Sắp tới ngày hội dọn nhà toàn dân, bàn về mindset dọn nhà trong sách của Marie Kondo
Tranh thủ mọi người bước vào ngày hội dọn nhà toàn dân dịp tết, mình chia sẻ bài review sách "Nghệ thuật bài trí của người Nhật", kèm thông điệp: cái gì vứt được thì vứt, ưu tiên dọn dẹp chỗ quan trọng, tránh để bị stress một cách không cần thiết
Đây là bài review sách "Nghệ thuật bài trí của người Nhật" của tác giả Marie Kondo. Người được mệnh danh là "thánh nữ dọn dẹp" với những phương pháp dọn dẹp nổi tiếng trên toàn thế giới.
Thử nhớ về một lần dọn nhà đón Tết của gia đình cậu. Manh cá là cậu chứng kiến không ít lần bố mẹ lôi rất nhiều đồ đạc (phần lớn trong đó cậu không biết nó là cái gì, xuất hiện từ bao giờ) chỉ để lau sạch sẽ và… cất đi. Khi cậu nói rất nhiều về việc giải tán đồ đạc để dọn nhà đỡ mệt thì câu trả lời nhận được là “để đấy, biết đâu có lúc cần dùng”.
Và BÙM, mười năm sau cậu vẫn thấy đống đồ đạc ở đó, chưa dùng lần nào. Chưa kể đến việc có những gia đình dành đến hơn một tuần để tổng vệ sinh nhưng mọi thứ lại bừa bộn như cũ chỉ sau ngày mùng 6 Tết. Đôi khi Manh không hiểu vì sao nhà mình có thể lặp đi lặp lại chuyện này hàng chục năm dù biết trước kết quả của việc dọn dẹp chẳng đi tới đâu.
Chà, vấn đề không nằm ở cách chúng ta dọn dẹp, mà nằm ở mindset dọn dẹp của chúng ta. Vì vậy, hãy cất chổi đi, đặt giẻ lau xuống, nghỉ tay một chút và dành thời gian đọc cuốn sách này nhé.
1. Sơ lược nội dung:
“Nghệ thuật bài trí của người Nhật” là cuốn sách về tư duy dọn dẹp của Marie Kondo - một nhà tư vấn/ kinh doanh dịch vụ dọn dẹp nổi tiếng Nhật Bản. Cuốn sách chỉ ra nguyên nhân cốt lõi của việc dọn dẹp nhà cửa không hiệu quả, cung cấp các phương pháp dọn nhà dễ hiểu và lý giải lợi ích của việc dọn dẹp góp phần làm thay đổi tâm trí chúng ta theo hướng tích cực.
2. Review sách "Nghệ thuật bài trí của người Nhật”
a. Cậu không hề lười, chỉ là câu chưa biết cách dọn dẹp đúng:
“Tiêu chí của tôi trong việc quyết định giữ lại một vật đó là chúng ta nên cảm nhận niềm vui khi chạm tay vào nó. Nhưng bản chất của con người là cưỡng lại việc phải vứt bỏ thứ gì đó ngay cả khi chúng ta biết là nên làm thế. Những thứ mà chúng ta tự mình vứt bỏ cho dù chúng không mang lại niềm vui quả thực là một vấn đề cần xem xét.”
Mình nhớ lại cái hồi bị ăn mắng như cơm bữa chỉ vì việc dọn dẹp. Bản thân thì hoang mang giữa đống đồ thậm chí không phải của mình, phân vân xem nên dọn dẹp từ đâu, thậm chí là dọn hết mức rồi nhưng vẫn bị mắng là lười. Nhưng thật sự mình có lười như thế không? Câu trả lời mình rút ra được sau khi đọc cuốn sách này là không. Bởi cậu sẽ không bao giờ duy trì được việc dọn dẹp nếu không xác định được cái gì cần giữ, cái gì cần vứt, cũng như không xác định được mục đích mua sắm đồ đạc. Đây cũng là điểm mình thích nhất ở cuốn sách này. Cuốn sách không đi luôn vào các phương pháp dọn nhà, mà chỉ ra điểm yếu trong tư duy dọn nhà của đa số người: đó là mua quá nhiều đồ không cần thiết và không đủ cam đảm để vứt đi. Mình tin là nhiều người cũng từng có suy nghĩ thoáng qua như vậy nhưng lại không đủ can đảm để thừa nhận điều đó. Cuốn sách này đã thẳng thắn thừa nhận vấn đề và đặt ra câu hỏi đáng suy ngẫm về thói quen mua sắm và tiêu dùng của chúng ta.
b. Con dao hai lưỡi của một cuốn sách beginner-friendly:
“Nghệ thuật bài trí của người Nhật” được viết bởi một tác giả yêu thích việc nội trợ vì vậy nội dung trong sách rất dễ hiểu, bất kỳ độc giả nào cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó. Vì vậy, cuốn sách đã truyền cảm hứng về việc dọn dẹp đến rất nhiều người, đặc biệt là những người mới bắt đầu thói quen dọn dẹp. Tuy nhiên, việc này cũng vô tình tạo ra những sự hiểu lầm khó kiểm soát trong cộng đồng người đọc. Không ít các bài báo và người đọc đã than phiền về phương pháp dọn nhà KonMari đã khiến mọi người vứt bỏ quá nhiều đồ và mua những món đồ do Marie Kondo bán. Nhiều người còn hoài nghi về việc dọn nhà có thực sự đem lại niềm vui tới vậy.
Manh nghĩ điều này thực ra là hậu quả của dòng sách chọn lối viết beginner-friendly như sách này. Cuốn sách tập trung quá nhiều vào việc truyền cảm hứng dọn dẹp mà quên mất việc cần nhắc nhở người đọc về bản chất của việc dọn dẹp hiệu quả. Bản chất ở đây là xác định những đồ đạc thực sự cần thiết và hạn chế tích trữ những đồ không dùng đến. Việc chọn lọc và vứt bỏ đồ đạc có sẵn chỉ là bước đầu tiên.
Ngoài ra, cuốn sách cũng quên mất góc nhìn thực tế khi mọi người bắt đầu thực hành thói quen này (việc tập luyện thói quen sẽ kéo dài bao lâu, có những khó khăn gì…). Mình nghĩ nếu bổ sung thêm những điều trên thì cuốn sách sẽ ít bị phản ứng trái chiều hơn, đồng thời hạn chế phản ứng ngược của độc giả khi tiếp nhận cuốn sách này.
c. Đâu là giới hạn cho việc dọn dẹp? hay đâu là giới hạn cho việc bừa bộn?:
Mình có đọc một bài phỏng vấn Marie Kondo tâm sự rằng dạo gần đây cô đã giảm tần suất dọn dẹp xuống để dành ưu tiên cho việc chăm sóc con cái. Đó có lẽ là điểm bắt đầu cho cuốn sách mới nhất của cô - Marie Kondo’s Kurashi At Home: How to Organize Your Space and Achieve Your Ideal Life.
Mình chưa đọc cuốn sách này, nhưng từ những gì mình thu thập được, Marie mong muốn mọi người tự thiết lập một thói quen riêng, một lối sống riêng dựa vào những điều mà họ cảm thấy hạnh phúc. Cụm từ “dọn dẹp” không chỉ còn dừng ở nghĩa lau chùi, tháo dỡ đồ đạc đơn thuần, mà nó còn được phát triển trên nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Điều này đối với mình có nghĩa là, bừa bộn chưa chắc đã xấu, miễn là chúng ta kiểm soát được nó. Bừa bộn đôi khi còn kích thích sự sáng tạo nữa, hoặc thậm chí bừa bộn còn giúp chúng ta tiết kiệm thời gian trong một vài trường hợp. Ý mình là, khi đọc cuốn sách này, điều đó không có nghĩa là cậu phải dành 100% cho việc dọn dẹp, mà tùy từng trường hợp, trọng số giữa dọn dẹp và bừa bộn có thể là 50:50, hoặc 60:40 hoặc bất kỳ trọng số nào cậu muốn.
---
Xin chào, mình là Manh Đi Viết Thuê (hay còn gọi là Manh). Mình chia sẻ về sách, văn hóa đọc và các góc nhìn về cuộc sống. Mời mọi người vào trang @manh.di.viet.thue để theo dõi thêm các bài review sách khác của mình nha.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất