(Mãi đến khi vắt óc tìm hình minh họa cho post, tôi mới vỡ lẽ ra mình chịu ảnh hưởng thế nào từ cái phim hoạt hình này.)
(Mãi đến khi vắt óc tìm hình minh họa cho post, tôi mới vỡ lẽ ra mình chịu ảnh hưởng thế nào từ cái phim hoạt hình này.)

ROBOT KHÁM PHÁ THẾ GIỚI

0.
Người kĩ sư tạo ra chúng tôi đã khắc một dòng chữ lên viên đá và quẳng nó vào trung tâm thế giới. Viên đá ấy lơ lửng, đơn độc như muốn thách thức. Cụ thể thế này:
Ta tin tưởng ở nỗ lực và yêu thương.
Cỏ mù chữ. Cỏ đến được vùng trung tâm kể trên, mân mê viên đá, tò mò bởi thứ kí tự lạ lùng, nhưng không đọc được. Nó lắc lắc đầu khiến những sợi tóc đen nhánh được dịp đung đưa. Viên đá ấy mới bí ẩn làm sao.
Tôi thương nó. Tôi thương mái tóc. Thương cái thở dài. Thương khi nó khép mắt. Thương nhìn nó lệ rơi.
Cỏ và tôi, chúng tôi chỉ là những con robot.
Lần nọ, chúng tôi thức dậy và biết mình đang bị cuốn vào một trò chơi tàn nhẫn. Chúng tôi hiểu rằng có một người kĩ sư tạo ra tất cả thế giới này. Chúng tôi được sinh ra với đủ loại kiến thức, tiềm năng do người kĩ sư nọ sắp đặt. Tôi biết đọc chữ. Bảng biết nhảy múa. Mây biết vẽ vời. Cỏ biết bay lên trời cao.
Chúng tôi sinh ra đã biết nhiều thứ khác nhau, nhưng có một thứ chung nhất in sâu trong đầu cả bọn, thứ ấy bảo rằng chúng tôi chỉ là những con robot.
Lần đầu tiên khi tôi mở mắt, bao quanh tôi là một công trường hoang tàn. Tôi lang thang mất cả buổi mới ra được bờ hồ, soi bóng xuống nước, thấy mình giống một con búp bê. Tôi dám chắc mình chưa từng thấy qua con búp bê nào, nhưng tôi là robot, có những điều đã hiển hiện trong đầu từ trước khi tôi sống.
Robot là tôi nằm dài trên bãi đất, ngửa mặt nhìn trời. Trời của chúng tôi, ngập một thứ sương khói phát sáng. Thế giới này không có trăng sao, không có mặt trời. Thế giới có hình cầu, và chúng tôi sống bên trong quả cầu đó. Từ bãi đất tôi nhìn thấy trời, cũng đồng nghĩa từ bãi đất tôi phóng tầm mắt về trung tâm thế giới.
Lần đầu tiên khi Cỏ mở mắt, nó thấy chính mình đang lơ lửng giữa không trung. Cách nó không xa là một viên đá lạ lùng. Cỏ lượn lờ quanh viên đá mất cả buổi, biết rằng trên đó có khắc điều gì, nhưng không tài nào đọc hiểu. Cỏ chép miệng bay đi. Cả khoảng không lơ lửng thuộc về riêng mình nó. Cỏ cứ bay đi, bay hoài, bay đến khi nó lọt vào một vùng đầy những con cá nhỏ màu hồng.
Là robot, có những điều chúng tôi cùng biết. Đồng thời, có những điều cùng không biết. Chúng tôi không biết về những “con cá nhỏ”.
1.
Người bạn thứ nhất tôi quen tên Bảng. Đứa bạn bảo rằng thứ đầu tiên nó nhìn thấy là một cái bảng đen sì, trống trơn: Bảng tỉnh dậy ở một trường học. Toàn sách với sách, chữ với chữ. Nhưng thế giới này ngoài tôi ra, không ai đọc được chữ. Chẳng phải uổng phí hay sao? Nhân dịp ghé qua trường học, tôi chỉ cho Bảng biết đâu là sách Toán, đâu là sách Hóa. Sách Địa Lý viết rằng ngày đêm dài ngắn theo mùa, tại xích đạo mặt trời chiếu vuông góc bề mặt trái đất. Chẳng ra làm sao. Đây là những cuốn sách của người kĩ sư, không áp dụng được cho thế giới chúng tôi. Thứ hiếm hoi có vẻ do chính người kĩ sư ấy gửi gắm đến chúng tôi là viên đá ở trung tâm thế giới. Nhưng lúc mới quen Bảng, tôi còn chưa biết rằng viên đá ấy tồn tại. Lúc mới quen Bảng, tôi chỉ mới biết đến các linh hồn.
Thứ mà Cỏ gọi là con cá, Bảng lại gọi là linh hồn.
Một hôm Bảng dắt tôi vào thư viện bụi bặm. Nó phát hiện một linh hồn mắc kẹt trong ấy. Linh hồn màu hồng bồng bềnh giữa hai giá sách. Hoàn toàn im lặng. Bảng rất thận trọng với những thứ nó chưa biết tới bao giờ.
Lần nào nhìn linh hồn này, mình cũng thấy quặn lòng.
Nó vừa sống động mà lại vừa im lìm.
Mình vừa mong thế giới này còn sinh vật khác cùng chung sống, vừa linh cảm rằng mình sẽ không ưa thứ ấy được.
Im lìm quá.
Mình là robot, nhưng đứng trước nó mình thấy quặn lòng.
Tôi nói với Bảng, ngó thứ đó chỉ làm tôi thấy đói. Thật kì lạ. Bởi thế mà tôi gọi thứ tròn tròn, hồng hồng nọ là chiếc bánh, chứ không phải linh hồn hay cá nhỏ tung tăng gì cả. Đó là chiếc bánh, và chiếc bánh sinh ra để được ăn.
Bảng mời tôi ăn bánh. Tôi tiến tới kệ sách, vừa chạm bánh ấy thì nó đã thấm hết vào lòng bàn tay mình. Luồng không khí ấm áp lâng lâng khắp người, thật sảng khoái. Tôi hào hứng nhận xét rằng bánh này quả tình rất ngon.
Bảng tỏ vẻ vui mừng. Nó mấp máy môi. Tôi nghe không rõ, hỏi Bảng nói gì. Bảng lại mấp máy môi. Âm thanh sao mà trơn tuột, biến đi đâu mất. Mãi mãi về sau, lời Bảng nói không còn đến được tai tôi. Vì một chiếc bánh.
Giữa thư viện bụi bặm đó, một điều quái gở đã xảy ra.
Đó là sự thật đầu tiên tôi biết về bánh. Nó biến những cuộc giao tiếp thành một chiều. Chúng tôi chẳng gì hơn là những con robot, còn thế giới này là thế giới được lập trình từ tận thuở ban sơ. Vận mệnh an bài để chúng tôi không thể chia sẻ cùng nhau qua ngôn từ cửa miệng. Hẳn là ý tưởng của người kĩ sư rồi.
Như một bạn robot sau này của tôi nhận xét, chiếc bánh là công tắc. Chúng tôi là loài robot hoạt động theo hệ thống. Chạm vào công tắc, hệ thống âm thanh tự động cắt mất một đường dây.
Kể từ đó, tôi nói Bảng nghe, nhưng lời Bảng nói, tôi không cách nào nghe được. Tôi quyết định dạy chữ cho Bảng, nó đồng ý, rồi bắt đầu viết được những câu đơn giản. Bảng viết rằng nó ghét bánh. Có lẽ nó muốn viết nhiều hơn, nhưng không đủ thạo để lấp đầy cảm xúc lên trang giấy.
Qua một khoảng thời gian thì Bảng chết.
Bảng biết nhảy múa. Lần ấy, trong sân thể dục, bên chiếc máy thu thanh cũ kĩ, đang nhảy múa theo điệu nhạc trước mắt tôi thì đột nhiên Bảng dừng bặt. Nó không cử động, không mấp máy môi gì nữa. Hệ thống đã ngưng vận hành, nghĩa là Bảng chết. Tôi đặt Bảng nằm trong phòng học, đúng nơi nó đã chào đời, trước mặt nó đúng là một cái bảng đen sì trống trơn. Không hiểu vì sao tôi cứ muốn để Bảng nằm nơi đó.
Giây phút chia tay lẻ loi ảm đạm. Cả một trường học rộng lớn chẳng còn ai ngoài tôi, đứng cạnh Bảng im lìm.
Trường học hoang vu quá, mình du hành đến miền đất mới đi thôi.
Trên đường đất gồ ghề, tôi tự hỏi mình còn sống đến bao giờ.
Thế giới của chúng tôi là một quả cầu, tôi chắc chắn. Thật khó để diễn tả làm cách nào tôi hiểu về thế giới, tôi chỉ hiểu như thế. Chúng tôi là những con robot sống trong quả cầu. Giây phút nọ tôi thức giấc, rồi giây phút nọ tôi sẽ chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng, như Bảng mà thôi. Giữa khoảng thời gian đó chúng tôi rong chơi. Những điều về thế giới mà tôi chưa hiểu cũng là những điều giữ cho tôi tiếp tục lên đường.
2.
Người bạn thứ hai tôi quen tên Mây, vẽ vời cả ngày. Thế giới quả cầu thậm chí còn không có gợn mây. Trời cao toàn một vùng sương khói. Đám mây là thứ ở “bên ngoài” thế giới, một thứ chúng tôi cùng biết, một thứ vừa hiện hữu, vừa không. Bạn robot của tôi chọn tên Mây, vì nó thừa biết thế giới quả cầu này là ảo ảnh, là trò chơi. Mây vẽ vời trong lúc còn sống, bởi theo nó, không phải lúc nào mình cũng là robot, không phải lúc nào mình cũng lạc vào một thế giới hoang sơ.
Mây tìm được ngôi nhà giữa thảo nguyên. Trên sàn gỗ rộng lớn, nó cầm viên phấn, vẽ hình ngôi nhà, xung quanh là thảo nguyên. Tôi hỏi, thế chẳng phải bên trong ngôi nhà phấn cũng có một con robot đang cầm phấn, như Mây. Nó gật gù tán đồng. Thật kì lạ, Mây và tôi nghe được tiếng nói của nhau.
Thế nên chúng tôi nói với nhau rất nhiều.
Trước tôi, Mây có một người bạn. Cũng xảy ra tình trạng Mây nói bạn nghe, nhưng bạn nói Mây không nghe. Lí do vì Mây lỡ tay ấn vào công tắc.
Thứ mà Bảng gọi là linh hồn, tôi gọi là bánh, thì Mây gọi là công tắc.
Chúng mình là lũ robot hoạt động theo hệ thống.
Chạm vào công tắc, hệ thống âm thanh tự động cắt mất một đường dây.
Nhưng bản năng của mình, là phải chạm đến nó.
Chừng nào mình còn là robot, mình sẽ làm những việc robot được lập trình.
Nghe thế, tôi góp lời, bản năng của mình là phải ăn. Ai chịu ăn thì sống lâu hơn. Mây đồng ý. Như tôi sống lâu hơn Bảng, như Mây sống lâu hơn bạn của Mây. Thế là chúng tôi hiểu thêm về những vệt tròn mờ ảo và bí ẩn kia. Tôi và Mây đều tiếp xúc với bánh/ công tắc, nên chúng tôi nói chuyện được với nhau, và chúng tôi sống được lâu hơn cùng nhau.
Nói chuyện cho nhau nghe là một trong những việc làm sung sướng nhất trần đời. Tôi huyên thuyên rằng thế giới có hình cầu và loài robot bị nhốt bên trong khối cầu đó. Dưới chân tôi là vũ trụ, vũ trụ cấu thành từ đất và đá, và mạch ngầm con sông. Trên đầu tôi là trời đầy sương khói, tỏa sáng triền miên. Bên kia bầu trời là một vùng đất khác, bên dưới vùng đất đó, lại là vũ trụ, vũ trụ vô biên nhốt chúng tôi lại bên trong thế giới quả cầu.
Mây nói về thế giới do người kĩ sư sáng tạo. Robot do người kĩ sư chuẩn bị. Cuộc sống chúng tôi đang sống, thực chất là một trò chơi, với tên gọi “Robot khám phá thế giới”.
Vì muốn tìm nhiều chuyện hơn để nói, chúng tôi rời khỏi căn nhà trên thảo nguyên, cùng nhau, khăn gói dạo khắp quả cầu. Mây đem theo dụng cụ vẽ. Tôi đem theo sách tập đọc. Trong sách ấy toàn những câu chuyện kể về nơi người kĩ sư sống. Không liên quan đến chúng tôi lắm, nhưng ít ra sách tạo thêm vài cái cớ để chúng tôi mộng mơ, tán gẫu, và khám phá.
Dừng chân trước một hầm mỏ tiêu điều, tôi với Mây gặp phải “chiếc bánh”.
Nó như một làn sương hồng cuộn thành hình cầu, lượn lờ trong không khí. Robot chúng tôi khi cảm nhận được sự hiện diện của bánh, sẽ tự khắc nôn nao khó tả. Tại sao người kĩ sư không cài đặt bất cứ thông tin gì khác về bánh cho chúng tôi nhỉ?
Chiếc bánh cứ bồng bềnh theo nhịp lên xuống phía trên đầu bãi đá thô kệch. Chúng tôi, hai robot cả thảy, có thể say sưa nói chuyện mây, chuyện bão, chuyện người kĩ sư, chuyện nằm ngoài thế giới này. Nhưng chiếc bánh lại khiến tôi và Mây bối rối.
Tôi muốn ăn, Mây muốn sống đúng bản năng. Không ai nghĩ đến chuyện làm ngơ nó.
Tôi và Mây bàn nhau chạm tay vào bánh cùng lúc.
Một… hai… ba… cùng nhau đưa tay ra.
Nhưng bánh như sương khói, chúng tôi phối hợp không thành. Tay tôi chạm trước tiên, toàn bộ bánh hút về phía tôi cả. Công tắc đã bật cho tôi, tắt cho Mây.
Từ đây lại diễn ra cảnh một người nói, một người nghe. Một chiều giao tiếp.
Thế giới lại hồi câm lặng. Thế giới mất đi một tiếng nói của Mây, với tôi, câm lặng bức bối.
Trong quả cầu này, thú vui tôi là nhìn Mây vẽ vời, là đọc những cuốn giáo khoa về một hành tinh xa cách. Lẽ ra tôi còn thú vui trò chuyện. Nhưng giờ đành nằm dài hướng mặt về trung tâm thế giới, một tay vịn sách, một tay vắt trán. Mây đứng bên cạnh cầm thanh sắt nguệch ngoạc trên bãi đất, vẽ dáng tôi nằm.
Trên bãi đất, tôi kể Mây nghe rằng thế giới này không có sinh vật sống, chỉ có robot, và những công trình nhà cửa lạnh tanh. Thế giới có giấy, có sàn gỗ, nhưng không có cây. Mây lắc đầu, thả thanh sắt xuống, rồi bỏ đi thật lâu. Khi quay lại, nó đặt vào tay tôi mấy ngọn cỏ mềm rũ.
Trước mặt Mây, tôi nói, đâu đó trên thế giới thể nào cũng còn những công tắc. Tôi sẽ tìm cho Mây bật. Tôi muốn hệ thống nối lại đường dây, để chúng tôi trở lại trò chuyện như ban đầu.
Không phải chần chừ, cả hai rong ruổi lên đường. Mà thật ra lúc nào chúng tôi chẳng rong ruổi? Mây vẽ, và tôi nói, và tôi đọc sách thành tiếng. Tôi cố tìm tiếng Mây thốt lên trong những lần môi nó mấp máy. Hay thanh âm của nó, như những gợn mây, đã trôi đi khỏi thế giới này rồi?
Chúng tôi băng qua sa mạc cát vàng bạt ngàn. Thế giới vắng vẻ và hoang tàn. Trời cao lúc nào cũng phát sáng, chẳng thiết ngày đêm. Cũng chẳng biết thời gian.
Rồi chuyện ấy xảy đến.
Mây ngừng hoạt động trước khi chúng tôi tìm ra công tắc. Vừa lúc sắp đặt chân khỏi vùng đất cát.
Dường như nó ngủ.
Và sẽ không tỉnh dậy bao giờ.
Tôi thôi nhìn trời, úp mặt vào hai lòng bàn tay.
Khi ngẩng đầu, thấy Mây vẫn đang đứng bất động như tượng đá.
Tôi phải làm gì đây?
Làm gì, hở Mây?
Mây bất động, nhưng cuộc hành trình tìm công tắc tiếp tục. Trước ngực tôi quấn một túi đầy sách. Sau lưng tôi cõng Mây. Tay tôi cầm một thanh sắt, để dành cho Mây vẽ. Nơi cổ tay có đeo một vòng cỏ héo khô, xơ xác. Tôi cõng Mây đi.
Đôi khi tôi ngăn mình đừng hỏi vì sao mình sống.
Chỉ rong chơi thôi, rồi khám phá, rồi thuật lại cho một ai đó nghe. Đôi khi tôi không ngăn mình nổi.
Tôi lưu lạc vào một thành phố đổ nát. Lại nữa rồi. Những công trình từ một hành tinh khác, do người kĩ sư tái dựng lại nơi thế giới này. Như hình ảnh in trong giáo khoa thư, chỉ thiếu sự sống, và thiếu âm thanh. Chuồng trại không súc vật, ao hồ không tôm cá, nhà cửa không con người. Robot khám phá thế giới, cứ thế cho đến hết cuộc chơi.
Tôi cõng Mây đi, cõng Mây đi.
Tôi cõng Mây đi khắp phố phường.
Đường dài trải nhựa, bừa bộn sạp hàng, ghế đá đóng bụi, bồn cây trống rỗng. Tôi cõng Mây đi, bao suy nghĩ lạc lối lan man. Còn thế giới lớn rộng thênh thang.
Đường nối tiếp đường, tôi cõng Mây tiến đến một công tắc, màu hồng, khói mỏng, ở giữa quảng trường.
Tít trên cao, công tắc lơ lửng, cũng tầm một tầng lầu. Trong lòng nôn nao, tôi biết ngay nó đang ở rất gần. Vì thế mà chân bước nhanh hơn. Giữa quảng trường, tôi bắc thang, kéo ghế, đẩy hết tủ bàn, dựng thành một cái tháp nhỏ, cho tôi đưa Mây lên. Chắc là được rồi nhỉ, Mây đứng bên tôi trên đỉnh tháp, cách công tắc hồng hồng kia chưa tày sải tay.
Tay tôi cầm cho tay Mây chạm vào công tắc. Lẽ ra được rồi đấy nhỉ.
Nhưng công tắc không chịu biến mất.
Cũng như Mây không tỉnh lại bao giờ.
Công tắc không hút vào tay nó, chỉ lởn vởn khói hồng, bồng bềnh bay cao hơn.
Tôi lại biết thêm một điều về thế giới. Khi robot thôi vận hành, thì hãy để robot ngủ yên. Mây ngủ yên trên ngọn tháp nho nhỏ tôi xây tặng nó. Còn từ đó tôi đi, tôi để Mây yên.
Thoạt sau, một mình tôi dạo ngắm phố phường. Dạo chầm chậm thôi, so sánh phố con người với những điều viết trong giáo khoa thư. Tôi leo lên tòa nhà cao nhất, lại nằm nhìn trời phát sáng quanh năm. Thật ra thế giới này không có năm. Chỉ có những quãng đời của robot, chỉ có từng thời gian chắp nối của bánh, của linh hồn, của công tắc. Tôi đọc sách do con người biên soạn, riết thành quen với lối nói của họ. Chứ thật thì ở đây không năm tháng gì. Không ngày giờ. Không giây phút. Chỉ có tôi không biết mình sống đến khi nào.
3.
Người bạn thứ ba tôi quen, tên là Cỏ, biết bay lượn vòng quanh quả cầu. Lần ấy, bỗng dưng Cỏ đáp xuống tòa nhà cao nhất tôi đang nằm, ngạc nhiên hỏi:
Robot này còn thức hay sao?
Cỏ nhìn giống hệt một con người. Dĩ nhiên tôi cũng chưa tận mắt thấy con người bao giờ, chỉ là trong đầu đã lưu sẵn hình ảnh đó, và còn được tham khảo từ giáo khoa thư. Thoạt trông thấy Cỏ, tôi nhận ra ngay hình ảnh một con người, trừ việc nó tự xưng nó là robot.
Mình biết bay lượn. Mình sinh ra ở trung tâm thế giới, trên trời kia.
Khi bay lượn, mình tình cờ lạc vào một vùng có thật nhiều cá nhỏ.
Mình thả cho những con cá đó biến hết khỏi thế giới này.
Tôi hiểu Cỏ đang nói tới cá nhỏ nào. Thứ mà tôi gọi là bánh, Cỏ gọi là cá.
Xin lỗi, mình không thể nghe tiếng bạn nói.
Người bạn thứ ba tôi quen, tên Cỏ, đã phóng sinh cho cả chục “con cá”. Nói cách khác, nó sẽ sống cách tôi cả chục cuộc đời. Lời nói cũng xa tôi cả chục lần công tắc ngắt đường dây.
Bạn hiểu không, mình sẽ là robot cuối cùng thiếp ngủ trong thế giới này.
Vì mình thả nhiều cá nhất, ghi nhiều điểm nhất.
Mình quá tham lam.
Nhưng lúc chạm vào cá đó, chẳng ai dặn mình bớt tham lam.
Bạn hiểu không, chẳng ai nói với mình rằng những con cá sẽ khiến mình cô độc.
Giờ thì mình bay lượn khắp nơi, và gặp phải cơ man nào là robot trơ trơ bất động.
Hành trình khám phá thế giới của tôi từ đó lấp đầy tiếng Cỏ. Tôi là người bạn đầu tiên của nó. Là người đầu tiên nó có thể nói hết những gì chất chứa trong lòng. Mà lòng nó chất chứa cả một kho bí mật.
Mỗi con cá là một bí mật của thế giới đấy nhé.
Chạm vào cá, mình biết người kĩ sư là ai.
Mình biết người kĩ sư để lại viên đá ở trung tâm thế giới, khắc chữ ngoằn ngoèo.
Mình biết lời người khác, sẽ không bao giờ mình còn nghe được.
Ai có số cá bằng nhau, mới giao tiếp được với nhau.
Tôi nghe rất nhiều điều từ Cỏ. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ, thảo nào mình hiểu mặt đất dưới chân là vũ trụ, còn bầu trời trên đầu là sương khói tụ về trung tâm quả cầu. Thảo nào Mây biết tên gọi của trò chơi chúng tôi đang tham gia, là “Robot khám phá thế giới”. Mỗi con cá đều chứa đựng một thông tin, một khi thấm vào tay thì sẽ dần dần được cài đặt vào đầu chúng tôi.
Thả càng nhiều cá, robot càng giống con người. Cỏ là robot giống người nhất tôi từng quen.
Bạn có nghĩ người kĩ sư muốn chơi khăm mình không?
Người kĩ sư chọn cho mình khả năng bay. Nên mình tìm được nhiều cá nhỏ nhất.
Tìm được nhiều cá nhỏ nhất, mình cô đơn nhất.
Mọi robot khác sẽ lần lượt thiếp ngủ.
Còn mình thức, và mình mòn mỏi, trong một thế giới chỉ có mỗi mình thôi.
Cỏ nắm tay kéo tôi bay tít lên trời. Một chặng đường dài dằng dặc, vụt qua tầng tầng lớp lớp sương khói huy hoàng. Nó đưa tôi đến trung tâm thế giới, nơi có viên đá lửng lơ và thách thức. Tôi đọc ngay được dòng chữ bên trên. “Ta tin tưởng ở nỗ lực và yêu thương”. Nhưng Cỏ không nghe thấy tiếng của tôi.
Người bạn thứ ba này không biết đọc chữ, nhưng biết thở dài và biết khóc. Khi quay lưng rời khỏi viên đá, Cỏ khép mắt lại, tôi thấy từ đôi khóe mắt rơi ra những giọt nước long lanh.
Bạn có thích bay không?
Vì bay được, nên Cỏ ưa bay khắp thế giới. Tôi thì từ khi thức dậy đã thích đọc sách, nhưng quen Cỏ rồi, đâm ra cũng thích bay lượn. Là bạn, tôi để nó kéo mình bay tới mọi vùng nó muốn. Cỏ biết mỉm cười. Nhưng trong quá trình bay, có lúc nó lại hỏi:
Bạn này, bạn còn thức được lâu không nhỉ?
Hỏi xong tự Cỏ thở dài. Càng ngắm nó, tôi càng thấy Cỏ giống con người. Con người rong ruổi cùng với lo toan. Cỏ muốn xua đi lo toan, nên lắc lắc đầu, lắc lắc những sợi tóc đen nhánh.
Không hiểu sao tôi cảm thấy thương nó, thương nó vô cùng.
Tôi thương mái tóc.
Thương cái thở dài.
Thương khi nó khép mắt.
Thương nhìn nó lệ rơi.
Phải diễn tả thế nào đây, Cỏ và tôi, chúng tôi chỉ là những con robot.
Trừ việc Cỏ rất giống con người.
Nó còn biết tự tạo ra những món đồ chơi. Xoẹt cái, nó xé trang sách, làm ảo thuật với tờ giấy, biến hóa thành một thứ gọi là “máy bay”. Rời khỏi tay phóng của Cỏ, máy bay rẽ đi trong không khí rồi chúi mũi xuống đất. Đối với tôi cũng là một cảnh tượng kì diệu.
Trong số bạn của tôi, Bảng biết nhảy múa, Mây biết vẽ vời, Cỏ biết bay lượn, mà không chỉ bay lượn, Cỏ còn biết vô vàn điều thần kì khác.
Là do bù đắp đó.
Mỗi khi mình làm một con cá khuất dạng, con cá đó sẽ để lại cho mình quãng đời dài hơn, cùng chút trò tiêu khiển.
Cũng có lẽ là lời xin lỗi từ người kĩ sư.
Đừng giận mình.
Đến mỗi ngôi nhà hoang, Cỏ lại sục sạo, vớ được thứ gì hay ho thì sáng tạo vài màn ảo thuật mới. Có khi nó dùng một thanh đũa gõ lần lượt vào các dụng cụ làm bếp để rồi chế biến ra điệu nhạc leng keng thú vị. Có khi nó gom góp kim chỉ, đem ra giữa trời mà may búp bê.
Bản năng robot là sống, bạn ạ.
Dù biết sẽ có lúc lê thê.
Khi những đường kim thoăn thoắt lên xuống, Cỏ thốt ra mấy câu bâng quơ thường lệ. Khán giả của nó, là tôi, vẫn chăm chú dõi theo.
Con búp bê vải màu sắc tươi tắn, cỡ nhỏ vừa bằng cuốn sách, Cỏ may miệt mài. Không ai đo đếm được bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Đến lúc nào thì Cỏ thôi không nói thêm một lời, tập trung hết cho từng mũi chỉ. Người kĩ sư cũng khéo bù đắp thế mà. Thao tác của nó rành mạch như một con robot, còn đôi mắt thành tâm nhìn vào tác phẩm mình may lại có phần nào giống con người.
Tác phẩm hoàn thành là một con búp bê xinh xắn. Cỏ cầm trên hai tay, giơ lên cao chiêm ngưỡng. Trên khuôn mặt giống con người của nó diễn ra nhiều loại cảm xúc tôi không kịp gọi tên.
Với tôi, hình ảnh ấy khắc sâu trong trí nhớ.
Cuối cùng, Cỏ quay sang nhìn tôi, như sực nhớ ra một điều gì vô cùng quan trọng.
Con búp bê này cần một ngôi nhà, bạn à.
Mình từng thấy một ngôi nhà búp bê đáng yêu tột bậc, ở đâu đó bên kia quả cầu.
Mình muốn ôm búp bê bay thẳng qua trung tâm thế giới, tìm lại ngôi nhà ấy.
Trừ những lúc gặp lũ “cá”, chưa bao giờ mình thấy thôi thúc mãnh liệt thế này.
Mình phải đi thôi, mình muốn đi.
Nhưng mình không đủ sức đưa bạn cùng bay xa đến thế.
Cho mình xin lỗi.
Mình còn không hiểu nổi mình đang bày vẽ chuyện gì.
Mình xin lỗi.
Xin lỗi bạn rất nhiều.
Bạn tôi biết khóc, không phải kiểu khóc mếu máo ra mặt, mà là khóc òa ở một thế giới nào khác, đến khi nhắm mắt lại thì lệ nhỏ xuống hai hàng.
Tôi có kịp nói gì đâu. Tôi có nói được gì đâu. Tôi có quyền ngăn cản gì đâu. Và lỗi nào, không phải lỗi của tôi sao?
Tôi là robot không được phép nói, ngay cả vào giây phút bạn tôi quay lưng bay thẳng lên trời.
Vùng sương khói chói lòa bóng dáng nó.
Máy bay giấy bay theo. Điệu nhạc cũng bay theo.
Tôi đã nhìn bầu trời này bao nhiêu lần rồi, giờ càng thấy bao la rợn ngợp.
Tôi sẽ ngủ mất thôi. Từ độ chiếc bánh gần nhất đến đây, có lẽ gần một quãng đời mới rồi. Tôi sẽ ngủ mất. Khám phá gì thế giới này chứ. Tôi nào biết xếp giấy, nào biết gõ nhạc, càng chẳng biết may thêu.
Lấy đất làm giường, tôi nằm ngửa. Nhìn trời để chờ Cỏ. Hoặc không có Cỏ thì chờ một giấc ngủ dài.
Trò chơi này tôi chơi thật tồi. Cứ sau một sự kiện, lại cố tìm ra một sự kiện khác lấp đầy chỗ trống. Vụng về quá mà không dám dừng lại. Khi hết còn sách đọc, tôi chuyển sang nghĩ về người kĩ sư, về trò chơi quái ác và về viên đá ở trung tâm thế giới. Tôi ôn lại thông tin về trò chơi và về viên đá. Tôi muốn tìm một lối thoát nơi viên đá.
Rốt cuộc robot bật người dậy, vào thời điểm mở màn của một hành trình mới – hành trình tìm bánh và tìm tiếng nói.
4.
Bạn này, người kĩ sư đó dại dột quá phải không. Muốn yêu thương và nỗ lực, mà chẳng làm gì cả, chỉ toàn trông đợi ở chúng ta.
Nhọc công xây dựng cả thế giới quả cầu, sắp xếp công trình hoang tàn, thử thách lũ robot vô dụng,… chẳng bằng cứ tự viết một câu chuyện cho thỏa lòng, thời gian còn lại dành để sống tốt đời người kĩ sư đi. Nếu từ đầu tất cả chỉ là một câu chuyện, chắc sẽ đỡ phí phạm hơn. Người kĩ sư mà chẳng làm được gì, thì lũ robot dở dở ương ương cũng chẳng sao cho thêm gợi ý hữu ích.
Rút kinh nghiệm, mình bèn viết một câu chuyện.
À mà không, mình đang bao biện đấy, vì mình có biết chế tạo robot đâu.
Mình chỉ tập tễnh viết chừng này, cộng thêm vẽ bức tranh ngôi nhà khổng lồ giữa thảo nguyên, hi vọng từ trên cao bạn sẽ thấy mà tò mò bay xuống. Nếu có lần sau, mình hứa sẽ làm tốt hơn.
Nhắc đến hình vẽ, bạn có biết rằng robot nào sau khi ngủ cũng sẽ để lại một con cá cho thế giới, chứa đựng khả năng đặc biệt của riêng robot ấy? Nhờ chăm chỉ tìm cá, nên mình biết điều này, và rồi biết vẽ.
Nếu không gặp được bạn, mình hi vọng cũng đến một lúc bạn biết đọc chữ.
Nếu bạn đã biết đọc chữ, để mình chỉ bạn hướng bay về công trường hoang tàn nơi mình lần đầu tiên thức tỉnh. Bạn biết dưới chân chúng ta còn một vũ trụ vô biên mà phải không? Bên dưới công trường nọ thật ra có cả một phòng thí nghiệm, của người kĩ sư xây dựng hẳn hoi.
Bạn sở hữu đầy đủ khả năng sử dụng căn phòng ấy rồi, mình biết.
Không chỉ may búp bê đâu, bạn còn có thể chế tạo robot bất cứ lúc nào bạn muốn.
Nếu không gặp được bạn ở thế giới quả cầu này, mình vẫn hi vọng còn một thế giới khác chúng ta tìm ra nhau.