đến là bộ phim Dredd do Pete Travis đạo diễn, chuyển thể từ series truyện tranh Judge Dredd.
Phim lấy bối cảnh là Mega-City One, một thành phố Mỹ trong tương lai, nơi tội ác và tệ nạn lan tràn. Để giữ gìn trật tự trị an, chính phủ đã thành lập một lực lượng có tên Thẩm phán. Những người này được toàn quyền bắn giết tội phạm, đóng vai từ công an đến tòa án di động luôn, và họ tận dụng triệt để quyền lực của mình.
Tuy nhiên, bất chấp có hạ bao nhiêu tên tội phạm, họ về cơ bản chỉ đang hớt váng bề mặt. Những nguyên nhân tiềm ẩn trong xã hội không hề được động đến, và chẳng ai chịu tìm giải pháp cho nó cả, thế nên tỉ lệ tội phạm vẫn cứ như cũ. Trên thực tế, khi Dredd cùng cộng sự đã xử được phản diện chính của câu chuyện, phim còn nói huỵch toẹt luôn ra rằng mọi thứ họ làm chỉ công cốc, và thậm chí tùy cách nhìn nhận, có khi còn khiến sự tình trở nên tồi tệ hơn.
Mảng Fantasy cũng không thiếu trường hợp tương tự Record of a Spaceborn Few. Một ví dụ ta có thể kể đến là bộ truyện The Heroic Legend of Arslan do Yoshiki Tanaka sáng tác.
Truyện lấy cảm hứng từ bộ sử thi Amir Arsalan của Ba Tư, diễn ra tại một xứ tương tự Trung Đông cổ đại, xoay quanh hành trình phục quốc của một hoàng tử mang tên Arslan. Arslan là một con người bản tính tốt bụng, thực lòng muốn mọi thần dân của mình được hưởng một cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, vì còn trẻ người non dạ, thanh niên nhiều lúc chỉ nhìn được thứ bề nổi chứ chẳng để ý đến những nguyên nhân sâu xa. Ví dụ như một lần nọ, sau khi đã tiêu diệt được một lãnh chúa mưu mô hại mình, Arslan đã trả tự do cho tất cả nô lệ của lão. Nhưng bất ngờ thay, đám nô lệ lại xông vào tấn công Arslan.
Về sau, một quân sư của Arslan đã bảo với đồng chí này rằng Arslan đúng là đã giải phóng cho đám nô lệ kia đấy, nhưng thứ được tự do chỉ là thân thể họ thôi, còn não trạng họ vẫn là nô lệ như cũ. Họ không biết bất kỳ một cảnh sống nào khác ngoài kiếp nô lệ, và vì lão lãnh chúa kia đã đối xử tương đối tử tế với họ, họ cảm thấy Arslan như vừa hủy hoại cuộc đời mình. Vị quân sư còn kể thêm rằng chính anh ta cũng từng thử trả tự do cho nô lệ của mình rồi, thậm chí còn cho họ tiền để đi gầy dựng cuộc sống mới, nhưng chỉ một thời gian sau là tất cả những nô lệ ấy đều quay về và van xin vị quân sư hãy cho mình phục dịch tiếp. Nguyên do là họ thiếu hụt quá nhiều kỹ năng cũng như định hướng để tận dụng sự tự do của mình, và chừng nào mấy điều này chưa được giải quyết, chừng ấy trả tự do cho nô lệ sẽ chẳng giải quyết được gì cả.
Một ví dụ thú vị khác cũng đáng nhắc đến là tựa game Hollow Knight do Team Cherry phát triển.
Game lấy bối cảnh ở Hallownest, một vương quốc của những loài bọ cấu thành từ một mạng lưới hang động và đường hầm rộng lớn. Hallownest từng một thời phát triển hết sức thịnh vượng, nhưng sau đó đã bị một căn bệnh bí hiểm nào đó tàn phá. Hàng ngàn công dân của vương quốc bọ đã mắc căn bệnh quái ác này, khiến họ trở nên đột biến và điên loạn, khiến vương quốc Hallownest trở nên điêu tàn. Sau một thời gian dài nghiên cứu, vua xứ Hallownest đã phát hiện ra căn bệnh này do một thực thể mang tên Radiance gây ra. Để ngăn chặn căn bệnh, nhà vua đã chế ra một tạo vật “trống rỗng.” Tạo vật này không có ý chí, không có linh hồn, không có thứ gì Radiance có thể lợi dụng được, mà chỉ chứa đầy một thứ gọi là Void, một chất có thể giam cầm Radiance. Tạo vật Void kia được gọi là Hollow Knight, và nhà vua đã xoay xở nhốt được Radiance vào thân xác của Hollow Knight, từ đấy chặn đứng căn bệnh và cho Hallownest thời gian phục hồi.
Tuy nhiên, mọi tạo vật có suy nghĩ đều có ý chí, và ngay cả Hollow Knight cũng không phải là ngoại lệ. Chính thế nên Radiance đã có thể xâm chiếm Hollow Knight, và từ đó làm căn bệnh quái đản một lần nữa lan tràn khắp Hallownest. May mắn là về sau, một hiệp sĩ bọ đã xuất hiện, và giúp đẩy lùi căn bệnh ấy. Tuy nhiên, trong một cái kết của game, cách căn bệnh ấy bị đẩy lùi là hiệp sĩ bọ kia thế vào chỗ của Hollow Knight, trở thành nhà tù mới cho Radiance. Điều này cho phép Hallownest một lần nữa sạch bóng bệnh dịch, nhưng nó vẫn không giải quyết triệt để cái vấn đề ẩn đằng sau. Cũng như Hollow Knight, hiệp sĩ bọ kia cũng có ý chí, và ý chí ấy có thể bị Radiance lợi dụng. Hành động thế thân của hiệp sĩ ấy không giải quyết dứt điểm vấn đề cốt lõi là cái thực thể mang tên Radiance, mà chỉ mang tính chữa cháy bề mặt là đổi một nhà tù không hoàn hảo lấy một nhà tù cũng không hoàn hảo khác, được cái mới hơn. Điều này đảm bảo căn bệnh rồi sẽ lại lây lan ra ngoài, và Hallownest sẽ một lần nữa sụp đổ.
Như anh em có thể thấy đấy, Record of a Spaceborn Few nói riêng và bộ Wayfarers nói chung không phải là tác phẩm SFF duy nhất có sự xuất hiện của các vấn đề bề nổi và những cội rễ sâu xa hơn. Tuy nhiên, hầu hết những thằng áp dụng mô típ này đều có một sắc tăm tối khá rõ nét. Vừa thừa nhận sự gian nan của thực tại, vừa vẫn giữ được vẻ lạc quan ngời ngời như Wayfarers thì kể cũng khá đặc biệt.
Xem bài viết gốc tại: