SO SÁNH EM BÉ NÀY VỚI EM BÉ KHÁC
Bị stress khi có sự so sánh giữa con mình với con người ta, điều này ở đâu mà ra? Từ bố mẹ, từ người thân, từ hàng xóm. Nhiều bố...

Bị stress khi có sự so sánh giữa con mình với con người ta, điều này ở đâu mà ra?
Từ bố mẹ, từ người thân, từ hàng xóm.
Nhiều bố mẹ tự tạo ra áp lực cho chính mình bằng việc so sánh con mình với con người khác, cũng có người bị “người đời” “so sánh hộ” bằng việc hằng ngày rỉa vào tai những lời nói như “con người ta bằng này đã làm thế nọ thế kia, con nhà này bla bla…” Người thì ấm ức giữ trong lòng, không làm gì được đâm ra suy nghĩ; người thẳng tính thì nói ra “sự thật mất lòng”. Bởi vì miệng của người người nói, tai của mình mình nghe, bỏ ngoài tai là chuyện chẳng dễ dàng. Ai cũng biết theo lý thuyết thì không nên so sánh vì mọi sự so sánh đều không công bằng, nhưng mẹ Helen tin rằng đâu đó trong bản thân mỗi người làm cha mẹ, hay những người xung quanh ít nhiều sẽ có sự so sánh ngầm ở bên trong.
Vì sao mọi sự so sánh đều không công bằng?
Bạn có thấy? Ngay cả khi hai đứa trẻ sinh đôi, cùng cha mẹ, sinh sống trong cùng một mái nhà, được yêu thương và chăm sóc như nhau nhưng chúng sẽ trưởng thành theo hai cách khác nhau không?
Vì sao vậy? Đơn giản là bạn không thể tìm thấy bất kỳ ai trên thế giới này y hệt như con bạn từ dáng dấp bên ngoài tới cấu trúc nội tại bên trong.
Mọi đứa trẻ sinh ra đều có nhu cầu và khuynh hướng phát triển giống nhau như: tập lẫy, ngồi, trườn, đi đứng… nhưng thời điểm xảy ra điều này ở mỗi đứa trẻ là khác nhau. Sự khác biệt này không chỉ do thể chất vốn có của đứa trẻ, mà còn do có được sự hỗ trợ đúng đắn, đúng lúc từ bố mẹ hay không.
Có những em bé biết lẫy từ rất sớm, hỏi ra mới biết bố mẹ đã cho chúng nó tập tummy time từ khi được vài ngày tuổi.
Có những em bé “cứng tuổi” rồi mà vẫn chưa đi vững, hỏi ra thì mới hay rằng bố mẹ, ông bà thường bế chúng khư khư trên tay.
Một đứa trẻ sinh ra để được hòa nhập với cộng đồng, được yêu thương và cần được lớn lên một cách tự nhiên của riêng nó. Trẻ con sinh ra không phải để “gánh vác” những “kỳ vọng” lớn lao từ người lớn.
Nhiều cha mẹ thấy con người ta hơn con mình thì “không chịu chấp nhận”, về nhà chỉ trích, o ép, thúc giục con mình làm cho được như con nhà họ. Hàng xóm hay người thân cũng vậy, cứ đem cái “hay” của nhà người này làm “chuẩn” so sánh với gia đình nhà khác. Bạn đã bao giờ nghe câu: “giỏ nhà ai, quai nhà nấy” hay “tốt khoe xấu che” chưa? Con của bạn là bản sao của bạn chứ làm sao giống nhà người ta được. Cách dạy dỗ của bạn cũng khác họ thì tại sao “bắt” con mình giống như con họ được.
Câu hỏi đặt ra là: vậy có nên so sánh hay không?
Nếu nói “không” – liệu đó có phải là câu nói thật lòng? Nếu nói “có” thì nghe như có gì đó sai sai.
Mẹ Helen nghĩ thế này: so sánh đúng hay sai, nên hay không phụ thuộc vào hành động của bạn sau khi so sánh.
Nếu so sánh để mình có thêm bài học, thêm kinh nghiệm dạy dỗ con cái thì đâu có gì sai. Khi thấy con người ta tầm tuổi con mình mà “có vẻ” phát triển tốt thì đó là tấm gương và cơ hội để bậc làm cha mẹ học hỏi, nhìn nhận lại bản thân xem mình đang dạy con chưa tốt ở chỗ nào để từ đó mà cải thiện. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng: Mỗi em bé sinh ra đều mang những giá trị khác biệt, thế mạnh riêng của nó. Một em bé biết đi sớm, biết nói sớm không có nghĩa là sau này sẽ hơn những đứa bé phát triển “chậm” hơn. Sự phát triển về thể chất và trí tuệ của con người là cả một quá trình. Những gì chúng ta thấy ở thời điểm hiện tại chỉ là “tạm thời”, không thể dùng nó để “đánh giá” toàn bộ giá trị con người của chúng. Vậy nên khi con chưa tốt, hãy quan tâm con nhiều hơn. Khi con chưa làm được điều gì, đó là cơ hội để bố mẹ hướng dẫn con thêm lần nữa.
Nếu so sánh để chê bai, dán nhãn “kém cỏi” lên đầu con mình thì vậy là sai quá sai rồi, còn nói thêm gì nữa.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi em bé là một cá thể khác biệt. Nếu có so sánh chúng ta hãy so sánh một cách văn minh trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng sự khác nhau của những đứa trẻ. Tâm hồn trẻ thơ vốn dĩ mong manh, trong sáng lắm, đừng làm tổn thương chúng bằng những “đòi hỏi” của người lớn.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất