Tôi đi nghe nhạc quán Văn
Đó là một tối thứ sáu mùa hè. Anh dẫn tôi đến một cái quán lá sơ sài dựng lên giữa một bãi đất trống gần đại học Văn Khoa, phía trước...
Đó là một tối thứ sáu mùa hè. Anh dẫn tôi đến một cái quán lá sơ sài dựng lên giữa một bãi đất trống gần đại học Văn Khoa, phía trước có cắm một bảng tên bằng gỗ ghi "Cafeteria VĂN”.
Lúc này chỉ vừa tầm 7h tối, nhưng khách đã đến ngồi kín sân cỏ, tràn ra bên hông và cả đằng sau quán. Khách ở đây đa phần là những người trẻ. Họ ngồi vây quanh một cái nền gạch nhỏ dùng làm sân khấu. Trên sân khấu bây giờ là 2 cây Micro, nhưng chưa có ai biểu diễn cả.
Anh dẫn tôi đến một góc nhỏ, gọi cà phê. Những người trẻ quanh tôi họ mang màu áo trắng sinh viên. Những chàng thư sinh mắt kính Aviato, cút áo sơ mi còn gài kín cổ rất lịch sự. Những cô gái tân thời mang váy ngắn, và áo sơ mi cổ xẻ, ống tay phồng. Người ngồi sát sân khấu thì bệt xuống đất, những cô gái ngồi sau thì được ngồi ghế. Những người thiệt thòi phía sau thì đứng cả dậy để nhìn rõ ca sĩ. Họ cười nói, đôi lúc nhìn lên sân khấu để xem thử chương trình bắt đầu hay chưa. Để ý thấy ánh mắt nhìn quanh tò mò của tôi, anh bảo “Đây là quán của một vài người bạn mở ra mà anh hay lui tới, có phục vụ văn nghệ buổi đêm”.
Khi tiếng cười nói xung quanh bỗng ngưng hẳn, tôi nhìn theo hướng mọi người nhìn, và tôi thấy một người thanh niên gầy guộc, có phần khắc khổ, với gọng kính dầy, điềm tĩnh bước ra cùng cây đàn ghi ta gỗ. Anh ta cất giọng Huế: “Xin kính chào quý vị, quý vị, các anh các chị đã bỏ thì giờ để đến đây nghe chúng tôi hát. Điều đó đã làm chúng tôi xúc động vô cùng. Và tôi mong là tôi sẽ hát được với tất cả cố gắng của mình để làm vừa lòng các anh các chị. Xin lỗi các anh các chị đứng phía sau đó có nghe rõ không?”
Người thanh niên ấy hướng ánh nhìn về phía chúng tôi, và xung quanh vang lên những tiếng “Rõ rồi”, “nghe rõ”,…
Anh ta nói tiếp “Cái bản đầu tiên mà tôi hát là bài ca mà tôi đã viết vào khoảng tháng 6 năm ngoái, có lẽ một phần lớn các anh các chị ở đây đã được nghe qua. Đó là bài Người già em bé”
Tiếng đàn cất lên, …
“Ghế đá công viên, dời ra đường phố
Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ
Người già co ro, … tuổi thơ đi”
Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ
Người già co ro, … tuổi thơ đi”
Đây là lần đầu tiên tôi nghe bài hát này. Ca từ sao mà đớn đau, than thở. Cả một cảnh tượng của buổi chiều nọ tôi nhìn thấy ở con đường đất nọ bày ra trước mắt qua những thanh âm vang vang,
“Từng bàn tay khô lấp kín môi cười,
Từng cuộn dây gai xé nát da người,
Đạn về đêm đêm, đốt cháy tương lai”
Từng cuộn dây gai xé nát da người,
Đạn về đêm đêm, đốt cháy tương lai”
Tiếng đàn tiếng hát nhỏ dần và dậy lên một tràng vỗ tay nồng nhiệt. “Xin cảm ơn các anh các chị! Bài tiếp theo đây là bài Ca dao mẹ, do tôi và Khánh Ly hát. ”. Một cô gái trạc hai mươi tuổi, mặc áo dài hoa. Gió lất phất bay tà áo. Họ hát chung rất hay. Có một điều gì đam mê mơ màng. Một sự thầm thì đắng cay, một lời nỉ non cơ cực, là tiếng chung tình rì rầm trong đất. Sau đó, người thanh niên giọng Huế nói: “Xin cảm ơn các anh các chị, và bây giờ đến phiên Khánh Ly hát”. Cô ca sĩ ấy có một giọng nói dịu dàng “Và bây giờ Khánh Ly xin hát bài Còn tuổi nào cho em”.
Cứ thế, hát xong một bài, người thanh niên lại “cảm ơn các anh các chị”. Rồi từng bài hát đi qua, “ngày dài trên quê hương”, “Đại bác ru đêm”, “Đêm bây giờ đêm mai”, “Đi tìm quê hương”... và những bài khác mà họ gọi là ca khúc da vàng. Tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tay rất nồng nhiệt. Mọi người chừng như yêu mến giọng hát cô Khánh Ly này và những bài hát của ông người Huế này lắm.
“Bây giờ tôi xin tiếp tục, và đây cũng là một trong những bài cuối cùng. Những bài cuối cùng là bài Người con gái Việt Nam, Mẹ ru con ngủ, Hãy sống giùm tôi, Gia tài của mẹ”
Đang đàn, dây đàn đứt. Đám đông vỗ tay. “Các anh các chị xin các anh các chị im lặng. Dây đàn bị đứt, xin nghỉ một tí để thay dây đàn khác rồi hát lại. Tôi xin thay mặt Khánh Ly cảm ơn sự nồng nhiệt của các anh các chị đối với Khánh Ly. Và tôi cũng xin các anh các chị giữ im lặng cho một chút để có thể tiếp tục hát.”
Và rồi đêm nhạc kết thúc. Lúc này đã quá giờ giới nghiêm mà mọi người đều muốn nghe tiếp. Tất thảy vẻ mặt đều ra chiều tiếc nuối.
***
Trên đoạn đường về cư xá, anh nói với tôi anh thường đến quán Văn không phải để nghe nhạc mà để nghe kể chuyện. Chuyện về một cô gái trẻ mất người yêu trog chiến trận, chuyện mẹ già mòn mỏi đợi hòa bình, chuyện em bé ra đồng đạp phải mìn nổ chậm... Và còn giọng hát nào kể chuyện hay bằng cái giọng giàu chất tự sự của Khánh Ly? Nhiều người đến nghe kể chuyện. Họ tới nghe và xúc động rồi hôm sau họ rủ thêm bạn mình đến. Họ nói là ở sân sau của đại học Văn khoa Sài Gòn có mấy người kể chuyện hay lắm, đến đó nghe. Thế là học sinh sinh viên trí thức đến nghe rất nhiều, có cả lính miền nam nữa, dù những bài này bị giới chính trị cho là ủy mị, làm mục ruỗng ý chí chiến đấu của chiến sĩ. Nhưng họ vẫn nghe. Em biết vì sao mà, phải không? Vì đó là những câu chuyện của họ, về họ, về hôm nay.
“Ðã có điều gì không thật suốt hai mươi năm nay. Một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương. Như một mũi tên vô tri bỗng lỗi thời trong một nhiệm kỳ vô định. Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên định hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngắn hạn.”
Có những bài hát đã bị cấm nghe và cấm hát... Những tờ nhạc chép tay bị đốt và chôn tro tàn đâu đó.
Và qua thời gian, cũng chẳng còn mấy người tìm lại làm gì.
Một bịa tạc viết năm 2015
Mọi người có thể nghe nhạc ở Link này
Một bịa tạc viết năm 2015
Mọi người có thể nghe nhạc ở Link này
Tuân
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất