Tôi không phải là một người thi rớt đại học. Tôi thi đậu vào ngành học và ngôi trường tôi muốn với số điểm dư dả. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ hiểu được cảm xúc của các bạn đã vụt mất cơ hội bước vào ngôi trường, ngành học mà các bạn ấy mong muốn. Tôi chỉ muốn chia sẻ những điều tôi đã tận mắt chứng kiến và mong rằng những ai “rớt” đại học sẽ đọc được những tâm sự vụn vặt này.

Rớt đại học – năm nào mà chẳng có những trường hợp như thế xảy ra. Nhưng với tình hình thi cử của những năm gần đây, tôi muốn “sửa” lại rằng: Hiện nay khái niệm “rớt đại học” có vẻ chưa chính xác, nói đúng hơn phải là “không đậu vào ngôi trường, ngành học mong muốn”, bởi vì việc học đại học giờ đây đã dễ dàng hơn: Rất nhiều trường đại học được mở ra, với đủ mức điểm từ thấp đến cao, dường như với sức học nào bạn cũng có sẵn vài ngôi trường để học. Mà đừng nghĩ trường tư là dở. Trường tư hoặc trường tự chủ tài chính càng ngày càng có sức hút bắt nguồn từ chính chất lượng dạy học.
Rớt đại học – câu chuyện “xưa như trái đất” mà năm nào cũng dày đặc trên báo. Thế nhưng, với tâm trạng của một người vừa tốt nghiệp, từng trải qua quãng đời sinh viên “chưa đúng như ý muốn”, ngày hôm nay tôi đọc một bài báo viết về một nữ sinh ở Quảng Nam vì không đủ điểm thi vào ngôi trường đại học mơ ước, em đã tự tử, để lại nỗi đau và mất mát cho gia đình. Tôi nhìn lại việc học đại học và tự hỏi nó ghê gớm đến thế ư? Bằng đại học vẫn có giá trị của nó, thế nhưng việc rớt đại học có đáng để kết thúc cuộc đời không? Không đậu đại học, cuộc đời nghiễm nhiên sẽ kết thúc, đúng không?
Đương nhiên là không. Tôi là một người thi đậu đại học, nhưng tôi có thể khẳng định chắc nịch và dõng dạc tuyên bố như thế. Vì sao? Bởi vì chính tôi đã tận mắt chứng kiến những con người xung quanh tôi. Họ cũng là lứa 1997, cùng là bạn, cùng năm sinh với tôi. Họ đã “rớt” đại học trong khi tôi háo hức nhập học ngày đầu tiên. Và bây giờ, sau 4-5 năm, họ đang ở đâu? Tôi sẽ kể cho các bạn nghe…

Đọc thêm:

Đã hơn 5 năm trôi qua kể từ khi tôi bước vào kỳ thi quan trọng của đời học sinh – kỳ thi đại học hay còn gọi là kỳ thi THPT Quốc gia. Năm 2015 – cái năm 18 tuổi của thế hệ 1997, cũng là năm đầu tiên kỳ thi cải cách được tổ chức, với biết bao đổi mới: Kỳ thi 2 trong 1 – gộp chung thi tốt nghiệp và thi đại học, đề thi có vẻ “dễ dàng” đấy nhưng có hay không sự phân hóa. Môn Tiếng Anh giờ đây bắt buộc có phần viết (hiện tại đã bỏ phần thi viết này). Có điểm rồi mới chọn trường. Ồ thế thì quá dễ rồi, không cần phải thấp thỏm lo sợ điểm của mình có đủ chuẩn không, thi xong mới chọn trường mà, tha hồ mà chọn. Nhưng chọn trường nào, ngành nào, điểm đó có đủ vào ngành học yêu thích không, có ai tính đến chuyện những bạn điểm cao hơn (rất nhiều) gần sát ngày cuối mới nộp hồ sơ, khiến hồ sơ của những bạn điểm thấp hơn bị “đẩy” xuống. Những học sinh ở tỉnh thành khác vừa giỏi lại vừa có điểm ưu tiên, điểm bạn có đủ để “chọi” lại họ? Rút hồ sơ ra rồi nộp hồ sơ vào, kỳ thi năm 2015 được so sánh với sàn giao dịch chứng khoán hỗn loạn.
Thế là những người bạn của tôi “rớt đại học”. Học sinh trường chuyên rớt đại học, cuộc đời họ lúc đó, và bây giờ ra sao rồi?
1. Một cô bạn chung lớp cấp 3 với tôi. Học hành ổn định, thường xuyên tham gia hoạt động ngoại khóa và tính cách vui vẻ, hòa đồng. Mong muốn vào đại học Kinh tế thì đâu có khó với bạn. Thế nhưng, tôi biết kết quả thi của bạn chẳng suôn sẻ gì, khi bạn đượm buồn bảo là điểm Văn không tốt như mong đợi. Kết quả thì mọi người biết rồi đó, bạn rớt đại học – không vào được ngôi trường bạn muốn. Bạn chọn một trường khác. Nhưng, bạn không “chọn đại”. Chọn một trường khác vừa đủ số điểm, không phải để bất mãn hay học lê lết qua ngày, tự trách bản thân vì đã không cố gắng hết sức. Bạn đã cố gắng hết sức rồi mà, chỉ là lần này cơ hội không mỉm cười. Và bạn tự tạo cơ hội cho mình. Năm 1 đại học đó, trong khi tôi thảnh thơi học hành, cho mình nghỉ ngơi sau 3 năm cấp 3 mệt nhoài, bạn tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa khác nhau, từ vị trí người tham dự, thành viên ban tổ chức, cho đến trưởng ban, người sáng lập. Từ những hoạt động trong nước, bạn “lấn sân” sang những hoạt động quốc tế,… Những thành tích nổi bật tôi thấy trên Facebook là kết quả cho công sức miệt mài của bạn. Đằng sau những bức hình hào nhoáng ấy chính là những ngày thất vọng, buồn bã, một mình vực dậy với nghị lực phi thường. Sau một năm, bạn giành học bổng du học ở Nhật Bản, chấp nhận học lại, đồng nghĩa với việc ra trường trễ hơn những người cùng trang lứa. Khi qua Nhật, bạn không ngủ quên trên chiến thắng mà tiếp tục nỗ lực như khi còn ở Việt Nam. Không phải là bạn bè thân thiết, số lần nói chuyện đếm trên đầu ngón tay dù chung lớp cấp 3, nhưng đối với tôi, bạn ấy luôn là tấm gương sáng chói, là nhân vật tôi sẽ nhắc đến nếu như ai đó hỏi “Rớt đại học rồi làm sao bây giờ?”

Đọc thêm:

2. “Không ai cá biệt bằng tao đâu”. Cô bạn lớp chuyên Lý nói thế khi tôi nhắc đến người bạn khác thuộc dạng cá biệt trong lớp. Trong mắt người khác, cô bạn chuyên Lý năm đó thuộc dạng học sinh cá biệt, không chịu học hành. Hoặc có học hành đi chăng nữa thì cũng chẳng được như những bạn học sinh giỏi trong lớp. Học sinh khá 3 năm liền ở một trường chuyên thì đã là cá biệt rồi đúng không? Thế giới quan của những cô cậu học trò 16, 17 tuổi thật nhỏ bé. Các cô cậu nhìn những người bạn xung quanh, đánh giá họ bằng học lực, ít ai nghĩ đến vì sao bạn mình lại học hành sa sút như thế. Đừng trách các em, bởi vì tôi cũng từng vậy mà, ai cũng đã từng như vậy. Còn là học sinh thì đâu có nhiều cơ hội tiếp xúc ngoài đời thực mà đòi có thế giới quan sâu sắc. Mà nếu như có cảm nhận riêng, thế giới quan khác hẳn, trưởng thành hơn hẳn so với bạn bè đồng trang lứa, hẳn là bạn đang trải qua những chuyện mà ít ai lứa tuổi đó có thể hiểu được. Trở lại với cô bạn chuyên Lý của tôi, biết tin bạn “rớt” đại học, chẳng ai bất ngờ: “Ờ thì nó đậu mới là chuyện lạ, học hành thế mà”. Rồi sao nữa? Bạn dành một năm tiếp theo để ôn thi lại, trúng tuyển vào ngành học có vẻ “không chuyên Lý” cho lắm, nhưng tôi biết với tính cách của bạn thì ngành học ấy quả thật rất phù hợp. Trúng tuyển đã đành, đằng này còn giành học bổng 100% cho 4 năm đại học, và khi tôi đang loay hoay với định hướng tương lai thì bạn đã ra trường chung với lứa 1998, với tấm bằng á khoa toàn trường.
3. Năm tôi học 12, thầy dạy tin học hỏi bâng quơ: “Mấy chị lớp chuyên Văn năm ngoái đậu đại học hết không con?”. Dường như ai cũng nghĩ, đã là học sinh trường chuyên thì không có chuyện rớt đại học. Học sinh trường chuyên một là đi du học, hai là thủ khoa đầu vào, ba là vào trường “top”, trường “ngon”, trường công với điểm thi cao chót vót. Học trường thấp điểm là không “đúng” với những ai xuất thân từ trường chuyên ư? (Tôi cũng từng nghĩ thế đó. Nhưng suy nghĩ ấy thật ấu trĩ ở thời điểm hiện nay rồi). Cậu bạn cùng lớp cấp 2 năm nào, tiếp tục học chung trường cấp 3 với tôi. Suốt 12 năm học, từ cấp 1 cho đến cấp 3 bạn luôn lọt top học giỏi nhất lớp. Bạn biết không, học giỏi ở trường chuyên là chuyện bình thường, nhưng để được hạng nhất/nhì/ba, lễ tổng kết được đứng trên sâu khấu nhận thưởng thì là chuyện rất khó. Bạn phải thuộc dạng xuất sắc nổi bật cơ. Bạn tôi đã là thế đó. Nhưng mọi người cũng biết chuyện gì đã xảy ra mà, bạn “rớt” đại học, chạy lui chạy tới, nộp hồ sơ vào rồi rút hồ sơ ra, thi đại học năm ấy là một canh bạc với lứa 1997. Một học sinh thuộc top trường chuyên mà học đại học ở trường có điểm chuẩn thấp đến thế ư? Rồi sao nữa? Bây giờ bạn tốt nghiệp thủ khoa toàn trường và có công việc trước tất cả những ai cùng lớp rồi.
4. Lại thêm một cô bạn chung trường cấp 3 của tôi. Học lớp ban A – B, không phải lớp chuyên và bạn mong muốn thi vào bác sĩ. Thi lần đầu, trượt. Ôn thi thêm một năm, đậu. Bạn trai của cô hơn chúng tôi một tuổi, cả hai quyết tâm học chung ngành bác sĩ. Anh thi lần 1, trượt. Thi lần 2, trượt. Thi lần 3, đậu. Vậy là 2 người học chung khóa với nhau. Thi trượt đã buồn bã lắm rồi, quyết tâm ôn thi lại năm nữa đã đáng nể lắm rồi. Đằng này thi trượt tận hai lần nhưng tiếp tục ôn thi tiếp. Đây mới đúng là một câu chuyện cần được nhắc đến nếu như ai đó nói với tôi “Thi lại đại học nản lắm”.
5. Tôi cũng có hai người bạn kia chung lớp cấp 2. Tôi biết họ “rớt” ngành bác sĩ, và cũng không hề gì khi họ ôn thi lại, một năm sau thì đậu. Đâu chỉ có mỗi ngành y, ngành học của tôi cũng có rất nhiều người thi lại để vào cho bằng được. Thi lần 1 – trượt. Thi lần 2 – trượt. Thi lần 3 thì đậu. Những câu chuyện như thế nhiều đến nỗi tôi không thể nào kể hết được. Bạn vừa “rớt” đại học, sau khi đọc đến tận đây thì bạn suy nghĩ như thế nào về những người bạn tôi vừa kể trên?
——————– —————-
Rớt đại học, rồi sao nữa? Đậu đại học, rồi sao nữa? Những người xuất phát chậm hơn, họ tăng tốc và vượt qua tôi rồi kìa. Tôi xuất phát nhanh hơn họ nhưng tôi hãm tốc lại và tôi chậm hơn họ rồi đấy.
Rớt đại học, thì sao? Rớt đại học, làm gì bây giờ? Tôi không hiểu được cảm xúc của các bạn đâu. Tôi chỉ muốn kể về những người bạn của tôi, đa số là những con người xuất thân từ trường chuyên lớp chọn. Họ “rớt” đại học, đánh mất một năm nhưng không đánh mất cuộc đời. Tôi khâm phục những người bạn đó. Tôi ngưỡng mộ những người bạn đó. Nhớ lại họ năm đó, và nhìn họ vào thời điểm hiện tại, tôi đã có câu trả lời cho riêng mình: “Rớt đại học không đồng nghĩa cuộc đời sẽ chấm dứt”.