Đêm qua sau khi xem xong bộ phim mình đã xúc động đôi lần. Phần vì nó đẹp, phần vì nó bùi, rươm rướm chút đượm buồn. Đẹp ở cái tình, cái nghĩa. Bùi vì những chuyện dở dang, gợi lên những day dứt có thật luôn khiến cho con người ta cảm thấy nuối tiếc.
Xem phim mà cứ khắc khoải vì sao có lời yêu mà không dám nói, để cho mọi chuyện lỡ làng thì mới hối tiếc. Cũng vì hồi nhỏ mình chứng kiến rất nhiều điều tiếc nuối thế này nên bây giờ khi yêu ai là mình nói, dù cho đôi khi biết rõ là không có kết quả. Đơn giản vì cuộc đời này quá ngắn ngủi để ta chôn giấu những thứ xứng đáng được biểu lộ. "Một tình yêu thuần túy". Tuy là như thế, nhưng điều đẹp đẽ nhất, khiến cho ta nhớ về rõ nhất lại là những chuyện không thành. Bộ phim vừa muốn khích lệ, nhưng cũng nhắc nhở cho ta một hiện thực phũ phàng.
LÀM NGHỀ.
Cải lương được lưu hành và phát triển cách đây hơn 100 năm. Theo từ Hán Việt. Cải là cải cách, đổi mới. Lương là lương truyền, nghĩa là làm mới và truyền bá nghệ thuật nhạc kịch. Tiền thân của Cải lương chính là nghệ thuật hát bội. có nguồn gốc từ Nam Bộ, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long. Cải lương được lưu hành trong dân gian vài năm đầu của thế kỷ 20, nhưng chỉ đến khi tuồng Gia Long tẩu quốc được công diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn vào năm 1918 thì cách hát này mới được vang danh khắp đất Việt. Và bộ phim "SÁNG ĐÈN" đã chọn bối cảnh Nghề hát này ở giai đoạn chuẩn bị "mãn nhiệm" làm chất liệu chính cho bộ phim không nhằm mục đích nào hơn ngoài việc báo hiệu một thông tin.
Cải lương đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mà việc làm nghề lưu diễn không còn là trọng điểm nữa.
Mà sẽ là
"Thời kỳ bảo tồn".
Nhưng câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta cần bảo tồn?
Vì nó mang một vẻ đẹp của di sản văn hóa, hay nó sẽ thịnh hành trở lại vào một lúc nào đó? Nhưng phải hỏi tiếp, nó còn mang những giá trị nào nữa để xứng đáng được gìn giữ và chờ ngày trở lại.
Câu trả lời của mình là Lịch sử & Giáo dục.
Giữ cải lương để gìn giữ lịch sử, và nuôi dưỡng giáo dục. Lịch sử cả trong quá trình hình thành nghề lẫn trong các vở tuồng, các giai thoại của các nhân vật anh hùng lịch sử Việt nam. Giáo dục về các phương diện chiều sâu, tinh thần, đạo đức. Hay nói cách khác, Cải lương là sự phản ánh toàn diện của túi khôn trí tuệ Nho giáo qua 5 chữ: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín.
Mình nhớ cách đây 10 năm. Có một lần mình được bà Ngoại cho xem vở tuồng Lưu Bình-Dương Lễ (tuồng ca Hồ Quảng) mà khiến mình ấn tượng đến giờ. Chuyện kể về đôi bạn thân Lưu Bình & Dương Lễ, Lưu Bình là công tử nhà giàu, ham chơi và hay sa đà vào các thú vui trụy lạc. Dương Lễ là một chàng trai nhà nghèo, ham học, và được Lưu Bình giúp đỡ tận tâm. Sau này cục diện thay đổi, Lưu Bình phá sản phải lâm vào cảnh nợ nần ăn xin, Dương Lễ vì có chí ham học nên đỗ Trạng Nguyên làm quan. Khi Lưu Bình đến xin tiền Dương Lễ thì bị từ chối thẳng thừng, khiến Lưu Bình sinh hận mà thức tỉnh ý chí nam nhi. Trong quá trình Lưu Bình khổ luyện thi trạng thì có một người con gái xuất hiện tên Châu Long. Cô liên tục động viên và an ủi anh những lúc tuổi thân yếu hèn, cô cũng là động lực chính để anh phấn đấu thành tài. Đến khi thành danh, Lưu Bình lúc này cũng đã trở thành một Tân Trạng Nguyên, trở về tìm gặp Châu Long và đến khiêu khích Dương Lễ để trả đũa. Tuy nhiên anh về không thấy vợ mình đâu, đến khi qua gặp Dương Lễ thì mọi chuyện mới bẽ bàng. Châu Long chính là vợ của Dương Lễ. Mấy lâu nay Dương Lễ đã âm thầm giúp đỡ Lưu Bình và đã gởi người vợ của mình là Châu Long sang chăm sóc anh. Một hành động hơn vạn lời nói, một bài học hơn cả núi gia tài.
- "Tôi cho tiền anh thì có ích gì, nó sẽ không khiến anh lấy lại được những gì anh đã làm mất".
"Tôi đã mất gì? "
- "Tôn nghiêm, tự tin, và cả những người mà anh yêu quý". (Trích trong một đoạn thoại khác).
Những bộ phim như "SÁNG ĐÈN" hay các chương trình như "TRĂM NĂM SÂN KHẤU " là những báo hiệu cho thấy Cải lương đã bước sang một giai đoạn mới là thời kỳ bảo tồn. Tuy nhiên, bảo tồn không nhất thiết là trưng nó vào trong một chiếc lồng kính đóng nắp lại và đứng xa xa để nhìn ngắm. Ta có thể sử dụng nó qua nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như đưa nó vào môi trường Giáo dục, mình khuyến khích điều này. Từ Trung học đến Đại học, từ trường Công nghệ cho đến Nông nghiệp, Sư phạm đều có thể sử dụng được chứ không nhất thiết phải là Đại Học Điện Ảnh Sân Khấu. Ta dùng nó như một phương thức giữ gìn và giáo dục các giá trị quan trọng khác như Lịch sử & Nhân phẩm. Thông qua một loạt hoạt động sự kiện như giải trí, dạy học, ngày lễ, thi cử..
Ta giữ gìn cái cũ, bằng cách để nó gìn giữ những cái khác. Nó sẽ có một sứ mệnh mới, một lý do chính đáng để sống tiếp. Cải lương là một di sản văn hóa cần được bảo tồn bằng nhiều hình thức khác nhau. Bởi lẽ, trải qua một thế kỷ. Nó dần trở thành một phần không nỡ để mất của Dân tộc. Nó đã trở thành một phần của biểu tượng:
"hồn cốt" căn tính Việt.
Mai Văn Liêm
---
Đầu tuần, biên tại vùng ngoại Ô Thành Phố.