Sáng nay tôi nhận được một tin nhắn dài từ bố. Bố tôi nói ông đã mất ngủ mấy đêm liền vì lo lắng khi tôi bỏ công việc giảng viên và chưa tìm được một hướng đi cụ thể.
Bố tôi thấy "cả sự nghiệp, gia đình và vị thế xã hội của con không phải người bình thường lắm" và ông cảm thấy ông chưa hoàn thành trách nhiệm của một người bố khi nhìn tôi bấp bênh trong cả công việc và chuyện lập gia đình. Bố muốn tôi sống "thuận theo quy luật bình thường của tự nhiên".
Tôi thở dài và lòng trùng xuống khi đọc tin nhắn này từ bố. Tôi hoàn toàn hiểu nỗi lo sợ của ông khi chứng kiến đứa con gái 27 tuổi của mình từ bỏ một công việc ổn định mà ông vốn rất tự hào và không có dấu hiệu gì sẽ lập gia đình sớm.
Dù tôi nhiều lần cố gắng giải thích với bố về lý do tôi xin nghỉ việc và tại sao tôi chưa thể kết hôn ngay bây giờ, nhưng bố tôi vẫn bị ám ảnh bởi nỗi lo âu và sợ hãi về tương lai của tôi.
Hiện tại, tôi sẽ không đổ lỗi cho chính mình là tại tôi ích kỷ hay tôi không làm tròn bổn phận người con khiến bố phải lo lắng đến mất ăn mất ngủ như vậy. Bố tôi lo âu và suy sụp nhiều phần do chính cách ông nhìn nhận thế giới và nhìn nhận bản thân trong tương quan với thế giới ấy.
Thứ nhất, tôi hiểu bố tôi và vô vàn bậc cha mẹ khác cho rằng mình có bổn phận phải chỉ đường dẫn lỗi cho con cái để con mình thành công và ổn định trong cuộc sống. Bố tôi gắn chặt thành công của con cái với thành công trong việc làm cha mẹ của mình.
Vì vậy tôi còn bấp bênh chưa ổn định tức là ông chưa hoàn thành nhiệm vụ của một người bố. Điều này nghe thì có lý, nhưng nó đặt lên đứa con là tôi một áp lực khủng khiếp phải ổn định và thành công để bố tôi hoàn thành nhiệm vụ, hay đúng hơn là cảm thấy đã hoàn thành nhiệm vụ.
Tại sao cuộc đời của tôi lại được định đoạt bằng giá trị mà bố tôi đặt ra rằng tôi có ổn định và thành công như ông mong đợi hay không? Tôi đã 27 tuổi và là một cá thể độc lập, có suy nghĩ, mong ước và cuộc sống của riêng mình. Tôi không thể cả đời cứ chạy theo những âu lo và ước vọng của bố tôi để ông an tâm và cảm thấy tốt về chính mình.
Bản thân bố tôi là một người chưa bao giờ bước ra khỏi trong vùng an toàn của mình. Ông làm giáo viên ở một trường từ khi tốt nghiệp đến khi về hưu. Dù lương rất thấp và đãi ngộ không tốt, ông chưa từng dám rời đi.
Nhiều lần khi còn trẻ, mẹ tôi tức giận vì bố tôi không hỗ trợ được nhiều về tài chính cho gia đình và muốn ông làm gì đó khác đi để cải thiện thu nhập, nhưng bố tôi luôn từ chối và chỉ muốn sống tiếp như thế. Cuối cùng mẹ tôi đành bươn chải làm thêm đủ nghề, từ bán chè, mở cửa hàng tạp hoá, buôn bán đất, mở tiệm bia đến mở quán photo để nuôi chị em tôi.
Nhưng mỗi lần mẹ tôi làm một cái gì mới như vậy, bố tôi cũng kịch liệt phản đối và quay lưng lại, mặc kệ mẹ tôi tự xoay xở. Ông quá sợ hãi những rủi ro có thể xảy ra và thà không làm gì còn hơn. Không phải tôi sỉ nhục bố mình, nhưng nhiều khi tôi thấy ông chọn cách vùi đầu xuống cát như một chú đà điểu thay vì trực tiếp đối diện với vấn đề.
Và đó không phải là cách mà tôi hay mẹ tôi muốn sống. Điều này gây ra không ít tranh cãi rạn nứt, và lần này cũng không phải là ngoại lệ.
Tôi hiểu bố tôi sẽ luôn lo âu như thế, và sự lo âu của ông đã truyền sang tôi, cả qua gen và qua cách ông nuôi dạy tôi. Các bạn sẽ không ngạc nhiên nếu biết tôi bị rối loạn lo âu lan toả. Mỗi lần tôi làm một việc gì đó, hay trải qua một thay đổi lớn, những cơn lo âu hoảng loạn thường trỗi dậy khiến tôi tê liệt. Dù rất muốn thoát ra, nhưng tôi biết mình phải sống chung với nó, vì đây là vấn đề mang tính thế hệ.
Nhưng lo âu và sợ hãi là một chuyện, còn vượt qua nó như thế nào là chuyện khác. Tôi có những cơn lo âu, sợ hãi của riêng mình, nhưng tôi sẽ không để chúng kiểm soát và giới hạn những gì tôi làm. Chúng ở đó để nhắc nhở tôi cẩn trọng hơn và lên kế hoạch kỹ hơn, nhưng không phải để trói tay trói chân tôi lại.
Vì thế, tôi sẽ càng không để lo âu và sợ hãi của một người ngoài trói buộc mình, dù đó là lo âu sợ hãi của bố tôi, một người thân thiết nhất với tôi đi nữa. Ai cũng có trách nhiệm với cuộc đời của mình. Nếu tôi chịu trách nhiệm với quyết định và lựa chọn trong cuộc đời tôi, thì tôi mong bố sẽ chịu trách nhiệm với chính cảm xúc của ông, thay vì bắt tôi phải sống theo ý ông để ông thấy tốt hơn.
Thêm vào đó, bố tôi luôn muốn tôi "giống người bình thường" và "thuận theo quy luật tự nhiên". Nhưng ông không hiểu rằng chẳng có cái gì gọi là bình thường hay tự nhiên tuyệt đối cả. Mỗi con người sinh ra trên đời đều là một cá nhân dị biệt và độc nhất.
Cái được gọi là bình thường của ông là chuẩn mực mà xã hội đặt ra, rằng con gái thì phải có nghề nghiệp ổn định, rằng con gái thì phải lấy chồng trước 27 tuổi. Những cái chuẩn mực đó thì cũng cần xem lại xem có còn phù hợp với xã hội ngày nay và bối cảnh của riêng từng người hay không.
Thay vì quan tâm đến nguyện vọng và cảm xúc của cá nhân tôi, bố tôi chỉ muốn tôi theo số đông vì ai ai cũng như thế. Thay vì tin tưởng và cho tôi một điểm tựa, ông quay lại đổ lỗi cho tôi vì đã không thuận theo tự nhiên khiến ông phải lo lắng.
Đương nhiên tôi hiểu đó là những khác biệt lớn về tư duy giữa thế hệ tôi và bố tôi, nhưng cái tôi thực sự cần trong giai đoạn chuyển đổi khó khăn này là sự bao dung và tin tưởng của gia đình. Trên hết, tôi mong rằng bố mẹ tôi có thể vui sống cuộc sống của riêng họ. Và nếu có thể thì làm chỗ dựa tinh thần khi tôi yếu lòng, nhưng đồng thời cho tôi đủ không gian để sải cánh và đi con đường do tôi chọn.
Không biết đó có phải là những kỳ vọng quá lớn từ phía một đứa con như tôi không, nhưng tôi đã nói thẳng thắn với bố về những kỳ vọng này và mong bố thông cảm cho tôi.
Tôi không thể quay trở lại trường Đại học hay lấy chồng đúng năm nay như ý ông muốn. Tôi phải đi tiếp với lựa chọn của mình và sẽ chịu trách nhiệm với nó. Bởi vì nếu bây giờ tôi không bứt ra và sống vì mình, dù cuộc sống đó có "không như người bình thường", thì sẽ không còn cơ hội nào khác cho tôi được sống một cách thực sự trên đôi chân của chính mình nữa.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet