Chúng ta được nghe nhiều về những cái tên quen thuộc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà ngoại giao tài ba Lê Đức Thọ, Bí thư Lê Duẩn,.. Nhưng mình tin là sẽ rất ít người nghe qua cái tên Phạm Xuân Ẩn. Mỗi vị anh hùng sẽ có một vai trò khác nhau cùng hợp nhất để đánh bại quân xâm lược, Phạm Xuân Ẩn cũng vậy, nhưng điều khiến mình thực sự quan tâm về ông đó chính là ông là một điệp viên, như kiểu 007 vậy, một người  có thể sống hai mặt một cách rất tài tình, hai mặt ở đây là hai vai trò là nghề báo và điệp viên, chứ không phải là sống “hai mặt”.

Được một người anh giới thiệu cho cuốn sách Điệp viên hoàn hảo X6, mình liền dành trọn một ngày ra để đọc. Vốn là người cũng không mặn mà lắm với lịch sử, nhưng sau khi đọc xong cuốn sách này, mình thấy nó hay còn hơn mấy kiến thức lịch sử năm cấp 2 và cấp 3 cộng lại, vốn học xong không nhớ gì. Ở cuốn sách này, dưới ngòi bút của nhà sử học Larry Berman, ông đã khắc họa rất rõ nét điệp viên tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông làm tình báo trong xuyên suốt hơn 20 năm mà không hề để lộ ra bất cứ sơ hở nào. Với những thông tin mật ông thu thập được trong quá trình làm điệp viên của mình khi gửi về cho chính quyền miền Bắc lúc bấy giờ, mình tin nếu không có những thông tin quan trọng như vậy được lấy một cách khéo léo tài tình của ông Phạm Xuân Ẩn, thì sẽ rất khó để chính quyền miền Bắc nắm được tình hình của chính quyền miền Nam lúc bấy giờ và giành được độc lập.

Bỏ qua việc đúng sai như thế nào, bỏ qua việc bàn tán về di dân này nọ rồi sự thật là gì các kiểu, rất tuyệt vời khi mà tác giả đã cố gắng trung lập và khách quan để những “cuốn sách” như thế này có thể được phát hành ra công chúng, thì đọc xong mình lại có hai thái cực cảm xúc.

Thứ nhất là vì thấy thú vị, thông qua một cuộc đời của một con người thời chiến mà ta có thể học được rất nhiều điều, đặc biệt là diễn biến của cuộc chiến chống Mỹ dưới góc nhìn của một điệp viên dưới vỏ bọc một nhà báo, chưa bao giờ việc tìm hiểu kiến thức lịch sử Nước nhà với mình lại hấp dẫn đến như vậy, nó súc tích, ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin để người đọc có thể có cái nhìn tổng quan về trận chiến ngày xưa. Đồng thời mình lại thấy được cái hay của ông Ẩn, ông vừa tài giỏi, thông minh lại vừa biết cách xây dựng mối quan hệ, vốn là một lợi thế giúp ông khai thác nhiều thông tin để phục vụ cho Tổ Quốc. Bài học ở đây là hãy trau dồi bản thân sau đó nâng cao chất lượng các mối quan hệ, để sự nghiệp và cuộc sống được thuận lợi. Mối quan hệ của ông chất lượng đến mức, sau này dù biết ông là điệp viên, nhưng phần lớn những người bạn Mỹ của ông thì không hề cảm thấy bị phản bội mà còn kính trọng ông, sau này, chính những người bạn này lại là người giúp con trai của ông đi du học để rồi sau này về phục vụ cho Đất nước ở Bộ ngoại giao. Và ông cũng giỏi tới mức, mọi bài báo, bài phân tích của ông đều rất khách quan và trung lập để không ai có thể nghi ngờ ông đang làm việc cho chính quyền miền Bắc.

Thứ hai là một chút cảm xúc rất ức. Ông Ẩn là một nhà báo được đào tạo tại Mỹ trước khi về Việt Nam để làm tình báo. Ông có hai năm học tập và sinh sống tại Mỹ, nên có thể nói, ông mang tư duy Mỹ rất nhiều, điều này cũng quan trọng bởi ông phải hiểu họ để một phần có thể tạo kết nối với họ. Sau 1975 kết thúc nhiệm vụ, ông đã được chính quyền cho “cải tổ tư tưởng” vì sợ ông còn có thể làm việc cho CIA, bởi lẽ, họ không thể tin được làm sao một con người có thể sống dưới vỏ bọc như vậy suốt hơn 20 năm trời, nếu không có sự hậu thuẫn của CIA, thì làm sao có thể( chưa kể trước đó ông Ẩn từng được CIA chiêu mộ). Cũng chính vì sự còn nghi ngờ này, ông Ẩn dù tất nhiên được nhiều sự khen thưởng nhưng đồng thời cũng có sự giám sát chặt chẽ. Và còn nhiều thứ khác đọc mà khá là ức, nhưng thôi, ức cũng không làm gì. Ông Ẩn cũng có nói rằng:”.. Tôi sinh ra ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam, nhưng lại học được cái văn minh của người Mỹ, đó là rắc rối của tôi…”.

Dù sao thì đây là một cuốn sách về lịch sử rất bổ ích mà mình vô cùng tâm đắc, nó vừa giúp mình tìm hiểu về lịch sử Nước nhà, vừa tìm hiểu về một con người huyền thoại đã góp công rất lớn giúp Đất nước thống nhất để chúng ta có được hòa bình như ngày hôm nay.