Vì sao tình yêu tan vỡ?

Năm 1960, nhà xã hội học Ira L. Reiss đã đề ra Học thuyết Bánh xe Tình yêu (Reiss’ Wheel Theory of Love), khái quát hóa chu kỳ tuần hoàn tuyến tính của quá trình lựa chọn đối tượng, tán tỉnh, và phát triển mối quan hệ. Chu kỳ này bao gồm bốn giai đoạn liên quan mật thiết đến nhau, được hiểu là bốn “nan hoa” của một bánh xe.

Giai đoạn 1 – Xây dựng mối quan hệ gần gũi (Rapport)

Chúng ta gặp gỡ người khác, xây dựng mối quan hệ dựa trên nền tảng tương đồng về văn hóa, tầng lớp xã hội, tôn giáo, trình độ học vấn -- nếu không có chúng thì hai người khó tìm thấy sự kết nối về mặt nội tâm. 
Thế còn khái niệm các tính cách đối nghịch thu hút nhau? Nhiều trường hợp thực tế và nghiên cứu cho thấy những tính cách khác biệt có khả năng hấp dẫn nhau, nhưng đồng thời chúng phải có tính chất bổ sung cho nhau (Winch 1954). Kể cả như vậy đi chăng nữa, nhiều nhà nghiên cứu vẫn tin rằng để khắc phục những điểm khác biệt cơ bản, một cặp đôi phải có sự tương đồng trong giá trị văn hóa (Murstein 1971).

Giai đoạn 2 – Quá trình tự thể hiện bản thân (Self-Revelation)

Nơi niềm tin được thiết lập. Hai người thoải mái thể hiện và tìm hiểu những hy vọng, tham vọng và nỗi sợ của nhau. Sự bộc lộ bản thân có xu hướng dẫn đến hoạt động tình dục. Ở giai đoạn này, sự tương đồng về hoàn cảnh kinh tế và giá trị văn hóa quyết định mức độ sẵn sàng chia sẻ thông tin của chúng ta, vì ta có xu hướng không tin tưởng những người khác với mình. Do đó, điều này còn đóng vai trò lớn trong việc lựa chọn bạn tình tiềm năng (Williams, Sawyer & Wahlstrom, 2013)

Giai đoạn 3 – Sự phụ thuộc lẫn nhau (Mutual Dependency)

Giai đoạn 3 là lúc mối quan hệ dần vững chắc và điều hòa những ý tưởng, niềm vui, ham muốn tình dục. Đây là lúc hai người chính thức trở thành một cặp đôi. Thông thường các cặp đôi sẽ tham gia du lịch, xem phim, hẹn hò lãng mạn, đi ngủ cùng nhau. Hoàn cảnh văn hóa, xã hội, tuổi tác, tiêu chuẩn tương đồng đóng vai trò quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến hành vi mà cả hai người đều chấp nhận được.

Giai đoạn 4 – Nhu cầu hoàn thiện nhân cách (Personality Need Fulfillment)

Cuộc sống của các cặp đôi trở nên đan xen -- họ tâm sự, đồng cảm, đưa ra quyết định cùng nhau, củng cố sự tự tin và hỗ trợ để đạt những mục đích sâu sắc hơn. Trong giai đoạn này, mối quan hệ đã hình thành một mô hình nhất quán, tình yêu và sự tôn trọng tiếp tục được phát triển. Nếu quá trình giao tiếp xây dựng mối quan hệ tăng, thì sự khám phá và phụ thuộc cũng ngày càng tăng dần. Ngược lại, nếu một hoặc nhiều giai đoạn trên thuyên giảm, bánh xe có thể quay ngược chiều -- tình cảm không còn được vun đắp hoặc giảm dần theo thời gian.

Từ những phân tích trên, ta có thể thấy rõ bốn quy trình tích hợp đều bị  ảnh hưởng bởi các quan niệm về vai trò văn hóa, hoàn cảnh kinh tế nhằm  xác định nhận thức, biểu hiện và kỳ vọng trong mối quan hệ yêu đương của  một người. Tất cả quy trình phải được xây dựng theo trình tự để duy trì  mối quan hệ. Nhiều chuyên gia đã áp dụng mô hình này để nghiên cứu về  nguyên nhân của mối tình tan vỡ và các cuộc ly hôn trong suốt nhiều thập  kỷ qua.
Mô hình này có thể dễ dàng bắt gặp trong các tác phẩm văn học và điện ảnh, từ mối tình phù du của Tom và Daisy trong The Great Gatsby, tình yêu trắc trở của Forrest và Jenny ở Forrest Gump, tới Dean và Cindy trong bộ phim Blue Valentine. Vào mùa Valentine này, nếu bạn vẫn chưa có kế hoạch gì, hãy thưởng cho mình một buổi tối đầy suy ngẫm cùng những tiểu thuyết và bộ phim. Thử áp dụng Học thuyết Bánh xe Tình yêu của Ira Reiss để suy đoán xem vì sao tình cảm giữa họ bền vững, hoặc tan vỡ. Mối quan hệ của họ đã rẽ hướng từ giai đoạn nào? Sự phân định giữa nạn nhân và thủ phạm, cảm giác tội lỗi và vô tội, tất cả đều tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Hãy cho zeal biết nhé!

“Một tình yêu đích thực có thể tồn tại sau hôn nhân. Và tồn tại. Và tồn tại mãi. Dẫu vậy, khi sự gắn bó lại dựa trên những đòi hỏi cực đoan mà không bên nào có thể thấu hiểu được, thì đó chắc chắn là con đường chết của tình yêu.” -- SaraKay Smullens

Chúc các bạn một mùa Valentine thật thú vị :) 


Thích bài này? Theo dõi Facebook của zeal để đọc thêm ngay khi bài lên sóng nhé. Và nhớ ghé http://zeally.net để tìm kiếm những thử thách xoắn não hơn nữa. 



Nguồn tham khảo: 
[1] Borland, Dolores M. (1975), “An Alternative Model of the Wheel Theory”, The Family Coordinator, DOI: 10.2307/583179, https://www.jstor.org/stable/583179, vol. 24, 289-292
[2]  Tham khảo phân tích The Wheel Theory of Love giữa Forrest và Jenny trong phim Forrest Gump (1994), Bragiel, Shannon, Prezi contributor,  https://prezi.com/cv5ljx1gvpr1/the-wheel-theory-of-love/
[3] Tham khảo phân tích The Wheel Theory of Love giữa Dean và Cindy trong phim Blue Valentine (2010): Ravitz, Alan M.D. (2011), “Blue Valentine: the Unmaking of a Marriage”, Huffpost Contributor Platform, https://www.huffpost.com/entry/blue-valentine-the-unmaki_b_816334, 5/25/2011 
[4] Smullens, SaraKay (2011), “‘Blue Valentine’: The Difference Between Falling in Love and Falling in Need”, Huffpost Contributor Platform, https://www.huffpost.com/entry/blue-valentine_b_818982, 11/17/2011
[5] Williams, Sawyer, Wahlstrom (2013), “The Many Faces. Marriages, Families, Intimate Relationships: A Practical Introduction”, Boston: Pearson/Allyn and Bacon.
[6] “Ira L. Reiss”, InterSciWiki, http://intersci.ss.uci.edu/wiki/index.php/Ira_L._Reiss, 1/31/2015
[7] Nguồn hình:
Figure 4.3 Reiss’s Wheel Theory of Love, “EXPLORING MARRIAGES AND FAMILY, 2ND EDITION”, Chapter 4 Love and Loving Relationships. Karen Seccombe © 2015, 2012 by Pearson Education, Inc.