[Review sách] Charlie và nhà máy Chocolate – Điều gì sẽ xảy ra khi một đứa trẻ được thỏa mãn mọi điều mà nó muốn?
Ai nói sách trẻ con chỉ dành cho con trẻ? Phải chăng, đôi khi câu trả lời tưởng chừng như nằm đâu đó xa xôi lại hiện diện ở nơi đơn giản nhất?
Hey, lại là mình Dory đây. Mình vừa gấp lại những trang cuối cùng của Charlie và nhà máy Chocolate. Nhưng thay vì cảm thấy vui vẻ phấn khích như những ngày thơ bé khi nhân vật chính có một cái kết có hậu, mình lại dành thời gian nhiều hơn để suy nghĩ về số phận của những nhân vật phụ – những đứa trẻ hư trong đó. Điều gì khiến một đứa trẻ trở nên hư hỏng? Và có thực sự yêu thương là thỏa mãn không giới hạn mọi điều mà đứa trẻ muốn hay không? Cùng mình đi tìm câu trả lời dành cho người lớn trong một cuốn sách dành cho trẻ em này nhé.
Charlie và nhà máy Chocolate là tiểu thuyết văn học thiếu nhi xuất bản lần đầu năm 1960 của nhà văn Roald Dahl. Ông là tác giả đã quá quen thuộc với chúng ta qua những tác phẩm dành cho trẻ em như Sophie và tên khổng lồ, Matilda, Phù thủy Phù thủy, Bác Fox tuyệt vời…
Tuổi thơ mất mát khi cha và chị gái ra đi lúc Roald Dahl chỉ mới lên ba đã để lại nỗi ám ảnh sâu sắc trong ông. Để rồi từ đó khiến các tác phẩm ông của được sinh ra như một lời yêu thương gửi tới những đứa trẻ bất hạnh. Và ở đó, những đứa trẻ nghèo đói, thường xuyên bị hắt hủi và ngược đãi luôn là những đứa trẻ nhận được cái kết có hậu. Văn phong của ông là sự hòa trộn nhịp nhàng giữa sự dí dỏm hài hước và sự nồng ấm dịu dàng. Charlie và nhà máy Chocolate là một tác phẩm như thế.
Charlie và nhà máy Chocolate kể về Charlie trong hành trình cậu cùng 4 đứa trẻ khác tìm thấy chiếc vé vàng để được tham quan nhà máy chocolate của ông Willy Wonka. Trong chuyến tham quan này, tính cách của từng đứa trẻ đã được bộc lộ. Rồi từ đó, chủ nhân của nhà máy chocolate cũng có cơ hội để tìm ra người kế thừa xứng đáng cho nhà máy của mình.
Theo tháp nhu cầu của Maslow, con người nói chung và trẻ em nói riêng đều cần được thỏa mãn 5 nhu cầu tự nhiên bao gồm: Nhu cầu sinh lý; Nhu cầu an toàn; Nhu cầu yêu và được yêu; Nhu cầu được tôn trọng; và cuối cùng là Nhu cầu thể hiện bản thân. Vấn đề đặt ra ở đây là: liệu rằng giữa một đứa trẻ chưa được thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu của mình và một đứa trẻ được thỏa mãn một cách thái quá thì đứa trẻ nào đáng thương hơn? Phụ huynh nào đáng trách hơn? Hãy cùng xem điều gì đã xảy ra với những đứa trẻ trong Charlie và nhà máy Chocolate nhé.
Sau khi thông báo của Willy Wonka được tung ra, Augustus là cậu bé may mắn đầu tiên tìm được tấm vé vàng. Nhưng đây là cách mà cậu được miêu tả:
“…Một cậu bé chín tuổi béo phục phịch đến nỗi tưởng như cậu ta được bơm lên bằng một cái bơm cực mạnh. Những nếp mỡ phòi ra từ khắp bộ phận cơ thể cậu ta và cái mặt thì giống như một nắm bột bánh quái đản điểm hai con mắt nho khô trân trân ngó vào thế giới”
Còn đây là cách mẹ cậu ta nói về con trai mình:
"Tôi biết Augustus thế nào cũng tìm được một chiếc vé vàng mà. Hằng ngày nó ăn nhiều kẹo chocolate đến nỗi không thể nào có chuyện nó không tìm thấy một chiếc. Ăn là sở thích của nó. Nó chỉ quan tâm đến mỗi công việc ấy thôi. Nhưng như thế vẫn còn hơn là một đứa du côn và bắn súng nước hoặc những trò đại loại kiểu đó trong lúc rảnh rỗi đúng không nào…”
Có thể nói, Augustus đại diện cho những cô/cậu bé được thỏa mãn một cách quá đà nhu cầu ăn uống, hay cũng chính là nhu cầu đầu tiên trong tháp nhu cầu của Maslow: nhu cầu sinh lý. Cậu trở nên tham lam, bất chấp hậu quả. Để rồi khi được tham quan nhà máy chocolate, cũng chính cái sự tham ăn vô tội vạ này đã khiến cậu là đứa trẻ gặp tai nạn đầu tiên:
Augustus đã lẻn xuống mép sông và đang quỳ mọp xuống, dùng miệng táp chocolate nóng chảy với hết tốc lực của nó…Có một tiếng thét , rồi tiếng bõm. Augustus bổ nhào xuống và chỉ trong một giây đã biến mất dưới làn nước nâu nâu.
Sau Augustus, Violet là cô bé thứ hai tìm thấy vé vàng. Nhưng thay vì cảm thấy biết ơn bản thân mình may mắn, đây là cách cô thể hiện trước đám phóng viên:
“Cô bé nổi tiếng đang đứng trên một chiếc ghế trong phòng khách, giơ thẳng tay vung chiếc vé vàng như thể vẫy tắc-xi. Cô đang nói rất nhanh và rất to với tất cả mọi người, nhưng không dễ gì nghe rõ được hết vì cùng một lúc cô vừa nói vừa nhai kẹo cao su như điên:
– Bình thường, tôi chuyên nhai kẹo cao su. Nhưng khi tôi nghe nói về cái vụ vé của ông Wonka, tôi liền chuyển từ kẹo cao su sang kẹo chocolate với hi vọng vớ bở. Bây giờ, dĩ nhiên là tôi lại trở về với kẹo cao su… Mẹ tôi bảo như thế không ra dáng tiểu thử và một cô bé mà hai hàm lúc nào cũng đưa lên đưa xuống nhoay nhoáy như tôi thì khó coi lắm, nhưng tôi chẳng buồn nghe. Vả lại bà ấy làm gì có đủ tư cách để phê phán vì tôi sẽ nói rằng hai hàm bà ấy cũng nhoay nhoáy lên lên xuống xuống hầu như chẳng thua gì tôi khi bà ấy la lối tôi suốt ngày…
Điều này chắc các ông cũng muốn biết: miếng kẹo cao su đang ở miệng tôi lúc này đây, chính là miếng tôi nhai suốt hơn ba tháng đúng. Đó là một kỷ lục. Nó đã phá kỷ lục lập bởi người bạn thân nhất của tôi, cô Cornelia Prinzmetel. Và cô ta tức điên.”
Violet là cô bé đại diện cho việc nhu cầu được tôn trọng trở nên lệch lạc và méo mó so với ban đầu. Kết quả là cô bé trở thành một con người hiếu thắng, chỉ biết đến bản thân, không nghe lời người lớn và không tôn trọng những người xung quanh.
- Nào, ông Wonka, đưa thanh kẹo cao su thần diệu của ông cho cháu để thử xem nó có hiệu quả không.
- Này, Violet- bà Beauregarde nói, – đừng có làm chuyện gì ngu ngốc đi con.
- Con muốn thanh kẹo cao su thì có gì là ngu ngốc – Violet bướng chỉnh nói.
- Ta nghĩ cháu không nên lấy thì hơn- Ông Wonka dịu dàng nói – Cháu thấy đấy, ta chưa hoàn chỉnh nó hoàn toàn. Hãy còn một đôi chỗ chưa ổn.
- Ồ, quên béng nó đi. – Violet nói và độp một cái, trước khi ông Wonka kịp ngăn lại, nó phóng một bàn tay béo mẫm ra, giật thanh kẹo cao su và bỏ tọt vào mồm. Lập tức hai cái hàm lớn thiện nghệ của nó bắt đầu nhai cần cù như một cái kẹp gắp.
Cái kết tồi tệ đến với cô như một lẽ tất nhiên khi cô bỏ ngoài tai những lời can ngăn của Willy Wonka và cả mẹ của mình:
Mọi người đều trố mắt nhìn Violet. Thật là một cảnh tượng kỳ dị. Mặt nó, chân tay nó và cổ nó, thực tế là da dẻ trên toàn thân nó, cũng như cả mớ tóc loăn xoăn của nó đã bóng nhẫy lên một màu xanh tía, màu của nước quả việt quất… Người nó phình ra và biến dạng nhanh chóng đến nỗi trong vòng một phút nó đã thành một quả bóng xanh to tướng- thực tế là một quả việt quất khổng lồ – và tất cả những gì còn sót lại của Violet chỉ là một đôi chân nhỏ xíu và một đôi tay nhỏ xíu chồi ra từ cái trái cây tròn ủng kếch xù và một cái đầu bé tẹo trên chóp.
Veruca là cô bé thứ ba tìm được tấm vé vàng. Nhưng không phải là do may mắn. Mà là nhờ người cha giám đốc của cô không tiếc tiền mua hàng vạn thanh chocolate được bán trên phố rồi cho nhân công xé tìm từng cái một.
“Các vị thấy đấy, con gái bé bỏng của tôi vừa nói là nó dứt khoát phải có một trong những chiếc vé vàng ấy là tôi ra ngay phố và bắt đầu mua tất cả những thanh kẹo Wonka mà tôi có thể quơ được. Tôi đã mua hàng vạn thanh, rồi cho chất lên mấy chiếc xe tải chở thẳng về nhà máy của tôi… Các vị biết đấy, tôi kinh doanh lạc và tôi có khoảng một trăm nữ công nhân làm công việc bóc lạc để rang và ướp muối… Thế là tôi bảo họ; “Oke, các cô, bây giờ các cô có thể ngừng bóc lạc, và thay vào đó, bóc những giấy gói kẹo thổ tả này”. Và họ làm thế…”
Bé Veruca của tôi mỗi ngày một thêm thất vọng và hôm nào tôi về đến nhà, nó cũng gào lên: “Cái vé vàng của con đâu? Con muốn cái vé vàng”. Nó lăn ra sàn nằm hàng giờ liền, giãy đạp và la hét một cách đau lòng nhất. "
Từ nhu cầu yêu và được yêu, tình yêu thương của người cha đã khiến Veruca trở thành một đứa trẻ được chiều chuộng thái quá. Em trở nên vô ơn với những đòi hỏi quá đáng. Tất cả những thứ em yêu cầu đều phải được đáp ứng. Và cái kết sau khi đòi cha mình bắt cho bằng được một con sóc trong nhà máy của ông Willy Wonka để mang về nuôi mà không được đó chính là việc cả nhà bị rơi vào đường rác thải rồi tống ra ngoài.
"Veruca Salt, Veruca Salt,
Vừa lộn cổ xuống ống rác thải
Và trong trường hợp thế này
Thiết nghĩ, sẵn có cha mẹ nó ở đây
Mời cả hai xuống luôn cho tiện…
Hậu quả này, tự nó gây ra
Vì đã ương ngạnh và lạc lối quá đà
Nhưng liệu có công bằng không, xin hỏi.
Nếu mọi xấu xa, mọi điều lầm lỗi
Đều đổ lên đầu Veruca?
Đành một nhẽ nó được nuông chiều quá
Nhưng ai nuông chiều nó?
Ai, xin hỏi?
Ai biến nó thành đứa trẻ hư quá đỗi?
Thủ phạm là ai, khỏi phải kiếm đâu xa
Chính hai người sinh ra nó – MẸ và CHA
Bởi thế họ cũng đáng rơi vào ống thải"
Đứa trẻ thứ tư tìm thấy chiếc vé vàng là Mike Teavee – cậu bé suốt ngày chỉ biết cắm mặt vào xem những chương trình giải trí độc hại trên TV để rồi trở thành một đứa trẻ không phân biệt được đúng sai, mù quáng, luôn tự cho mình là đúng. Đây là cái cách cậu ta đáp trả những vị phóng viên đến phỏng vấn sau khi biết tin cậu đã tìm thấy chiếc vé vàng thứ tư:
“- Lũ điên các người không thấy là tôi đang xem ti vi hay sao?”- Cậu ta cáu kỉnh nói.Cậu bé chín tuổi này đang ngồi trước một chiếc TV to tướng, mắt dán vào màn hình. Cậu đang xem bộ phim trong đó một đám găng x tơ đang bắn một đám găng x tơ khác bằng súng máy…
“- Im”- Cậu ta quát khi ai đó định hỏi cậu một điều gì đấy- Tôi đã bảo không được cắt ngang cơ mà. Cái phim này oách thật. Rất chi là ác chiến. Ngày nào tôi cũng xem nó. Tôi xem tất cả mớ phim này hàng ngày, kể cả những phim èng èng không có bắn nhau…”
Nhu cầu được chứng tỏ bản thân của câu đã đi quá xa. Nó khiến cậu luôn chăm chăm ngắt lời người khác chỉ để được nói lên ý kiến của mình. Để rồi khiến cậu biến thành tí hon chỉ vì muốn trở thành người đầu tiên trên thế giới được phóng qua không gian bằng TV mà bất chấp cả lời can ngăn của Willy Wonka. Nhưng ngay cả khi thấy được hậu quả xảy đến với mình thì lời đầu tiên mà cậu nói lại là:
– Chào mẹ, chào ba. Hãy nhìn con đây, Con là người đầu tiên được phóng bằng vô tuyến truyền hình.
Thật sự vô phương cứu chữa.
Bốn đứa trẻ, đại diện cho bốn nhu cầu khác nhau được cha mẹ đáp ứng một cách vô tội vạ, không kiểm soát đã trở thành những đứa trẻ hư và phải nhận một bài học nhớ đời. Liệu họ có yêu chúng không? Yêu chứ. Nhưng chắc chắn đó không phải là một tình yêu đúng cách khi họ không biết cách đặt ra giới hạn cho những đứa con của mình và không quyết liệt trong hành trình yêu thương ấy.
Thế còn đứa trẻ cuối cùng tìm ra chiếc vé vàng – Charlie – tình yêu mà ba mẹ dành cho cậu có gì?
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó đến mức mà cả gia đình 6 người phải chen chúc nhau trong một căn nhà gỗ chỉ có độc nhất một chiếc giường. Mà ngay cả chiếc giường ấy cũng không phải dành cho cậu, mà là cho cả ông bà nội lẫn ông bà ngoại. Còn cậu và ba mẹ thì phải trải nệm ngủ dưới sàn. Cả gia đình chỉ có mình bố cậu là đi làm để chật vật nuôi 6 miệng ăn.
“Vào mùa hè, tình hình không đến nỗi quá tệ, nhưng đến mùa đông những cơn gió ùa lạnh cóng thổi qua sàn suốt đêm, và điều này thật khủng khiếp.”
Cậu không giàu có như gia đình Veruca. Thậm chí là thiếu ăn đến mức trong giờ ra chơi, cậu lặng lẽ ngồi yên trên ghế chỉ để tiết kiệm năng lượng cho khỏi đói chứ đừng nói là ăn uống phủ phê như Augustus. Nhưng cậu lại có ông nội Joe sẵn sàng đưa đồng tiền duy nhất mà mình có cho Charlie để cậu đi mua chocolate. Có cả gia đình sẵn sàng nhường từng miếng bánh mì hay muỗng súp bắp cải chỉ để cậu có thêm một miếng ăn cho đỡ đói.
Để rồi nhờ tình yêu thương ấy, Charlie trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện và luôn ngập tràn tình yêu thương dành cho ông bà, bố mẹ của mình. Cậu không hề than vãn nửa lời về gia cảnh khốn khó của gia đình mình. Cậu sẵn sàng chia sẻ thanh chocolate cho tất cả mọi người trong nhà dù đây là món yêu thích nhất trần đời của mình mà duy nhất chỉ ngày sinh nhật mới được mua cho. Thậm chí cả khi nhặt được tiền trong cơn đói, ý nghĩ ban đầu của cậu cũng chỉ dám mua một thanh chocolate cho riêng mình rồi còn bao nhiêu tiền sẽ mang về cho mẹ.
Yêu thương bao nhiêu cho đủ? Và yêu thương bao nhiêu là đủ chắc chắn là câu hỏi mà các bậc phụ huynh vẫn luôn tự đặt ra cho bản thân mình. Nhưng rõ ràng, qua Charlie và nhà máy Chocolate, chúng ta có thể nhận ra một điều: thay vì bất chấp trao đi một cách vô tội vạ mà không có sự kiểm soát và giáo dục, thì chính việc đáp ứng những nhu cầu ấy một cách có giới hạn (vì dù có muốn, gia đình cũng không thể đáp ứng thêm được) sẽ trở thành một điều đúng đắn trong quá trình nuôi dạy con trẻ. Và có đôi khi, những khó khăn bất lực lại là một lợi thế trong hành trình bạn trưởng thành.
Ai nói sách trẻ con chỉ dành cho con trẻ? Phải chăng, đôi khi câu trả lời tưởng chừng như nằm đâu đó xa xôi lại hiện diện ở nơi đơn giản nhất? Ví dụ như là cuốn sách này chẳng hạn. Hãy đọc Charlie và nhà máy Chocolate để tự tìm câu trả lời cho riêng mình nhé. Chân thành cảm ơn các bạn, vì đã đọc đến những dòng này.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất