Transcript + Audio gốc episode "Pets, Pests And Food: Our Complex, Contradictory Attitudes Toward Animals"  từ show Hidden Brain của NPR:
---
-=[Disclaimer]=-
Với [Re-post Cat], mình sẽ phỏng dịch lại những podcast mà mình thấy hay ho và muốn chia sẻ với mọi người. Nhưng nếu bê nguyên xi nội dung từ một chương trình phát thanh với thời lượng 30-45 phút thì sẽ rất dài dòng và dễ bị loãng. Vì vậy mình đã rút gọn và thay đổi bố cục cho phù hợp với một bài viết thông thường để bạn đọc tiện theo dõi. Việc biên tập lại có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến nội dung gốc, nhưng mình sẽ cố gắng chuyển tải đầy đủ nhất những ý chính dựa trên transcript.

Về cách dịch. Một là chuyện năng lực; sai sót là điều khó tránh, cái này mong các bạn thông cảm và có lòng thì góp ý giúp nhóe. Hai là về văn phong, có lẽ không được đứng đắn, chính chuyên cho lắm; nhưng mà mình thích, hê.

Cuối cùng, bài viết không thể hiện quan điểm của người dịch, và có thể cũng không phản ánh chính xác thực tế do sự khác biệt văn hóa xã hội.
---
Bạn có nuôi thú cưng chứ? Một chú chó, một cô mèo, hay một chú chim chẳng hạn. Vậy thì hẳn bạn cũng là một người yêu động vật?
Chưa chắc đâu nhé.
Khá khó hiểu khi nhiều người trong số chúng ta rất yêu quý những con vật cưng của mình, nhưng lại đối xử với những loài động vật khác theo cái cách hết sức kỳ lạ, thậm chí đến mức ngược đời. Hành vi của con người đối với động vật rất dễ rơi vào những thế lưỡng nan về mặt đạo đức, hoặc những tiêu chuẩn kép khó có thể giải quyết chỉ bằng việc trả lời những câu hỏi lý tính. Một ví dụ điển hình là: Tại sao lại phản đối việc ăn thịt chó nhưng lại ăn thịt heo, bò, gà? Chẳng phải chúng đều là động vật như nhau hay sao?
Tuần này trên HIDDEN BRAIN, hãy cùng tìm hiểu về những nghịch lý trong mối quan hệ giữa con người và động vật cùng Shankar Vedantam và khách mời Hal Herzog, giáo sư tâm lý học tại Đại học Western Carolina.
---
Khi con trai của Hal còn nhỏ, cậu có nuôi một chú chuột tên là Willie. Một ngày nọ, Willie chết. Vốn rất yêu quý con vật cưng, cậu nhóc đã hết sức buồn bã. Thế nên Hal và con trai đã làm tang lễ cho Willie. Họ đã chôn cất chú chuột ở khu vườn sau nhà. Họ thậm chí còn dùng một chiếc hộp các-tông nhỏ làm quan tài và một hòn đá làm bia mộ cho nó nữa.
Vài ngày sau đó, vợ Hal phát hiện có phân chuột ở trong bếp.
HERZOG: Quéo quẹo, vợ tui là một người ưa sạch sẽ. Suy nghĩ về việc phải sống chung với lũ chuột chạy loăng quăng trong nhà khiến cô ấy sợ chết khiếp, nên vợ tui đã yêu cầu tui xử lý bọn chuột. Tui mua một cái bẫy, bôi lên đấy tí bơ đậu phộng và đặt dưới bếp. Đến sáng hôm sau thì tên gặm nhấm đã đi đời nhà ma.
VEDANTAM: Ô chà, thế chắc lại như hôm trước, anh cũng đặt nó vào hộp các-tông và đem chôn ở vườn sau nhà đàng hoàng chứ nhỉ?
HERZOG: Nốpe, tui liệng nó vô bụi cây.
VEDANTAM: Hai con chuột chết, hai cách xử lý khác nhau?
HERZOG: Chúng thuộc những phạm trù tâm lý khác nhau chớ. Một bên là thú cưng (pet), và với tui thì Willie là một thành viên của gia đình. Còn con quể kia, nó là loài gây hại (pest), một kẻ ăn bám chuyên chôm chỉa phó-mát trong bếp nhà tui. Anh biết lũ chuột mà, cái bọn trời đánh thánh vật. Thế nên chúng hoàn toàn khác biệt về mặt tâm lý,  nhất là khi so với Willie nhà tui.

---
Với hơn 30 năm nghiên cứu về sự tương tác giữa con người và động vật, Hal đã viết về những nghịch lý trong thái độ của chúng ta đối với loài chuột và nhiều loài khác nữa trong cuốn sách "Some We Love, Some We Hate, Some We Eat: Why It's So Hard To Think Straight About Animals”. Trong sách, anh đã nói về cái cách mà chúng ta nhìn nhận động vật – chuột ngoan, chuột hư, thú cưng hay loài gây hại (pets vs. pests) – có tác động thế nào đến việc chúng ta tương tác với chúng.
HERZOG: Rất rõ ràng, một trong những nguyên nhân sâu xa nhất và quan trọng nhất cho câu hỏi tại sao chúng ta đối xử với động vật theo những cách khác nhau nằm ở cách mà chúng ta phân loại chúng. Chuẩn luôn đấy.
VEDANTAM: Ok, kể thêm cho chúng tôi một câu chuyện khác để cho thấy những nghịch lý trong sự tương tác giữa con người và động vật nhé. Tôi nghe là anh từng có nuôi một con rắn làm thú cưng. Và có tin đồn không mấy hay ho về thứ mà anh dùng cho nó ăn.
HERZOG: À, số là ngày nọ, tui nhận được cuộc gọi từ một người bạn; một nhà hoạt động vì quyền động vật. Cổ nói là có người đã mách với cổ rằng tui hay lui tới trung tâm dành cho động vật bị bỏ rơi và lụm mấy con mèo con đem về cho bé Sam nhà tui xơi.
Đem mèo con cho rắn xơi?!
HERZOG: Điều nghịch lý ở đây, hãy để tui làm rõ. Sam – nó là một con trăn boa. Và giống như mèo, nó cũng là một loài động vật ăn thịt. Thực sự thì cu cậu ăn thịt chuột. Cơ bản, tui có thể tới cửa hàng thú cưng để mua chuột về làm quà cho nó – những con chuột còn sống ấy. Rồi tui sẽ giết chúng, và để cho Sam mặc sức chế biến.
Nhưng rồi tui nghĩ, ê mà khoan. Ở trung tâm dành cho động vật bị bỏ rơi, họ giết những con mèo con không được nhận nuôi một cách nhân đạo (euthanized). Thế liệu về mặt đạo đức thì có ổn hơn không, nếu tui đến đó và mang xác mấy con mèo con đấy về; thay vì mua chuột sống cho Sam ăn? Chuột sống và mèo chết, lựa chọn nào sẽ được chấp nhận về mặt đạo đức đây?
VEDANTAM: Và anh thực sự đã làm như lời đồn?
HERZOG: Giỡn hoài, tất nhiên là không. Lúc đó tui cũng đang nuôi mèo mà, và hiện tại cũng thế. Tui yêu mèo. Tui sẽ không bao quờ đem mèo cho trăn ăn. Đó chính là một ví dụ cho việc chọn con tym hay là nghe lý trí. Rồi tui nhận ra, sự nhất quán về mặt đạo đức nhiều khi lại khiến chúng ta lạc lối khi tương tác với động vật. Điều đó thực sự ám ảnh tui mãi về sau, ví như, làm sao tui có thể sống nổi trong một thế giới mà ở đó người ta cảm thấy OK với việc đem mèo con cho trăn ăn cơ chứ.
---
VEDANTAM: Kể tôi nghe một chuyện khác nữa đi. Chuyện về Jim Thompson, một học viên tiến sĩ mà anh đã gặp ấy. Anh chàng này nuôi một chú chim rất đẹp, và đã làm một chuyện lạ kỳ với nó. Kể tôi nghe với nào nào nào.
HERZOG: È hẻ. Anh ta là một học viên chưa tốt nghiệp. Một anh chàng có đầu óc logic, kiểu người lý trí ấy mà. Ảnh có nuôi một com chim – tui nhớ đó là một con vẹt xám Úc, và ảnh rất mực cưng chiều nó. Rồi ảnh đọc được một tạp chí về quyền động vật, hình như là tờ Animals’ Agenda thì phải. Một khoảnh khắc đổi đời. Ảnh trở thành một nhà hoạt động vì quyền động vật, hết sức nghiêm túc luôn. Ảnh chuyển sang ăn chay, không mặc quần áo da, và bắt bạn gái mình cũng phải làm như thế.
Một ngày nọ, ảnh nhìn con chim trong lồng. Rồi ảnh đi đến một quyết định – rằng thật vô đạo đức khi nhốt một con chim. Thế là ảnh mang nó ra ngoài và trả tự do cho nó. Ảnh nói rằng, thật tuyệt vời khi thấy nó tung cánh bay đi. 
Nhưng rồi, với vẻ ngượng ngùng, ảnh lại kể với tui là, ảnh biết được sau đó con chim đã chết. Ảnh thừa nhận rằng việc thả tự do cho con chim là vì chính bản thân anh ta hơn là vì con chim.
Đôi khi, chúng ta xem động vật như thể nó là đồng loại của mình. Cũng như thế, có lẽ anh bạn trên đây đã xem con chim như một con người. Nếu bạn nhốt một người trong chuồng, đó là một việc hoàn toàn phi lý, vô đạo đức và sai trái. Điều đúng đắn duy nhất cần làm ở đây là thả người đó ra; và đó chính là điều mà anh ta đã làm.
Nếu như bạn cho rằng hành vi xem một con vật như con người trên đây là chuyện khó xảy ra, hãy đọc tiếp câu chuyện về Cookie dưới đây.
Cookie là một chú cá sấu sông Nile dài hơn 3,5m được nuôi nhốt tại Miami Serpentarium. Sự cố xảy ra khi David, một cậu bé 6 tuổi ngã vào chuồng của Cookie. Con cá sấu đã làm theo bản năng của một con dã thú – nó ngoạm lấy và lôi đứa bé xuống nước. Bill Haast, người chủ của công viên, đã có mặt ngay lập tức. Ông nhảy vào chuồng sấu, cố gắng cứu mạng đứa bé, nhưng đã thất bại.
HERZOG: Tối hôm đó, Haast choàng dậy vào lúc nửa đêm, hẳn là ông ta đã chẳng thể nào chợp mắt nổi. Ông lấy khẩu lục Luger của mình, nạp đạn, đến chuồng của Cookie và nã 9 phát vào đầu nó.
HERZOG: Cần làm rõ thêm là, Haast đã nuôi Cookie trong rất, rất nhiều năm, đó là con vật yêu thích của ông ta. Ông ta yêu quý nó theo cái cách mà chắc là chỉ những người nghiên cứu về bò sát như tui mới hiểu được. Hành động của Haast có lẽ chính là hiện tượng mà các nhà tâm lý học nhận thức gọi là sự tự nghiệm (heuristics). Tự nghiệm là một kiểu lối tắt tư duy, thường thì nó sẽ dẫn đến những kết quả tốt như là tính logic, những câu trả lời đúng đắn; nhưng đôi khi lại không. Và trong trường hợp này, có thể coi đó là một tự nghiệm về mặt đạo đức, mà cụ thể là sự trả thù.
Tại thời điểm đó, tờ New York Times đã viết một bài xã luận về sự kiện này. Tác giả bài viết, theo tui, đã có cái nhìn sáng suốt về vụ việc. Tác giả này viết rằng, việc giết Cookie là không đúng đắn tí nào về mặt lý; nhưng về tình thì lại có vẻ phù hợp.
VEDANTAM: Và nguyên nhân mà nó không đúng đắn về mặt lý, là bởi việc một con cá sấu hành động theo bản năng là một điều không hề đáng ngạc nhiên.
HERZOG: Đó chính xác là điều một con cá sấu sẽ làm. Bộ óc của nó còn nhỏ hơn cả quả óc chó, nó chỉ là một con vật bị dẫn dắt bởi bản năng. Bản năng sẽ trỗi dậy khi thấy con mồi trước mắt, và chuyện đã diễn ra đúng như thế. Con cá sấu đó không phải là một chủ thể đạo đức, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa con người chúng ta với những loài động vật khác. Chúng ta là những chủ thể đạo đức.
VEDANTAM: Vậy điều thú vị ở đây là, Haast đã xem Cookie như một con người, ông ta coi Cookie là một chủ thể đạo đức. Nó cũng tương tự như câu chuyện của Jim Thompson và con chim của anh ta, đúng không? Nghĩa là, nhiều người trong chúng ta đang cho rằng động vật cũng là một thực thể có hành vi, suy nghĩ hay những đặc điểm giống con người, và vì vậy chúng ta có nghĩa vụ phải đối xử với chúng như thể chúng đang mang những đặc điểm như con người?
HERZOG: Tui cá rằng nếu anh phỏng vấn Haast, ông ta chắc chắn biết rõ sự khác biệt giữa một con người và một con cá sấu. Nhưng đúng như anh nói, ông ta lại hành xử với nó như thể với một con người.

Một sự việc tương tự từng xảy ra tại Tennessee, khi một con voi tên Mary giết chết người quản tượng của nó trong một buổi diễu hành của gánh xiếc vào năm 1916. Người ta đã treo cổ con voi cho đến chết. Và với tui, đó chính là ví dụ rõ nhất về việc nhân tính hóa động vật – khi chúng ta đưa ra án phạt tử hình cho một con vật vì một việc không hề sai trái chút nào về mặt đạo đức mà nó gây ra.








---
VEDANTAM: Có lẽ các thính giả sẽ cho rằng những câu chuyện trên đây thật điên rồ, nhưng như anh đã chỉ ra trong sách, xu hướng nhân tính hóa động vật thực sự có mặt ở khắp nơi. Anh có đề cập đến sự trái ngược trong cách chúng ta nhìn nhận loài gấu trúc và loài kỳ giông Trung Quốc khổng lồ. Chà, tôi chả biết con kỳ giông khổng lồ nó như nào cả, nhưng anh có thể cho chúng tôi biết sự khác biệt trong cái cách mà chúng nhìn nhận hai loài vật này khi nhân tính hóa chúng?
HERZOG: O kè, những con vật này khá tương đồng ở một mức độ nào đó. Gấu trúc và kỳ giông khổng lồ Trung Quốc; chúng đều là những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng và đều sống ở Trung Quốc, chúng đều có những đặc điểm riêng rất thú vị. Kỳ giông khổng lồ, cơ bản là một khối slime màu nâu dài độ 2m với cặp mắt tin hin, rất ấn tượng. Tui không nói là bọn nó đẹp đẽ gì cho cam, nhưng kích thước của chúng thật đáng kinh ngạc. Cá nhân tui thấy chúng khá lôi cuốn, nhưng chắc mọi người sẽ không thấy thế đâu. Và biết gì không, WWF không dùng hình ảnh con kỳ giông khổng lồ trên logo, họ chọn gấu trúc. Anh biết đó, gấu trúc thì nhìn có vẻ giông giống con người.
Nhưng thực ra, nguyên nhân là bởi thứ cảm giác giả tạo mà cái quầng thâm mắt kư-tê của mấy con gấu mặp đjtz này tạo ra, cái mà các nhà nghiên cứu tập tính động vật gọi là bộ phát sóng vẻ bấy-bì. Khi chúng ta nhìn mấy con ốt di sản cụt ngủn tròn quay đó, chúng ta dễ dàng bị kẹt trong đôi mắt to đen láy của chúng. Nó tạo sự liên tưởng đến những đứa trẻ sơ sinh, và từ đó gợi lên một thứ tình cảm giống như là tình mẫu tử. Các nhà nghiên cứu cũng từng chỉ ra rằng, một trong những yếu tố khiến mọi người chi tiền bảo vệ động vật nằm ở kích cỡ đôi mắt của chúng. Và mấy con gấu ú nụ đó thì mắt to có thừa.
Panda
vs. Salamanda








---
Hal cho rằng mối quan hệ giữa con người chúng ta với động vật; đặc biệt là với những loài mà chúng ta xem là thú cưng, được quy định phần lớn bởi cộng đồng và nền văn hóa của chúng ta.
HERZOG: Tui có người bạn là một nhà nhân chủng học. Anh ta sinh ra và lớn lên tại Kenya. Ở trong làng của anh ta có nuôi rất nhiều chó, chúng được thả rông khắp nơi. Họ thực sự yêu thích chúng, vì chúng xua đuổi thú hoang và người lạ. Nhưng họ chưa bao giờ xem chó là thú cưng cả. Sự thật là, trong ngôn ngữ của anh ấy thậm chí còn không có từ “thú cưng”.
Một lần nọ tui hỏi ảnh, hey Nyaga, hồi còn ở Châu Phi, anh có cho chó vào trong nhà không? Ảnh bảo không. Tui lại hỏi, thế anh có cho chó ăn tại bàn ăn không, và có để dành thức ăn thừa cho chúng không? Ảnh lắc lắc. Rồi tui hỏi tiếp, thế anh có cho chó ngủ trên giường không, Nyaga? Và tui trông thấy vẻ khiếp hãi trên khuôn mặt anh ta, cứ như thể tui vừa khoe với ảnh rằng tui mới bắt được một con chuột rất dễ thương dưới bờ sông và tui sẽ ôm nó đi ngủ ấy.
À mà gần đây tui vừa có thêm một số dữ liệu. Hóa ra tại đất Mỹ này, chúng ta có tỷ lệ sở hữu chó thuộc hàng cao nhất thế giới. Có sự khác biệt rất lớn giữa các nước về việc sở hữu một chú chó. Ở Mỹ, có khoảng 250 gâu khẩu trên 1000 dân. Còn tại Ai Cập, con số này chỉ là 5 trên 1000. Thế nên sự khác biệt về văn hóa ở đây là rất lớn, trong việc xem một con vật có phải là thú cưng hay không.
VEDANTAM: Sẵn tiện, tôi biết rằng người ta chi rất bạo cho thú cưng. Thế nhưng khi đọc sách của anh, tôi đã phát sốc khi biết con số đó lớn đến mức nào. Chúng ta đã tốn bao nhiêu tiền cho thú cưng mỗi năm vậy, Hal?
HERZOG: Khoảng 80 tỷ đô-la. Một số tiền cực khủng.
VEDANTAM: Tầm tầm một hải đội tàu sân bay nhỉ.
HERZOG: De dè. Và nếu điều chỉnh cho phù hợp với tình hình lạm phát, thì số tiền chi cho thú cưng mỗi năm tính trên đầu người tại Mỹ đã tăng lên gấp đôi so với cách đây 30 năm.
VEDANTAM: Quào!!!
HERZOG: Sự gia tăng mức chi tiêu cho thú cưng là rất đáng kể. Thức ăn cao cấp cho chó – trời ạ, đó là thứ mà anh có thể ăn được luôn đấy. Tui từng ghẹo vợ mình là, này bu em ạ, nếu sắp tới có đại suy thoái, mình chỉ cần tích thật nhiều đồ ăn cho chó là xong, và cả khi bão tới nữa.
Chúng ta có dịch vụ chăm sóc thú cưng, spa cho thú cưng, khách sạn cho thú cưng, và thậm chí là phòng mát-xa cho thú cưng nữa. Rồi chúng ta lại có cả công viên dành riêng cho chó, vòng đeo cổ trang sức, tuần lễ thời trang thú cưng, đủ mọi thứ trên trời dưới đất. Phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp sản phẩm dành cho thú cưng đã phát triển rất mạnh trong ít nhất 30 năm trở lại đây. Một trong những khía cạnh cần đề cập có lẽ là việc quảng cáo và quảng bá sản phẩm với ý tưởng rằng thú cưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con người, rằng chúng sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Nhưng liệu điều đó có đúng hay không?


HERZOG: Hiện chúng ta đã có những bằng chứng thuyết phục rằng, việc tương tác với thú cưng sẽ mang lại những tác động tích cực trong ngắn hạn về mặt sinh lý, giúp giảm stress và khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn. Nhưng như thế đã đủ để trả lời câu hỏi trên chưa? Tui cho là chúng ta vẫn còn thiếu những bằng chứng cụ thể về tác động trong dài hạn của thú cưng lên sức khỏe con người. Tui có cả đống tài liệu trong văn phòng, nói về việc những người nuôi thú cưng ngủ ngon hơn, ít phải gặp bác sĩ hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn, ít khi thấy cô đơn hơn, vân vân, vân mây và mây mây. Nhưng, tui đồng thời cũng có cả đống tài liệu khác nói những điều ngược lại. Rằng người nuôi thú cưng cô đơn hơn, thường phải gặp bác sĩ hơn, có xu hướng uống rượu nhiều hơn, blah bleh bloh.
Có rất ít bằng chứng về việc thú cưng giúp chúng ta sống lâu hơn, và một trong những vấn đề hiện hữu là việc mũi tên nhân quả chỉ về hướng nào? Ví cái dụ như này nhé: một nghiên cứu gần đây của RAND Corporation (một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phân tích các vấn đề chính sách của Mỹ) đã tìm ra rằng, những người nuôi thú cưng thực sự có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn nhiều so với những người không nuôi. Nhưng, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, điều tương tự cũng xuất hiện ở những người sở hữu xe Mercedes-Benz. Người nuôi thú cưng có xu hướng khá giả hơn, trẻ tuổi hơn, sống ở những nơi tốt hơn. Nói cách khác, chính các nhân tố về kinh tế xã hội mới khiến người nuôi thú cưng hạnh phúc và khỏe mạnh hơn; chứ không phải do thú cưng. Nghĩa là những người hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn sẽ thường có xu hướng nuôi thú cưng hơn. Nhưng chúng ta hiện có rất ít dữ liệu để kiểm chứng hai giả thuyết này.
VEDANTAM: Anh có giới thiệu trong sách một số nghiên cứu rất ấn tượng, nói về những mặt trái của việc nuôi thú cưng. Anh viết rằng, theo số liệu của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh), mỗi năm có khoảng 85.000 người Mỹ bị thương trong khi dắt thú cưng đi dạo, hoặc bị thương bởi do chính thú cưng gây ra. Và theo tôi biết thì bà Anne, hàng xóm của anh, cũng là một nạn nhân.
HERZOG: Đúng thế, đó là một ca điển hình. Bà ấy đưa chó đi dạo và bị sợi dây dắt chó quấn vào chân, khiến bà té ngã và bị gãy xương quai xanh.
Gần đây tui có biên một cái tút trên Facebook, nói rằng nếu có bất cứ ai bị thương vì thú cưng; trong khi dắt chó đi dạo chẳng hạn, thì hãy để lại còm-men bên dưới và đừng quên ấn nút subscribe nhé. Trời ơi tin được không, có tới 80 người phản hồi cho tui. Một số thậm chí còn gửi cho tui phim chụp X-quang nữa, và có những ca không hề nhẹ tí nào. Một số vụ tai nạn thậm chí còn làm cuộc sống của họ bị đảo lộn, nên tui cho rằng đó là một mặt trái của việc nuôi thú cưng.
---
VEDANTAM: Này Hal, rõ ràng Aibo không phải là một con chó thật, nó là rô-bốt. Và hình như con người chúng ta khá bừa bãi trong việc xem đâu là thú cưng nhỉ?
HERZOG: Đúng thế. Aibo có một câu chuyện rất thú vị đằng sau nó. Sony là nhà phát triển ban đầu của chú chó rô-bốt đa tài này. Nó có thể làm được rất nhiều thứ. Nó biết nhặt đồ vật, nó có thể ra tín hiệu để bạn nhận biết cảm xúc của nó, nó còn biết phản ứng khi bạn gọi tên nó nữa. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Aibo được làm bằng kim loại, sáng bóng và trụi lông. Và kể cả khi nó trông như thật, thì nó cũng quá đắt. Lúc mới ra mắt, nó có giá khoảng 2.000 đô-la, nên khi đó nó không mấy phổ biến. Nhưng gần đây Sony đã hồi sinh Aibo. Tui xem cái video giới thiệu đó rồi, và tui đã sẵn sàng để sắm một bé, nó trông hay mà.
Ồ, và đã có những thí nghiệm mà trong đó người ta dùng Aibo và những rô-bốt thú cưng khác tại những nơi như nhà dưỡng lão để xem liệu chúng có tạo ra được tác động nào về mặt tinh thần và thể chất đối với những người sống tại đó hay không, như cách mà họ đã nghiên cứu trên chó thật. Và kết quả cho thấy là chúng có thể.
Một điều nữa là, Aibo sẽ không làm phát sinh những vấn đề đạo đức phiền toái mà những người nuôi thú cưng thật sẽ gặp phải. Bạn không phải lo lắng rằng đời sống tình dục của Aibo sẽ bị tước bỏ với việc thiến nó. Bạn sẽ không cảm thấy áy náy vì để mặc Aibo một mình ở nhà suốt cả ngày khi bạn ở văn phòng. Bạn không cần phải đưa Aibo đi dạo 3 lần một ngày và kè kè phía sau để canh me dọn shit cho nó.
---
VEDANTAM: Hal này, sự mâu thuẫn trong suy nghĩ của chúng ta về động vật đã dẫn đến những nghịch lý và những thế lưỡng nan về mặt đạo đức trong cái cách mà ta đối xử với chúng. Một ví dụ rất đơn giản như này: Hàng triệu người Mỹ nuôi mèo, giống như anh. Họ chăm sóc chúng, và nói rằng mình là người yêu động vật. Nhưng việc yêu mèo cũng đồng thời lại làm tổn hại đến những con vật khác. Anh nghĩ sao?
HERZOG: Cô mèo Tilly nhà tôi là một kẻ sát nhân hàng loạt. Thỉnh thoảng trong những chuyến vi hành, nó ra ngoài và đi gank những con vật khác, chim chóc, sóc, chuột các kiểu.

VEDANTAM: Dĩ nhiên, nó đang làm những việc rất đỗi tự nhiên của một con mèo. Mèo là loài săn mồi. Anh không thể trông mong chúng làm khác đi được. Nhưng sự thực là với con số hàng triệu người Mỹ nuôi mèo, ít nhất họ cũng đang gián tiếp dung dưỡng cho sự tàn sát những con chim vô tội.
HERZOG: Vầng, đó đích thị là một cuộc thảm sát. Theo các số liệu, có khoảng từ 1 đến 5 triệu con chim bị giết chết mỗi năm vì những chú mèo cưng mà chúng ta nuôi. Hơn nữa, mèo là loài ăn thịt bắt buộc, chúng cần phải được ăn thịt. Tui có rất nhiều bạn bè là người ăn chay hoặc thuần chay. Về phương diện đạo đức thì họ phản đối việc ăn thịt, nhưng họ nuôi mèo nên buộc phải mua thịt động vật để giúp bọn mèo sống vui khỏe không có ích. Đó là một vấn đề đạo đức lớn đối với họ.

Một con mèo tiêu thụ khoảng 23kg thịt mỗi năm, trong khi đó, con số này ở rắn chỉ là khoảng 2,3kg. Thế nên tác động của việc nuôi một con mèo; về mặt đạo đức, là gấp 10 lần so với việc nuôi một con rắn. Nhưng tất nhiên, đa số mọi người sẽ phát khiếp nếu bạn đề xuất việc nuôi rắn thay cho mèo.
Và bạn nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu bạn nhốt con mèo cưng của mình trong nhà?
Giả dụ bạn là một con mèo đi, bạn sẽ thích được tự do đi lại hay muốn bị nhốt trong lồng và chỉ biết ngắm lũ chim chíp chíp qua cửa sổ? Đúng là những con mèo chỉ sống thuần trong nhà có tuổi thọ cao hơn. Khi để mèo ra ngoài, chúng ta phó mặt nó cho những nguy cơ khó kiểm soát. Rất có thể nó sẽ bị cáo ăn thịt, bị con chó nhà hàng xóm tấn công, hoặc bị xe tông không chừng. Nhưng kể cả khi có thêm những lý do đó, liệu nó có đủ để bạn quyết định sẽ nhốt tiệt lũ mèo trong nhà để ngăn chúng làm hại mấy con chim tội nghiệp, thứ vốn là bản năng tự nhiên của chúng?
Tiếp nhé, nếu bạn yêu thú cưng của mình đến mức xem nó như một thành viên trong gia đình, tức là xem chúng giống như chúng ta, thì bạn lại đang tạo ra thêm một nghịch lý về mặt đạo đức nữa rồi đấy. Nếu xem thú cưng cũng như chúng ta, vậy tại sao chúng ta lại giam cầm chúng và coi chúng như thứ mua vui hay trò tiêu khiển?
HERZOG: Vậy thì câu hỏi cuối cùng ở đây là, có ổn không khi chúng ta nuôi giữ động vật như những con thú cưng. Nếu xem chúng là những thực thể độc lập, thì chúng ta có quyền gì mà lại tước đi khả năng tự định đoạt của những con vật này khi kiểm soát gần như mọi khía cạnh đời sống của chúng? Chúng được ăn gì, được đi đâu, đi khi nào. Chúng ta thậm chí còn kiểm soát cả gen của chúng nữa, và rồi bản thân việc này lại tiếp tục gây ra thêm những vấn đề khác.
---
Đó mới chỉ là nói riêng về việc nuôi thú cưng. Nhìn rộng ra, còn có hàng tá những vấn đề khác đang được phơi bày trong cái cách mà chúng ta sử dụng động vật vào mục đích thể thao và làm thực phẩm. Hãy xem thử, môn đá gà.

HERZOG: Không như trước đây, trò này hiện tại là bất hợp pháp, nhưng độ tàn nhẫn của nó thì vẫn không thay đổi. 2 tay nài đưa những con gà trống đang say máu ra sân. Khi trọng tài ra hiệu, họ sẽ để cho hai con vật mặc sức lao vào chém giết lẫn nhau. Một trong hai chắc chắn sẽ phải chết, vì người ta đã đeo cho chúng những chiếc cựa bén ngót và sắc lẻm.

Nhiều người có thể sẽ thở phào nhẹ nhõm khi biết trò đá gà đã bị cấm trên khắp nước Mỹ. Thật là một trò giải trí độc ác khó chấp nhận, thật là những con người nhẫn tâm, thật là... Ồ, khoan hãy buông lời sắc mỏng, hãy cùng xem thử liệu cuộc đời của một con gà nuôi lấy thịt thì có khá khẩm gì hơn không đã. Hãy tự hỏi bản thân, nếu bạn là một con gà (kiếp này ưa tọc mạch, kiếp sau đầu thai làm gà), thì bạn sẽ chọn làm một tay chơi ba sẹo vùng Tennessee hay trở thành đại sứ thương hiệu cho món gà miếng McNugget của McDonald’s?
VEDANTAM: Nói tôi nghe xem Hal, cuộc đời của một con gà làng chơi sẽ ra sao, và còn một con gà đi bán McNugget thì sẽ thế nào?
HERZOG: Ô kê con gà đen, trước hết hãy nói về con gà chọi. Nhìn chung, chúng sống lâu hơn so với lũ gà thịt, một con số khá đáng kể đấy nhé. Trung bình, gà chọi sống được hai năm. Chúng sẽ không thượng đài cho đến năm 2 tuổi. Và phần lớn thời gian trong đời, chúng được nuôi thả, được tha hồ chạy nhảy trong một không gian rộng rãi hơn nhiều so với gà thịt.
Chúng được cho ăn uống hết sức thịnh soạn với một chế độ dinh dưỡng đa dạng. Chúng cũng được tập gym và múa quyền khá nhiều. Sau đó, nếu thắng vài ba trận, chúng sẽ được giải nghệ và chuyển sang làm gà giống. Đến đây thì chúng chỉ phải dành phần đời còn lại để đuổi mấy con gà mái chạy quanh vườn. Nghe không tồi chứ hả.
Còn với anh bạn gà thịt, đó thực sự là một cuộc đời khủng khiếp và chỉ kéo dài không quá 7 tuần. Nói luôn cho nó vuông, chúng chỉ là những cục thịt. Người ta chỉ cốt làm sao để chúng lên cân càng nhanh càng tốt, đến nối cặp giò của chúng không thể giúp chúng đứng vững được. Hậu quả là chúng mắc bịnh đau chưn kinh niên, chúng ta có thể coi đó là một vấn đề lớn về phúc lợi động vật đấy.
Tiếp, chúng bị nhồi nhét vào những trại gà khổng lồ với số lượng có thể lên tới 30.000 con mỗi căn, nơi mà chúng sẽ không bao giờ được nhìn thấy ánh mặt trời. Chúng cũng không bao giờ được tung tăng chơi đùa trên thảm cỏ xanh mướt, không bao giờ được dùng mỏ gãi lưng cho một con giun. Phổi chúng bị thiêu đốt bởi mùi amoniac nồng nặc. Rõ ràng là một cuộc đời đầy bi kịch, mà đâu đã hết chuyện.

Khi đã đủ cân đủ ký, chúng sẽ bị lèn chặt vào những cái lồng chất chồng trên những chiếc xe tải không mui thùng để chở tới các trại tập trung. Với bộ lông tơi tả, chúng lại bị tọng vào những cái lồng nhỏ hơn và chờ ngày lên thớt. Trước giờ G, chúng sẽ bị treo ngược giò lên và bị nhúng vào nước cho điện giật, để thay cho thuốc gây mê ấy mà. Cuối cùng, chúng sẽ phải nếm trải những màn dao kéo kinh dị nhất trên đời.
Vậy đấy, lạ thay khi cuộc đời của một con gà chọi lại đỏ hơn nhiều khi so với bất kỳ con gà nào trong số 9 tỷ con gà mà người Mỹ cho vào mồm mỗi năm. Nghĩa là trong lúc những người Mỹ yêu động vật đã ngon giấc khi biết rằng môn đá gà bị cấm tiệt trên toàn bộ 50 bang; thì vào ngày mai, vẫn sẽ có 35 triệu con gà khác vào nồi. Ừ thì môn đá gà là bất hợp pháp, nhưng có phải việc tiêu thụ thịt gà mới là thứ đáng sợ và tội lỗi hơn nhiều không? Và cũng phải nói luôn là, mấy tay nài gà rất quý con chiến kê của họ nhé.
Đấy là khi nói về đá gà, một trò cờ bạc bất hợp pháp khá phổ biến với những người có địa vị xã hội thấp. Vậy còn với những môn chơi thời thượng vương giả khác thì sao, đua ngựa chẳng hạn?
Có lẽ bạn không hề biết chuyện những con ngựa đua hết thời sẽ bị giết thịt. Mới đây tại trường đua Santa Anita ở California, một con ngựa cái non mới hai tuổi bị thương ở chân trước bên phải trong khi đua đã được cho an tử. Nó đã nâng tổng số ngựa chết tại trường đua này lên con số 36 vụ kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2018, và 72 vụ nếu tính cả mùa giải 2018.
Đó mới chỉ là một phần nhỏ trong số hàng nghìn hàng nghìn con ngựa bị giết mỗi năm. Nhưng có bao nhiêu người nhận ra vấn đề của môn đua ngựa khi so với trò đá gà? Ta có thể gọi đó là tiêu chuẩn kép chăng?
---
Hal kể thêm một câu chuyện khác xảy ra khi anh còn chưa tốt nghiệp. Trong một thí nghiệm sinh học, anh được yêu cầu thả những con vật khác nhau vào nước sôi. Trước mặt anh là một chiếc hộp đựng những sinh vật nhỏ bé, những con giun, dế; vài con bọ cạp, rắn, và cả một con chuột nữa.
HERZOG: ... Chậc, nồi nước không thực sự sôi lắm. Nhưng tui nghĩ, OK, cứ để tui lo.
Đầu tiên, tui thả một con dế vào, nó ngủm củ tỏi ngay tấp lự. Sau đó đến con bọ cạp, nó to hơn, nên không dẹo nhanh như con dế. Rồi tiếp đó là một con thằn lằn. Anh biết đấy, tui thích mấy con bò sát, và điều này không hay ho tẹo nào. Cần nhiều thời gian hơn để nó thăng, điều đó khiến tui thấy hết sức khó chịu. Cuối cùng đến một con chuột. Nó không phải là giống chuột bạch dùng cho thí nghiệm và trông rất nhỏ nhắn xinh xắn. Tui nhìn nó, khi đó tui đã túm nó trên tay rồi, nhưng tui lại không thể thả nó vào nồi nước. Tui không thể.
Điều đó đã ám ảnh tui trong một thời gian dài. Đó thực sự chính là sự kiện khiến tôi dành hơn 30 năm qua, cố tìm hiểu xem tại sao tui có thể dễ dàng giết một con dế nhưng lại cảm thấy khó khăn hơn với thằn lằn, và không thể xuống tay với con chuột. Nó đã khiến tui luôn đau đáu với câu hỏi tại sao lại có sự khác bọt trong cách mà chúng ta đối xử với những loài động vật khác nhau.
VEDANTAM: Rõ ràng là có nhiều người vin vào niềm tin rằng có tồn tại một hệ thống thứ bậc giữa các loài để biện hộ cho việc ăn thịt và những hành vi đối với động vật. Có lẽ đó là điều đã xảy ra với anh vào lúc đó. Anh cũng có kể rằng, sau khi xem bộ phim E.T. của Steven Spielberg, anh đã nảy ra một câu hỏi dành cho con gái mình.
HERZOG: (Cười) Vầng, cho hai cô con gái sinh đôi của tôi. Chắc đa số thính giả cũng biết cái kết của bộ phim này rồi. E.T. và cậu bạn Elliot cuối cùng phải chia tay nhau khi đĩa bay mẹ đến đón E.T. về lại hành tinh Zork. E.T. đã đề nghị Elliot theo cùng, nhưng cậu bé từ chối. Bất giác tui hỏi hai cô nhóc là, này các cô gái, người hành tinh Zork hẳn là thông minh hơn con người chúng ta nhiều. Vậy sẽ thế nào nếu E.T. buộc Elliot phải theo nó trở về hành tinh Zork nhỉ? Kiểu như, túm lấy cậu nhóc này lên đĩa bay, rồi mang về Zork làm một thí nghiệm gì đó?

Tất nhiên là bọn trẻ la ó phản đối kịch liệt. Nhưng điều đó lại khiến tôi liên hệ tới việc chúng ta dùng động vật để thực hiện các thí nghiệm khoa học. Anh biết đấy, chúng ta thông minh hơn những sinh vật khác. Chúng ta thông minh hơn nhiều so với chuột, chó và tinh tinh; nhưng đó là chỉ là lời biện hộ của chúng ta mà thôi. Nếu chúng ta được phép làm thế, thì có gì là sai khi E.T. nhốt cậu bé Elliot trong một cái lồng rồi mang cậu về hành tinh Zork làm vật thí nghiệm?

Đây là chữ ký.