[Review sách] Tiếng Núi | Tiếng vọng xa xôi trong tâm thức con người
Trong “Tiếng Núi” không chỉ người phụ nữ mới có số phận bạc mệnh, những người đàn ông tưởng chừng như cứng cỏi cũng không tránh khỏi thân phận bi thương
Có người nói: "Văn học là cuộc đời, cuộc đời là điểm xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học". Mỗi nhà thơ, nhà văn họ đều là những người nghệ sĩ không ngừng chế tác chất liệu đời sống đem gửi gắm vào “đứa con tinh thần” của mình.
"Vẻ đẹp và nỗi buồn" là những cụm từ thường được dùng để miêu tả các tác phẩm của Kawabata Yasunari.
Kawabata Yasunari là một nhà văn nổi tiếng tại Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Ông cũng là tiểu thuyết gia Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn Học vào năm 1968.
Sinh ra trong thời loạn lạc, ngay từ nhỏ Kawabata Yasunari sớm phải đối diện với sự chia ly đối với người thân trong gia đình. Thời trẻ, ông từng đánh mất người phụ nữ mà ông yêu thương để rồi sau này trong tình yêu ông khó mở lòng yêu thêm một ai khác. Ông cũng trưởng thành trong giai đoạn Nhật Bản phải hứng chịu tổn thất nặng nề do Thế chiến Thứ Hai.
Việc chứng kiến quá nhiều đau thương trong cuộc đời đã làm cho tâm hồn nghệ sĩ của Kawabata Yasunari ngày càng trở nên nhạy cảm, bản thân ông khi đó chỉ có thể biểu đạt sự nhạy cảm của mình thông qua việc sáng tác nghệ thuật. Vậy nên trong tác phẩm của nhà văn, bạn đọc luôn có thể cảm nhận rõ nỗi buồn và sự cô đơn phảng phất trong từng câu, từng chữ.
“Tiếng Núi” được đánh giá là một trong những tác phẩm đình đám nhất của nhà văn sau Thế chiến Thứ Hai. Tác phẩm đã được đăng tải một cách rải rác trên nhiều chương trình của nhiều tạp chí khác nhau từ năm 1949 đến năm 1954.
Nội dung của tác phẩm xoay quanh một người đàn ông sáu mươi hai tuổi tên là Shingo. Một đêm nọ, khi vừa chợp mắt, Shingo bỗng nghe thấy một tiếng vọng rất lớn từ xa. Ban đầu, Shingo nghĩ đó là tiếng sóng biển hay tiếng gió lớn nhưng hóa ra không phải. Âm thanh mà Shingo nghe thấy thực chất là tiếng núi. Việc nghe thấy tiếng núi trong đêm đã khiến trong Shingo dấy lên cảm giác lo lắng tột cùng. Bởi vì theo văn hóa Nhật Bản, việc một ai đó nghe thấy tiếng núi, đó là điềm báo về cái chết.
Điềm báo về cái chết là điểm mấu chốt khiến Shingo liên tục ngẫm nghĩ về mọi chuyện xảy đến xung quanh ông. Khi bắt đầu có dự cảm về cái chết, đó là thời khắc con người thường tự vấn về cuộc đời mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến các quyết định, mối quan hệ con cái và gia đình.
"Tiếng Núi" được viết lúc Kawabata Yasunari vào độ tuổi 50, cũng gần tuổi so với nhân vật Shingo. Nhiều người nhận xét rằng đây là nỗi niềm của Kawabata Yasunari khi bước sang nửa sau của cuộc đời liên quan đến tuổi già, nỗi cô đơn và sự bất lực trước hiện thực nhiều trái ngang.
Bằng nghệ thuật kể chuyện vô cùng độc đáo “Tiếng Núi” được nhà văn Kawabata Yasunari khéo léo sử dụng ngôi kể thứ ba để mô tả chi tiết diễn tả những vấn đề xoay quanh suy nghĩ, hành xử, câu chuyện của từng nhân vật. Việc sử dụng ngôi kể thứ ba cho phép tác giả linh hoạt trong việc phát triển nhân vật và nội dung truyện.
Đọc cuốn sách, cứ ngỡ đây chỉ là câu chuyện đơn thuần về một người đàn ông đang gần đất xa trời mang nhiều tâm tư về cuộc sống. Nhưng thực tế, tác phẩm phản chiếu nhiều hơn sự phức tạp trong thế giới nội tâm của người dân Nhật Bản sau sau thế chiến Thứ Hai. Cuộc chiến súng đạn dù đã chấm dứt nhưng cuộc chiến trong nội tâm con người thì vẫn ở đó, đeo bám dai dẳng.
Những người phụ nữ trong tác phẩm
Thời trẻ Shingo không thể có được tình yêu từ phụ nữ đẹp mà ông yêu thầm. Do đó, khi bắt gặp vẻ đẹp mảnh mai của Kikuko, Shingo đã phản chiếu tình yêu quá khứ của mình thông qua con dâu. Bên cạnh Kikuko, Shingo luôn cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Chính vì mà ông luôn đối xử với cô vô cùng dịu dàng, hành động vô thức của Shingo đã ngấm ngầm tạo ra biết bao sự rối ren trong gia đình.
Chuyện người con trai Shuichi ngoại tình, liệu có phải anh đang chịu sự tác động tàn nhẫn từ sau lần trở về chiến tranh hay từ lâu anh đã lờ mờ nhận ra sự bất thường trong cách bố đối xử với vợ mình? Cô con gái Fusako trở về sau khi hôn nhân tan vỡ, trong mỗi cuộc trò chuyện, cô đều dùng thái độ gay gắt để chỉ trích bố, nói về sự bất công mà ông đối xử với cô cùng các thành viên khác trong gia đình.
Có thể nói, mồi lửa tổn thương ngấm ngầm tàn phá mối quan hệ từng thành viên trong gia đình nhưng chẳng ai trong số họ có đủ khả năng vượt qua tàn dư của nó.
Trong các tác phẩm của Kawabata Yasunari, vẻ đẹp của người phụ nữ luôn được khắc họa một cách rõ nét. Mặc dù “Tiếng Núi” không mô tả cụ thể vẻ đẹp người phụ nữ mà Shingo yêu thầm có ngoại hình trông như thế nào. Nhưng thông qua việc diễn tả vẻ ngoài xấu xí người vợ hiện tại cho thấy người phụ nữ ông yêu thời trẻ mang một vẻ đẹp nổi bật và tỏa sáng.
Theo đuổi hình ảnh người phụ nữ đẹp, điều đó không có nghĩa Kawabata Yasunari đề cao cái đẹp, hạ bệ cái xấu. Điều ông muốn đề cập mạnh mẽ hơn chính là sự ngặt nghẽo mà số phận đặt vào cuộc đời của mỗi con người.
Trong tác phẩm, người phụ nữ đẹp có số phận éo le, người phụ nữ xấu cũng có một đời đau khổ. Người phụ nữ Shingo yêu, mặc dù xinh đẹp nhưng số phận ngắn ngủi, đoản mệnh chết sớm. Cô con dâu Kikuko trong truyện cũng là một cô gái xinh đẹp, nhưng số phận chẳng hề ưu ái. Cô đã từng nói rằng mình là đứa trẻ không mong muốn trong gia đình, khi trở thành con dâu của Shingo, cô phải đối mặt không chỉ với việc chồng ngoại tình, hàng ngày cô còn phải đối mặt với sự đố kỵ và lời lẽ ác ý từ chị chồng. Fusako hiểu rằng vì xấu xí, cô không được cha yêu thương, vì xấu xí cô phải gả cho kẻ không ra gì. Vì xấu xí, cô và con cái của cô phải sống trong chuỗi ngày bất hạnh. Người vợ của Shingo, cũng vì sự xấu xí mà tình nguyện thay thế chị gái, vì sự xấu xí mà tình nguyện lấy Shingo, tình nguyện chung sống với một người đàn ông không yêu mình suốt cả cuộc đời.
Trong “Tiếng Núi” không chỉ người phụ nữ mới có số phận bạc mệnh, những người đàn ông tưởng chừng như cứng cỏi cũng không tránh khỏi thân phận bi thương. Dường như cái vòng xoay khắc nghiệt đã xoáy sâu vào một kiếp người, và mỗi người họ mắc kẹt trong vũng đầm lầy của riêng mình, không tài nào thoát ra được.
Vẻ đẹp thiên nhiên
Bên cạnh vẻ đẹp của người phụ nữ, vẻ đẹp thiên nhiên cũng được Kawabata Yasunari thể hiện một cách vui tươi và sinh động. Thiên nhiên trong tác phẩm của Kawabata Yasunari như giống như một liều thuốc an ủi xoa dịu tâm hồn chơi vơi của các nhân vật.
Shingo, nếu không có những khoảnh khắc yên bình trong tâm hồn để ngắm nhìn những cánh đồng hoa anh đào, hoa hướng dương rực rỡ, khu vườn hoang tàn ẩn sau nhà, hay những hạt dẻ rơi nhẹ nhàng xuống bờ suối, chắc chắn ông sẽ rất khổ sở để đối diện với sự cô đơn, cảm giác trơ trọi, sự trống rỗng, cả sự bất lực với gia đình.
Thiên nhiên cũng là sự kết nối để ông mở đầu những câu chuyện, những băn khoăn, chuỗi tâm tư mà đi đến gần hết đời người ông mới có cơ hội ngẫm nghĩ.
Sự cô đơn và bất lực
Khi đọc “Tiếng Núi” ta thấy nhiều hơn về nỗi cơ đơn của kiếp con người. Mỗi một người là một hòn đảo cô đơn. Một hòn đảo cô đơn đứng tách biệt với những hòn đảo cô đơn khác. Càng cô đơn mỗi người lại càng khao khát được yêu thương, càng cô đơn họ lại càng khao khát tìm thấy những tâm hồn có cùng sự đồng điệu. Nhưng đi đâu giữa thế gian để tìm thấy con người có cùng sự đồng điệu và liệu tìm thấy rồi ta có thể giữ người đó ở cạnh bên? Hay số phận sẽ đặt họ vào những thân phận trái ngang, khiến họ không có cơ hội được sánh bước cùng nhau cho đến cuối đời.
Nhưng ám ảnh hơn cả nỗi cơ đơn, là sự yếu đuối và bất lực. Có lẽ đi gần hết một quãng đường đời, Shingo mới hiểu, trên thế gian này có những chuyện chẳng thể làm sáng tỏ, có những chuyện thắc mắc nhưng không thể tìm thấy một lời giải hợp lý, và có những chuyện cả đời sẽ mãi ôm theo nỗi nuối tiếc khôn nguôi.
Shingo, liệu ông có quá tàn nhẫn khi mang theo hình ảnh người phụ nữ quá khứ để rồi chẳng thể trọn vẹn với gia đình? Liệu Yukiko có sai khi cảm thấy an ủi khi ở bên bố chồng và quyết định không sinh con với chồng như một cách bảo vệ bản thân? Giữa Yukiko và Shingo, đó có phải là tình yêu hay hai con người cô độc cố gắng nương tựa vào nhau? Và liệu Fusako có lỗi gì khi cô than phiền về cuộc sống bất hạnh của mình?
Có lẽ không có ai trong số họ hoàn toàn có lỗi. Hành động lệch lạc của từng người có thể đáng giận, nhưng chẳng đáng trách. Phải chăng sự đau khổ từng nhân vật phải nếm trải, những vọng niệm họ mong ước không thể có được, nó chỉ đơn thuần là những khao khát của một tâm hồn mong mỏi được yêu thương trong một hiện thực chứa đựng quá nhiều điều bất như ý.
Hơn thế, những suy nghĩ, hành động của mỗi người chỉ cách mà họ tìm cho mình một lối thoát để vượt ra cái thực tại đầy nghiệt ngã của đời sống. Vì thế ta có thể đọc tác phẩm để học cách cảm thông cho các nhân vật, đồng thời học cách cảm thông cho chính mình. Bởi vì bản thân mỗi chúng ta cũng đang ở trong một cuộc chiến, đó không phải chiến tranh Thế Giới Thứ Hai, mà là cuộc chiến của một thế giới kỷ nguyên máy móc nên ngôi, nhưng đời sống tinh thần con người đang ngày càng lụi tàn.
"Tiếng Núi" là tác phẩm dễ đọc nhưng không dễ hiểu. Và cho dù tác phẩm có nhiều cảm xúc tiêu cực, Kawabata Yasunari vẫn tạo nên một áng văn đẹp đến nao lòng, về nội tâm con người, những day dứt và tiếc nuối trong quá khứ của một đời người khi trải qua nhiều biến cố.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất