[Review sách] Tâm lý học mối quan hệ - Khám phá cách nỗi đau chuyển di trong các mối quan hệ
"Vẻ bề ngoài mối quan hệ rạn nứt không còn như thuở ban đầu đơn giản là sự khác biệt tính cách. Tuy nhiên nếu nhìn một cách tổng thế, ta có thể thấy được cả những khía cạnh khác."
Một trong những câu trích dẫn nổi tiếng từ Lev Tolstoy, nói về đề tài hôn nhân gia đình:
"Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình không hạnh phúc thì bất hạnh theo cách của riêng mình."
Gia đình là nền tảng quan trọng, là chiếc nôi nuôi dưỡng ấm ủ tình yêu cho mỗi đứa con trong gia đình, năm tháng tuổi thơ sẽ có nhiều ảnh hưởng đến quyết định cuộc sống của mỗi đứa trẻ khi lớn lên. Nhưng không ai phải cũng may mắn được sinh ra trong gia đình ấm êm và hạnh phúc.
Năm tháng theo học chuyên ngành Tâm lý học ít nhiều giúp mình phần nào lý giải được những ảnh hưởng từ những vết xước trong tuổi thơ đã ảnh hưởng đến tính cách và trải nghiệm cuộc sống của mình ở giai đoạn trưởng thành.
Bên cạnh đó, khi quan sát những người bạn quanh mình, mình nhận ra “họ cũng là những người lớn có đứa trẻ tổn thương”, vì vậy những người bạn ấy thường gặp khó khăn trong việc bắt đầu, xây dựng mối quan hệ, đôi khi không đủ can đảm soi chiếu bản thân khi mối quan hệ có vấn đề, đi đến giai đoạn đổ vỡ.
Qua những câu chuyện mình biết và được nghe, thì ở ngoài kia, vẫn có rất nhiều người liên tục vấp ngã tổn thương trong mối quan hệ không biết nguyên nhân vì sao. Có thể họ từng có một tuổi thơ không hạnh phúc, một cách vô thức họ tin rằng lớn lên thì mọi tổn thương sẽ tự biến mất, thời gian sẽ xóa nhòa tất cả nhưng hóa ra đó lại là một niềm tin sai lầm. Tổn thương có thể nằm yên, nhưng một ngày nào đó sẽ quay trở lại, khiến cho bản thân người có tổn thương, vô thức tái hiện lại tổn thương.
Vì vậy, ngay khi đọc được cuốn sách Tâm lý học mối quan hệ. Mình muốn viết lại bài review, mong với những ai đang bước con đường chữa lành, mong muốn thấu hiểu và giải phóng bản thân ra khỏi nỗi đau sẽ biết về cuốn sách bổ ích này.
Tâm lý học mối quan hệ là một cuốn sách tiếp cận dưới nhiều góc độ lý giải về những tổn thương gia đình gốc có ảnh hưởng mối quan hệ hiện tại và tương lai một người khi một người lớn lên, bước vào tuổi trưởng thành, cuốn sách cũng bàn khía cạnh ít ai nhắc đến đó là tổn thương thế hệ.
Mình xin phép note lại đôi chút, không phải chỉ đọc một cuốn sách bạn có ngay lập tức thấu suốt hiểu mọi vấn đề, một cuốn sách sẽ điểm hữu ích và điểm thiếu sót riêng, có giới hạn trong nội dung, nhưng từng cuốn sách mà bạn chọn đọc là những viên gạch giúp bạn xây dựng bức tường thành vững chãi cho bản thân trong hiện tại và mai sau này.
Đôi nét về tác giả
Tác giả cuốn sách Tâm lý học mối quan hệ có tên Choi Kwang Hyun
Ông là trưởng khoa tham vấn gia đình, Viện Cao học Tham vấn Đại Học Hansei, đồng thời là viện trưởng Viện nghiên cứu trị liệu gia đình và sang chấn.
Sau khi tốt nghiệp chương trình cao học của Đại học Yonsei, ông sang Đức và hoàn thành khóa học tiến sĩ chuyên ngành Tham vấn Gia đình tại Đại học Bnn. Ông cũng từng là nhà trị liệu gia đình Ruhr và là tham vấn viên lâm sàng của bệnh viện Đại học Bonn, Đức.
Tâm lý học mối quan hệ có gì?
Trong cuốn sách, dưới sự tiếp cận các học thuyết tâm lý, như học thuyết Phân tâm học, Tâm lý học hệ thống, Thuyết gắn bó…Tác giả sử dụng học thuyết này giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về gốc rễ tổn thương.
Tổn thương mà chúng ta có hiện tại, không phải là do bản thân chúng ta là người yếu đuối hay không có giá trị như nhiều người nhầm tưởng, dưới góc độ tiếp cận góc nhìn tâm lý ta hiểu rằng tổn thương ta có là một phần sự kế thừa nỗi đau bất hạnh của ông bà tổ tiên, đặc biệt là những bất hạnh của từ chính gia đình gốc (bố - mẹ - gia đình mà chúng ta được nuôi nấng).
Có một sự thật quan trọng là, những bất hạnh xung đột cha mẹ, không chỉ ảnh hưởng tới bản thân họ, những đứa con sinh ra trong gia đình cũng phải chịu những tổn thương sâu sắc, một cách trực tiếp và gián tiếp.
“ Với những đứa trẻ đã phải chứng kiến cuộc sống hôn nhân bất hạnh của bố mẹ, điều này là một tổn thương sâu sắc và để lại sang chấn. Sau khi trải qua giai đoạn dậy thì khó khăn và trưởng thành, dù cuộc sống hiện tại không có vấn đề gì nhưng tổn thương đến từ gia đình vẫn cản trở họ trên mọi nẻo đường đời.”
Dành cho một bạn số bạn chưa biết, mình sẽ giới thiệu tóm gọn lại một số học thuyết kể trên.
- Phân tâm học là một trong lý thuyết về tổ chức nhân cách và động lực phát triển nhân cách, một phương pháp lâm sàng để điều trị các bệnh tâm lý. Lý thuyết này được đưa ra lần đầu tiên bởi Sigmund Freud vào cuối thế kỷ 19.Phân tâm học nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của các sự kiện tuổi thơ đến hoạt động tâm trí của người lớn. Ý tưởng chủ đạo dựa trên niềm tin rằng tất cả mọi người đều sở hữu những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn, ký thức sâu thẳm và hành vi của họ chịu tác động từ động lực trong vô thức, trải nghiệm tuổi thơ có thể ảnh hướng sự phát triển nhân cách vào giai đoạn trưởng thành.
Tâm lý học hệ thống khái niệm dựa trên nguyên tắc rằng các bộ phận cấu thành của một hệ thống có thể được hiểu tốt nhất trong bối cảnh lớn trong các mối quan hệ với nhau thay vì tách biệt. Lý thuyết hệ thống lần đầu tiên được giới thiệu vào những năm 1940 bởi nhà sinh vật học Ludwig von Bertalanffy và được tiếp tục bởi W. Ross Ashby và George Bateson. Đến những năm 1950 học thuyết hệ thống tiếp tục phát triển, tạo ra “liệu pháp gia đình” hay còn gọi “ liệu pháp mối quan hệ”( đề cập đến sự tương tác trong giao tiếp và mối quan hệ) nhằm trị liệu, giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong mối quan hệ và giao tiếp của con người.
- Thuyết gắn bó đề cập miêu tả bản chất của sự gắn bó về mặt cảm xúc giữa con người với nhau. Thuyết gắn bó khởi nguồn từ những năm 1950, do hai nhà nghiên cứu Bowlby và Ainsworth. Thuyết gắn gó đề cập đến mối quan hệ của trẻ và cha mẹ những năm tháng đầu đời, đặc biệt với mẹ. Sự tương tác, gắn bó, giao tiếp của trẻ với cha mẹ có ảnh hưởng trải nghiệm trực tiếp đến mối quan hệ của đứa trẻ khi trưởng thành trong quá trình thiết lập mối quan hệ với những người khác.
Bất hạnh cùng có khuôn mẫu
Nếu một người từng trải qua những năm tháng tuổi thơ cô đơn, giờ đây khi người ấy trưởng thành, dù không còn cô đơn nữa nhưng bằng cách nào đó người đó vẫn đứa mình vào hoàn cảnh cô đơn, có thể bằng việc kết bạn với những người bạn cảm thấy cô đơn, kết hôn một người mang lại cho họ cảm giác cô đơn, đôi khi một cách vô thức họ tự cô lập bản thân. Ngay cả khi trưởng thành, dù miễn cưỡng, người ấy vẫn sống như sự cô đơn lúc nhỏ
“Freud đã tinh ý quan sát thấy rằng những người từng trải qua sang chấn thời thơ ấu lặp lại một cách vô thức trải nghiệm bất hạnh khi trưởng thành.” Khái niệm này trong trọng tâm phân tâm học “ thôi thúc lặp lại”
Bowen - một nhà phân tâm học cũng nhận thấy “ Sự bất hạnh của bố mẹ không chỉ dừng lại sự bất hạnh của bố mẹ, mà còn đường truyền sang thế hệ khác - thế hệ con cháu”.
Từ đó khái niệm “sự lan truyền thế hệ” được ra đời. Sự lan truyền thế hệ có nghĩa là “những vấn đề và xung đột của một người không chỉ là một sự kiện xảy ra một lần, mà còn có thể lặp lại theo mẫu thức nhất định”.
Có khi nào nhìn vào những sự kiện tổn thương mà bạn trải qua hay cuộc sống người xung quanh bạn, bạn có thấy khuôn mẫu nỗi đau này dường như đang lặp lại trong cuộc sống bản và những người xung quanh bạn.
Sự thật khi nghiễm ngầm, nhìn về cuộc đời những người thân của mình, thì mình đã thấy khuôn mẫu nỗi đau ấy lặp lại với họ, từ anh trai, em họ mình, dù bản thân họ khồng hề biết đến sự tồn tại của những khuôn mẫu này.
Khi dành thời gian đọc những điều tác giả, ngẫm nghĩ trải nghiệm trong quá khứ, dần dần bạn sẽ thấy những “khuôn mẫu nỗi đau” đang lặp đi lặp lại trong cuộc đời của bạn.
Những chú “dê tế thần” của gia đình
Phần tác giả giới thiệu về “dê tế thần” đặc biệt có giá trị.
Dê tế thần được lý giải cơ bản là những đứa trẻ mang một trọng trách nào đó (sự lựa chọn vô thức) để đảm bảo cân bằng vấn đề trong gia đình.
Loại dê tế thần điển hình nhất là:
- Trẻ đóng vai trò làm bố mẹ. Không chỉ từ lúc trong hoàn cảnh khó khăn, dù tuổi còn nhỏ nhưng trẻ mưu sinh gửi số tiền ít ỏi về cho bố mẹ, không chỉ về mặt kinh tế, trẻ còn trở thành người chăm sóc, về mặt đời sống tình cảm, là người động viên, vỗ về - đáng lẽ bố mẹ phải là người năm giữa vai trò này.
- Hoặc có những đứa trẻ ngày tự sinh ra, trẻ đảm vai trò là người hoàn thành ước mơ dở dang của bố và của mẹ. Và khi không thể hoàn thành mong muốn bố mẹ, dù có được thành công trong việc khác hay không, trẻ cũng khó tận hưởng niềm vui của sự thành công. Điều này bạn sẽ thấy trong một số gia đình, như ba mẹ mong muốn con cái trở thành bác sĩ, giáo viên, giám đốc, vì những năm tháng tuổi trẻ vì một số nguyên do nào đó họ không thể thực hiện ước mơ mình, nên khi lập gia đình sinh con, một cách vô thức họ “áp đặt” mong muốn lên con cái.
Bạn có nhớ cuốn sách Thư viện lúc nửa đêm mình từng viết review không?
Nora - nhân vật chính trong truyện chính là một chú dê tế thần. Bố cô vì những chấn thương mà ông không thể trở thành vận động viên, sự bất mãn, tức giận với bi kịch khiến ông dồn hết kỳ vọng Nora, ông muốn Nora trở thành vận động viên bơi lội, hiện thực hóa giấc mơ tuổi trẻ của mình. Nora từng rất thích bơi lội. Nhưng ước mơ trở thành vận động viên bơi lội, tham gia giải thi quốc tế có phải là khao khát thực sự cô không? Đã từng, nhưng đó không phải ước mơ mà Nora muốn thực hiện khi lớn lên, nhưng đó lại là ước mơ lớn nhất của bố cô.
Và còn rất nhiều kiểu “dê tế thần” khác, dưới chiếc mặt nạ “đứa trẻ cá biệt”. Khi đọc cuốn sách, có lẽ bạn hiểu rõ thêm.
Xuyên suốt chia sẻ về tên gọi dê tế thần, tác giả chia sẻ nhận định của nhà tham vấn gia đình Người Đức - Helm Stierlin, ông có nhiều năm nghiên cứu về dê tế thần của gia đình, kết luận đó là: “Đứa trẻ đóng vai trò dê tế thần được phái cử. Tức là trẻ được phái cử làm nhiệm vụ ấy, được phải cử để hoàn thành ước mơ còn dang dở của bố mẹ và những vấn đề chưa được giải quyết.”
Khi đọc chương sách mình thực sự cảm thấy nghẹn ngào. Liệu chúng ta - những đứa con gia đình, liệu có phải vô thức được chọn “dê tế thần” chính chúng ta cũng không hề biết, điều đó khiến cho quá trình lớn lên chúng ta gặp nhiều cản trở và khó khăn hơn so với các thành viên khác trong gia đình.
Một lý thuyết khá thú vị bạn sẽ biết thông qua cuốn sách này được tác giả giới thiệu “sáu người trên giường của hai vợ chồng”, đó là mối liên hệ giữa tình cảm hạnh phúc niềm vui, nhưng khó khăn, bất hạnh phúc xung đột của hai cặp vợ chồng không chỉ là vấn đề của riêng họ, có liên bố mẹ hai bên, liên quan con cái họ..
Mình muốn viết sâu hơn vào nội dung cuốn sách, nhưng vì không muốn làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình bạn tìm đọc và có trải nghiệm trực tiếp của cuốn sách. Nên mình xin phép không bàn luận quá nhiều đến nội dung.
Mong là những chia sẻ mình tại đây sẽ giúp bạn hình dung một vài nét về nội dung cuốn sách.
Cảm nhận mình về cuốn sách
Mình đã đọc cuốn sách này một cách thuận lợi, có lẽ là do xuất phát điểm mình học tâm lý học, đã quen với học thuyết về tâm lý, vì vậy khi đọc mình không cần tìm hiểu kỹ càng về học thuyết và dễ hiểu những quan điểm tác giả đưa ra. Nhưng mình nghĩ cuốn sách cũng sẽ không gây khó khăn cho những ai chưa từng biết về tâm lý học. Vì cuốn sách được viết cách đơn giản và dễ hiểu.
Cách tác giả đưa những lý thuyết và ví dụ một cách cụ thể, cô đọng súc tích, nên sẽ phù hợp với phần đông bạn đọc.
Xuyên suốt nội dụng chia sẻ, như căn nguyên, vấn đề của tổn thương, tác giả cũng chỉ ra cách thức, góc nhìn giúp người đọc nhìn nhận vết thương lòng, gốc rễ mối quan hệ, và trong cuốn sách cũng có đề cập một vài phương pháp giúp mỗi cá nhân xây dựng mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp.
Nhưng cuốn sách Tâm lý học mối quan hệ có nhược điểm gì không?
Có đấy. Nhược điểm cuốn sách là tác giả đã không trình bày rõ ràng từng học thuyết mà ông đề cập trong cuốn sách, điều đó sẽ hơi khó với những ai chưa hiểu nhiều về học thuyết tâm lý học.
Điểm thứ hai, form chữ quá nhỏ, lúc đầu đọc thì mình cảm thấy hơi khó khăn khi đọc, nhưng đọc dần thì mình cũng quen mắt.
Và một lưu ý nho nhỏ, mình nghĩ cuốn sách này sẽ phù hợp phần đông bạn đọc tìm hiểu những vấn đề liên quan tổn thương mối quan hệ, đọc để hiểu về những tổn thương bên trong bản thân. Còn những ai muốn đi sâu vào nghiên cứu phân tích, biết nhiều về tâm lý học, từng theo học chuyên ngành tâm lý học thì theo mình cuốn sách này không thực sự “nặng đô” lắm.
Tổng kết lại, đây cuốn sách khá hữu ích về những kiến thức liên quan về tổn thương, cách để nhận hiểu, có thêm góc nhìn để cải thiện thay đổi cách tương tác và giao tiếp trong mối quan hệ.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất