SA VÀO NGÃ RẼ CỦA “BỆNH THÀNH TÍCH”
Trên con đường của mỗi người, mấy ai không có những ngã rẽ? Vô tình xuất hiện, vô tình có mặt mà không hề nằm trong dự định của con...
Trên con đường của mỗi người, mấy ai không có những ngã rẽ? Vô tình xuất hiện, vô tình có mặt mà không hề nằm trong dự định của con người. Giữa những lối rẽ ấy, ta được gì và mất gì? Đôi khi có những lối rẽ làm cho ta bâng khuâng, xao động đến kì lạ, bởi nó mở ra bao điều mới mẻ cho con đường phía trước. Có lối rẽ đã thay đổi cuộc đời của một ai đó,... Tôi cũng thế, tôi từng đứng giữa hai ngã rẽ (cách sống): “sống thật với bản thân” hay là “chạy theo những thành tích bên ngoài”.
Có lần... à đâu, chính xác là vào năm ngoái, tôi vừa chuyển cấp lên lớp 6, một cấp học mới, một áp lực mới và cả những kì vọng mới. Tôi luôn đặt ra hàng loạt mục tiêu mới cho bản thân năm lớp 6 là: “phải cố gắng nỗ lực học tập thật giỏi, phải đứng top khối, không được môn này thì cũng phải được môn kia, tham gia các phong trào - cuộc thi để đạt thành tích mà có cái để tự hào.” Quan điểm của tôi trong suy nghĩ non nớt ấy là “điểm số cao, thành tích tốt là học giỏi”. Kể từ đầu năm lớp 6, tôi lao đầu vào học như một cỗ máy được “lập trình”. Lịch trình học tập của tôi dày đặc: sáng học thêm, chiều học chính khóa, tối làm bài tập, học thêm kiến thức nâng cao đến tận khuya. Tôi ghi danh vào bất cứ cuộc thi nào có thể, từ thi học sinh giỏi, thi văn nghệ, đến các phong trào của trường. Những buổi tối muộn, khi ánh đèn trong nhà đã tắt gần hết, tôi vẫn cặm cụi bên bàn học, tự nhủ rằng mình phải cố gắng hơn nữa. “Bệnh thành tích” cứ ám ảnh tôi mãi, nó không cho phép tôi phải ngừng nghỉ, phải cố gắng, cố gắng và cố gắng hơn nữa, chỉ vì ... mong muốn có điểm số vượt trội, thành tích nổi bật thì khi đó ... tôi mới công nhận là “học giỏi”. Mấy khi tôi ngồi mải miết với cái laptop từ sáng sớm cho tới tận khuya, miệt mài “cày” đề luyện này sang đề luyện khác, luyện đề xong thì đến “cày” sách bài tập nâng cao, ... Có hôm, tôi còn “liều” bỏ bữa, chỉ uống một chút cốc nước ấm rồi lại tiếp tục cầm bút viết bài. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có một suy nghĩ duy nhất: “Mình phải là người chiến thắng!”
Điều tồi tệ nhất là, tôi dần đánh mất chính mình. Tôi nhớ có lần mình được điểm 9 kiểm tra 15 phút môn Toán. Vốn dĩ đó là điểm số rất tốt, nhưng thay vì vui mừng tôi lại thất vọng. Tôi tự trách bản thân mình: “Tại sao không phải là 10? Mình đã sai ở đâu? Rõ ràng mình đã dốc sức mình học sớm hôm mà điểm lại có 9?” Những suy nghĩ ấy dần trở thành gánh nặng vô hình, đè nặng lên tâm trí tôi mỗi ngày. Giờ học vốn từng là niềm vui, giờ đây chỉ còn lại áp lực và sự lo lắng. Tôi không còn học vì muốn hiểu biết, mà chỉ học để đạt điểm cao, để hoàn thành mục tiêu mà mình đặt ra. Những cảm xúc ấy đã dần bị thay thế bằng sự ám ảnh về thành tích. Tôi đã xấu tính, bắt đầu cảm thấy “ghen tị” khi bạn bè được điểm cao hơn mình, thấy lo sợ mỗi khi sắp đến kỳ thi, và thậm chí là thấy căm ghét chính mình khi không đạt được mục tiêu. Tôi nhận ra mình đang sống trong một cái vòng lặp mệt mỏi: “cố gắng, thất vọng, cố gắng hơn, ... rồi lại thất vọng”.
Học kì I, học kì II (năm lớp 6), điểm trung bình môn của tôi khá ổn, đứng đầu khối, như thể khẳng định rằng mọi nỗ lực mình bỏ ra đều xứng đáng. Tôi sống trong cảm giác tự hào, cảm giác rằng mình đã bước lên một bậc cao hơn trong ánh mắt của bạn bè và thầy cô. Nhưng rồi, kết quả cuối năm đập tan mọi kì vọng của tôi: tôi kém bạn thủ khoa đúng ... 0,01 điểm. Hôm đó, cô chủ nhiệm tôi gọi điện thông báo với mẹ về tình hình học tập của tôi trong học kì II và suốt cả năm, cô mới thông báo rằng ... thủ khoa khối 6 năm nay không thuộc về tôi... mà thuộc về một bạn lớp trưởng của lớp kế bên. Khi vừa nghe tin ấy, tôi như chết lặng. Trống rỗng. Như thể tất cả những gì tôi cố gắng suốt cả năm học đã trở nên vô nghĩa. Cô nói rất rõ ràng về điểm trung bình môn của top 5 bạn trong khối, tôi đứng hạng II và kém bạn thủ khoa chỉ 0,01 điểm. Chỉ một chút xíu, một chút nữa thôi ... là tôi có thể đạt được danh hiệu ấy rồi. Khoảng cách nhỏ đến mức tôi không thể nào tin được, tôi nghe thấy tiếng trái tim mình đập mạnh trong lồng ngực, dồn dập và nặng nề. Bỗng, tôi thấy cổ họng mình nghẹn lại, nước mắt cứ thế tuôn trào mà tôi không thể kiểm soát. Tôi bật khóc thật to, vừa khóc vừa hét lên rằng: “Ông Trời ơi! Thế giới này thật bất công với con... Con đau lòng quá ông ơi!”
Tôi vừa tức, vừa ghen tị, vừa tuyệt vọng. Tôi tức vì mình đã không cố gắng nhiều hơn, tôi ghen tị với bạn thủ khoa vì bạn có được tất cả những gì tôi khát khao có được: “danh hiệu”, “sự công nhận”, “sự ngưỡng mộ”, “sự ưu tiên”... Ánh mắt của bạn bè, sự bàn tán râm ran trong lớp đều không hướng về tôi nữa. Tôi bị so sánh với bạn thủ khoa ở mọi khía cạnh.
“Con Xuân Vy thế cũng là gà con thôi, kết quả đã sáng tỏ, mọt sách giả tạo mà cũng đòi làm thủ khoa hả?”
“TT¹ giỏi hơn là đúng rồi! Vy nó giải phong trào cao tới mấy cũng phải phất cờ trắng trước bạn đó thôi.”
...
Những lời nói đó như từng nhát dao vô hình, không đau về thể xác, nhưng cứa sâu vào trái tim mỏng manh của tôi. Mọi người ai ai cũng dành sự ưu ái cho bạn ấy, từng lời khen ngợi, từng ánh mắt ngưỡng mộ trong khối giờ đây đều dồn về bạn thủ khoa. Và tôi thì ... như đứng bên lề, bị bỏ lại trong bóng tối của sự thất bại. Tôi thấy mình thật sự gục ngã giữa chiến trường của thành tích và kỳ vọng. Một chiến trường mà ở đó không có chỗ cho người thua cuộc. Tôi sống trong vòng xoáy của những cảm xúc tiêu cực, bị nhấn chìm bởi nỗi buồn, sự thất vọng, và cả nỗi ám ảnh về thành tích. Tôi không thể nào quên được khoảng cách 0,01 điểm ấy, nó cứ lởn vởn trong đầu tôi, khiến tôi không thể ngủ ngon hay tập trung vào bất cứ điều gì.
Tôi bắt đầu nghi ngờ giá trị của bản thân. Tôi tự hỏi:
“Tại sao mình đã cố gắng nỗ lực hết sức có thể rồi, kết quả vẫn như vậy. Mình cảm thấy kém cỏi quá. Là do mình chưa thực sự nỗ lực hay là do mình không có năng lực?”
...
“Đừng bao giờ lấy điểm số để đánh giá một học sinh, bởi điểm số không quyết định tất cả và không quyết định tương lai của mỗi người.”
“Tôi đã học tất cả mọi thứ nhưng chưa bao giờ đứng đầu”
Đó là những câu nói truyền cảm hứng mà tôi rất thích của Bill Gates. Các câu nói ấy như một động lực, truyền thêm sức mạnh cho tinh thần học tập của tôi.
“Tại sao mình lại để một con số nhỏ bé quyết định giá trị của bản thân? Liệu mình đã bỏ qua điều gì quan trọng trong hành trình trưởng thành của chính mình?“
Từ lúc đó, tôi bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận việc học. Tôi hiểu rằng học không phải để ganh đua mà để phát triển bản thân. Tôi cho phép mình sai sót, cho phép mình thất bại, cho phép mình “ganh tị“ và học hỏi từ những điều đó. Tôi không còn ép bản thân phải trở nên “hoàn hảo“ mà dành thời gian khám phá những điều mới mẻ. Tôi học vì tôi muốn hiểu, muốn khám phá thế giới và chính mình, chứ không phải để đạt được con số nào đó trên bảng điểm. Kết quả không đến ngay lập tức. Tôi vẫn phải đối mặt với những ánh nhìn nghi hoặc, những lời bàn tán. Nhưng thay vì để chúng làm tổn thương mình, tôi coi đó như động lực để bước tiếp. Tôi nhận ra rằng, trong mỗi hành trình, quan trọng nhất không phải là bạn đang ở đâu, mà là bạn đang hướng tới điều gì. Năm học 2023 - 2024 chính thức khép lại, tôi không đạt danh hiệu “học sinh xuất sắc nhất khối“ hay còn gọi cái tên cao sang khác “thủ khoa”, nhưng có lẽ tôi không còn cảm thấy thất vọng hay buồn bã. Tôi đã học được cách yêu thương bản thân và tìm lại niềm vui trong việc học. Hơn hết, tôi đã chiến thắng chính mình, vượt qua những áp lực do chính mình tạo ra.
Nhìn lại, tôi biết ơn những vấp ngã và áp lực đã từng đè nặng lên vai mình. Chúng giúp tôi hiểu rằng cuộc sống không chỉ là những con điểm hay danh hiệu, mà còn là cách mình nhìn nhận giá trị bản thân. Tôi học được rằng, thành công thật sự không nằm ở việc bạn giành được bao nhiêu điểm số mà ở việc bạn đã cố gắng như thế nào để vượt qua khó khăn.
Nếu có một ngày bạn cảm thấy áp lực vì điểm số hay thành tích, hãy nhớ rằng điểm số chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất là bạn biết yêu thương bản thân, biết trân trọng những nỗ lực của mình và luôn cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Hành trình trưởng thành của mỗi người là duy nhất, và bạn xứng đáng tự hào về những gì mình đã làm được, dù có đứng đầu hay không.
Hãy tin rằng mỗi vấp ngã là một bài học, và mỗi bài học sẽ giúp bạn bước đi mạnh mẽ hơn trên con đường mình chọn.
___________
Chú thích:
¹: Tên của bạn thủ khoa nhưng để bảo mật mình xin được không tiết lộ tên bạn trên bài viết này.


Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Phúc Khang
tác giả quá tuyệt vời rồi. Trong xã hội này họ tạo ra những quy luật nhằm tạo ra những con gà công nghiệp chỉ biết vâng lời cho nên câu hỏi chỉ có, A BCD. Nhưng cuộc đời của mỗi người đều có những vấn đề và đáp án riêng nên 4 câu trả lời đó chưa bao h là đủ. Mình mừng là bạn đã nhận ra được ý nghĩa thật sự của việc học và bạn thân của bạn
- Báo cáo

joonwei.
Mỗi người có một hành trình riêng và không thể gói gọn tất cả trong vài lựa chọn có sẵn. Khi hiểu được ý nghĩa thật sự của việc học, mình thấy mọi thứ trở nên rộng mở hơn rất nhiều. Cảm ơn bạn vì đã đồng cảm với bài viết này nha.
- Báo cáo
Phúc Khang
Mình cũng đang trên con đường đi tìm về ý nghĩa của việc học nên mình có thể hỉu được
- Báo cáo