Tom Hanks nói về Bố Già như sau “Bố Già là sự tổng hòa của mọi hiểu biết. Bố Già là đáp án cho mọi câu hỏi.” Với tôi, Bố Già còn hơn thế, thằng đàn ông cần đọc Bố Già để nghe Bố Già dạy cách sống, cách cư xử, cách hành động của một thằng đàn ông.
Đấy là một cách dạy không phải truyền đạt bằng những thuật ngữ kiểu “Dạy con làm giàu” hay “Đắc nhân tâm”, ở đây Mario Puzo truyền đạt bằng sự lãng mạn của súng và đạn. Bằng những lời khuyên rõ ràng, hiện thực, cụ thể, trần trụi, và cả bằng máu của chữ.
Khi Bố Già Vito Corleone dạy Sonny, ông đã nói thế này “Mày nhớ nghe Santino! Chớ có để cho người khác thấy được đầu óc mày. Tay chân mày có cái gì cũng không nữa.” Ông đã gầm lên điều đó khi Sonny buông ra một câu cực kỳ tai hại trong cuộc nói chuyện giữa Vito và gã “Đường Thổ” Sollozzo. Thời điểm ấy, hai bên đang bàn về chuyện hợp tác làm ăn ma túy, Bố Già xác định từ chối nhưng Sollozzo đâu phải thằng dễ chơi, lại có 2 trên 5 trong “Ngũ đại gia đình New York” đứng sau lưng nữa. Hắn sẽ tìm mọi cách chơi cho bằng được. Ở đời này đâu phải muốn từ chối là người ta sẽ để bạn yên? Chính câu nói buột miệng của Sonny đã giúp Sollozzo tin rằng chỉ cần diệt Bố Già là có thể nói chuyện được với Sonny. Một lần bị người khác nhìn ra tâm can đã phải đổi bằng máu cho gia đình Corleone.  
Bố Già, tiểu thuyết gangster hay nhất mọi thời đại, không chỉ bởi cốt truyện hấp dẫn, còn vì ẩn chứa trong đó những triết lý nhân sinh quan mà đời người đôi khi sẽ phải trả một học phí rất đắt để có được.
Tôi đã từng nói với bạn rằng để thành công trên đời cần phải làm được 2 trên 3 tầng chữ Nhẫn. Cụ thể chữ nhẫn có 3 tầng ý nghĩa, bao gồm Nhẫn nhục, nhẫn nhịn, và cuối cùng là Nhẫn tâm. Người bình thường chỉ cần làm được 2 từ đầu là đủ. Còn chữ nhẫn thứ 3 thuộc về chính trị gia hoặc gian hùng, anh hùng đỉnh thiên lập địa không chỉ ở mặt đánh trận, mà còn ở kinh tế.  Với Bố Già, bạn theo dõi con đường mà cậu con út kế thừa di sản Bố Già là Michael Corleone đã đi, bạn sẽ tìm thấy trong đó đủ 3 chữ Nhẫn ấy.
-Nhẫn nhục: đó là lúc anh nhận cú đấm như trời giáng của gã đại úy Mc Closkey ở bệnh viện. Vậy nhưng khi được luật sư hỏi có kiện không? Michael đã trả lời "Không, tôi té".
Đấy là nhẫn nhục. Một tháng sau, hắn phơ chết cả Sollozzo lẫn Mc Closkey ngay giữa New York.
- Nhẫn nhịn: trốn chạy 3 năm ở Sicilly là cái nhịn của kẻ phàm phu. Trở về New York ghé vai đỡ lấy di sản của cha, của gia tộc. Lên kế hoạch thiên la địa võng, chuẩn bị cho ngày đòi lại tất cả món nợ gia tộc nhưng vẫn làm cho đối thủ tưởng mình bết bát. Đấy là nhẫn nhịn của kẻ trượng phu đội trời đạp đất.
- Nhẫn tâm: khi mẻ lưới được giăng ra. Anh không chỉ giết kẻ thù mà còn tàn nhẫn giết cả em rể. Vợ anh, Kay đã đau khổ bỏ về với nhà ngoại. Tom Hagen đến chỉ để nói "Cô có biết chúng cũng lập kế hoạch dùng tay trong giết Michael không? Cô có biết nếu nó không hành động trước, không làm quyết liệt thì con cô mất cha rồi không?".
Tôi đã viết đã bình luận về cuốn sách gối đầu giường này của mình rất nhiều lần. Mỗi lần viết là thêm một lần mới mẻ, là bởi vì mỗi lần đọc lại là thêm một bài học mới.
Đôi khi chứng kiến nhiều việc, tôi vẫn cảm thấy Facebook càng ngày càng biến đàn ông thành đàn bà. Nếu vậy dành thời gian đọc Bố Già để Bố Già nói cho chúng ta biết: “Phụ nữ và trẻ con thì có thể bất cẩn, nhưng đàn ông thì không bao giờ được phép.” Và “Đàn ông làm cái chuyện của đàn ông, cho ra đàn ông”. Hay “Cho dù đàn bà sẽ thành thánh trên thiên đường, đàn ông bị đày ráo xuống địa ngục, thì trên cõi đời này, đàn bà vẫn cứ là đàn bà và đàn ông vẫn cứ là đàn ông.”
Đọc Bố Già để định hình chính con người bạn, để lấy được những bài học từ sách mà không phải trả bằng rất nhiều tiền hay bằng máu.
***
Cuối cùng, đã đọc Bố Già thì hãy đọc bản dịch của cố tiên sinh Ngọc Thứ Lang:
Nếu Hàn Giang Nhạn tạo nên một thế giới ngôn ngữ võ hiệp, thì Ngọc Thứ Lang tạo nên ngôn ngữ súng đạn. Và còn cao hơn thế, ông còn tạo nên một dòng dịch phóng túng và đời nhất, “Việt hoá", không bó buộc xiềng xích câu chữ.
3 năm lăn lộn trong giới giang hồ Sài Gòn để hiểu về ngôn ngữ và cách chơi, cách nghĩ của giang hồ, Ngọc Thứ Lang đã cho ra đời tuyệt tác này. Ông đã đảo lộn trật tự của Puzo để tìm ra một trật tự mới: trật tự của tư duy giang hồ Việt Nam. Cái chân chất nhất của giang hồ anh chị Việt Nam với cách suy nghĩ, cách chơi, cách làm Việt Nam nhất. Ông đuổi theo tư duy của độc giả Việt, không phải độc giả Mỹ. Đứng trước Godfather, ông dịch ra 2 chữ: Bố Già. Tuyệt hảo! Năm đó là năm 1972 tại Sài Gòn.
Ngọc Thứ Lang là một thiên tài, nhưng là dạng thiên tài giống với "Chim hồng tước nhỏ" Garrincha bên bóng đá. Kì dị và bi thảm là 2 từ dùng để miêu tả những người như thế. Ngọc Thứ Lang nghiện hút, ông nghiện hút sau khi người yêu tự tử chết. Từ một công tử xài đồ hiệu trở thành gã ốm nhách áo quần nhếch nhác trên đường phố Sài Gòn tạt qua uống cafe với Mai Thảo ở Phạm Ngũ Lão. Điều duy nhất nhận về, có lẽ là sự tôn trọng ngưỡng mộ của những ai biết con người nhàu nát đó là Ngọc Thứ Lang .
Người đời sau đã dành cho ông một điếu văn với nội dung như thế này:
“Mario Puzo, tác giả The Godfather, tiểu thuyết best-seller từng bán đến 21 triệu quyển, qua đời ở nhà riêng trong thàmh phố Bay Shore, New York, ngày Một tháng Bảy 1999, thọ 78 tuổi, có năm con, chín cháu. Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già, qua đời ở trại Lao Cải Phú Khánh năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ, không con.”
Hình ảnh có thể có: thực vật

(26/01/2021)
Lưu ý nhỏ: Bài viết theo quan điểm của riêng tác giả.