Ảnh lấy từ vnexpress
Ảnh lấy từ vnexpress
Thực ra, chắc nhiều người cũng biết điều gì đã tạo nên cảm hứng cho tôi viết bài này. Và, tôi xin lưu ý, vấn đề của cô ca sĩ đó hiện vẫn còn nhiều khuất mắc nhỏ lẻ nội bộ nên tôi sẽ chỉ nhắc về một số khía cạnh nhỏ, mà tôi xin phép bàn về các khía cạnh của chữ Hiếu cực đoan. Tất nhiên, toàn bộ đều là ý kiến riêng. Nhưng cũng xin lưu ý: bài viết sẽ không quy chụp toàn bộ, cũng không mở rộng vấn đề ra các khía cạnh khác mà tập trung vào cái mà bản thân tôi không đồng tình.
Tôi sống trong một gia đình không quá đặt nặng chữ Hiếu, ý tôi không phải việc hỗn hào mất dạy với cha mẹ, mà là không đặt nặng vấn đề “báo Hiếu”: kiếm tiền phụng dưỡng, chăm sóc về già,... vân vân và mây mây. Mẹ tôi bảo rằng chỉ cần tôi có thể tự nuôi sống bản thân thì mẹ cũng cảm thấy an tâm rồi. Và tôi rất mừng vì bản thân có được một người mẹ như vậy.
Quay trở lại vấn đề.
Vậy, chữ Hiếu là gì? Chúng ta có một khái niệm rõ ràng trong mở đầu của Hiếu Kinh, tác phẩm chính của Nho Giáo nói về chữ Hiếu:
“Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo… thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu. Xét về hiếu, khởi đầu là lo việc song thân, kế đến là việc vua tôi, sau cùng mới đến việc lập thân.”
Chúng ta đang sống ở thời hiện đại nên có thể thấy có rất nhiều vấn đề trong Hiếu Kinh của thời trước khá bất cập. Chưa nói tới việc thực chất Nho Giáo được xây dựng để củng cố mạnh mẽ cho “thẩm quyền” tuổi tác và chức danh, chức phận trong xã hội đương thời. Đối với tôi, Hiếu đơn giản là thế này:
“Sống không tệ nạn, tự nuôi được bản thân.” – đúng như những gì mẹ tôi mong muốn ở tôi. Dù vậy, có thể sẽ gửi tiền về cho mẹ nếu mẹ cần làm gì đó hoặc lâu lâu về thăm nếu ra ở riêng, hoặc nếu mẹ mất, tôi sẽ tổ chức một đám tang vừa đủ cho mẹ mình.
Vậy, đối với những gì bản thân tôi thấy ở rất nhiều người trong xã hội thì sao?
***
Trước tiên, nói về trải nghiệm của tôi khi gặp và nghe được những người cực đoan trong Hiếu thảo.
Tôi gặp một bà chị có tư tưởng chữ Hiếu cực nặng.
Sao khi biết được vấn đề tôi chỉ coi cha ruột tôi chỉ trên danh nghĩa, còn tình yêu thương là tôi dành cho cha dượng. Cha ruột đã bỏ tôi đi từ lúc còn rất nhỏ, trong khi cha dượng nhất mực thương yêu tôi dù tôi là con khác của mẹ.
Chị ấy kể rằng chị ấy cùng với các anh chị khác phải thức dậy từ rất sớm để đi làm lụm vất vả. Nếu không thức thì sẽ bị đánh đập, bị chửi bằng những từ ngữ mà tôi không tiện nói ra trong bài. Nhưng... chị ấy vẫn yêu thương cha mẹ và nói rằng đó là do họ thương chị ấy. Chị ấy nhớ những đòn roi và lời mắng chửi của cha mẹ và bảo rằng tôi nên yêu thương cha ruột mình, có sao đâu (trước đó tôi đã nói rõ tôi là người quan trọng công dưỡng hơn công sinh thành).
Tôi cảm thấy khó hiểu. Tôi hỏi: “Tại sao không nhớ (không có) những ký ức vui vẻ, cha mẹ khen việc mình làm đúng, sai thì sẽ thông cảm và chỉ dạy lại tận tình. Tại sao không có tình thương như thế mà lại dùng đòn roi chửi rủa? Tại sao lại nhớ những chuyện khủng khiếp đó?”
Chị ấy bảo: “Con người đâu thể ép buộc được.”
Trong khi trước đó chị ấy ép tôi rằng phải yêu thương cha ruột mình, rằng việc tôi không có tình cảm gì nghĩa là thù ghét cha tôi (dù tôi nói là mình không thù ghét). Nói chung có nhiều câu mà chị ấy nói bị mâu thuẫn lắm.
Như việc chị ấy bảo: “Hổ dữ không ăn thịt con.”
Cũng là chị ấy: “Có những cha mẹ bỏ con cái mình ngoài bệnh viện, bãi rác, em sống tích cực lên đi, đừng buồn nữa.” (tôi đã cố quên, trừ khi có gợi nhắc tôi mới nhớ. Và ai là người đã khơi chuyện? Các bạn đều đã rõ.)
Còn một số vấn đề khác liên quan tới tư duy tích cực một cách cực đoan: nhiều người khổ hơn em, nên em hãy lạc quan lên, đừng buồn nữa. Hay việc: không yêu thương cha mẹ ruột sinh ra mình là làm ăn không lên, thất bại, sa vào tệ nạn xã hội,...
Nói chung, tất cả những vấn đề đó, chắc các bạn cũng thấy nó liên quan rất lớn tới chữ Hiếu và một phần không nhỏ chữ Nghiệp của đạo Phật.
Chị ấy nói việc cuộc sống tôi như thế này là do kiếp trước tôi tạo nghiệp quá nhiều dẫn tới kiếp này sống khổ. Lúc đó đầu tôi đã lùng bùng vì mệt với những tư tưởng kiểu này rồi nên tôi không nói gì nữa.
Tôi đem việc này trò chuyện với bạn tôi và bạn ấy cũng bảo rằng mình được sinh ra với gia đình có tư tưởng, mà theo tôi, quái lạ. Mẹ bạn ấy thường bạo hành bạn ấy, nhưng rồi bạn ấy không được người trong xóm giải vây, mà còn bị chửi nặng nề hơn. Trọng tâm của vấn đề là gì? Bạn ấy muốn được đi học (thực ra thì giờ bạn ấy đã tốt nghiệp đại học luôn rồi, và nhờ vào chính sức mình có học bổng cũng như đi làm để tự trang trải thêm vào), tự đi làm để kiếm tiền thì bị mẹ chửi không đưa tiền cho bà ấy mà đổ vào việc học.
Nghe vui nhỉ.
Về sau thì mẹ bạn ấy “quên” đi mọi thứ bà ấy làm và nói rằng mình đã nuôi bạn ấy ăn học thành tài, cũng như việc lắm lúc vẫn nói xấu bạn ấy này nọ.
Về cha của bạn?
Gần giống với bà chị tôi kể trên kia.
Bị tai nạn mọi thứ đều do nghiệp, sinh ra trong cái gia đình đó cũng là do nghiệp, có cha mẹ như thế cũng là do nghiệp,... phải sống chịu đựng đi. (Bonus thêm: sinh ra dưới lốt phụ nữ cũng là nghiệp). Vào một gia đình không tốt là để trả nghiệp, cho tiền cha mẹ là để trả nghiệp,...
Dông dài rồi.
Cơ bản là, nó như một sự thật hiển nhiên.
“Tại sao không tự xây dựng mình tốt lên để gia đình tốt lên. Gia đình gia trưởng, thế sao ổng không làm được vì ổng có tiếng nói? Đưa tâm linh vào để giải vây cho chính sự thất bại của mình, rằng bà vào gia đình là nghiệp bà? Bà là việc đưa tiền cho ổng với mẹ bà là trả nghiệp? Kiếp sau vào gia đình giàu có chăng?” Tôi đã nói như thế, và chúng tôi trầm ngâm suy ngẫm. Bất giác tôi thầm tự cười.
Tôi đã đùa rằng có thể kiếp trước bạn ấy là Bá Tước Xiên Cọc Người Vladimir, tôi là Jack The Ripper. Nghiệp nặng quá rồi...
Vấn đề này được di truyền qua rất nhiều thế hệ, một phần rất cực đoan của Hiếu Kinh trong Nho Giáo và đâu đó có thể sự góp sức của chữ “Nghiệp” trong đạo Phật: làm gì cũng là nghiệp cả.
Vào một gia đình khổ là nghiệp kiếp trước.
Vào một gia đình giàu cũng là nghiệp kiếp trước, để kiếp này dùng tiền cho người nghèo, trả nghiệp. Không trả nghiệp là nghiệp nữa, kiếp sau nghèo... (không đùa đâu).
Tôi tin chắc là có không ít kiểu người như các kiểu mà tôi đã nêu ra bên trên trong xã hội Việt Nam hiện tại. Những người bị hội chứng Stockholm, hay chỉ ít là một biến thể khác. Vì ta biết rằng Stockholm là yêu thương kẻ bắt cóc mình, trong khi ở đây, yêu thương những người đã bạo hành mình từ lúc nhỏ. Và rồi, vấn đề đó vẫn sẽ tiếp diễn qua nhiều thế hệ khác: con cái là tấm gương phản chiếu rõ cha mẹ là người như thế nào, cũng như xã hội mà nó đã sống như thế nào. Tất nhiên, câu nói này không hoàn toàn chính xác. Nhưng nó chính xác ở bao nhiêu phần trăm, mỗi người trong chúng ta đều có câu trả lời riêng cho bản thân, vì đó là trải nghiệm khi ta tìm hiểu về nhiều mảnh đời trong cuộc sống này.
Riêng tôi, rất rất nhiều.
Các bạn có nhớ tới làn sóng yêu thích phim “Bố Già” chứ? Tôi cảm thấy bộ phim đó có cái hay, nhưng cũng có cái dở tệ. Và cái tệ nhất là khán giả, những con người thích bộ phim mắc triệu chứng Stockholm đã khóc vì nhớ cha mình. Muốn được nghe tiếng cha mắng, cha chửi, nhớ những đòn đánh bằng roi mây của cha... tất nhiên không ít trong đó chỉ muốn được thấy lại cha mình. Nhưng... cái cốt yếu vẫn là sẽ nghe lại tiếng mắng, chửi thôi.
Chưa kể tới những mối quan hệ khác trong cái gia đình hủ lậu của ông Quắn đó và cái kết không thể ba chấm hơn: không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào. Tôi cười khá nhiều với việc thấy cha của Quắn chết, vì tôi biết thế nào cái kết cũng như thế để kéo nước mắt của người xem. Rẻ tiền. (tự nhiên nhớ tới một số comment kiểu: rồi làm được như người ta chưa? Dù gì phim cũng trên trăm tỷ, được chiếu ở nước ngoài đấy, bla bla bla!)
Một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ khác cũng nằm ở bài hát của Đen Vâu mà chắc ai cũng biết bài đó là bài nào.
“Mang tiền về cho mẹ.” – lưu ý, tôi thấy câu này vừa đúng vừa sai tùy hoàn cảnh. Một chị Tiktoker đã phân tích việc nếu đưa tiền cho cha mẹ mà không để làm gì thì nên đi đầu tư. Và rồi sao? Buồn cười là hầu hết lại hiểu theo nghĩa tiêu cực thay vì cái tích cực rõ ràng trong câu nói của chị ấy. “Mang tiền về mà cũng cần mục đích à?” – Đại loại thế này. Tôi tự hỏi, vậy để tiền mọc mốc trong tủ thì chắc tốt hơn chăng? À, còn thêm combo của câu nói đó với “Để cha mẹ giữ tiền dùm thì có sao?” – À... rồi mình kiếm thêm nhiều tiền hơn nhờ đầu tư không phải tốt à? (Không bàn tới việc thua, lỗ vì nó nằm ở phương diện xác suất...)
Và làn sóng tiếp theo mà tôi thấy: vấn đề của Thiện Nhân.
Về cơ bản, ai cũng chửi bạn ấy là bất hiếu, mất dạy, tố giác cha mẹ anh chị của mình lên mạng xã hội. Không ai, hoặc ít ai, bàn sâu hơn về vấn đề cốt lõi: tại sao anh chị (và cha mẹ) của bạn ấy lại nghỉ việc, làm quản lý cho bạn ấy? Chắc không có người nào trong xã hội có thể tin tưởng bằng gia đình à? Giữ hết tiền của bạn ấy luôn, không cần làm vẫn có ăn? (à nhầm, làm quản lý mệt mỏi lắm chứ...) Liệu họ (theo mình biết là anh chị) có thực sự yêu thương bạn ấy trong khi thực chất lại đi nói xấu bạn ấy lên mạng xã hội?
“Cha mẹ luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cái.” – một comment đã nói. Nghe buồn cười thật. Vậy để [dân mạng xã hội lên đồng] chửi Thiện Nhân là điều tốt nhất mà họ làm? Thiện Nhân muốn trả lại căn nhà cho fan nhưng cha mẹ, anh chị không chịu là điều tốt đẹp nhất họ làm? Ừm, để làm gì nhỉ? Để sau này Thiện Nhân có nhà để ở chăng?
“Chỉ mới 18-20 tuổi mà không nghe lời cha mẹ thì không biết ngoan ở chỗ nào.” – vậy nếu cha mẹ sai cũng phải nghe luôn ư? Tôi từng nghe câu trong mắt cha mẹ, con cái vẫn luôn là đứa trẻ. Nghe buồn cười chứ? Vậy bảo bọc đứa nhỏ đó tới chừng nào? Rồi khi cha mẹ chết thì con cái mới là người trưởng thành chăng? Nhận thức tỷ lệ thuận với tuổi? Theo tôi thấy nhiều đứa trẻ thực tế còn hiểu chuyện hơn cả người lớn (xác).
“Mang bầu 9 tháng nuôi đến 12 ,13 tuổi sao không kể con ,mà giờ đi hát được mấy năm theo gái lại đi tố gđ thật là đâu lòng.” – Vì chuyện gì mà tố? Vậy là nếu đứa nhỏ có bị đập sức đầu mẻ trán cũng vẫn nên chịu đựng im lặng? Nếu đứa bé gái bị bạo hành chết bởi mẹ kế với cha RUỘT tố giác họ thay vì giờ đã mất thì sao?
“Không gì là mãi mãi đâu!/Chỉ có gđ luôn bên ta mọi lúc...” Bên ta ngoài đời không được thì bên ta bê trên mạng xã hội. Gần mà xa. Xa mà gần.
Ngoài ra còn một số comment liên quan tới việc xúc phạm xu hướng tính dục của Thiện Nhân nữa.

Quan niệm sai lệch về yêu thương

Ảnh lấy từ Webtretho
Ảnh lấy từ Webtretho
“Vì cha mẹ thương mày nên mới làm thế.”
Liệu ta có bao giờ nghĩ về việc cái sự “yêu thương” đó sai cách chứ? Nhiều người đã từng nghe thấy câu nói trên rồi, nhưng có lẽ rất ít người bàn luận xem “yêu thương” là thế nào, là phải hành động ra sao.
Những trận đòn roi thay vì bằng một cách nào khác, như nói chuyện với nhau.
Tôi thường có suy nghĩ rằng dù ta lớn thế nào đi chăng nữa, ta cũng vẫn chỉ là trẻ con. Việc một người lớn nóng giận quát mắng, đánh đập vì con cái không chịu nghe lời cũng chỉ là một hành động của trẻ con được thực hiện trong một đứa “trẻ con” to xác.
Đơn giản là lúc nhỏ thì ta chỉ có thể khóc lên, không có thẩm quyền (cha, mẹ, người lớn) đối với thế hệ trước, nên ta trở thành tấm gương của thế hệ trước, vô thức thực hiện những hành động (mà nhiều người tự nhủ: mình sẽ không làm thế với đứa con sau này của mình) đối với đứa trẻ dưới quyền mình, bị “thẩm quyền” (bao gồm “tư tưởng” và “thể xác – sức mạnh”) ngăn cấm những chuyện nó không được làm. Có những đứa trẻ về sau trở thành người lớn, mang thẩm quyền thể xác – sức mạnh và thoát khỏi thẩm quyền tư tưởng, cũng như có thói hành xử côn đồ, đã đánh cha đánh mẹ (không hiếm, hoặc đơn giản, thay vì bạo lực, chúng có thể làm những hành động khác mà ta không tưởng tượng nổi).
Chúng ta lớn lên với nhiều câu ca dao tục ngữ được lan truyền được hậu thế truyền lại. Ưu điểm của chúng là nghe bắt tay, dễ hiểu, dễ nhớ. Và... cũng dễ biến thành một thứ được tôn thờ tới phát sợ.

Những câu dạy dỗ truyền miệng

Một số câu ca dao, tục ngữ có liên quan tới quan hệ cha mẹ con cái như:
“Cá không ăn muối cá ươn/con cãi cha mẹ trăm đường con hư.”
Hoặc đơn giản hơn chỉ là những câu nói nhỏ khiến con cái mất đi khả năng tư duy phản biện:
“Tao lớn hơn mày (tao là cha/mẹ mày) nên tao luôn đúng.”
“Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” – đem vào thực tế chắc ai cũng thấy rằng trường hợp ngược lại không thiếu.
Những câu nói đó đã góp phần tạo dựng lên thẩm quyền và hệ tư tưởng mạnh mẽ của cha mẹ áp đặt lên con cái. Rằng cha mẹ luôn đúng, con luôn sai. Củng cố cho sự lạm quyền cũng như hạ thấp đi tính “cá nhân” của một đứa trẻ đối với cha mẹ mình hay với rất nhiều người lớn khác (về cơ bản, “con nít thì biết cái mẹ gì?”).
(Ngoài ra còn có vấn đề ngôn ngữ danh xưng nữa, nhưng vấn đề này đã từng được viết trong một bài viết của anh Tonard.)

Quan niệm về sinh và dưỡng

Ảnh từ https://characterdesignreferences.com/artist-of-the-week-3/michal-dziekan
Ảnh từ https://characterdesignreferences.com/artist-of-the-week-3/michal-dziekan
Tôi từng tự hỏi về vấn đề này. Việc sinh ra, nuôi dưỡng. Liệu đứa con có thực sự muốn được sinh ra nếu biết được rõ cái bản chất mặt tối của xã hội? Ý của tôi không phải là không muốn mẹ sinh tôi ra, mà đây chỉ là một quan điểm nhỏ tôi muốn suy ngẫm rõ ràng hơn.
Tại sao con cái lại nợ cha mẹ vì cha mẹ đã nuôi dưỡng, sinh mình ra? Nếu xét nghĩa rộng hơn, không phải là cha mẹ đang nợ con cái vì đã đưa nó vào cái thế giới, nơi nó phải sinh tồn, phải có những tháng ngày học mệt mỏi, cuộc sống bấp bênh sau này, suy nghĩ nhiều thứ cho tương lai, cảm nhận đau khổ triền miên của cuộc sống ư?
Có lẽ quan niệm Nho Giáo vẫn luôn gián tiếp hiện diện trong đời sống của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết. Nó đề cao công cha mẹ, hạ thấp việc làm của những đứa trẻ.
Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, không được như chúng bạn. Nếu nó có ý niệm muốn được đi học thì là nghiệp vì làm buồn cha mẹ. Con cái phải hiểu cha mẹ thay vì cha mẹ hiểu con cái. Cha mẹ cũng chỉ mới làm cha mẹ lần đầu thay vì cha mẹ từng là trẻ nhỏ nên phải hiểu con mình. Người lớn luôn thường quên bản thân từng là một đứa trẻ (phương diện thể xác) và vẫn luôn có những tư tưởng, suy nghĩ trẻ con (phương diện tinh thần). Họ không hề nhận ra rằng những việc mình làm cũng chỉ là trẻ con khi có thẩm quyền cao hơn. Thay vì khóc la, thì giờ có thể đánh hoặc mắng mỏ (một cách thậm tệ) người dưới quyền (con cái, hay bất cứ đứa trẻ nào).
Con cái chỉ cần nói gì chệch ý người lớn, chưa biết đúng hay sai, thì đã bị gắn mác hỗn láo, mất dạy.
Đọc tới đây, tôi lưu ý vấn đề cha mẹ nợ con cái bên trên. Bạn thấy nó kỳ lạ và khó chịu không? Vậy là bạn đang bị tôi gài "tiêu chuẩn kép" rồi đấy. Nếu bạn biết page "Hoán Đổi Giới Tính" trên facebook thì chắc bạn hiểu tôi muốn thí nghiệm việc gì: Hoán đổi thẩm quyền tuyệt đối của cha mẹ sang con cái.
***
Có một bài viết từng bàn về việc không có kinh tế thì đừng nên sinh con. Tôi đọc và thấy khá đúng, nhưng rồi xuống dưới comment thì một rổ tư duy nhị nguyên:
“Thế phải giàu mới được sinh con à?” Kiểu thế này.
Hoặc thối nát hơn:
“Cha mẹ lang thang ngủ bờ ngủ bụi mà sinh được đứa con thì cũng là hanh phúc.” Người comment câu này không nhỏ tuổi đâu, hình như có con luôn rồi.
Đấy là chưa kể tới việc một làn sóng phẫn nộ việc không sinh con. Bảo sợ rằng con người tuyệt chủng. Có người phản biện rằng dân số thế giới đang báo động, sắp chạm mốc 8 tỷ thì bẻ lái sang phải làm giàu dân tộc Việt Nam, có nhiều người trẻ để làm công (vậy đối với họ con nít là những cái máy làm việc chăng?) Ngoài ra vấn đề này còn có thể lái sang LGBT, nhưng tôi xin phép dừng tại đây vì nếu nói luôn thì sai với nội dung chính của bài.
Và điều quan trọng cần nhắc tới, những bài nói về có con cái, chăm sóc, yêu thương con chưa từng có ai comment kiểu: “Có con khổ lắm, đừng có con.”
Nhưng những bài nói về việc không muốn có con (hoặc có thể là chưa muốn), ví dụ như chuyện của đôi vợ chồng Khởi My và Kevin Khánh thì lại bị chửi một cách thậm tệ.
***
Hơi hụt hẫng nhưng tôi xin kết tại đây, vì thực tế tôi chưa thể tìm ra được giải pháp nào. Những vấn đề tư tưởng này nó mang tính chất niềm tin, như một tôn giáo vậy. Và rất nhiều người Việt Nam tin vào nó. Không thể trong một sớm một chiều mà sửa đổi được. Hoặc thậm chí sẽ khong bao giờ chấm dứt.
Và, một vấn đề khác nữa: “When you’re accustomed to privilege, equality feels like oppression.” Khi ta đã quá quen với đặc quyền của một người lớn, sự bình đẳng giữa các quan điểm trong các mối quan hệ, tuổi tác với nhau là một sự áp bức không thể tha thứ. Ta có đặc quyền đối với con chúng ta. Chúng phải phụng dưỡng ta, phải nuôi ta khi chúng lớn, phải trích cho ta tiền khi chúng đi làm ra, phải luôn nghe lời ta, ta luôn đúng, ta nói gì cũng đúng. Chúng cãi lời ta là chúng hư đốn, không ngoan, không hiếu thảo. Chúng rời xa ta, không nghe lời chỉ dẫn ta, chúng sẽ thất bại. Ta đánh chúng là muốn tốt cho chúng, ta la mắng chúng là muốn tốt cho chúng. Ta sắp đặt những gì (ta nghĩ) “hạnh phúc” nhất dành cho chúng. Ta hiểu chúng. Ta hiểu rằng chúng sẽ được “hạnh phúc” nếu ta làm thế này, ta làm thế nọ, ta muốn chúng thế kìa, ta muốn chúng thế kia. Chúng sai quấy, ta đánh chúng, không cần nói chuyện khuyên nhủ hoặc tìm ra chỗ đúng chỗ sai hay gì cả. Việc đánh khiến chúng sợ, khiến ta củng cố thêm quyền hạn của ta đối với chúng vì ta luôn đúng. Ta luôn đúng. Ta luôn đúng. Chúng chỉ cần nghe theo là được.
***
Nếu những ai biết nguồn "gốc" của những tấm ảnh, nhờ mấy bạn cho mình biết để mình sửa lại nha.
***
Vấn đề ngôn ngữ (mà... theo mình nhớ có bài của ảnh rõ hơn về vấn đề xưng hô, nhưng mình tìm không ra. Bài này có lẽ hơi liên quan nhẹ thôi):