Review và phân tích: Âm Thanh Và Cuồng Nộ - William Faulkner (P.2): Về Jason Compson
Jason Compson phiên bản điện ảnh 1959. Nhưng các bạn đừng xem phim này. Kịch bản chuyển thể rất lố bịch =))) (*) Lưu ý: Bài viết...
(*) Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nhiều chi tiết trong tác phẩm. Đương nhiên rồi, để phân tích mà. Nhưng có lẽ nhiều bạn cũng sẽ chẳng bao giờ đọc cuốn sách này, nên là ... thoải mái đi.
Phần 3 của tác phẩm, trước phần 1 của Benjy một ngày, được Jason, con trai thứ của nhà Compson kể lại. Mở đầu như sau:
Đã là điếm thì suốt đời vẫn là điếm, tôi đã bảo mà. Tôi nói mẹ mới phải lo về chuyện nó trốn học đi chơi là còn may đấy. Tôi nói bây giờ lẽ ra nó phải ở dưới bếp, thay vì cứ ở lì trên phòng, bôi son trát phấn lên mặt, chờ sáu thằng mọi đen không sao đứng dậy nổi khỏi ghế trước khi có được một chảo đầy bánh với thịt để lấy lại thăng bằng mà dọn bữa ăn sáng cho nó.
Trong lời kể của Benjy và Quentin, Jason đã được tả là một đứa trẻ mưu mô, mách lẻo, luôn gây gổ với Caddy và bắt nạt Benjy (lúc đó còn tên là Maury). Lúc phần 3 câu chuyện bắt đầu, hắn đã vào độ trung niên, nhỏ mọn, tàn độc và cay nghiệt. Điều đó thể hiện qua ý thức của hắn, những câu văn nhỏ, chắc và rõ nét như những đồng kền (đồng 5 cents). Lời kể rõ ràng của Jason giúp chúng ta làm rõ những chi tiết ngụ ý trong phần trước như: Benjy bị thiến, Quentin chết đuối và Caddy đã ly dị. Có thể nói, hai phần sau của tác phẩm mà Jason đóng vai trò quan trọng, dễ đọc hơn rất nhiều so với hai đoạn trước. Nhưng rõ ràng không đồng nghĩa với việc nhân vật Jason kém thú vị.
Hai người con trai lớn của nhà Compson rất trái ngược, Quentin đạo đức, lịch thiệp nhưng lại thiếu năng lực, còn Jason quỷ quyệt, cay nghiệt nhưng lại rất thông minh và tháo vát, “gã Compson đầu tiên sáng suốt” - như Faulkner nhận xét trong phần phụ lục. Tuy nhiên, hắn không bao giờ dùng tài năng của mình cho việc gì chính đáng. Thay vào đó, hắn, có thể được thừa hưởng từ mẹ, luôn chìm đắm trong sự hận thù và cảm thấy mình là nạn nhân, bị tước đoạt tất cả quyền lợi bởi anh chị em ruột. Hắn thù Caddy vì khiến hắn mất việc tại ngân hàng của anh rể; ghen tị với Quentin vì cha đã bán đồng cỏ để Quentin đi học Harvard; căm ghét Benjy vì hắn điên và tiếng rống rất khó chịu. Jason dựa vào niềm tin mình bị phân biệt đối xử đó để đay nghiến mọi người, rằng dù hắn bị bạc đãi, hắn vẫn đang gánh vác gia đình, nên hắn luôn đúng.
Hắn tự vẽ lên một câu chuyện mà ở đó hắn là nhân vật chính bạc mệnh: làm việc quần quật để không bị Earl (một ông chủ đạo đức và luôn nhân nhượng hắn) đuổi việc; và cố giữ cho thùng bột ở nhà đầy để cưu mang những kẻ vô dụng không dành cho hắn sự tôn trọng mà một người chủ gia đình như hắn đáng lẽ ra phải có; một người Mỹ trung lưu chân chính chăm chỉ, phải đối diện với thế lực tài chính xấu xa ở phố Wall do bọn cá mập Do Thái đứng đầu cố nuốt đến đồng kền cuối cùng của hắn. Với Jason, tất cả mọi người trên thế giới này, trừ hắn, đều là Compson, đều đang cố gắng bòn rút và hãm hại hắn. Nên Jason thích thú với việc hành hạ người khác. Hắn đốt hai tấm vé xem show miễn phí để chọc một đứa bé da đen 14 tuổi. Hắn đi làm muộn, hy vọng rằng Earl sẽ phàn nàn để sau đó hắn có thể xưng xỉa lại với Earl. Mà trong đó, kẻ thù lớn nhất của hắn là Miss Quentin, cháu gái hắn và con của Caddy, một đứa trẻ ương bướng, thậm chí còn hơn cả mẹ. Và Jason dành rất nhiều tâm sức để đày đọa con bé: dọa đánh, theo dõi, mỉa mai; mặc dù, hắn là kẻ thường không dành nhiều công sức cho những việc không đem lợi ích thực tế như vậy. Có thể hắn sợ mất kiểm soát với Quentin và đi tong món tiền hằng tháng hắn bòn của Caddy, nhưng mình nghĩ lý do phù hợp nhất khiến hắn ghét Quentin, là bởi cô tượng trưng cho một sự hủy hoại cuộc đời hắn, chính cô là cái thai khiến Caddy phải ly dị, đồng nghĩa với việc hắn mất công việc mơ ước ở ngân hàng anh rể. Quentin là vận rủi, một biểu tượng cho sự biến chuyển theo hướng xấu đi của cuộc đời hắn.
Vậy, ta quay lại câu hỏi đã xuyên suốt hai phần trước của tác phẩm: Trật tự thế giới của Jason là gì? Lời kể đơn giản và không trung thực của Jason, khiến cho việc này khó đoán hơn hai phần trước. Ta có thể dễ dàng nhận ra Jason là một con người vật chất và mọi việc làm của hắn đều liên quan đến tiền, nhưng nếu nói trật tự thế giới của Jason xây dựng trên tiền thì không đúng. Vì tiền thực sự không có ý nghĩa gì với hắn. Có một bản ngã nằm ẩn dưới lớp bề mặt ấy, một động cơ thúc đẩy hắn hành động và cư xử như một tên phản diện. Để hiểu thêm về vấn đề này, ta có thể sử dụng trật tự thế giới của Quentin (đối cực của Jason) để diễn giải. Có thể thấy, Quentin bị ám ảnh bởi truyền thống gia đình và những giá trị đạo đức của miền Nam. Jason nhổ vào cái truyền thống ấy, hắn không tin vào những thứ trừu tượng mà hắn không chạm vào được: tình yêu, đạo đức, trinh tiết, hắn mặc kệ. Quentin mắc kẹt trong quá khứ, Jason sống trong hiện tại, từng khoảnh khắc một. Quentin yêu thương Caddy, Jason ghét Caddy. Quentin đặt trọng tâm thế giới của mình vào người khác: Caddy và cha, những người mà theo anh chính là đại diện của những giá trị mà anh hằng tin tưởng. Jason đặt trọng tâm thế giới của hắn và chính bản thân hắn, vì vậy, hắn muốn kiểm soát mọi thứ trong thế giới của mình và hắn buộc phải thù ghét mọi người xung quanh, hắn bài trừ những kẻ mang dòng máu Compson, rồi sau đó lại gán cái tên Compson đó lên những người khác mà tiếp tục bài trừ. Ngay cả đến hòm tiền của hắn cũng thể hiện điều đó. Hắn để gần 8000 USD trong phòng ngủ (khoảng 120.000 USD theo thời giá hiện nay), bởi vì hắn nghĩ ngay cả đến chủ ngân hàng cũng là một Compson! Và người duy nhất hắn dùng những từ ngữ trân trọng và quý mến khi nhắc đến lại là một con điếm ở tận Memphis. Nếu quy chiếu theo Quentin, việc Jason không thể cảm nhận được tình yêu hay tin tưởng người khác, có thể được đổ lỗi cho ông Compson với chứng nghiện rượu và thờ ơ của mình, như việc thiếu vắng hình mẫu người mẹ khiến Quentin phải bấu víu Caddy và lâm vào khủng hoảng sau này.
Đấy, biết ngay mà, thì tôi vẫn nghĩ nhà ấy toàn những đồ điên. Bán đất để gửi anh ta đi Harvard và nai lưng ra đóng thuế cho đại học tiểu bang mà tôi chẳng hề thấy gì ngoài hai trận bóng chày và không cho ai nhắc đến tên cô con gái ở đây đến khi ít lâu sau bố cũng không ra phố nữa chỉ ngồi ở nhà suốt ngày với cái bình rượu tôi thấy vạt áo ngủ với hai chân trần của ông và nghe thấy cái bình rượu lanh canh cuối cùng T.P. phải rót cho ông và mẹ nói con không kính trọng vong linh bố con và tôi nói tôi không biết sao lại không chắc chắn là điều đó được bảo tồn đến cùng chỉ có điều nếu tôi cũng điên nốt thì có Chúa biết sẽ làm gì chỉ có nhìn nước thôi tôi cũng xây xẩm mặt mày rồi tôi cũng uống xăng như uống whisky và Lorraine bảo bạn bè rằng anh ấy không rượu chè nhưng mày bảo anh ấy không phải đàn ông thì để tao chỉ cho mày biết cách biết nàng bảo nếu em mà bắt được anh đi với một đứa nào thì anh biết em sẽ làm gì không em sẽ xé xác nó túm lấy nó mà xé chừng nào em còn thấy nó nàng nói và tôi nói anh uống hay không là chuyện riêng của anh nhưng em đã thấy bao giờ anh không biết điều chưa tôi nói nếu em muốn anh sẽ mua bia về cho em tắm bởi vì tôi biết tôn trọng một con điếm lương thiện bởi vì sức khoẻ của mẹ và cái địa vị mà tôi đang bám giữ có được nàng với những gì tôi cố làm cho nàng chẳng thể tỏ ra tôn trọng nàng hơn là giữ sao cho tên nàng và tên tôi và tên mẹ tôi đừng thành chuyện đàm tiếu trong tỉnh.
Riêng đoạn dưới đây đã xuất hiện hai lần:
cái bình rượu tôi thấy vạt áo ngủ với hai chân trần của ông và nghe thấy cái bình rượu lanh canh”
Thường những đoạn văn dài và liên tục như thế này không xuất hiện trong phần của Jason, nên có thể thấy đây là một trong những đoạn bản lề nếu muốn tìm hiểu sâu về nội tâm nhân vật này. Ta có thể thấy rõ thành kiến của Jason đối với việc “nghiện rượu có văn hóa” (cultured dipsomaniac) của cha hắn. Có lẽ việc nghiện rượu của ông Compson cũng là một trong những nguyên nhân của sự suy thoái gia đình và sự thờ ơ của ông chính là khởi đầu của khiếm khuyết về đạo đức, danh dự, giá trị truyền thống của Jason sau này. Ông Compson đã dồn tất cả cho Quentin, cả những giá trị gia đình lẫn vật chất (bán đồng cỏ của Benjy), mong anh sẽ có một cơ hội tốt nhất trong đời. Trong khi đó, Jason bị bỏ mặc cho mẹ, người có tình yêu thương lệch lạc đối với mỗi Jason và có lẽ đã để lại những di sản rất méo mó trong tâm trí hắn như tính vị kỷ, cảm giác bất an, và luôn cảm thấy mình là nạn nhân của những người xung quanh. Bởi lẽ đó, ta cảm giác Jason luôn nhắc đến Quentin với một sự ganh tị, không hẳn là về việc gia sản hao hụt đi để trả tiền học phí của Quentin, mà có thể bởi hắn cũng cần tình yêu thương của cha mình. Như khi bé, Jason ăn giấy, ông Compson đã bảo nó nhè ra, nó ngoan ngoãn vâng lời vứt tờ giấy vào lò lửa. Đáng lẽ, ông Compson nên làm điều đó nhiều hơn.
Đấy. Nên bớt uống rượu và chơi đồ có văn hóa lại nhé!
Trong khi đó, một mâu thuẫn khác xảy ra trong gia đình Compson, bà Compson người luôn vắng mặt trong việc chăm sóc con cái, lại chỉ dành tình yêu của mình cho mỗi Jason, mà đáng buồn thay, có thể cũng chính vì bà, như tôi phân tích ở trên mà Jason không bao giờ có thể cảm nhận được tình yêu của bất kì ai khác. Tình yêu của bà Compson dành cho Jason hiện tại vẫn không rõ nguyên nhân. Tại sao lại là Jason mà không phải một đứa trẻ khác: có thể là Quentin, đứa con đầu trầm tính, hay Caddy đứa con gái biết cách yêu thương, hay Benjy đứa lẽ ra phải được yêu thương nhiều nhất.
Tôi tạm lý giải điều đó sau đây:
... hai mẹ con ngồi hai bên bàn dường như chờ nhau với điệu bộ y hệt, kẻ thì lạnh lùng tinh quái, với mái tóc nâu gợn sóng chải xuống thành hai cái móc bướng bỉnh ở hai bên trán như một anh bồi quầy rượu, với đôi mắt màu hạt dẻ và hai con người đen láy tròn xoe như hai hòn bi, người thì rầu rĩ than thở, với mái tóc bạc trắng và đôi mắt có quầng sưng húp và chảy xệ và tối đen đến mức tưởng như chỉ toàn tròng đen hay chỉ có con ngươi.
Có thể thấy rõ ràng sự tương đồng về ngoại hình giữa hai mẹ con và có thể đặc điểm này đã khiến bà Compson dồn tình cảm cho Jason từ nhỏ. Bởi hắn mang những đặc điểm của “một Bascomb” (tức phía bên ngoại) chứ không phải một Compson. Bà luôn cảm thấy mặc cảm vì gia đình Compson từng có nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và bà đã luôn cố gắng chứng minh rằng bên phía họ mình cũng cũng có những phẩm chất tốt đẹp và thậm chí hơn nhiều phẩm chất bên nội. Điều đó thể hiện qua việc bà luôn nhắc Jason rằng hắn là một Bascomb, đề cao đứa em vô dụng Maury trước người chồng theo chủ nghĩa hoài nghi hay thậm chí đổi tên luôn đứa con thiểu năng thành Benjy để tránh mang tiếng xấu cho đứa em trai. Nhưng tình yêu của bà đã bị phớt lờ bởi đứa con duy nhất bà yêu thương, Jason không quan tâm đến việc là một Compson hay một Bascomb, những gì hắn nói về việc theo dõi Miss Quentin để giữ lấy tiếng thơm cho mẹ của mình rặt là những điều vờ vịt mà hắn tự vẽ ra trong câu chuyện của mình. Điều hắn muốn là đơn giản chỉ là hành hạ Quentin và không muốn nó thoát khỏi vòng kiểm soát của mình. Đơn giản bởi, không có điều gì trong cuộc sống của Jason nằm ngoài sự kiểm soát của hắn hắn cả.
Điều này sẽ hợp lý hơn luận điệu trong bài phân tích: Jason Compson and the Mother Complex (Tạm dịch: Jason và phức cảm về mẹ). Trong bài phân tích được đăng tải trên tờ Mississippi Quarterly, Kathleen Moore cho rằng Jason Compson tồn tại phức cảm Oedipus. Đây là một lý thuyết trong Phân tâm học của Sigmund Freud. Phức tạp Oedipus đề cập đến ham muốn tính dục vô thức của một đứa trẻ đối với cha mẹ đồng giới và sự căm ghét đối với cha mẹ khác giới. Freud coi rằng sự tương đồng của đứa trẻ với cha mẹ cùng giới là kết quả thành công của phức cảm, mà nếu không thành công việc này có thể dẫn đến chứng loạn thần kinh, ấu dâm hay đồng tính luyến ái. (Wikipedia) Dựa trên những nền tảng đó, Moore phát triển một luận điểm rất nực cười như sau:
Jason luôn muốn chứng tỏ mình là một người đàn ông trong mắt mẹ mình. Đó là lý do hắn đi cùng đường khắp nẻo để theo dõi Quentin, để bảo vệ danh tiếng của mẹ, một góa phụ khả ái. Luận điểm này rõ ràng sai, Jason không quan tâm đến những thứ viển vông như đạo đức hay danh tiếng, tôi đã phân tích lý do tại sao hắn theo đuôi Quentin ở phía trên. Và nếu hắn làm điều đó vì mẹ mình, tại sao hắn lại đay nghiến bà mỗi khi nói về Quentin?
Jason có một mối quan hệ quá gắn bó với mẹ mình, đến nỗi hai người rất giống nhau (phân tích đoạn bàn ăn tôi trích ở trên) và điều đó được xác nhận khi Jason sau này không lấy vợ vì người có phức cảm Oedipus rất khó kết hôn. Luận điểm này thậm chí còn tệ hơn, vì rõ ràng ta thấy được sự áp đặt tình cảm của bà Compson lên Jason như thế nào và cách Jason phớt lờ và đay nghiến nó ra sao. Còn việc hắn không kết hôn, đơn giản là hắn đã chịu đựng quá đủ những gánh nặng mà những người xung quanh, những Compson đặt lên hắn. Hắn từ chối mọi mối liên hệ với bên ngoài, thì thử hỏi làm sao một con người như vậy lại kết hôn cho được.
Jason hành hạ Quentin bởi vì cô đại diện cho hình tượng người mẹ trong ảo tưởng tính dục của Jason. Jason cảm thấy khoái cảm khi quan sát và theo dõi cháu gái. Và gã trai có cà vạt đỏ (đại diện cho hình ảnh cha) đã cướp Quentin (hình ảnh mẹ) khỏi hắn. Tiền chỉ là cái cớ để hắn có thể tiếp tục hành hạ Caddy (cũng là một hình tượng của mẹ) và Quentin. Đây rõ ràng là một sự quy chụp trắng trợn đối với Jason. Như đoạn trên, mình đã giải thích tại sao hắn theo đuôi Quentin. Và việc hắn nổi điên và đuổi theo Quentin là vì, tuy tiền, như hắn nói, không có giá trị, nhưng nó lại là sự đền bù cho những mất mát và hy sinh mà hắn tự nghĩ ra; là quả cân để cân bằng lại cuộc sống của hắn. Một sự đảm bảo rằng hắn vẫn đang kiểm soát cuộc sống của mình.
Thậm chí, bài viết còn cho rằng Jason qua lại với con điếm ở Memphis có liên quan đến việc ngủ với bà nội hồi bé và Jason nhìn nhận Maury là một đối thủ tranh giành sự chú ý của bà Compson qua đoạn sau đây:
Trong khi chúng tôi đợi họ khởi hành, bà nói ơn Chúa dù Ngài gọi ai thì Ngài cũng đã con lại cho mẹ chứ không phải Quentin. Ơn Chúa con không phải dòng Compson, bởi vì tất cả những gì mẹ còn lại là con và Maury và tôi nói, bản thân con thì miễn cậu Maury cũng được.
Bất kỳ ai với một chút tinh tế, đều nhận thấy rằng hắn luôn có một thái độ xưng xỉa và thích bốp chát của Jason, với Earl, mấy người da đen, mẹ hay Quentin. Vì vậy câu trên chỉ đơn giản là một lời nói móc của Jason đối với ông cậu vô dụng đang lén lút bú rượu của mình. Hay một câu hỏi đơn giản hơn, nếu mẹ quan trọng với hắn đến vậy, tại sao khi mẹ hắn mất, không một câu văn nào bày tỏ sự tiếc thương của hắn, mà chỉ có mỗi sự kiện hắn vội vàng bán nhà, tống em hắn vào nhà thương điên như thanh toán một món nợ?
Qua đây ta thấy rằng, Moore đã cố gắng ép khuôn cho những câu thoại của Jason, bóp méo nó cho vừa khung với những lý thuyết của Freud một cách lố bịch. Những bài luận kiểu này thì khá nhiều ví dụ như: Jason Compson's Oedipal Rebellion của Terrell Tebbetts trên tờ Publication of Arkansas Philological Association. Trong cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX, Thụy Khuê cũng đã nhắc đến vấn đề này, khi nhà phê bình quá tập trung vào xu hướng tính dục của nhân vật mà bỏ qua . Đây là một xu hướng phê bình rất lỗi thời, nhưng lại thu hút nhiều người đọc bởi tính giật gân của bài viết.
Một luận cứ nữa mà mình căn cứ vào đấy để chứng minh người ảnh hưởng đến Jason là bố chứ không phải mẹ, là đoạn văn sau đây. Vì ấn bản tiếng Việt dịch mất nghĩa đoạn này, nên mình sẽ để tiếng Anh:
Well, I got to thinking about that and watching them throwing dirt into it, slapping it on anyway like they were making mortar or something or building a fence, and I began to feel sort of funny and so I decided to walk around a while.
Tạm dịch:
Và tôi nghĩ về việc đó và nhìn họ lấp đất vào mộ, rồi lấy xẻng vỗ vỗ lên nó như thể họ đang trát vữa hay xây một cái hàng rào, và tôi bắt đầu cảm thấy hơi buồn cười nên tôi quyết định sẽ đi dạo một lát.
Và đoạn sau đây, khi hắn bắt gặp Caddy đứng trước mộ cha:
I didn't say anything. We stood there, looking at the grave, and then I got to thinking about when we were little and one thing and another and I got to feeling funny again, kind of mad or something, thinking about now we'd have Uncle Maury around the house all the time, running things like the way he left me to come home in the rain by myself.
Tạm dịch:
Tôi không nói gì. Chúng tôi đứng đó, nhìn ngôi mộ, và tôi tự dưng nghĩ về khi bọn tôi còn nhỏ và rồi thứ này đến thứ khác và tôi lại bắt đầu cảm thấy buồn cười, một kiểu điên loạn gì đó, nghĩ đến việc bây giờ chúng tôi đã có ông cậu Maury luôn quanh quẩn trong nhà, lo việc gia đình theo cái cách ông bỏ mặc tôi tự đi bộ về nhà trong mưa.
Nếu bạn chưa đọc qua tác phẩm, có thể bạn sẽ bỏ lỡ đoạn này, bởi vì "buồn cười" là một từ khóa khá quan trọng. Nó là dấu hiệu lời nguyền của nhà Compson. Quentin cười vào ngày anh tự tử. Caddy cười khi biết mình bị Jason ngăn cản không cho gặp con gái. Ngay cả Jason cũng cười trong phần cuối của tác phẩm, khi bất lực trong việc tìm đứa cháu gái cuỗm tiền bỏ trốn. Kẻ duy nhất không cười là Benjy, vốn đã điên sẵn. Người nhà Compson cười khi họ cảm thấy cay đắng, tiếng cười cứ trào lên từ cổ họng, "buồn cười" có lẽ chỉ là một dấu hiệu mờ nhạt cho sự đau khổ của Jason, mặc dù, chính hắn cũng không tin vào điều đó.
Mặc dù phần của Quentin là phần mình thích nhất trong tác phẩm vì lối viết tuyệt vời của Faulkner, Jason lại là một nhân vật mình yêu thích nhất. Bài phân tích trên đây về nhân vật này, thực ra còn chưa đủ, ví dụ như các chi tiết quan trọng sau: cơn đau đầu và sự sụp đổ trật tự thế giới của Jason (thể hiện rõ nét ở phần 4, mình sẽ đẩy qua bài viết sau); sự thay đổi của kinh tế - xã hội Mỹ trong thời kì này (phần này mình không phân tích nổi :( các bạn có thể đọc cuốn Faulkner and Money có đề cập khá kĩ đến vấn đề này); hay sự thất bại của Jason đối với phụ nữ - cũng thể hiện rõ nét hơn phần 4, nhưng tính cục súc thì đã thể hiện ngay trong phần 3 này, khi nói về chính con điếm Memphis yêu dấu của hắn:
Cho nàng món đó. Tôi không bao giờ hứa gì với một người đàn bà hay để họ biết tôi sẽ cho họ cái gì. Đó là cách duy nhất để nắm gáy họ. Lúc nào họ cũng sẽ phải đoán mò. Nếu không nghĩ ra cách nào khác để làm họ bị bất ngờ, chỉ còn cách đấm trẹo quai hàm họ.
Tóm lại, Jason Compson là một nhân vật phức tạp hơn ta tưởng rất nhiều, có lẽ để diễn tả về hắn đúng nhất, chúng ta nên dùng đến lời miêu tả của Edward L. Volpe trong A Reader's Guide to William Faulkner:
cuộc đời của một Jason giận dữ, ngập tràn trong âm thanh và cuồng nộ, luôn trống rỗng và hoàn toàn vô nghĩa
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất