Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chiếc khẩu trang là vật bất ly thân của hầu hết tất cả mọi người mỗi khi ra đường. Những chiếc khẩu trang được mọi người ưa chuộng nhất chính là chiếc khẩu trang y tế dùng một lần, vì chúng có ưu điểm là tiện lợi và giá thành khá rẻ. Tuy khẩu trang y tế có thể giúp mọi người phòng tránh sự lây lan của virus Corona, nhưng cũng chính chúng đem đến cho môi trường một mối nguy hại to lớn.
Khẩu trang y tế gây hại cho môi trường không kém gì ống hút nhựa. Nguồn Pharmacity.com

1. Khẩu trang y tế làm từ chất liệu gì?

Nguyên thủy, khẩu trang y tế được sản xuất dành riêng cho các cơ sở y tế, được dùng là dụng cụ bảo hộ cho các bác sĩ, y tá, điều dưỡng,... Tuy vậy, với sự gia tăng nhanh chóng của ô nhiễm không khí, khẩu trang y tế được sản xuất và bán rộng rãi cho mọi người dân. 
Để ngăn chặn được vi sinh vật, bụi bẩn, hóa chất độc hại xâm nhập vào đường hô hấp của người sử dụng, những chiếc khẩu trang y tế thường được làm bằng các chất liệu vải không dệt (non-woven fabric). Đây là một loại vải có cấu tạo từ các hạt Polypropylene (PP) – nhựa tổng hợp, tùy theo mục đích sử dụng sẽ có thêm một số thành phần tái chế khác. Đây là loại nguyên liệu có tính bền và rất khó phân hủy ngoài môi trường thiên nhiên. 
Nếu là một người quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, chắc hẳn cũng không lạ gì hợp chất Polypropylene (PP) chính là nguyên liệu làm ra những chiếc ống hút nhựa - sát thủ của các loài sinh vật biển. Những chiếc ống hút nhựa gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường và các loài sinh vật như thế nào thì khẩu trang y tế đã đang và sẽ để lại những hậu quả khôn lường như vậy. 

2. Số lượng khẩu trang y tế được sản xuất và sử dụng tăng đột biến do dịch Covid-19

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ sở sản xuất khẩu trang trên cả nước chỉ có công suất là 3 đến 4 triệu chiếc mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lây lan nhanh trong cộng đồng, nhu cầu sử dụng khẩu trang của mọi người tăng đột biến. Theo thông tin Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam có 68 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, nếu hoạt động hết công suất có thể đạt sản lượng gần 40 triệu chiếc/ngày. 
Nhà nước yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra đường khiến cho khẩu trang là vật bất ly thân của mọi người. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngày cũng có hàng triệu chiếc khẩu trang y tế được thải ra ngoài môi trường. 
Nhưng thực tế chỉ ra rằng chỉ có các cơ sở y tế là phân loại và xử lý tốt khẩu trang y tế theo tiêu chuẩn xử lý rác thải y tế. Còn lại đa số mọi người đều xử lý những chiếc khẩu trang y tế như rác thải thông thường. Không ít trong số hàng triệu chiếc khẩu trang được thải trực tiếp ra môi trường thiên nhiên mà không qua các bước xử lý.

3. Khẩu trang y tế gây hại cho môi trường không kém gì ống hút nhựa

Bên cạnh những tác hại như gây kích ứng da cho người sử dụng, khẩu trang y tế còn gây ra những nguy hại cho môi trường thiên nhiên. 
Một cuộc cuộc điều tra mới đây của tổ chức OceansAsia diễn ra trên đảo Lantau của Hong Kong. Chỉ trên 100m dọc bờ biển, nhóm này đã thu lượm được 70 chiếc khẩu trang y tế được người dân vứt bỏ hoặc được trôi dạt từ biển vào. Nhóm chuyên gia cảnh báo, điều này rất nguy hiểm cho các loài động vật biển. Nếu khẩu trang bị trôi xuống biển, các loài cá heo, rùa biển sẽ nuốt phải vì ngỡ là thức ăn. Khẩu trang sẽ làm tắc đường hô hấp hoặc tiêu hóa và làm chúng chết vì ngạt thở hoặc đói. Điều này khiến chúng ta liên tưởng tới hình ảnh nổi tiếng về chú rùa biển bị chiếc ống hút nhựa cắm sâu vào mũi.
Mỗi chiếc khẩu trang y tế có khối lượng là 3g. Trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, trung bình người dân trên thế giới thải ra 100 triệu.chiếc khẩu trang y tế. Như vậy, mỗi ngày có tới 300 tấn khẩu trang y tế được thải ra môi trường. Con số này gần tương đương với khối lượng ống hút nhựa được thải ra mỗi ngày 
Ngoài ra, những chiếc khẩu trang còn là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau. Khi chúng bị thải vào nguồn nước, rất có thể sẽ trở thành những nguồn lây lan bệnh cho cộng đồng. 
  1. Giải pháp để khắc phục những tác hại của khẩu trang y tế có thể gây ra
  • Chủ động phân loại rác thải, 
Vì khẩu trang y tế không được tái chế sử dụng, nhưng không vì thế mà vứt bỏ chung với các loại rác hữu cơ. Mỗi người chúng ta vẫn phải chủ động thực hiện tốt việc phân loại rác. Một thực tế đáng buồn là dù tại những nơi công cộng thường để 2 thùng rác vô cơ và hữu cơ, nhưng rất ít người làm tốt việc vứt các loại rác vào đúng thùng. Thậm chí, đâu đó trên những con phố vắng vẻ trong thời gian cách ly xã hội vừa qua, vẫn thấp thoáng bóng dáng của những chiếc khẩu trang sử dụng một lần.
  • Dùng khẩu trang vải thay cho khẩu trang dùng 1 lần
Mặc dù có giá thành đắt hơn nhiều so với những chiếc khẩu trang y tế dùng 1 lần, nhưng không những khẩu trang vải không gây ra kích ứng cho da mà khẩu trang vải còn có thể dùng được nhiều lần sau khi được giặt sạch. Điều đáng mừng là hiện nay khi số lượng khẩu trang y tế sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, nên nhiều người đã chuyển sang sử dụng khẩu trang vải.
  • Hạn chế tiếp xúc cộng đồng, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết
Trong thời gian dịch bệnh còn nhiều diễn biến khó lường, cùng chung tay với cộng đồng dập dịch và góp phần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, chúng ta nên ở nhà, chỉ ra đường và tiếp xúc với người khác khi thật cần thiết. Vì khi ở nhà mọi người sẽ không phải sử dụng khẩu trang nên từ đó giảm thiểu đáng kể số lượng khẩu trang sử dụng 1 lần được thải ra môi trường.
Kết:
Bên cạnh quyết tâm của cả cộng đồng nhằm phòng tránh và dập tắt dịch Covid-19, công đồng cũng nên chung tay góp phần vào việc giảm thiểu số lượng khẩu trang y tế sử dụng 1 lần thải ra môi trường. Cả cộng đồng cùng chung sức đồng lòng với nhau giống như khi chiến đấu với dịch Covid-19, chắc chắn sẽ giúp chúng ta giữ gìn và bảo vệ một môi trường xanh cho mai sau.