Một cuốn sách hay, giá trị nhưng khó đọc
Henry David Thoreau là một triết gia “tiên nghiệm” tiêu biểu. Những người theo thuyết “tiên nghiệm” cho rằng kiến thức mà ta có được thật ra đã có sẵn từ trước hoặc ngay khi sinh ra chứ không phải do kinh nghiệm, học hỏi mà có. Họ tin rằng con người đạt được thấu hiểu chân lý thông qua trực giác cá nhân hơn là những giáo thuyết tôn giáo. Thiên nhiên là biểu tượng bên ngoài của nội tâm, là “sự tương ứng căn bản của vật hữu hình với tư tưởng con người”.
Henry David Thoreau tin rằng một triết gia phải “yêu sự thông thái đến mức sống theo những tiếng gọi của nó, một đời sống đơn giản, độc lập, cao thượng, và tin tưởng”. Để hiện thực hóa tư tưởng triết học của mình, ông quyết định vào rừng sống, thời gian ông trải nghiệm cuộc sống trong rừng cũng không ngắn chút nào, hai năm, hai tháng, hai ngày. Ông chọn khu rừng bên bờ đầm Walden, ở Concord, Massachusett, Mỹ, tự dựng lên tại đó một ngôi nhà, tự trồng trọt hoa màu, lương thực để có thức ăn, thi thoảng ông cũng vào thị trấn gần đó để trao đổi một số nhu yếu phẩm, còn lại phần lớn thời gian ông quan sát và tận hưởng thiên nhiên. Tất nhiên là với lối sống như một ẩn sĩ, ông cũng gặp khá nhiều rắc rối, nỗi cô đơn, cái rét khi mùa đông về, những vị khách không mời, tò mò, và hiếu kỳ v.v...
Thoreau quan sát cuộc sống tự nhiên xung quanh với đôi mắt hồn nhiên, háo hức. Ông nhìn hai đàn kiến đánh nhau trước nhà- không biết vì nguyên nhân gì - và tưởng tượng trận chiến đó cũng tang thương, bi tráng như các cuộc triến tranh giữa các dân tộc trên thế giới của loài người, đổ máu, chết chóc vì những nguyên nhân mơ hồ không khác gì của loài kiến. Ông gọi tên hồ Walden bằng những danh từ mĩ miều nhất, “giọt nước của trời”, “viên pha lê”, “hồ ánh sáng” v.v... .“Một cái hồ là nét đẹp và ấn tượng nhất của phong cảnh. Nó là con mắt của đất, nhìn vào nó, người nhìn đo được độ sâu thẳm của bản chất của chính mình”. Trên đây chỉ là hai trong vô số những tìm tòi, cảm nhận thú vị của ông về thiên nhiên và chúng xuất hiện dày đặc, khắp nơi trong từng chương sách.
Nếu như Thoreau là một nhà văn, tôi tin chắc rằng tác phẩm của ông sẽ sớm bị lãng quên giống như các tác phẩm “du ký” nhiều như lợn con, nhan nhản ngoài thị trường bây giờ. Cuốn Walden của ông xuất bản lần đầu vào năm 1854, tính đến nay đã được 164 năm, vậy điều gì làm nó có sức sống bền bỉ và lâu dài đến vậy? Điều làm cho tác phẩm Walden của ông khác biệt bởi vì ông là một triết gia, và như bao triết gia khác khi viết sách ông đưa vào tác phẩm của mình cả một “thư viện khổng lồ”, cả một phần của “lịch sử thế giới”, và không thể thiếu những triết gia từ cổ tới kim. Những hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày hay những phút giây đắm đuối với “nữ thần rừng”, với “mẹ thiên nhiên” ông đều lồng dẫn, liên tưởng, chiêm nghiệm đến bao nhiêu triết lý lấy ra từ: Kinh Thánh; Kinh Veda; Thần thoại Hy Lạp; Kịch Shakespeare; Triết học cổ Phương Đông; Triết học cổ Phương Tây; Văn thơ và các câu nói đắt giá của các nhân vật lịch sử, các nhân vật nổi tiếng đương thời. Cứ như thể mọi triết lý luôn nằm ở đó, ngoài tự nhiên vĩ đại và việc của nhân loại không phải là “sáng tạo” mà là “tìm ra” chúng. Chính lối viết này khiến tác phẩm Walden của Thoreau luôn được xếp vào danh sách các cuốn sách khó đọc, ngay cả với người bản ngữ. Cái gì khó thì luôn kích thích con người, và sau 164 năm người ta vẫn tìm đọc cuốn sách vì những giá trị minh triết trường tồn mà cuốn sách dồn nén đằng sau câu truyện vô cùng đơn giản.
“Sống đơn giản” là triết lý mà tác giả gửi gắm xuyên suốt 18 chương của tác phẩm. “Anh càng sống đơn giản hơn thì các quy luật vũ trụ càng it phức tạp hơn với anh”.
Tạm gấp cuốn sách lại, tôi hẹn gặp lại ông tại đầm Walden vào một ngày không xa, để một lần nữa đắm chìm vào thiên nhiên tươi đẹp, đầy sức sống, để lại “tìm ra” những tri thức bí ẩn mới thiên nhiên luôn ẩn dấu mà trong lần đầu đến đây tôi đã lướt qua, bỏ lỡ và chưa kịp nhận ra.
Review của bạn Luong Dang Xuan