về mối quan hệ, về hệ giá trị mới, về nghề, về mình


Về mối quan hệ
Sau khi cân nhắc về việc lựa chọn một trong cả mớ suy nghĩ hỗn độn về mối quan hệ tự thân nó, về sự phức tạp trong một mối quan hệ, mình quyết định sẽ thể hiện nó như chính bản thân mình đang là: đơn giản và nhẹ nhàng. 
“Ông là sự gặp gỡ không bao giờ có thể lặp lại trong đời tôi…”
Mối quan hệ nào cũng mang tính thời vụ. Nhận định này của quá khứ, đến thời điểm này, càng được thêm chắc chắn. Vậy nên, những gì hợp lý có thể làm, là trân trọng và tử tế với những phút giây hiện tại.
“Điều đức hạnh duy nhất mà con người có thể làm cho nhau và cái thoả thuận duy nhất cho mối quan hệ hợp lý giữa người với người là – Buông nhau ra!”
 
 
Đối xử với thế giới của mỗi người như chính cách mình đang sống và đang thực hành sống trong thế giới vị kỷ của mình. Thứ nhất là TÔN TRỌNG thế giới của họ, thế giới mà họ là cá thể duy nhất nắm quyền kiểm soát, với những lý do và mục đích riêng của họ, nên không thể đánh giá phán xét, cũng như chính bản thân mình càng không muốn đánh giá phán xét. Thứ hai, TỬ TẾ với việc họ trở thành như chính cách họ-phải-là. Dù họ đối xử với mình tốt hay xấu, điều đó vẫn tốt, vì ít nhất họ đã trung thực với chính họ, và mình thấy vui vì điều đó. Tôn trọng và đối xử tử tế là tất cả những gì mình nên làm, và có thể làm.




Về hệ giá trị mới


(…)


Trái tim nóng và cái đầu lạnh. Mình chấp nhận con người mình là một người tình cảm và sống theo cảm xúc. Mình không chối bỏ nó, không cố gắng lảng tránh nó. Mình không cố gắng phải sống như một người khác, một người lý trí. Điều mình thiếu cũng như điều mình cần làm chỉ là THÊM phần còn lại, phần lý trí, phần nhận định, đánh giá một cách có cơ sở, phần suy nghĩ và hành động hợp lý dựa trên những cơ sở đó. Đó là cách mình sẽ xây dựng bản thân. 
 
Sống vị kỷ. Người sống vị kỷ không phải là một người sống ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân mình mà chà đạp lên giá trị của những người khác. Người sống vị kỷ là những người sống theo hệ giá trị của anh ta nhất, đi trên con đường của chính anh ta theo cách thuần khiết và chính trực nhất mà không bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Anh ta tập trung vào con đường của mình nhất mà không cần quan tâm ai để ý, ai thông cảm, ai phán xét, ai giúp đỡ, ai phá hoại. Ai có thể thông cảm và hiểu cho họ thì cũng tốt, nếu không thì cũng không sao. Chính anh ta và những gì anh ta làm mới là chính yếu, mới có ý nghĩa và tầm quan trọng. Những thứ khác là chỉ là những sự lựa chọn, là thứ cấp. Nó được phân định một cách rạch ròi với kẻ sống vị nhân sinh một cách thứ sinh. Đó là những người sống không mang một hệ giá trị riêng theo nghĩa hiểu của người vị kỷ, tức là hệ giá trị của anh ta bản chất không nằm ở anh ta. Tất nhiên anh ta sẽ có hệ giá trị để sống, suy nghĩ và hành động theo, mà ở đây bản chất nó nằm ở những thứ tầm thường và mơ hồ mà người khác trao cho anh, thứ mà anh nghĩ rằng mình tạo ra nó và mình xứng đáng vì nó. Anh ta cần những người khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta. Phân định một cách rạch ròi giữa người sáng tạo và kẻ nhai lại.
 
“Nếu như câu chuyện truyền thuyết về việc mỗi người rồi sẽ phải đứng trước một vị quan toà tối cao và liệt kê những thành tích của mình là có thật; thì ra, với tất cả niềm tự hào của mình, sẽ liệt kê – không phải những thứ ta đã làm được – mà chỉ một thứ, một thứ ta chưa bao giờ làm trên trái đất này: đó là ta chưa bao giờ tìm kiếm bất cứ sự phê chuẩn nào từ bên ngoài. Ta sẽ đứng lên và nói: Tôi là Gail Wynand, người đã phạm phải mọi tội lỗi, trừ một tội lỗi lớn hơn cả: đó là tội tiêu phí sự sống tuyệt vời vào những thứ phù phiếm và tìm kiếm mục đích sống bên ngoài vào bản thân mình. Đây là niềm tự hào của ta: giờ đây, khi nghĩ về đoạn kết, ta không kêu khóc như tất cả những người ở cùng tuổi ta rằng đâu là mục đích và ích lợi của cuộc sống? Ta chính là ích lợi và ý nghĩa, Ta, Gail Wynand. Ta đã sống và Ta đã hành động.”
(…)

Thật đáng khốn khổ cho những kẻ vin vào cái bóng ảo tưởng cao thượng của chủ nghĩa vị nhân sinh, mà trong đó có bản thân mình đây, những kẻ góp phần tạo nên vòng tròn không điểm kết thúc của sự giả tạo. Mà ở đây giả tạo với người khác chỉ là thứ yếu, cái nguy hiểm hơn mà họ không kịp hoặc không thể nhận ra là giả tạo với chính bản thân mình. Sau khoảng thời gian dài và đến cuối cùng, khi họ bất chợt nhìn lại, tất cả đều vô nghĩa. Tất cả những gì còn đọng lại đáng lẽ ra chỉ là bản thân họ và những gì họ sở hữu cho bản thân họ, những gì họ hoàn toàn kiểm soát, mà ở đây, chẳng là thứ gì. Đó là hành động đứng lại, soi ngắm và làm việc với bản thân một cách sâu gốc nhất. Đó chính là sự thức tỉnh lớn nhất và mang tầm vóc nhất, khi so sánh với tầm vóc bản thể con người nhỏ bé. Vì sự trung thực thuần tuý rất khó khăn tuy rằng nó là thứ đơn giản nhất, đó là trung thực với chính mình. 
 
Mình thực sự đã nhũn ra và run lên bằng cơ thể vật lý khi đứng trước toà án bản ngã, toà án nơi chính mình là bị cáo, là nhân chứng và chính mình là hội đồng xét xử. Mình bật khóc ngon lành khi phản chiếu lại bản thân, về những gì mình đã và đang bôi nhầy nhụa, về việc run rẩy khi chạm vào ánh sáng nhẹ nhàng mà đau đớn của sự trung thực. Mình ý thức rất rõ mình đang trải qua một sự sụp đổ, sụp đổ hoàn toàn. Và sự sụp đổ bụi bặm này đã thực sự dọn sạch đống rác trong đầu mình đi. Cảm giác về sự thanh thản, về sự trống rỗng và yên bình. Mình cảm thấy đầy đủ hơn bao giờ hết trong sự trống rỗng ấy. 



Về nghề


”Hãy xem này, Gail.” Roark đứng dậy, đưa tay ra và giật một cành cây từ một cái cây. Anh cầm nó bằng cả hai tay, mỗi bàn tay nắm một đầu; rồi cổ tay và khuỷu tay của anh anh căng ra, anh từ từ uốn cong nhánh cây đó thành một hình vòng cung. “Bây giờ tôi có thể làm cái gì tôi muốn từ cái cành cây này: một cây cung, một ngọn giáo, một cái gậy, hay một hàng rào. Đó là ý nghĩa của cuộc sống.”
“Sức mạnh của anh ư?”
“Lao động của anh.”
Anh quẳng nhánh cây sang bên cạnh. “Nguyên vật liệu mà trái đất cung cấp cho ta và cái mà ta làm ra từ những nguyên liệu ấy…”
 
Sức mạnh của ý chí và sự sáng tạo, của một nhà kiến tạo, một người sáng tạo. Năng lượng của một nhà giả kim, anh ta sử dụng tất cả những gì mình có (những suy nghĩ, những hành trình) để chuyển hoá thành năng lượng, thành kiến thức, thành sự tự do trong tâm trí và tự do hành động (allgemeine Handlungsfreiheit). Mình đang có tất cả những nguyên liệu này, giống như việc nấu ăn vậy. Bất giác mình nghĩ cuộc sống này chỉ là một bữa ăn thịnh soạn mà ta không cần phải lo lắng về việc thiếu tiền đi chợ. Ta đang sở hữu chính cái chợ đó. Ta đang sở hữu căn bếp rộng rãi nhất, hiện đại nhất và tối tân nhất, tuỳ theo từng thời điểm trong đời. Việc đơn giản duy nhất còn lại để thực hiện là trộn chúng vào nhau theo cách thức phù hợp, và nấu nó lên theo cách mà ta muốn nó trở thành. Điểm mấu chốt ở đây là, ta là cá thể DUY NHẤT kiểm soát nó để nó trở-thành-theo-cách-ta-muốn-nó-trở-thành (kiến tạo thế giới theo cách nó-phải-là theo tinh thần của Any Rand), chứ không phải ai khác, không phụ thuộc bởi ai khác và không bị ảnh hưởng từ bất kỳ nguyên liệu và công thức của một người nào khác. Đó chính là lao động. Đó là kiến tạo. Đó là cuộc sống của một nhà sáng tạo. 

(…)
“Đúng là anh đã làm tổn thương em, Katie ạ, và thậm chí có thể còn nhiều hơn là em nghĩ. Nhưng đó không pảhi là tội lỗi lớn nhất của anh… Katie, anh đã muốn cưới em. Đó là điều duy nhất anh thực sự muốn. Và đó là tội lỗi mà không bao giờ có thể tha thứ được – cái tội là anh không dám làm điều mà anh muốn. Cảm giác thật là bẩn thỉu, vô nghĩa và kinh khủng, giống như cảm giác mất trí, bởi vì đúng là nó chẳng có nghĩa gì cả, chẳng có giá trị, chẳng có gì ngoài sự đau đớn – và lại là một sự đau đớn uổng phí… Katie, tại sao người ta cứ dạy rằng làm theo những gì chúng ta muốn là quá dễ dàng và xấu xa, và rằng chúng ta cần có kỷ luật để kiềm chế bản thân? Điều khó làm nhất trên quả đất này chính là làm những gì chúng ta muốn. Và nó đòi hỏi lòng dũng cảm lớn lao nhất. Ý anh là đối với những gì chúng ta thực sự muốn. (…) Những điều này – chúng thậm chí không phải là ham muốn – chúng chỉ là những thứ người ta làm để chạy trốn ham muốn của mình – bởi vì việc thực sự muốn một cái gì đó là một trách nhiệm quá lớn.”
Không ân hận và hối tiếc bởi những gì mình đã làm. Đây giống như một giai đoạn sau của những điều trên, của việc làm vì bản thân mình và làm tốt công việc của mình. Khi đã có mindset làm vì chính mình, thì anh sẽ có những xu hướng chỉ biến những mong muốn cho bản thân đó thành sự thực, anh sẽ không còn cảm thấy hối tiếc vì bất cứ điều gì nữa. Bởi trong thời khắc làm điều đó, anh đã dâng hiến và làm hết tất cả những gì có thể làm được cho những mục đích của riêng anh rồi.