Review sách: Đi tìm lẽ sống – Lúc đau khổ nhất bạn vẫn tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình
“Đi tìm lẽ sống” ghi lại những cảm nhận của Frankl về 3 năm giam cầm ở các trại tập trung Auschwitz và Dachau. Không đi sâu mô tả về...
“Đi tìm lẽ sống” ghi lại những cảm nhận của Frankl về 3 năm giam cầm ở các trại tập trung Auschwitz và Dachau. Không đi sâu mô tả về những đau đớn, những khắc nghiệt mà tác giả đã phải trải qua, Frankl tập trung vào những cảm xúc của mình cũng như của những tù nhân và viết về những bài học, những triết lý tạo nên sức mạnh để ông tồn tại.
Phần 1. Những trải nghiệm trong trại tập trung
Bắt đầu từ quyết định ở lại Áo với cha mẹ, tác giả đã chính thức bước vào thế giới phải trải qua muôn vàn đau khổ và tra tấn khi bị chia tách và bị bắt vào trại tập trung. Nửa đầu của cuốn sách, tác giả tập trung chỉ ra cho ta thấy cảm nhận và suy nghĩ của tất cả tù nhân khi trải qua cuộc sống ở nơi đây, để vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về sự tàn khốc, về địa ngục ngay tại chốn trần gian mà ít ai có thể hiểu được.
Số phận thật nghiệt ngã khi nhận ra sự sống của mình chỉ dựa trên ánh nhìn của những người khác, trong “Đi tìm lẽ sống” là thông qua lựa chọn của những tên lính SS (tên lính trong trại tập trung Auschwitz). Khi bước lên chuyến tàu đó, bạn sẽ có hai kết quả, một là cái chết đầy đau đớn khi bị đưa vào phòng hơi ngạt bên tay trái, hai là trở thành một người tù khổ sai trong trại tập trung với một cuộc sống mà bạn có thể cảm nhận như sống không bằng chết. Tất cả chỉ dựa vào bề ngoài bạn “trông yếu đuối” hay “trông có vẻ khỏe mạnh”
Frankl đã chua xót kể lại trong “Đi tìm lẽ sống” về cuộc sống tra tấn kể cả thể xác lẫn tinh thần trong trại. Bị tước bỏ hết mọi thứ, tất cả còn sót lại chỉ là cơ thể mà họ vốn có. Danh tính của họ giờ đây chỉ là những con số.
“Trong khi chúng tôi đợi tắm, sự trần truồng đã thức tỉnh chúng tôi: chúng tôi giờ thực sự chẳng còn gì ngoài cơ thể trời sinh này- ngay cả một sợi lông cũng không; tất cả những gì mà chúng tôi sở hữu, theo đúng nghĩa đen, chỉ là cơ thể trần trụi này”
Trải qua cuộc sống trong trại tập trung, chỉ sau một thời gian ngắn đã dần dần hao mòn ý chí còn sót lại của những con người mạnh mẽ nhất.
Một ngàn rưỡi người bị giam trong một khu được xây dựng có sức chứa tối đa khoảng hai trăm người. Chúng tôi lạnh và đói. Không đủ chỗ cho mỗi người ngồi trên nền đất trống, nói chi đến ngả lưng. Khẩu phần ăn của chúng tôi trong suốt bốn ngày chỉ là một mẩu bánh mì ít ỏi.
Giờ đây, họ không còn cảm giác thương xót cho những người bị đánh đập dã man, bởi họ biết rằng, vào một lúc nào đó, họ sẽ phải chịu cảnh tương tự như vậy, tất cả những cảm xúc đã trở nên chai sạn.
Cảnh những người đau đớn, hấp hối và chết đã trở nên quá quen thuộc với anh suốt nhiều tuần ở trại; chúng không còn có thể khiến anh xúc động được nữa.
Trong “Đi tìm lẽ sống”, Frankl kể lại rằng có những tù nhân đã lựa chọn từ bỏ, họ không chết vì đói hay vì bệnh tật, mà họ chết vì cảm thấy không còn hy vọng trong cuộc sống. Họ chọn cách đâm đầu mình vào hàng rào điện, để chấm dứt chuỗi đau khổ mà họ đang trải qua. Nhưng cũng có những tù nhân đã chọn cách đương đầu với thực tại.
Frankl đã phủ định những câu nói trong những cuốn sách y khoa và khẳng định rằng con người có thể sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ có thể tỉnh táo trong nhiều giờ liền mà không ngủ, họ có thể ngủ trong trời đông lạnh giá trên những tấm ván, họ có thể không tắm nhiều ngày nhưng vết thương không bị nhiễm trùng. Hơn nữa, họ còn phải cho những tên lính SS thấy được họ vẫn khỏe mạnh để không bị đưa vào phòng hơi ngạt và kết thúc cuộc đời một cách đau đớn.
Đúng, con người có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, nhưng đừng hỏi chúng tôi bằng cách nào.
Trong những hoàn cảnh đau khổ nhất, họ vẫn tìm ra cho mình một lý do để sống tiếp, qua những giấc mơ, bằng khát khao được hạnh phúc với gia đình, bằng tình yêu mà họ luôn hướng về. Tình yêu đối với họ không phải là sự hiện thân về thể xác, mà bằng ý chí mạnh mẽ, những người tù đã tự tách biệt tâm hồn mình ra khỏi mọi nỗi đau và hoàn cảnh thực tế, để sống trong nội tâm phong phú và tinh thần họ được tự do.
Linh hồn của con người chỉ có thể tìm thấy sự cứu rỗi thông qua tình yêu và trong tình yêu.
Phần 2. Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa
Sau khi được giải thoát khỏi trại tập trung, Frankl đã phải đối mặt với sự thật rằng ông là người sống sót duy nhất trong gia đình, ba mẹ và người vợ mà ông yêu thương nhất đã chết. Nhưng ông đã tìm cách vượt qua để tiếp tục giúp đỡ những bệnh nhân tâm thần ở Áo. Thông qua liệu pháp ý nghĩa, ông đã giúp bệnh nhân có thể tìm ra ý nghĩa cho sự tồn tại của mình.
Tôi nghĩ chắc chắn việc có thể giúp đỡ những người tù khác với tư cách là bác sĩ sẽ có ý nghĩa hơn là sống mọt cuộc đời tẻ nhạt và cuối cùng phí hoài nó trong vai một tên lao động khổ sai vô nghĩa.
Con người thường mắc phải một hiện tượng tâm lý phố biến là “trạng thái tồn tại chân không” – sống mà không có mục đích, không biết bản thân thực sự đang sống vì điều gì. Liệu pháp ý nghĩa mong họ có thể tìm ra trách nhiệm trong cuộc sống của họ thông qua ba cách:
Tạo ra một công việc hoặc thực hiện điều gì đó.
Khi bạn đã xác định mình muốn làm và cống hiến cho điều gì, thì bạn sẽ toàn tâm toàn ý cho điều đó, chính cách này sẽ kéo bạn ra khỏi vũng bùn của sự mất mát và đau thương, để sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn cho bản thân.
Trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó.
Tình yêu giống như một phép nhiệm màu, nó có thể khiến trái tim đã chết bắt đầu đập lại. Khi yêu thương một ai đó, bạn toàn tâm toàn ý làm mọi việc để mong họ hạnh phúc, bất kể là người yêu, gia đình. Những khoảnh khắc vui vẻ mà bạn có với họ, sẽ là những phút giây ý nghĩa nhất trong cuộc đời bạn, từ đó tâm hồn bạn sẽ được bình yên.
Tình yêu là cách duy nhất để thấu hiểu đến tận cùng một con người. Không ai có thể nhận thức đầy đủ về bản chất của con người trừ khi đã đem lòng yêu thương người ấy.
Thái độ chúng ta đối mặt với đau khổ.
Trong bi kịch, thái độ mà chúng ta đối mặt với chúng sẽ khiến cuộc sống của ta hoàn toàn khác so với việc than vãn về cuộc đời và số phận của mình. Chấp nhận và đương đầu với những nỗi đau là điều được ngưỡng mộ nhất, bạn không cần ai phải bước đến và an ủi bạn, mà bạn sẽ là anh hùng của chính mình.
Nếu một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì người đó vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống.
Lời kết
“Đi tìm lẽ sống” khẳng định lại nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra được ý nghĩa của bản thân. Có những người đi cả đời cũng không tìm ra được mục đích mà họ được sinh ra, có những người đã tìm thấy ý nghĩa và tạo ra giá trị của bản thân họ mỗi ngày. Ý nghĩa của cuộc đời không phải dễ để tìm ra, mong rằng, qua những gợi ý của “Đi tìm lẽ sống”, bạn sẽ thay đổi cách suy nghĩ và cách sống, đừng trở thành kẻ vật vờ trên thế gian này.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất