Đẳng cấp Auteur: Dấu ấn của một đạo diễn
Điện ảnh là nghệ thuật, và người làm phim là nghệ sĩ. Nhưng cụ thể là ai? Khi nói tới người làm nên một bộ phim, bạn nghĩ tới ai đầu...
Điện ảnh là nghệ thuật, và người làm phim là nghệ sĩ. Nhưng cụ thể là ai? Khi nói tới người làm nên một bộ phim, bạn nghĩ tới ai đầu tiên? Đạo diễn? Diễn viên? Người soạn nhạc? Nếu câu trả lời của bạn là Đạo diễn thì chắc hẳn không thể bỏ qua Auteur Theory, giả thuyết cho rằng đạo diễn là người có vai trò lớn nhất trong một bộ phim.
Dấu ấn riêng của một đạo diễn
Khi nhắc đến tên một đạo diễn phim nào đó, người ta thường nghĩ đến dấu ấn riêng, phong cách riêng của họ xuyên suốt nhiều bộ phim.
Về mặt thematic – chủ đề phim: phim của Martin Scorsese thường là bạo lực, gangster. Thậm chí cả bộ phim cổ trang dựa trên tiểu thuyết ngôn tình The Age of Innocence (1993) của chú cũng là một dạng bạo lực về tinh thần. (Hay “ngược tâm” theo ngôn ngữ ngôn tình.) Phim của Christopher Nolan sẽ nặng về metaphysics. Phim của David Lynch sẽ nói về những góc tối và tâm địa đáng sợ của con người.
Về mặt hình ảnh: Wes Anderson với những khuôn hình được căn ngay chính giữa một cách hoàn hảo.
Stanley Kubrick với những khung hình phối cảnh 1 điểm tụ (One-point perspective).
Hoặc đơn giản chỉ là dựa trên thể loại phim/genre: Fan của Game of Thrones chỉ cần nhìn tập phim nào có Miguel Sapochnik làm đạo diễn là biết tập đó phải big action, big budget lắm đây.
Có rất nhiều thứ để thích (và tiếc) về Game of Thrones nhưng mà phải công nhận cảnh long take này ở Season 6 phê vãi.
Đây chỉ là một số ví dụ mình tạm thời nhớ tới trong biển nhân tài của làng điện ảnh. Ngoài lề một chút thì mình rất là khuyến khích mọi người follow kênh Vimeo của chú kogonada. Chú làm nhiều video về dấu ấn hình ảnh đặc trưng của nhiều đạo diễn, rất là hay luôn.
Quay lại chủ đề chính mà nói, không khó để fan phim bình thường như chúng ta chấp nhận Auteur Theory như lĩnh thánh chỉ. Đây là một trong những giả thuyết quan trọng nhất trong nghiên cứu nghệ thuật điện ảnh. Chẳng phải đạo diễn là linh hồn của một bộ phim hay sao?
Nói đạo diễn là linh hồn của một bộ phim thì chắc cũng hơi quá. Đạo diễn – director, là người đưa ra artistic direction – hướng đi nghệ thuật hay artistic vision – tầm nhìn nghệ thuật cho một bộ phim.
Auteur Theory là gì?
Chữ Auteur của Auteur Theory lấy gốc tiếng Pháp từ thời French New Wave (cuối 1950s – 1960s). Ý tưởng này vốn bắt đầu từ một đạo diễn người Đức tên Max Reinhardt nhưng được nhóm Cahiers du cinéma của Pháp, bao gồm François Truffaut, phổ biến rộng rãi hơn.
/auteur/: ô-tơ
Auteur – author – tác giả. Qua đó, người đạo diễn là một tác giả, tương tự như nhà văn, nhà thơ, và cây bút để ông/bà ấy hiện thực hoá tầm nhìn nghệ thuật của mình là chiếc máy quay, chữ gốc là caméra-stylo / camera-pen.
Theo Auteur theory, nhờ cái artistic vision đó mà các bộ phim của mỗi đạo diễn sẽ mang đậm dấu ấn riêng, với những chủ đề, motif, những hình ảnh thường hay lặp đi lại xuyên suốt từ phim này qua phim khác.
Cũng như xem tranh nhìn nét cọ đoán tên hoạ sĩ, nghe nhạc đoán tên nhà soạn nhạc, khán giả chỉ cần xem phim là đủ nhận ra đạo diễn phim này là ai. Và phong cách riêng của từng đạo diễn sẽ luôn hiện diện một cách nhất quán xuyên suốt toàn bộ các phim của mình.
Một ví dụ điển hình để mô tả Auteur Theory là đạo diễn Alfred Hitchcock.
Thông qua nhiều bộ phim của Hitchcock, khán giả dễ dàng nhận ra những điểm tương đồng, lặp đi lặp lại xuyên suốt. Dưới đây là một số ví dụ:
Ví dụ 1: Phim của Hitchcock đa số là thể loại Thrillers. Bản thân ông được mệnh danh là Master of Suspense.
Ví dụ 2: Phim của Hitchcock chịu nhiều ảnh hưởng từ trường phái German Expressionism: bằng lối kể chuyện không đáng tin cậy thông qua góc nhìn của nhân vật, hoặc thông qua sự biến hoá linh hoạt giữa ánh sáng và bóng tối trong khung hình.
Cách chơi đùa với ánh sáng và bóng tối của Hitchcock còn được thể hiện rất thuần thục qua cảnh giết người nổi tiếng nhất trong Psycho (1960):
[1] Mở cảnh với một không gian hoàn toàn sáng sủa tươm tất. Nhân vật Marion mỉm cười khoan khoái vì cuối cùng cũng được tắm rửa sau nhiều ngày đi đường. Mọi thứ hoàn toàn bình ổn, người xem không nghi ngờ gì. Chú ý bức rèm hiện đang ở bên tay phải khung hình. [2] & [3] Góc máy hướng về Marion dần dần thay đổi. [4] Với góc máy thay đổi 180 độ, bây giờ bức rèm đã ở bên tay trái khung hình. Vừa lúc đó, cánh cửa phòng tắm bên ngoài mở ra, một bóng đen tiến vào khung hình trắng sáng sạch sẽ. [5] Bóng đen kém bức rèm ra và giơ con dao lên. Với góc từ dưới lên, khuôn mặt của kẻ sát nhân vẫn hoàn toàn chìm trong bóng tối.
Ví dụ 3: Hitchcock blonde: Các nhân vật nữ chính của Hitchcock đa số là tóc vàng và có những nét tương đồng trong tính cách. Đều là dạng femme fatale, đẹp, sexy, bí ẩn, và đôi lúc rất nguy hiểm.
Một ví dụ cuối cùng, Hitchcock sẽ luôn tìm cách luồn lách chính quyền* và đưa vào phim những hình ảnh gợi đến sex.
*Thời của Hitchcock, điện ảnh Mỹ vẫn phải chịu một đạo luật gọi là The Hays Code (1930s-1968), vốn là một danh sách dài các “chuẩn mực đạo đức” bắt Hollywood phải tuân theo. Trong đó có điều khoản không được cho thấy nam và nữ nằm cạnh nhau trên giường. Do đó phim Hollywood thời này thường cho thấy vợ và chồng có thể ngủ cùng phòng nhưng phải nằm khác giường.
Trước đây trong một bài viết khác của mình có nói tới cách ám chỉ sex trong phim Chuyện của Pao ở đây.
Tuy là nhân vật thường xuyên được lôi ra để minh hoạ cho Auteur Theory nhất, nhưng bản thân Hitchcock không thích giả thuyết này. Ông thậm chí cho rằng ý tưởng này thật “rẻ tiền.”
Vấn đề của Auteur Theory
Cũng như hầu hết các giả thuyết trong mọi lĩnh vực, Auteur Theory không phải không có kẽ hở. Dưới đây mình sẽ đề cập tới một số luận điểm vốn hay được đưa ra để phản bác lại giả thuyết này.
Nếu tranh luận rằng một bộ phim phản ánh tầm nhìn nghệ thuật của người đạo diễn, và tầm nhìn đó phải nhất quán xuyên suốt toàn bộ các phim người đó làm ra, thì có hơi hạn hẹp, thậm chí sai lệch.
Nếu một người đạo diễn không thích lặp đi lặp lại một yếu tố hình ảnh hay một chủ đề nào trong các phim của mình, muốn khởi đầu hoàn toàn khác trong mỗi bộ phim thì sao? Không lẽ mình vội rút ra kết luận người đạo diễn đó bất tài, không có dấu ấn riêng?
Auteur Theory đóng khung sáng tạo của người đạo diễn.
Người xem sẽ ra rạp với kỳ vọng ông đạo diễn này, bà đạo diễn này phải có cái gì same same but different với mỗi bộ phim mới. Phim của Tim Burton phải kỳ quái creepy, phim của Quentin Tarantino phải kỳ quặc bạo lực, v.v…
Còn thậm chí nếu người đạo diễn đó không có sự tương đồng gì trong các bộ phim của mình, sẽ vẫn luôn có người xem nào đó cố vẽ ra những điểm tương đồng để chứng minh Auteur Theory là đúng.
Bắt đạo diễn chịu trách nhiệm toàn bộ?
Đã bao nhiêu lần bạn nghe người ta nói, hay chính bạn nói “Phim nó như thế vì đạo diễn muốn thế?” Đặc biệt câu này hay được thốt ra nhất khi xem một tình huống phim vô lý.
Nếu vai trò của người đạo diễn thật sự lớn như vậy, khi một bộ phim flop, người đạo diễn phải gánh bao nhiêu phần trách nhiệm? Khi fan của Game of Thrones tức giận vì season 8 quá nhạt, quá vô lý, quá vô duyên, những cái tên bị lôi ra chửi đầu tiên là David Benioff và D.B. Weiss, hai showrunner kiêm biên kịch, chứ không phải ông đạo diễn nào cả.
Nếu đạo diễn nắm trùm toàn bộ, vậy những người còn lại không có artistic vision riêng?
Điện ảnh khác hội hoạ và văn học ở chỗ nó là tổ hợp sức lao động của rất nhiều người. Bằng cách đề cao vai trò của người Đạo diễn, Auteur Theory bỏ qua tầm nhìn nghệ thuật riêng của nhà biên kịch, đạo diễn hình ảnh (DOP), hay thậm chí là nhà soạn nhạc.
Phim của Vương Gia Vệ có còn là những thước phim đẹp vãi nồi vãi chưởng nếu không có sự hợp tác ăn ý dài lâu giữa Vương Gia Vệ và đạo diễn hình ảnh Christopher Doyle? Phim của Hayao Miyazaki liệu còn đáng nhớ như bây giờ nếu thiếu đi âm nhạc của Joe Hisaishi?
In the mood for love (2000): Vương Gia Vệ và Christopher Doyle dùng thủ pháp Frames within Frames. Ở góc quay này, bóng Lương Triều Vỹ phản chiếu vào gương tạo cảm giác như anh ta đang ngồi ngay cạnh bên và nhìn sang Trương Mạn Ngọc. Tuy nhiên khung chữ nhật của tấm gương và cánh cửa vẫn chia cắt họ.
Cho nên túm cái váy lại thì…
Có lẽ nói một cách khôn ngoan thì ai quan tâm, phim hay thì xem thôi… Bất kể đạo diễn có tên tuổi hay không, có style riêng xuyên suốt các phim hay không.
Từ bé đến lớn xem 7 phần Harry Potter mình thích nhất là phần 3, Harry Potter and the Prisoner of Azkaban (2004), được đạo diễn bởi Alfonso Cuarón. Sau đó xem một phim khác của chú là Great Expectations (1998) có Gwyneth Patrol và Ethan Hawke đóng, thì lại là một genre, một style hoàn toàn khác. Rồi đến Gravity (2013) cũng lại là một kiểu hoàn toàn khác nữa.
Nhưng Auteur Theory vẫn được xem trọng như vậy để làm gì? Nếu bạn quan tâm đến phim và bình luận phim thì Auteur Theory vẫn là một công cụ hữu ích. Hữu ích là khi bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về các tác phẩm của một đạo diễn danh tiếng nào đó.
Chỉ là thi thoảng lại đọc được bài viết, bài blog nào đó tán dương ông này bà nọ sắp lên đẳng cấp “Auteur” rồi… Nghe nó hơi giống một cái danh hão mà chính Hitchcock đã không thèm nhận hơn là lời khen ngợi tuyên dương. Nói ra câu này chắc sẽ bị chém mà thôi cũng nói rồi.
Đối với những vấn đề của Auteur Theory, mình vẫn đang suy nghĩ cho thấu đáo hơn để tự đưa ra câu trả lời của mình. Tuy nói phim hay thì xem thôi, nhưng phải rất khó để không bị bias vì tên của đạo diễn.
Mình vẫn không thể không cảm thấy phấn khích khi bật House of Cards lên xem, chưa tìm hiểu gì mà lại phát hiện ra David Fincher là đạo diễn cho tập pilot! Hay mình sẽ rất chần chừ khi phải xem bất kỳ một bộ phim nào của Guillermo del Toro.
Mình vẫn không thể không cảm thấy phấn khích khi bật House of Cards lên xem, chưa tìm hiểu gì mà lại phát hiện ra David Fincher là đạo diễn cho tập pilot! Hay mình sẽ rất chần chừ khi phải xem bất kỳ một bộ phim nào của Guillermo del Toro.
Còn ý kiến của bạn thì sao? Vai trò một đạo diễn có thật sự là linh hồn của cả một bộ phim?
-------
Từ một người siêu lười viết lách của Xinematich. Bài này ngâm bản draft lâu quá rồi á hự.
Đọc thêm:
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất