Mình nghe nhạc buồn. Mỗi lần kết thúc một mối tình, mình đều chọn vừa làm việc hoặc học tập, vừa nghe đi nghe lại một bài hát.
Năm 17 tuổi, mình bị một người bạn mà mình có cảm tình (hay gọi là crush cũng được) giận và không nói chuyện 1 tháng. Hỏi thế nào nó cũng không nói lý do sao lại làm lơ mình, nên mình đâm ra buồn bã thất thểu. Lúc nào ngồi học cũng mở chiếc laptop nhỏ mở bài Just give me a reason của Pink ra nghe. Với lý do là lời bài hát hợp với tâm trạng mình lúc đó – mình muốn được biết tại sao bạn kia lại dỗi mình, và mình làm gì sai.
Năm 21 tuổi, sau khi kết thúc một chuyện tình vượt biên giới (Mỹ và Canada lúc bấy giờ) của 2 đứa du học sinh, mình chọn nghe bài Sau tất cả của Erik. Nghe đi nghe lại một mình, nhưng mỗi lúc nghe nó với bạn bè, mình chọn cách tắt đi và chỉ nói: “Em không thích nghe”. Tại vì bạn ấy rất hay hát bài này cho mình, nên bài hát này luôn đem lại một cảm xúc gì đó rất đặc biệt.
Năm 24 tuổi, mình chia tay mối tình dài nhất mình từng trải qua (1 năm). Mình nghe một loạt những bài hát buồn cực buồn từ Việt Nam đến Âu Mỹ. Nào là Marscara của Chillies, Before You Go của Lewis Capaldi, hay top các bài hát buồn của Sam Smith như Breaking Heart vân vân và mây mây.
Có một điều lạ là, đến bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn mở list nhạc buồn đó để nghe khi làm việc. Đó là tập hợp nhưng bài nhạc buồn và thất tình từ thời xưa xửa xừa xưa đến mới phát hành trên thị trường. Đến giờ mình mới bắt đầu suy nghĩ: “Tại sao người ta lại nghe nhạc buồn khi cảm thấy không vui? Tại sao mình lại thích nghe nhạc buồn?”
Tìm kiếm rong ruổi trên mạng một tí, thì bạn sẽ đọc được 7749 bài báo từ Vietnamnet đến đến Truyền hình Nghệ An, hay vtv,… giải thích lý do làm sao bạn lại nghe nhạc buồn sau khi chia tay. Nào là Nhạc buồn là sự phản ánh cảm xúc của chính bạn, Nhạc buồn thay đổi cân bằng nội tiết tố. Nhạc buồn giúp bạn bình tĩnh,… Những lý do rất đỗi chung chung nhưng được chèn ép thêm vài yếu tố khoa học như hormone “dopamine, một chất hóa học quan trọng giúp điều chỉnh nhiều chức năng trong cơ thể bạn, bao gồm cả cảm giác khoái cảm và động lực của bạn”.
Vậy có thật là nghe nhạc buồn thì mình sẽ cảm thấy vui hơn không? Hay bạn sẽ cảm thấy sầu hơn? Câu trả lời là bạn sẽ không vui hơn cũng không buồn đi. Thật ra nỗi buồn không hẳn là loại cảm xúc được viết trong một bài hát buồn. Ngạc nhiên chưa? Hãy nhớ lại nhé, trong một bài hát nói về chuyện tình yêu đã tan vỡ của Charlie Puth một năm trước – Cheating on you có một câu hát: “I know I said goodbye and baby, you said it too
But when I touch her I feel like I'm cheating on you”. Đây không phải nhớ thì là gì. Và bài hát này không hề có một câu từ nào về nỗi buồn luôn đó. Hay bài Marcara của Chillies đi, “Mình còn lại gì ngoài cuộc gọi 2 giờ đêm?Mình còn lại gì ngoài ngày dường như dài thêm?” Đây là nỗi nhớ về những khoảnh khắc 2 người đã dành cho nhau mà ha!
Nhạc buồn hay nói cách khác là những dòng lyrics là nơi khiến người nghe nghiền ngẫm về những câu chuyện, những sự kiện đã xảy ra. Và thường thì, nỗi nhớ không phải làm một cảm xúc buồn, nó là một hỗn hợp vui buồn lẫn lộn. Ấy vậy mà khi ta đang nghĩ ta đang rất buồn, một chút suy tư vui vẻ đó chính là điểm sáng mà đôi khi ta không nhận ra. Đó cũng là lý do tại sao nghe nhạc buồn lại là một kỷ niệm dễ chịu.
Mặc dù trải nghiệm cảm xúc của người nghe rõ ràng là phức tạp và nhiều khía cạnh, nhưng cô ấy nói rằng, trong hầu hết các trường hợp, nếu mọi người nghe nhạc buồn trong cuộc chia tay, họ thực sự có thể cảm thấy tốt hơn. Những người tham gia nghiên cứu thậm chí còn cho biết họ thích nhạc buồn hơn khi họ buồn bã hoặc cô đơn - điều này có ý nghĩa, nếu người nghe đang gặt hái được tất cả những lợi ích nhận thức này khi cảm xúc của họ phù hợp với đặc điểm của âm nhạc.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có những lợi ích tương tự khi một người vui vẻ nghe nhạc vui vẻ, nhưng ảnh hưởng là nhỏ hơn so với trải nghiệm âm nhạc buồn.
Còn về giai điệu? Giai điệu thì hẳn là rõ buồn rồi! Ừ thì đúng thật, nhưng có một niềm vui nhỏ nhỏ trong hành động nghe nhạc buồn mà có thể bạn chưa bao giờ nhận ra. Đó là khoảnh khắc bạn kết nối với âm nhạc và để trí tưởng tượng của mình hoà vào dòng chảy của giai điệu. Đó là lúc bạn ngân nga theo bài hát. Bạn có thể hát dở, nhưng nếu không may như vậy thật, thì rõ ràng bạn nên buồn vì giọng hát của mình nhiều hơn chứ? Mình hát cũng dở, nhưng mình cảm thấy hát theo bài hát yêu thích thật sự vui. Nó khiến những cảm xúc tiêu cực của bản thân giảm bớt.
Vậy đó, nhạc buồn rõ ràng không phải phạm nhân gây ra nỗi buồn của bạn. Nó còn giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Bạn cảm thấy bạn “đỡ đau khổ” hơn nhân vật trong ở trong bài hát. Bạn cũng không phải chàng trai/cô gái bị tổn thương và cắm sừng (trong I’m not the only one của Sam Smith), lại càng không tiến thoái lưỡng nan như Andiez trong 1 phút vì không thể quay lại cũng không thể yêu tiếp. Vậy đấy, vậy thì chắc mình nên gọi nó là nhạc vui thay vì nhạc buồn nhỉ 
Như một cái kết nhẹ nhàng cho mấy lời tâm sự luyên thuyên này, mình sẽ kể sơ về cái kết – có thể gọi là cuối cùng của những mối tình mình đã kể từ đầu câu chuyện. Chàng trai năm 17 tuổi ấy, thật ra cuối cùng lại trở thành 1 thành viên trong nhóm bạn thân của mình. Để mỗi lần săn sale Shopee hay Lazada, mình đều nhờ vả sự hi-tech của nó để được giảm thêm ít tiền. Chàng trai năm 21 tuổi thì bây giờ lại trở thành một chuyện tình xuyên biên giới (Canada – Việt Nam) phần 2 và chưa có hồi kết. Còn chàng trai năm 24 tuổi thì mình cũng chưa biết sẽ có kết quả gì, nhưng mình nghĩ rồi tụi mình vẫn có thể làm bạn. Tại nghe nói cậu bạn này hay đi trekking/camping mà công ty mình thì chuyên bán gói “tour” du lịch #adventure 
Vậy đó, mình nghĩ mọi chuyện đều sẽ tốt thôi, không có gì phải buồn.
Vậy nhe,
Kate.
Ps: Những đoạn phân tích lời nhạc của mình chỉ dựa vào cảm tính, các bạn nào là fan của ca sĩ/nhạc sĩ/bài hát mà mình nhắc đến nếu cảm thấy có gì sai thì thôi bỏ qua nhé. Cảm nhạc mỗi người mỗi khác mà. Hen.