Nhân dịp gần một năm trở thành một lập trình viên, và nhân ngày tốt nghiệp Ngoại Thương.
Bye FTU.
Bye FTU.

Chuyện học ở Ngoại Thương

Đối với mình mà nói, Ngoại Thương, hay bất kỳ trường nào thời điểm đó, có lẽ cũng không quá quan trọng. Với một đứa mà suốt 12 năm chỉ chăm chăm học sao cho giỏi, mình cũng chẳng có một định hướng cụ thể nào khi chọn trường đại học. Mình nghĩ rằng dù làm gì thì vẫn sẽ tham gia vào nền kinh tế (tức - đi kiếm tiền), vậy nên cứ học để hiểu về nền kinh tế, có kiến thức kinh tế là được. Ngoại Thương do đó, là một lựa chọn an toàn.
Những ngày đầu học đại học với mình, đúng là ác mộng. Mình đăng ký học chương trình chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh. Nhưng thời điểm đó mình hoàn toàn mù tịt, một chữ bẻ đôi không biết (điểm thi đại học môn tiếng Anh mình được khoảng 4 điểm gì đó). Đăng ký học chỉ vì nghĩ: chắc dạy bằng tiếng Anh thì sẽ tốt hơn, cũng sẽ gặp được nhiều bạn giỏi hơn. Hậu quả là nguyên kỳ 1 năm nhất, mình không hiểu bất cứ một chữ nào thầy cô giảng, tất nhiên trừ những môn đại cương như triết thì vẫn dạy bằng tiếng Việt. Điểm số của mình cũng đa số là C D và B. Điểm số lẹt đẹt, cộng với việc mình trượt hết tất cả các câu lạc bộ đã apply, dẫn đến việc mình trở nên tự ti không dám kết bạn với ai, lao vào học tiếng Anh để theo kịp việc học ở trên trường.
Học kỳ đầu đầy bất ổn.
Học kỳ đầu đầy bất ổn.
Sau một thời gian tự học thì trình độ tiếng Anh của mình cũng đã tiến bộ đáng kể. Mình nghe được thầy cô giảng mà không cần 'load' hay hỏi bạn như trước nữa, mình cũng chăm đọc các bài báo / xem videos của các Youtubers nước ngoài. Mình bỗng nhiên tiếp cận được một nguồn tri thức khổng lồ mà nếu không có tiếng Anh, sẽ rất khó để nhận ra
Thế là mình cứ xem hết video này đến video khác, chủ yếu là self-help. Phải công nhận đợt đó xem self-help bằng tiếng Anh cứ bị cuốn, một phần là do bản chất những video đó tạo cho mình một thứ động lực ảo, một phần mình nghĩ rằng "đang học tiếng Anh mà, cứ xem cái gì mà mình thích thôi".
Tình cờ mình có xem được một video nói về các kỹ năng cần thiết cho thế kỉ 21, trong đó có đề cập đến kỹ năng lập trình (coding). Tiện việc học online khá rảnh, mình quyết định thử tìm hiểu về lập trình xem sao. Ban đầu thì mình chỉ nghĩ là học code như một kỹ năng bổ trợ cho việc đi làm tài chính (tự code các dòng lệnh excel chẳng hạn), nên cũng không đặt mục tiêu gì lớn lao. Mình bắt đầu với khóa "Python for Everybody" của đại học Michigan.
Và rồi, một lần nữa, mình như được trông thấy một chân trời mới, một thế giới mới về cách mà công nghệ vận hành. Mình đã thật phần khích khi chạy những dòng code đầu tiên đầy quyền lực mà mình viết ra. Có thể các bạn sinh viên IT phải trải qua những môn đại cương khô khan sẽ giảm hứng thú, nhưng thật sự chỉ cần là một chương trình đơn giản như nhập năm sinh tính số tuổi thôi cũng khiến mình có cảm giác rằng mình đang thật sự hiểu và làm việc với máy tính. Cứ thế mình viết vô số những chương trình đơn giản, không khỏi bất ngờ về sức mạnh của những dòng code, và của máy tính.
Viết xong vài dòng if else mà tưởng mình sắp thành Bill Gates đến nơi
Viết xong vài dòng if else mà tưởng mình sắp thành Bill Gates đến nơi
Và rồi mình trở lại trường học.
Đợt đó khi dịch bệnh dần bớt căng thẳng hơn, các trường bắt đầu cho sinh viên trở lại trường học, kết hợp học offline và online. Rồi mình cũng quên luôn việc học code, tập trung hơn cho các môn ở trường và các mối quan hệ bạn bè. Nhưng rồi chẳng được bao lâu, 'bệnh cũ' lại tái phát. Mình cảm thấy tự ti kinh khủng khi mỗi ngày đến trường là từng ấy ngày nhìn thấy các bạn khác giỏi giang hơn mình, thành công hơn mình, và mình thì chẳng là gì cả.
Đúng lúc đó, may sao, mình đọc 'Deep work' của Cal Newport. Trong deep work có một đoạn nói về 3 kiểu người sẽ có thể thành công trong thời đại mới:
1. Siêu sao trong lĩnh vực của họ
2. Những người có khả năng làm việc với máy móc phức tạp
3. Những người sở hữu vốn
Bỏ qua kiểu số 3 vốn chỉ chiếm một bộ phận rất ít trong cộng đồng (dĩ nhiên không phải mình). Mình suy nghĩ, nếu cứ học và làm theo chuyên ngành ở Ngoại Thương này, sẽ trở thành kế toán, hoặc làm xuất nhập khẩu, marketing hay sales gì đó. Mà mấy thứ đó thì mình sẽ chỉ làm được ở mức trung bình, không giỏi chứ chưa nói đến việc giỏi nhất / trở thành siêu sao. Tại sao mình lại nghĩ như vậy ư, vì như đã kể ở trên, các bạn xung quanh mình ai ai cũng giỏi hơn mình cả, vậy nên cạnh tranh là rất khó.
Ok, vậy là còn lại kiểu số 2: những người có khả năng làm việc với máy móc phức tạp. Bước ngoặt của mình xuất hiện tại đây.

Chuyện học code

Vậy là mình đã chốt xong con đường muốn đi. Giờ là lúc lên kế hoạch thực hiện nó. Và cũng may là mình còn hơn 1 năm mới tốt nghiệp, nên vẫn còn đủ thời gian để thực hiện một bước chuyển.
Mình quyết định tự học thay vì đi trung tâm vì những lý do sau:
- Mình có khả năng ngoại ngữ và muốn tận dụng điều này, các trung tâm ở Việt Nam dạy bằng tiếng Việt nên mình sẽ không có được lợi thế nếu cũng đi học trung tâm như mọi người.
- Mình nghĩ rằng: lập trình viên nước ngoài chắc hẳn là giỏi hơn Việt Nam (hiện giờ mình vẫn thấy vậy, nhưng có thể sau này sẽ khác), vậy nên học từ họ sẽ tốt hơn.
- Cá tính riêng của mình: mình thích tự học từ nhỏ. Mình chưa từng đi học thêm trong suốt 12 năm học, kể cả đại học. Cũng may là thành tích học tập từ nhỏ đến lớn đều không tệ nên bố mẹ cũng không ép đi học thêm bao giờ. Tuổi thơ như vậy đã cho mình một niềm tin mãnh liệt rằng mình có thể tự học được mọi thứ.
Thời gian đầu dành ra để nghiên cứu về ngách cụ thể mà mình muốn theo đuổi, mình cũng suy nghĩ về những thứ đao to búa lớn: nào là AI, Machine learning, IoT và vô số những thuật ngữ "ngầu lòi" khác. Rồi khi thực sự bắt tay vào học thử, mình nhận ra mọi chuyện khó hơn mình tưởng rất nhiều. Những bộ giáo trình, những roadmap đồ sộ và vô số thông tin khiến mình không khỏi bị ngợp. Mình học cái này một tý, cái kia một tý, và rồi đi một vòng trở về điểm ban đầu.
Và cũng lại trong lúc bối rối không biết phải làm gì, mình lại gặp lại Cal Newport, lần này là trong cuốn 'So good they can't ignore you' (tựa đề tiếng Việt: Kỹ năng đi trước đam mê). Ý tưởng chính có thể được tóm tắt như sau: hãy cứ làm công việc của bạn đến một mức độ tinh thông nhất định và bạn sẽ có được cả 2: tiền bạc và sự yêu thích công việc. Và thế là mình dẹp hết những thứ cao siêu ban đầu đi và tập trung vào một lĩnh vực duy nhất và cũng dễ tiếp cận nhất cho người mới: lập trình web. Chỉ với một chiếc laptop và một phần mềm cài đặt trong máy, vậy là mình đã sẵn sàng.
Sau khi xác định một hướng cụ thể, mình cũng chưa bắt tay vào học ngay mà đi tìm những bài chia sẻ về cách mà một người có thể tự học lập trình để đi làm. Những bài chia sẻ kiểu này ở Việt Nam rất ít, mình hầu như không tìm thấy một bài nào chia sẻ về hành trình mà mình sắp đi, chỉ có lác đác một vài bài của các trung tâm đăng lên với mục đích quảng cáo: 'học viên A sau B tháng ở trung tâm C đã có thể đi làm với mức lương D'. Nhưng cũng vẫn chủ đề đó, trên reddit, quora, medium, freecodecamp, có rất nhiều. Mà có những bài từ 2008 hay 2010, cái thời mà mình còn chưa được cầm vào cái điện thoại đen trắng một lần. Và cứ thế, mình lang thang khắp từ diễn đàn này đến blog khác, đọc hết các câu chuyện để xem những người khác, họ đã đi trước mình và làm được, họ đã làm như thế nào.
Mất khoảng nửa tháng thì mình mới bắt đầu cảm thấy chán đọc và thực sự bắt tay vào thực hành. Sau một thời gian, mình đã có thể tạo ra những trang web đơn giản, ví dụ như mình clone lại trang web bán hàng của Muji với những tính năng cơ bản mà mình đã học:
Thích Muji quá nên clone luôn website của Muji 🥲
Thích Muji quá nên clone luôn website của Muji 🥲
Vài tháng sau, mình hoàn thành chương trình học ở đại học, chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp.
Và mình đã quyết định bảo lưu nửa năm thay vì tốt nghiệp luôn. Để tập trung học code. Mình nghĩ rằng, nếu để xong xuôi hết, ra trường rồi thì sẽ rất khó mà học được. Nếu đi làm một công việc kinh tế và dành thời gian rảnh để học e là không đủ. Mà tốt nghiệp xong rồi không đi làm thì cũng khó giải thích với người thân. Vậy nên, mình quyết định bảo lưu kết quả học tập, chờ nửa năm sau làm khóa luận.
Trong nửa năm này, mình chỉ ở phòng trọ, học các khóa học lập trình, đọc sách, thực hành, rồi lại đọc các bài chia sẻ. Thỉnh thoảng cảm thấy đầu óc không thể suy nghĩ được nữa thì mình sẽ đi ra ngoài, đến công viên ở gần cho khuây khỏa rồi lại về học tiếp. Thỉnh thoảng bố mẹ có gọi cho mình, hỏi rằng không đi học (mọi người biết mình đã học xong chương trình) thì về quê xem có gì làm phụ giúp bố mẹ chứ cứ ở một mình ở trọ làm gì. Mình cũng không biết phải nói sao nên đành tảng lờ cho qua, ậm ừ rằng con vẫn đang học cái này cái kia. Và rồi mình hạ quyết tâm là trước khi hết hạn bảo lưu và trở lại trường để tốt nghiệp, mình nhất định phải tìm được một công việc lập trình.
Nghĩ vậy, nhưng mình cũng chẳng phải lao vào học ngày đêm, vì đơn giản là mình không thể. Chỉ ngồi từ sáng đến giữa chiều là mình không thể tập trung và học được gì hơn nữa. Sau đó thì đổi qua cải thiện thêm vốn ngoại ngữ, cũng là phục vụ việc học luôn.
Tháng 11 năm ngoái, mình bắt đầu nộp đơn ứng tuyển thử ở một vài công ty. Kỳ vọng của mình lúc đó chỉ là có thể đi thực tập thôi cũng được, để lấy kinh nghiệm và thử xem khả năng của mình đến đâu. Nhưng bất ngờ, và cả may mắn đã đến với mình. Mình được công ty đầu tiên mà mình gửi CV ứng tuyển liên hệ, hẹn phỏng vấn và nhận vào làm chỉ trong vòng 1 tuần, không thực tập mà bắt đầu ở vị trí thử việc. Mọi thứ đến bất ngờ đến mức mình đã không nghĩ thêm gì mà đồng ý ngay, dù sau đó có một vài công ty cũng hẹn lịch phỏng vấn. Có lẽ vì expect ban đầu của mình rất thấp, mang tâm lý đi học việc hơn là đi làm.
Và công việc đầu tiên (với tư cách là lập trình viên) của mình đã bắt đầu như thế.

Chuyện đi làm dev

Đúng vào sinh nhật tuổi 21, mình đi làm ngày đầu tiên.
Dù đã nhận offer và cũng không bắt đầu từ vị trí thực tập sinh, mình vẫn có tâm lý học việc và lo lắng. Chẳng biết là đến công ty sẽ phải làm gì, rồi làm mà không tốt thì sao, liệu có theo nổi không.
Những lo lắng của mình vơi dần đi sau từng ngày đi làm. Mình tham gia một dự án chuyên nghiệp, một team gồm các anh chị cực kỳ nhiệt tình giúp đỡ. Dù là đang bận công việc cá nhân nhưng khi mình cần hỏi (mà mới vào thì hỏi lắm thật sự), mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ, giải thích cặn kẽ và dễ hiểu.
Và cứ thế, mình dần thích nghi với môi trường làm việc mới, và dần dần, mình đã cho mình là một lập trình viên thực thụ, đôi khi tưởng như quên mất mình vẫn là sinh viên Ngoại thương, và còn chưa ra trường.
Công việc có lúc nhàn nhưng đa số là bận rộn, nhất là với một người mới như mình, có quá quá nhiều thứ cần phải học. Chưa hết, mình còn một chiếc khóa luận cần hoàn thành để ra trường nữa.
Về phía gia đình, mình cũng may mắn nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ anh chị em. Chị mình vẫn hay bảo rằng: em cứ làm đi, chưa ra trường cứ làm đi xem sao, nếu thấy không hợp thì về làm kinh tế, dù sao cũng là sinh viên Ngoại Thương, kiểu gì chẳng tìm được việc. Còn bố mẹ, có vẻ biết rằng sẽ không thay đổi được mình, nên chỉ thi thoảng gặng hỏi con làm việc này có vất vả không, làm thế có theo kịp người ta không. Dù ít hỏi nhưng mình cũng biết bố mẹ rất lo lắng cho mình.
Bạn bè lúc biết tin cũng mắt chữ O mồm chữ A. Không hiểu thằng này nó bị làm sao. (*cười*).
Sau gần một năm đi làm, với khoảng 4 tháng vừa làm việc vừa phải nghiên cứu và viết khóa luận. Mình đã chính thức tốt nghiệp. Mình tin rằng những gì Ngoại Thương cho mình sẽ không hề bị lãng phí dù mình có thay đổi định hướng đi chăng nữa. Mình cũng cảm thấy biết ơn những anh chị đồng nghiệp đã luôn quan tâm hướng dẫn mình, biết ơn gia đình đã luôn ủng hộ và biết ơn cả bản thân đã cố gắng nỗ lực suốt gần một năm vừa qua. Suýt quên, mình biết ơn Cal Newport vì 2 cuốn sách của ông đã thay đổi cuộc đời mình, đúng nghĩa là thay đổi 180 độ luôn (*haha*).

Dự định tương lai

Mình chưa quá giỏi và vẫn cần phải học rất nhiều thứ, từ kiến thức đến kỹ năng. Chặng đường phía trước rất dài và chắc sẽ không còn một cái lễ tốt nghiệp nào nữa cả. Nhưng mình vẫn tin rằng chừng nào mình chưa dừng việc học và cải thiện bản thân lại, chừng đó mọi chuyện rồi sẽ có cách giải quyết.
while (!succeed) { tryAgain(); }