Mình thấy bài viết khá hay nên chia sẻ cho mọi người. Không phải do mình viết. Let's go nào!!!
Trong suốt hàng trăm năm, bằng truyện cổ tích và phim ảnh, cả nhân loại đang bị đầu độc từ thuở nằm nôi, trôi qua tuổi dậy thì, tới cả khi cưới vợ gả chồng mới vỡ mộng vì một thứ tiểu-thuyết-hoá-thực-tế.
Người đời ca tụng và viễn tưởng hoá tình yêu lứa đôi và hôn nhân như bến bờ và đỉnh cao nhất của "HẠNH-PHÚC". Rằng trong cuộc đời này, mục tiêu cao cả và vĩnh hằng nhất của đời người là tìm ra cho mình một người bạn đời hoàn hảo. Và ai cũng nhận được lời hứa hẹn cho tất cả những nỗ lực cùng cực ấy, cứ cố gắng đi rồi bạn sẽ trúng một lá số mang tên: “Hạnh phúc mãi mãi về sau. Happily ever after!”.
Để rồi, sự ca tụng và đầu độc này vô tình đem đến 3 kết quả ám ảnh phần lớn chúng ta trong suốt quãng đời tuổi trẻ:
- Những người 1 mình mặc cảm về sự 1 mình của bản thân như một thứ tội lỗi. Như thể đó là một điều sai trái, một thứ lỗi lầm đáng xấu hổ, rằng hẳn mình mắc phải một thứ vấn-đề gì đó nên cơ sự mới xảy ra thế này. Và kế tiếp theo, một là chúng ta cố gắng fix bản thân, một thứ chưa bao giờ hỏng, để đáp ứng chuẩn mực có đôi có cặp của xã hội (mà thực ra chúng ta có thể không hề cần). Hai là lựa chọn bừa một kẻ lang thang bất kỳ, kết đôi, và tự an ủi bản thân rằng "Ồ, vậy là rốt cục mình cũng đã có một mối quan hệ", dù rằng, đó là thứ chẳng làm cả 2 vui vẻ gì.
- Tất cả những gì chúng ta làm, những học hành, một công việc hào nhoáng, một vỏ bọc chỉnh chu, một facebook up toàn ảnh đẹp, những status so-deep, quần áo, phẫu thuật thẩm mỹ, gym hùng hục 3 tiếng mỗi ngày... Cuối cùng chỉ vì sự cố gắng giúp ta có môt người bạn đời tốt hơn. Và khi người bạn đời chẳng hoàn hảo như ta kỳ vọng sau bao tháng ngày rơi mồ hôi sàn tập, người ta thất vọng chỉ muốn hất đổ cả mâm cơm.
- Chúng ta cùng kiệt nỗ lực để đi đến 1 nơi tưởng như hạnh phúc phía cuối con đường, một cuộc kết hôn, và rồi đau lòng nhận ra lời hứa: "Hạnh phúc mãi mãi về sau" chỉ là một cú lừa to đùng, chỉ có trong cổ tích phim ảnh. Và việc duy trì một gia đình, chuyện vợ chồng, con cái, thậm chí ly hôn... xé tan nát ảo mộng từ thuở bé của ta về việc ghép cặp và kết hôn.
Vậy đấy! Nhưng...
Không ai kể cho bạn nghe, một cá nhân độc lập luôn có thể hạnh phúc ra sao, và có thể tự tạo nên hạnh phúc của mình như thế nào. Chúng ta luôn nghĩ mình cần một ai đó bù đắp, 1-nửa nữa để tạo nên hạnh phúc vẹn tròn. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ, bản thân bạn đã là một chỉnh thể hoàn chỉnh, bạn thừa đủ khả năng và điều kiện tự tạo cho mình hạnh phúc mỗi ngày. Một thứ hạnh phúc tự thân sinh ra, tự bạn tạo nên, do bạn, cho bạn, vì chính bạn. Đó chính là khởi điểm của thuật ngữ: “Self-filling” - Hạnh phúc tự thân. Bạn không cần ai khác, chờ ai khác để tự làm mình cảm thấy hạnh phúc.
“Self-filling”, dịch ra mang nghĩa: “tự làm đầy”. Tự khoả lấp các khoảng trống của sự cô đơn vô nghĩa, những u hoài, phân vân bằng niềm vui sướng, hạnh phúc của bản thân. Khoảng trống trong lòng bạn lúc này càng nhiều, càng có nhiều chỗ để đổ thêm hạnh phúc vào. Và việc này là do bạn tự làm, chứ ko phải ai khác, không phải bố mẹ bạn, sếp bạn, càng không phải anh hoàng tử trym to đâu đó đang mải uống trà đá và Tinder ngoài kia.
---
Cách đây 8 năm, sếp cũ đã nói với tôi, tôi dường như là biểu tượng của sự độc thân hoàn hảo, ngay cả khi tôi đang có người yêu. Và đến bây giờ, bạn bè tôi vẫn thấy tôi thanh thản, nhẹ nhàng, hạnh phúc từng ngày vui sống dù chẳng còn người yêu bên cạnh. Sự độc thân hoàn hảo (dù ngay cả đang trong một mối quan hệ) ở đây, là việc sự vui sống của cá nhân ta không phụ thuộc vào ai khác, trừ chính mình, không vì mất đi người yêu mà tự bản thân hoá thành ủ dột, bất cân bằng.
Qua 3 cuộc tình gần nhất, 3 người như một, thứ người yêu tôi than phiền nhiều nhất đơn giản là: “Tao thấy mày ổn, quá ổn tới mức dường như không cần tao, mày vẫn sống vui, sống khoẻ được.” Tóm lại, tôi chưa bao giờ khiến người tôi yêu có áp lực phải làm tôi vui, bởi đơn giản, chẳng cần làm gì, ngay cả khi không có người yêu, tôi đã vui sẵn rồi. (Tất nhiên, lúc này, vô hình chung, người yêu tôi sẽ bị áp lực tìm ra một vai trò gì đó của họ trong cuộc sống mà niềm vui luôn quá đủ đầy của tôi. Một niềm vui dạng khác?).
Có rất nhiều tài liệu thú vị, hướng dẫn mọi người tự nhận ra niềm vui trong chính bản thân mình và tự tạo nên trạng thái hạnh phúc, thoả mãn với cuộc sống. Tôi mới đọc trong “Hardwiring happiness" của Rick Hanson có những ý tưởng khá đồng điệu với tôi về self-filling.

1. Nhận ra giá trị bản thân

Tìm ra giá trị của bản thân là bước đầu tiên để tìm thấy tình yêu với chính cá nhân mình. Tình yêu tự thân là hạt nhân cho cảm giác hạnh phúc khi nhìn thấy bản thân tốt đẹp hơn mỗi ngày, và tạo động thực “đổ đầy” niềm vui của chúng ta.  
Mỗi người có một bản sắc và tính cách đáng ngưỡng mộ, đáng để chính chúng ta trân trọng và yêu thương. Trước khi khiến ai đó yêu quý mình, chính ta phải yêu quý giá trị cốt lõi của bản thân trước đã. Mặc kệ quan điểm của bất kỳ ai, của chuẩn mực xã hội nào, và dù trong một hình hài xấu xí kết hợp tham ăn, vẫn có 1 thứ để chúng ta tự hào và lấy làm hạt nhân của việc tự yêu thương bản thân. Hãy tìm ra nó, và yêu thương nó.

2. Đặt bản thân làm then chốt của hành động

Nên hiểu hành động “filling" - đổ đầy ở đây theo 2 nghĩa:
1. Hoàn thiện bản thân: về sức khoẻ, về hình ảnh, về học thức và kỹ năng.
2. Tự chăm sóc bản thân và thưởng cho mình những niềm vui xứng đáng.
Bạn chỉ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn khi hành động ở vế thứ 1 rồi mới đến vế thứ 2.
Hãy lấy chính bản thân mình làm động lực để hoàn thiện nó mỗi ngày. Để tập thể dục, cải thiện chế độ ăn uống, đọc sách, học tập, làm việc, tất cả mọi thứ. Để mỗi sáng thức dậy, nhìn vào gương, bạn thấy cơ thể mình khoẻ mạnh hơn, hiểu biết hơn và thành công hơn ngày hôm qua. Khi tự nhìn thấy mình hoàn thiện hơn từng ngày, cảm giác thoải mái, vững vàng, sự tự tin bên trong, cũng như tình yêu với bản thân bạn cũng ngày một lớn hơn, cho bạn các bước đà để tiếp tục đạt đến các kết quả và thành công cao hơn.
Sau khi vun đắp và xây dựng một tình yêu với bản thân đủ lớn, bạn sẽ không cho phép mình ngủ quá trễ, ăn một món không ngon hay hẹn hò với một kẻ tệ hại. Đó cũng là một cách tự chăm sóc và trân trọng bản thân. Và để rồi mỗi khi bản thân thấy mỏi mệt và cần sự thư giãn, bạn hoàn toàn thanh thản tự thưởng cho mình những niềm vui và sự nghỉ ngơi xứng đáng.

3. Nếu buồn, đừng ngồi nghĩ, hãy hành động

Một trong những khổ ải và dằn vặt nhất khi một mình là những khoảng thời gian “chết”, lúc bạn không biết phải làm gì, hoặc chần chừ làm thứ mình thích vì đợi có người làm cùng. Chừng nào sự vui vẻ và hạnh phúc của bạn còn bị gián đoạn bởi việc “chờ ai đó”, thì đấy, bạn đã quay lại vòng luẩn quẩn của việc bị động đợi chờ hạnh phúc. Mãi mãi là kẻ phụ thuộc, há miệng đợi táo chín.
Khó khăn khi mới bắt đầu, nhưng tới giờ tôi vẫn không thể quên tâm trạng chuyến du lịch một mình đầu tiên của tôi tại Taipei. Sự tự do tự tại, những lúc được trò chuyện trong đầu một mình, tận hưởng và lắng nghe tất cả những tiếng nói và phản ứng cơ thể, giao tiếp với những người lạ mặt. Đó là một sự trưởng thành dài và thú vị trong tâm trí của tôi. Với tâm thế một người một mình ở bất cứ đâu, từ đi du lịch, tới dùng bữa tối một mình trong thành phố quen thuộc, cá nhân tôi trở nên một sinh thể độc lập một cách hoàn toàn tự nhiên và cởi mở. Mỉm cười với người ngồi cùng bàn, và sẵn sàng cho một câu truyện trong quán bar sau vài ly rượu.
Bản tính của một “doer", tôi không tin lắm vào kiểu tình yêu thuần ý chí và lời nói, không bao gồm hành động, ngay cả tình yêu dành cho bản thân. Thay vì sầu não vì các mối tình đã qua hay khoảng thời gian dằn vặt khi 1 mình, tôi thực ra quá bận với việc đọc sách, đi du lịch, gặp thêm những người mới, tìm tòi về business mới, rảnh hơn chút thì đi học thêm 1 khoá học về online marketing, về vẽ tranh sơn dầu, về nặn gốm, về bắn tên, về nấu ăn. Đấy là trong 1 phút tôi có thể liệt kê đủ thứ tôi muốn làm, thì thời gian đâu để tiếp tục ủ dột nghĩ về những nỗi buồn do một con người khác nằm ngoài thân xác của tôi?
Nếu rảnh, nếu buồn, đổ đầy thời gian rảnh và buồn kia bằng một thứ gì đó có ích hơn cho bản thân. Đó là nguyên tắc cơ bản của self-filling!
---
Vậy đấy,
Sự yên a trong tự do, hạnh phúc một mình cho chúng ta một tâm thế vững chãi, bình tĩnh khi lựa chọn bạn đời. Sự kiệt quệ cảm xúc trong cô đơn giày xéo như một cơn đói, người ta có xu hướng vồ vập ngay thứ trước mắt, tống vào mồm ngấu nghiến cho thoả cơn, bất chất nó có thể đầu độc cơ thể ra sao, và rồi ngay khi ăn xong, bật khóc vì hối hận (hoặc đau bụng?). Lúc này, thực ra chúng ta có đang nhầm lẫn: Mình thực sự yêu cá nhân kia, hay chỉ muốn thoát ra cảm xúc cô đơn đang dằn vặt nhất thời.
Tôi đã chứng kiến quá nhiều mối hôn nhân dùng để khoả lấp sự cô đơn. Một cô dâu bật khóc ngay tuần đầu tiên chung sống, nhận ra đây là sai lầm lớn nhất cuộc đời mình, bế tắc và không thể thoát ra, một người chồng ngoại tình chỉ sau 3 tháng kể từ ngày cưới, những cái thai và đứa trẻ được tạo ra nhằm níu kéo một mối hôn nhân vô nghĩa, mà cô dâu sau đó tự nhủ, sẽ ko bao giờ để bị-lừa-có-thai lần nữa? Rốt cục, chúng ta đang tự buộc mình vào thứ gì vậy?
Tôi tin rằng, vị thế bạn tạo dựng khi độc thân, chính là vị thế bạn sẽ tạo dựng được trong hôn nhân. Sự tỉnh táo và chín chắn, đến từ sự bình ổn lắm lý khi một mình, giúp bạn lựa chọn đc một người bạn đời tử tế hơn nhiều, không vội vã. Cũng như thậm chí, sẵn sàng chia tay và rời bỏ, không hoảng sợ, nếu một ngày bạn phải đi đến quyết định ly hôn.
Tôi tin một câu nói:
“If you aren't happy single, you won't be happy taken. Happiness comes from within, not from others.”
Nếu bạn không thể tự làm cho mình cảm thấy hạnh phúc, bạn trông chờ gì vào một ai khác sẽ đem đến cảm giác hạnh phúc cho bạn?
Quay trở lại với 3 vấn đề ở đầu note này, khi bạn tự hiểu mình là tâm điểm, là nút thắt tạo nên hạnh phúc của bản thân, bạn sẽ luôn hài lòng về vị thế độc thân của mình. Thứ 2, mọi hành vi bạn làm bây giờ, bạn làm việc, tập thể dục, học hành, thay vì hướng vào một đối tượng bên ngoài, tỏ vẻ show-off cho ai đó thấy, ai đó công nhận, giờ sẽ chỉ còn tập trung vào 1 lý do duy nhất: vì-bạn-mà-thôi!
Chúc vui!
#happysingle
(*Trong series note: Mỗi ngày học một điều mới.
Self-filling trong thuật ngữ này không liên quan tới hiệu ứng tâm lý self-fulfilling prophecy.)
việc kết hôn vội vàng sau chỉ 1 nụ hôn, thường ko bao giờ đi đến kết quả hạnh phúc. - a fairy tale said.
Nguồn: HHT