Năm mình thi đại học vừa hay là đổi quy chế thi từ thi tốt nghiệp và đại học riêng thành gọp chung thành một. Về cơ bản thì thi như vậy vừa dễ lại vừa khó, dễ là rất đơn giản để lấy đủ điểm tốt nghiệp, nhưng lại cực kì khó để được điểm cao.
Sau khi đạt được số điểm không quá cao, không quá thấp, mình quyết tâm nộp vào trường khoa học xã hội và nhân văn. Với những năm trước thì điểm chuẩn của ngành mình chọn là 19 điểm, nhưng năm đó bất ngờ lại tăng vọt lên 23 và mình vừa đủ … rớt.
Vậy là mình đi du học.
Thật ra du học đại học ở nước ngoài thì xét tuyển sẽ dễ hơn một chút, đương nhiên là nó còn tùy vào trường mà bạn chọn.
Đa phần những bạn chọn du học Canada sẽ chọn học college trước (là cao đẳng của Việt Nam mình) nhưng khác với cao đẳng ở Việt Nam là một bằng cấp rất thấp, thì college ở nước ngoài mang tính thực hành nhiều hơn.
Tức là nếu vào đại học 4 năm thì bạn sẽ được đào tạo toàn vẹn từ tư duy đa chiều, lý thuyết về ngành và thực hành vào những năm cuối.
Còn vào cao đẳng thì bỏ luôn bước lý thuyết mà lao vào thực hành. Một kiểu học dạng như rút gọn chương trình để đào tạo kĩ thuật cho người muốn tốt nghiệp ra trường là đi làm luôn và rút ngắn thời gian thực tập. Vì lương bình quân ở Canada khá đắc, nên rất nhiều người chọn cao đẳng để có thể tìm việc dễ hơn, và nhà tuyển dụng cũng tương tự muốn tiết kiệm mà sẽ tuyển người có bằng cao đẳng nhiều hơn là bằng đại học.  
Vậy nên mình chọn cao đẳng như đa số các bạn khác.
Thật ra nói là thực hành nhiều, nhưng lý thuyết cũng được học kèm nên lúc nào chương trình học cũng khá là cân bằng. Để review về du học thì nó khá là dài, nên mình chỉ nói những mặt lợi mình có được từ việc du học thôi nhé.
1.   Giao tiếp với nhiều nền văn hóa khác nhau.
Canada là một đất nước mà dân nhập cư nhiều hơn là dân bản địa, nên một lớp học sẽ có đủ loại người từ đủ mọi đất nước từ Hàn, Trung, Brazil, Nga hay Châu Âu. Mỗi người một giọng địa phương khác nhau nhưng đều nói chung một ngôn ngữ là tiếng anh. Vậy nên nếu bạn chọn du học, bạn sẽ được tiếp xúc với đủ loại giọng địa phương lúc nói tiếng anh. Không biết người khác thì thế nào, nhưng với mình thì đây là một điểm cộng vì mình có thể nghe được đủ loại giọng của tiếng anh luôn.
Ngoài ra thì vì tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nên tư duy của bạn cũng sẽ đa chiều hơn và góc nhìn cũng sẽ mở hơn. Vì mỗi một văn hóa sẽ có góc nhìn về vấn đề khác nhau, nên bạn cũng sẽ được tiếp thu nhiều ý kiến và quan điểm hơn. Đây cũng là một trong những điểm thú vị nhất của du học.
2.   Chương trình đào tạo thú vị
Ai cũng bảo nền giáo dục nước ngoài thì tiên tiến và đẳng cấp hơn, nhưng vẫn chưa ai thật sự nói rõ là tiên tiến ở mức độ nào. Thật ra theo quan điểm của mình thì nền giáo dục, và kiến thức cao đẳng hay đại học của nước ngoài khá là cũ so với Châu Á. Và điều này dễ hiểu thôi vì các nước đã phát triển đã có một hệ thống giáo dục đầy đủ cho các cấp từ rất lâu đời rồi, nên nếu để thay đổi thì cần một thời gian rất lâu.
Nhưng cái gì cũng có cái lý của nó. Đôi khi những hình thức cũ như làm bài thi trên giấy, học những kiến thức cũ về kinh tế hay học nền tảng của công nghệ dù rằng chúng ta đã phát triển đến nền AI vượt trội… đều khiến chúng ta nghĩ là nó cũ và không hợp lý. Thật ra là do cách giáo dục ở đây chú trọng nền tảng và tự học, đa phần bài tập sẽ là giáo viên đưa ra nên những câu hỏi mang tính hiện đại sẽ tùy thuộc vào giáo viên kết hợp với sự tự tìm hiểu, chứ hoàn toàn không có trong chương trình giảng dạy.
Và tiêu chí của giáo dục phương Tây là truyền cảm hứng hơn là cầm bút chỉ việc. Nên nếu đổi góc nhìn một chút, chúng ta sẽ nhận ra những dụng ý sâu bên trong của cách giáo dục này. Và đặc biệt là nền giáo dục hiện tại chứng minh là có dụng ý vì khi dịch Covid diễn ra, mọi thứ đều chuyển sang Online một cách mượt mà trong vòng 1 ngày và mọi nội dung học cũng được cập nhật mới mẻ hơn bám sát tình hình Covid. Tức là họ hoàn toàn có khả năng hiện đại hóa, nhưng vẫn cố chú trọng vào nền tảng cơ bản.
Và đương nhiên, vì bám sát thực hành, nên giáo trình của nó cũng thiên hướng có thể áp dụng nhiều hơn học thuật.
Tóm lại là, chương trình học có thể tùy mỗi trường mỗi khác nhưng nhìn chung thì du học vẫn là một cách để chúng ta học được rất nhiều điều mới lạ, thú vị mà không đến từ sách vở mà đến từ chương trình học và thầy cô nữa.
3.   Tự lập, và quản lý tài chính.
Thật ra câu chuyện du học và học xa nhà của các bạn ở các tỉnh thành khác cũng khá là tương tự nhau. Chúng ta đều phải đến một nơi xa để học, để làm việc và đều ở một mình. Khác biệt nhất chắc có lẽ là mệnh giá tiền tệ và việc quản lý chi tiêu.
Học xa nhà, nếu các bạn dư dả một chút thì hoàn toàn có thể không cần nấu ăn. Nhưng giá cả của ăn nhà và ăn tiệm ở nước ngoài lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nên nấu ăn là kĩ năng chắc chắn mà du học sinh phải có. Và sau đó là quản lý tài chính một cách khắc khe hơn, vì tiền tệ quy đổi rất mắc, và vì ở xa cũng sẽ ngại phải nhờ bố mẹ nữa. Nên từ việc du học thì chúng ta sẽ học được cách tự lập và quản lý tài chính một cách hiệu quả hơn (Đương nhiên chỉ khi nào chúng ta thật sự mong muốn học được những điều đó).
Nhìn chung thì du học có rất nhiều mặt lợi, nhưng mình chỉ liệt kê ra những thứ mà mình có thể thấy lợi nhất. Nếu có cơ hội,mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về việc du học ở độ tuổi đại học. Và nếu bạn còn đang lăn tăn chọn ngành chọn nghề, thì hãy ghé group Người Trong Muôn Nghề để được trò chuyện với những bậc tiền bối từ ngành Xã Hội Nhân Văn đến Kinh Tế rồi Khoa Học Kĩ Thuật, thậm chí là Ngành Du Học Sinh.
Chúc các bạn có một định hướng tốt nhất có thể. 
-Lâm Duệ Nghi-