"Kể từ buổi chiều hôm ấy ở Amsterdam, tôi vẫn thường tự hỏi, liệu điều ngược lại có đúng không. Phải chăng cũng tồn tại thứ gọi là “left-wing indulgence”? Tôi đang nói về những nhà lý tưởng, những người mà ngay khi trách nhiệm cá nhân được gọi tên, sẽ bắt đầu lên tiếng rằng, các cấu trúc mới là thứ cần bàn trước hết. Rằng cái chúng ta cần làm đầu tiên là một phân tích giúp chỉ ra rằng mọi thứ là lỗi của ngành công nghiệp dầu mỏ, các tập đoàn đa quốc gia, các quảng cáo, các thuật toán, Chủ nghĩa Tư bản và Tân Tự do - tất tần tật những thứ như thế cho phép chúng ta không phải nhìn lại mình trong gương."
Vài năm trước, tôi được mời tới dự tiệc tại một nhà xuất bản ở Amsterdam. Đó là một buổi chiều đẹp lộng lẫy, ngập tràn ánh nắng trong sân vườn của một tòa nhà cổ kính nằm trong danh sách bảo tồn. Tôi lang thang quanh đám đông. Danh sách khách mời toàn những nhân vật quan trọng trong giới cấp tiến Amsterdam. Những nhà tư tưởng và nhà văn lỗi lạc, những cái tên nổi tiếng mà tôi nhớ ra là có trong reading list của tôi hồi trung học. Họ đang có mặt ở đây, dạo bước ngang qua tôi.
Sau thức uống khai màn là lúc dùng bữa. Thực đơn: asparagus (măng tây) với khoai (khoai tây) và thịt nguội. Tôi không ăn thịt, nên tôi không vui với đĩa thức ăn dành cho mình. Liếc quanh, tôi nhận ra có vẻ như chỉ mình tôi thấy thế. Tôi bèn hỏi nhân viên về lựa chọn vegetarian (chay). “Liệu anh có muốn ăn món cá không?” Một khoảng câm lặng. Tôi nhấm nháp đồ uống trong khi những người cùng bàn chú tâm vào bữa ăn của họ, còn nhân viên nhà bếp làm ra món gì đó cho tôi. Quanh tôi lúc ấy là giới tinh hoa trí thức Hà Lan, bao gồm cả những nhân vật tầm cỡ trong giới văn chương, những người chắp bút để tạo nên một lượng bài viết đồ sộ, cực kì chất lượng, nhắm vào những thách thức to lớn trong thời đại của chúng ta: từ biến đổi khí hậu đến đại tuyệt chủng. Và tôi là người duy nhất không ăn thịt.
Có thể quan sát của tôi không hoàn toàn chính xác, hoặc tôi ngồi nhầm bàn, nhưng tôi vẫn thường nghĩ lại về khoảnh khắc ấy. Chẳng phải những nhân vật này, với tất cả tri thức và lý tưởng cao cả họ có, đã phải dừng ăn thịt từ lâu rồi hay sao?

'Left-wing Indulgence'

"Việc cứu môi trường không khởi nguồn từ cá nhân" – khẩu hiệu này trong vài năm trở lại đây lan tỏa rộng rãi trong giới những nhà tạo quan điểm cấp tiến (progressive). Theo đó, chúng ta sẽ cần thay đổi thế giới này trước tiên. “Tiêu dùng có ý thức cũng chỉ là một cách trốn tránh thôi” David Wallace-Wells đã lập luận như vậy vào năm trước trên tờ The New York Times: “Con người nên cố gắng sống theo giá trị của chính mình về khí hậu, cũng như đối với mọi việc khác. Nhưng tác động từ những lựa chọn lối sống cá nhân, suy cho cùng, vẫn là quá nhỏ nhặt so với tác động nhờ vào chính trị.”
Quả thật, tôi bị ảnh hưởng bởi dòng tư duy này. Cảm giác thật đau đớn khi lắng nghe một nhà thông thái bảo thủ (conservative) nói lên quan điểm về “trách nhiệm cá nhân” trong khi hoàn toàn phủ định đói nghèo cấu trúc (structural poverty), bất bình đẳng và cũng bỏ qua yếu tố may mắn của tầng lớp mình. Và chẳng thể không tức giận khi nghe Shell, McDonald's hay Coca-Cola bàn về giảm thiểu dấu chân carbon, ăn uống lành mạnh và tăng cường thể thao trong khi chính họ vẫn đang thu về hàng tỉ đô lợi nhuận từ dầu mỏ, fast food và đồ uống dư đường?
Có tồn tại cái gọi là left-wing indulgence?
Khi những bất công mang tính cấu trúc nổi lên, chỉ cần hô lên “thần chú” rằng, thành công có thể coi là lựa chọn và rằng, mỗi người phải tự nhận lấy trách nhiệm với bản thân mình. (Tác giả gọi đây là “the right-wing indulgence”, có nghĩa là lý lẽ có tính dung túng, khiến các tư tưởng cánh hữu trở nên hợp lý, bảo vệ chúng trước các phản biện. – ND)
Nhưng kể từ buổi chiều hôm ấy ở Amsterdam, tôi vẫn thường tự hỏi, liệu điều ngược lại có đúng không. Phải chăng cũng tồn tại thứ gọi là “left-wing indulgence” (thứ lá chắn tương đương dành cho cánh tả - ND)? Tôi đang nói về những nhà lý tưởng, những người mà ngay khi trách nhiệm cá nhân được gọi tên, sẽ bắt đầu lên tiếng rằng, các cấu trúc mới là thứ cần bàn trước hết. Rằng cái chúng ta cần làm đầu tiên là một phân tích giúp chỉ ra rằng mọi thứ là lỗi của ngành công nghiệp dầu mỏ, các tập đoàn đa quốc gia, các quảng cáo, các thuật toán, Chủ nghĩa Tư bản và Tân Tự do Neoliberalism - tất tần tật những thứ như thế cho phép chúng ta không phải nhìn lại mình trong gương.
Thế thì sự thay đổi sẽ bắt đầu từ đâu?

Việc giúp ích cho môi trường cũng bắt đầu từ chính căn nhà của bạn

Chẳng cần phải là một giảng viên, bạn cũng hiểu chính đây đã là một câu hỏi sai. Thay đổi có thể bắt đầu ở bất cứ đâu. Trên đĩa thức ăn và cả trong nhà máy, ở nhà lẫn ở công sở, ở thành phố nơi bạn sống và cả ở trong chính phủ, và cả tại bữa tiệc sinh nhật cùng gia đình nữa. Thật khó để có thể phân chia các cá nhân và các hệ thống thành nhóm riêng rẽ. Đó là một sự thật trần trụi; cá nhân và hệ thống luôn gắn bó đan xen với nhau.
Để diễn đạt ý một cách rõ ràng hơn, tôi xin giới thiệu thứ tôi muốn được gọi là:
1️⃣ Quy luật Thứ nhất của Thay đổi Xã hội: hành vi của chúng ta có tính lây lan.
Lấy ví dụ về pin mặt trời. Vài năm trước, Google triển khai dự án Sunroof, một trang web cho bạn thấy quanh khu mình sống, những nhà nào đang sở hữu các tấm pin mặt trời. Một điểm dễ nhận thấy ngay lập tức: các tấm pin không phân tán ngẫu nhiên trong một khu dân cư, mà có vẻ tập trung thành cụm, hiển thị dưới dạng chùm (như virus). Có nghĩa là, việc bạn lắp đặt pin măt trời sẽ làm tăng khả năng hàng xóm của bạn làm điều tương tự.
Cách đây không lâu, nghiên cứu của hai nhà kinh tế học Mỹ chỉ ra rằng, xét về tính dễ lây lan, việc lắp đặt điện xanh có mức độ cao hơn cả uống rượu bia hay hút thuốc lá. Hệ thống năng lượng tái tạo của bạn càng lớn và dễ thấy thì càng nhiều người bắt chước bạn. Và theo sau đó là nhiều hệ quả khác nữa. Nhu cầu pin măt trời tăng lên làm tăng lợi nhuận của các công ty, từ đó tiếp sức cho vận động hành lang, giúp các chính sách xanh có thêm cơ hội được đưa vào thực tiễn. Chẳng mấy chốc, những gì cá nhân sẽ chuyển biến thành chính trị.
Lý luận này cũng vẫn đúng khi áp dụng với burger rau củ, đi tàu hỏa trong kì nghỉ, ô tô điện và đủ mọi loại lựa chọn khác. Burger chay được mua nhiều hơn đồng nghĩa thực phẩm thay thế thịt sinh lời tốt hơn, nhà sản xuất có thêm tiền đầu tư vào các cải tiến, nâng cao chất lượng và lại thu hút thêm nhiều người ăn burger chay hơn nữa. Cũng giống như trên, nó có lợi đối với vận động hành lang cho các công ty thực phẩm chay và sự ủng hộ đối với việc đánh thuế thịt, v.v.
Nhà tâm lí học Nicholas Christakis và James Fowler gọi hiện tượng này là “Ba cấp độ Ảnh hưởng”. Hành vi của chúng ta không chỉ tác động đến bạn bè (cấp 1) mà còn cả bạn của họ (cấp 2) và bạn của bạn họ nữa (cấp 3). Nói cách khác, ngày hôm nay khi bạn mua burger chay hay tham gia biểu tình vì khí hậu, bạn sẽ ảnh hưởng đến cả những người bạn có thể chẳng bao giờ gặp.
Vô vàn nghiên cứu chỉ ra lý thuyết “lây lan” trình bày bởi Christakis và Fowler cũng áp dụng được trong rất nhiều chủ đề khác: hạnh phúc, hút thuốc, bầu cử, tính hào hiệp, chứng béo phì, ý muốn tiêm vắc-xin, v.v. Tóm lại, kết luận rằng một cá nhân không thể tạo nên thay đổi là rất khó, trừ khi ta chọn nhìn nhận rằng con người có tính cá thể cực kì cao (hyper-individualistic).
Tất nhiên, tôi có thể dễ dàng đảo chiều toàn bộ chuỗi lập luận này: Các chính sách xanh giúp đem lại lợi nhuận lớn hơn cho các nhà sản xuất thực phẩm bền vững, thêm lợi nhuận là thêm cải tiến, sản phẩm veggie burger chất lượng hơn, thu hút thêm nhiều người mua… Nhưng chính khả năng lập luận theo cả hai chiều chứng minh luận điểm của tôi: Không hề tồn tại một xuất phát điểm, hay một nguồn gốc đơn nhất, tiền định cho sự thay đổi, bởi vì sự lây lan xã hội diễn ra ở mọi chiều hướng.
Chúng ta thậm chí có thể tăng cường tín hiệu để nâng độ phủ sóng. Đây là điều dẫn đến
2️⃣ Quy luật Thứ hai của Thay đổi Xã hội: trở thành một ví dụ tốt hơn sẽ tạo cảm hứng cho thêm nhiều người hơn nữa. 
Hay nói cách khác, nói đi đôi với làm. (practice what you preach).
Đạo đức giả tiềm ẩn sự nguy hiểm chết người. Điều này những người hoài nghi dường như hiểu rõ hơn các nhà lý tưởng. Những ai sống không nguyên tắc thì luôn ám ảnh, nghi ngờ có chỗ cho thói đạo đức giả ở những người thực sự tin vào điều gì. (Ở đây không đồng nhất người hoài nghi với người sống không nguyên tắc – ND). Tucker Carlson, ngôi sao Fox News và thường được nhắc đến như là người “nối nghiệp” Donald Trump là một ví dụ xuất sắc ở đây. Trong cuốn sách của mình, Ship of Fools (2018), Carlson dành hẳn một chương để nói về biến đổi khí hậu. Carlson không định vị bản thân là một người phủ nhận vấn đề khí hậu hay là một người phản đối chuyển dịch năng lượng, đơn giản vì không có hứng thú với những việc như thế. Thay vào đó, Carlson hướng chú ý vào thói đạo đức giả của những người vờ quan tâm.
Dinh thự của Al Gore (Cựu Phó Tổng thống Mỹ, nhận giải Nobel hòa bình năm 2007 với nỗ lực chống biến đổi khí hậu – ND). Phi cơ riêng của Hillary Clinton. Leonardo di Caprio, người đi từ Cannes đến New York bằng phi cơ riêng, rồi lại quay trở lại vào hôm sau, nghĩa là bay 12 000 km để đi nhận một giải thưởng xanh từ một nhóm hành động vì nước sạch. Phía cấp tiến đưa ra phản hồi: rằng đấy không phải vấn đề; phát thải DiCaprio tạo ra chẳng nhằm nhò gì. Nhưng tất nhiên có quan trọng chứ. Đạo đức giả gây tổn hại đến mức độ hiệu quả của DiCaprio với tư cách là nhà hoạt động vì khí hậu. Tệ hơn nữa là hành vi này có tác động đến người khác: thấy một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới thoải mái với việc sở hữu phi thuyền sang trọng và phi cơ riêng, người ta sẽ dễ nuông chiều bản thân hơn – đi nghỉ mát với chuyến bay giá rẻ hoặc trên những con tàu du lịch có mức gây ô nhiễm cao. Từ đó các tàu du lịch và các công ty hàng không có thêm lợi nhuận, việc vận động hành lang chống lại chính sách xanh cũng mạnh mẽ hơn.
Vậy thì phải làm như thế nào? Hãy cùng nhìn vào nhà hoạt động vì khí hậu hiệu quả nhất thời đại chúng ta: Greta Thunberg. Đối với cô gái người Thụy Điển này, việc chúng ta đang sống giữa tiến trình sụp đổ sinh thái là quá rõ ràng. Chúng ta cần một sự chuyển đổi quy mô lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Nhưng trước khi quy trách nhiệm cho người khác, Thunberg soi xét bản thân mình. Cô ấy ngừng ăn thịt, chế phẩm từ sữa bò, quyết định không đi máy bay thêm nữa, và thuyết phục thành công mẹ của mình (một ca sĩ opera nổi tiếng) làm điều tương tự. Gia đình Thunberg mua các tấm năng lượng mặt trời, một chiếc ô tô điện, thứ mà họ cũng cố gắng sử dụng ít nhất có thể. Chỉ khi ấy, Thunberg mới bắt đầu việc “bãi khóa vì khí hậu” mà sau này đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Thunberg là nhà hoạt động vì khí hậu hiệu quả nhất thời điểm này vì cô ấy không chấp nhận nói dối bản thân mình. Cô ấy biểu tình không phải vì đó là sở thích hay một dự án phù phiếm, không phải một mô hình kinh doanh sinh lời từ các thỏa thuận tài trợ béo bở, các cam kết phát biểu. Có lẽ đó là lý do vì sao với những người hoài nghi như Tucker, việc dồn Thunberg vào góc tường không hề đơn giản. DiCaprio bay với phi cơ riêng tới để nhận lấy giải thưởng vì môi trường. Thunberg đi thuyền buồm vượt Đại Tây Dương. Khi tràng pháo tay vang dội chen vào giữa lúc Thunberg đang phát biểu nhắm vào vai trò của Liên Hợp Quốc, cô ấy trông có vẻ lấy làm phiền hơn là hãnh diện: Thunberg đến đó không phải để kiếm lấy sự tán thành.
Trong cuộc phỏng vấn cần đây, Thunberg nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hành động tập thể và hành động cá nhân. Tiêu đề bài báo: “Greta Thunberg đã nghe các lý lẽ. Và không thấy ấn tượng. ("She is not impressed")” Cô ấy giải thích vì sao không bay khắp thế giới: “Việc chọn không đi máy bay giúp gửi đi tín hiệu rằng, chúng ta đang sống trong khủng hoảng. Khi ở trong cơn khủng hoảng, con người thay đổi hành vi. Nếu không có ai phá vỡ cái chuỗi “Tôi sẽ không làm việc này, vì có ai khác hành động đâu” và “Ngoài kia còn bao nhiêu người khác làm đủ những việc tệ hại hơn tôi.” - nếu ai cũng khăng khăng với lý lẽ kiểu như vậy, rốt cuộc sẽ chẳng có ai thay đổi cả.”
Các tờ báo đã sớm loan tin về “Hiệu ứng Thunberg”. Tin tức về cuộc biểu tình của Thunberg lan truyền nhanh như virus, trẻ em thuyết phục bố mẹ cùng tham gia nhiều hơn, các công ty bắt đầu dành thêm nhiều ngân sách vào tính bền vững, các chính trị gia tuyên bố về các kế hoạch tầm cỡ. Thế giới vốn vô cùng phức tạp, thế nên, sẽ không đúng nếu nói những thay đổi này sẽ chẳng thể có được nếu không có Thunberg. Nhưng không một ai có thể phủ nhận sự thật rằng cô ấy đã mang lại tác động to lớn.

Bước tiếp theo: trở nên triệt để - get radical.

Không bất ngờ cho lắm khi cô bé học sinh người Thụy Điển trước hết thực hành lối sống thuần chay, rồi mới đi bãi khóa. Bắt tay vào hành động không những tạo điều kiện để làn sóng lan rộng đến người khác – nó còn tác động lên chính bạn.
Điều này dẫn chúng ta đến
3️⃣ Quy luật Thứ ba của Thay đổi Xã hội: trở thành một ví dụ tốt có thể “thay máu” chính con người bạn (“radicalise yourself": thay đổi tận gốc. Tùy vào hoàn cảnh xã hội, quan điểm, việc thách thức các thực hành phổ biến trong xã hội có thể được coi là cấp tiến hoặc cực đoan - ND).
Những người không còn ăn thịt rồi cũng tự hỏi mình có nên tiêu thụ các chế phẩm sữa hay không. Những người ít đi máy bay hơn có nhiều khả năng bầu cho một đảng xanh hơn. Những ai bỏ tiền mua tấm pin mặt trời có thể cũng cân nhắc chuyện tham gia vào một cuộc biểu tình vì khí hậu. Mọi thứ đều có liên kết với nhau; ở cấp độ này cũng vậy. Thực sự làm những gì bạn thuyết giảng khiến chính bạn trở nên gắn bó hơn với những mục đích tốt đẹp bạn ủng hộ.
Tôi trải qua điều này khi mà vào 4 năm trước, cuối cùng tôi cũng dừng hẳn việc ăn thịt. Ban đầu, tôi vừa vui vừa ngạc nhiên khi việc đó không có vẻ gì là khó. Tôi nhập cuộc khá muộn, và chính nhờ trước tôi đã có biết bao nhiêu người đã dũng cảm và làm được điều này, (nhờ đó thúc đẩy các cải tiến để đồ ăn chay ngon miệng hơn), chế độ ăn không có thịt với tôi trở nên tương đối dễ xoay sở. Tôi cũng vui khi một số bạn bè cũng dần bỏ thịt – phải chăng tôi đã góp phần vào quyết định của họ?
Nhưng tôi không ngờ rằng, chẳng mấy chốc tôi phải đối diện với thách thức mới. Càng đọc, tôi càng nhận ra tôi thật sự cần từ bỏ cả các chế phẩm từ sữa nữa. Và điều này thì khó hơn rất nhiều.

Cớ gì mà những lý tưởng cũng cần phải vui?

Chúng ta đến với 
4️⃣ Quy luật Thứ tư, và cũng là cuối cùng: việc làm nên tấm gương tốt nhất là điều khó nhất.
Điều này lịch sử có thể giải thích cho chúng ta. Ngày nay, việc các bà mẹ làm việc ngoài xã hội là chẳng có gì lạ, nhưng vào những năm 1950, ý tưởng này vấp phải rất nhiều phản đối. Ngày nay, người ta không coi việc yêu cầu một người hút thuốc đi ra ngoài trước khi châm điếu thuốc là một hành động can đảm nhưng vào những năm 1950, khi mà tất cả mọi người đều hút thuốc – làm thế sẽ khiến bạn bị cười nhạo cho bẽ mặt. Thời điểm này, công khai xu hướng tính dục vẫn chưa hẳn là việc dễ dàng, nhưng 50 năm trước việc đó đòi hỏi dũng khí hơn bây giờ rất nhiều.
Hoạt động xã hội trong vấn đề tiêu dùng (consumer activism) ngày nay tương đối thuận lợi. Pin mặt trời, xe điện có khả năng lan tỏa rất nhanh. Điều đó tốt, nhưng tầng lớp trung lưu, được hưởng giáo dục mức cao cũng thường có xu hướng trấn an lương tâm, ví dụ như bằng việc tiêu thụ "thịt tự nhiên" từ các đàn gia súc ăn cỏ, được chăn thả tự do cỏ của những trang trại thân thiện với môi trường. Thực tế là lượng khí thải những người này tạo ra còn lớn hơn.
Kinh nghiệm đúc rút: nếu những lý tưởng của bạn không đòi hỏi có sự hi sinh, thì khả năng chúng không mang nhiều ý nghĩa cho lắm. Rõ ràng là khả năng đóng góp của mỗi người là khác nhau. Bạn càng có nhiều tiền bạc, quyền lực và hiểu biết thì phần bỏ ra của bạn càng nên lớn hơn.
Những lý tưởng nghiêm túc đi kèm sự đau đớn thât sự, như những gì những người theo đuổi lối sống thuần chay trải qua: một nghiên cứu vào năm 2015 từ Canada cho thấy dư luận về những người thuần chay còn tiêu cực hơn cả về những người vô thần, người nhập cư hay người đồng tính. Duy nhất chỉ có những người nghiện là bị ghét hơn. Thế thì sự thù ghét này đến từ đâu? Các nhà tâm lý cho rằng, các nguyên tắc mà người thuần chay có cho mình – ngay việc họ dùng bữa trưa tự chuẩn bị trong im lặng – cũng bị người khác nhìn nhận như một dạng tấn công cá nhân. Sâu thẳm bên trong, chúng ta sợ rằng họ đúng. Hiếm có điều gì gây cho người ta tâm lý đối đầu như khi thấy sự can đảm của người khác. Xấu hổ là một cảm giác gây khó chịu, nên người ta chọn sa vào cách “giải quyết” dễ hơn là đi đến kết luận, việc gợi nỗi xấu hổ là không có tác dụng. Những năm gần đây, hàng tá cây viết đã nhận định phê phán những người chọn đi máy bay hay chọn ăn thịt là việc làm độc hại ("toxic").
Nhưng tôi không cho rằng, kết luận nói trên không đủ sức nặng khi soi vào thực tế lịch sử. Chính việc có thêm càng nhiều người chọn quay lưng với người hút thuốc là mở đầu quan trọng để đi đến luật cấm hút thuốc trong nhà. Chính nhờ công chúng quay lưng với ngày càng nhiều những công ty không đảm bảo được tính đa dạng trong nhân sự dẫn đến việc, ở một số quốc gia, đã có chỉ tiêu bắt buộc về số lượng phụ nữ ở cấp lãnh đạo. Ngay thời điểm hiện tại, những nỗ lực flight-shaming (“đi máy bay là nỗi xấu hổ”) đã tăng cường đòi hỏi phải có thuế hàng không, cũng như việc meat-shaming có thể làm tăng sự ủng hộ dành cho thuế thịt. (Cấm thịt nghe có vẻ là một ý tưởng viển vông, nhưng việc cấm hút thuốc trong nhà 50 năm trước cũng thế).
Khi người ta chống lại ý tưởng bôi xấu (shaming) việc đi máy bay, ăn thịt, phô mai, uống cappuccino, tận hưởng du thuyền, tiệc BBQ, đặt Uber, v.v... thì ý họ là vì làm như vậy sẽ đem lại cảm giác không dễ chịu. Đúng vậy, nỗi xấu hổ thật khó chịu. Nhưng, nếu đó chính xác là thứ cần phải được cảm nhận thì sao? Có ai dám nói rằng thay đổi thế giới lúc nào cũng vui? Nỗi xấu hổ có tác dụng chính là bởi nó gây ra khó chịu. Khó chịu là nhiên liệu cho chuyển biến. Discomfort is the fuel of progress.
Bên cạnh cùng nhau xây dựng những phân tích phê bình về những cấu trúc lớn trong xã hội, có lẽ ta cũng nên nhìn vào gương thường xuyên hơn một chút. Chúng ta không cần phải hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể nâng độ khó cuộc sống của chính mình lên một chút, ngay cả điều đó không dễ chịu lắm.
“Một trong những việc khó khăn nhất không phải là thay đổi xã hội mà là thay đổi bản thân”.
Nelson Mandela đã nói như vậy trong năm cuối ông làm tổng thống Nam Phi.
--
P/S: Mình thấy đây là một bài viết có những thông điệp, ý tưởng cần thiết, bàn về trách nhiệm cá nhân trong giải quyết biến đổi khí hậu, đồng thời cũng áp dụng được với các vấn đề xã hội khác nữa. Recommend các bạn tìm về bài gốc để xem thêm các nguồn dẫn chứng.