Có những bộ phim sau khi xem xong để lại trong ta nguồn dư âm rất lớn, có thể là vài phút ngẫm nghĩ, có thể một ngày và có thể rất lâu đó về sau. Và bản thân mình cũng có những bộ phim “gối đầu giường” như thế, mình có thể quên rất nhiều cái tên nhưng chúng chưa bao giờ rời khỏi đầu mình. Khi nào đỡ lười (mình cũng không biết khi nào), mình sẽ viết về những bộ phim đó. Còn hôm nay, mình xin dành trọn thời gian cho The Imitation Game. Đêm hôm trước, mình đã xem phim này sau một vòng lượn lờ lựa chọn và cho đến tận khi viết bài review này, mình vẫn còn man mác cảm giác buồn và tiếc nuối cho nhân vật chính của phim – Alan Turing.
Kết quả hình ảnh cho The imitation game
Benedict Cumberbatch thủ vai Alan Turing xuất sắc 
Phim dựa trên câu chuyện có thật về nhà toán học đại tài, cha đẻ của ngành khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, Alan Turing.
Câu chuyện xảy ra vào giai đoạn chiến tranh Thế giới khi Hitler đang trên đà chiến thắng trong mục tiêu thâu tóm toàn bộ châu Âu. Những kế hoạch đánh bom của đội quân Hitler đều được mã hóa bằng máy Enigma, loại máy tạo mật mã mà Hitler tự tin là không ai có đủ khả năng giải được nó. Chưa kể đến, cách tạo mật mã được thay đổi mỗi 12 giờ đêm với 159 triệu triệu triệu phép hoán đổi khác nhau. Để có thể phá giải được mật mã đó, quân Đồng minh đã lập ra một đội với những người giỏi nhất về toán học, giải ô chữ và cờ vua trong trung tâm giải mã của Anh, Bletchley Park. 
Kết quả hình ảnh cho máy enigma
Máy Egnima thần thánh
Alan Turing, ngạo mạn và không hòa đồng, trở thành đối tượng bị cô lập trong đội giải mã. Trong khi, những người khác trong đội cố gắng giải mã từng thông điệp thì ông lại tìm cách tạo ra một chiếc máy có thể giải mã tất cả thông điệp. Tất nhiên, không ai tin ông có thể làm điều đó, ngay cả cái người chiêu mộ Alan. Khi nhân viên không giải quyết được thì phải lên tìm quản lý, Alan đã giải quyết theo cách đó và nó hoạt động hiệu quả. Ông được đưa lên làm nhóm trưởng, có quyền sa thải và tuyển thêm người. Và, Joan Clarke, người phụ nữ duy nhất giải được câu đố chữ nhanh hơn ông đã trở thành một người cộng sự tuyệt vời!
Dù lấy bối cảnh chiến tranh, nhưng đừng nghĩ rằng The Imitation Game như là một bộ phim tài liệu chán ngắt và tẻ nhạt. Những chi tiết hài hước được lồng ghép nhẹ nhàng và tự nhiên đủ để người xem thấy thú vị. Điển hình là phân đoạn Alan cầu hôn Joan Clarke theo một cách mà không ai có thể tưởng tượng ra hay cảnh anh chàng lớ ngớ “bất hợp tác” với người đồng nghiệp trong đội trong “phi vụ” cua gái của mình. Quả thật là thiếu kinh nghiệm tình trường “cao cấp”.
Kết quả hình ảnh cho The imitation game
Vụng về trên tình trường nhưng gái vẫn đeo
Đan xen giữa 3 thời điểm quá khứ (Alan còn nhỏ) – trong chiến tranh – hậu chiến nhưng The Imitation Game không hề khó hiểu hay làm giảm mạch cảm xúc khi xem. Đổi lại, nó được chuyển cảnh hợp lý, dễ chịu và khắc họa đầy đủ tính cách con người này.
Phim khai thác một khía cạnh khác trong cuộc chiến mà Hitler châm ngòi, với những phân cảnh ngoài chiến trường chiếm rất ít thời lượng của phim, chủ yếu là cuộc chiến trong bản thân mỗi người cộng sự của Alan và chính ông, từng ngày để có thể mã hóa thông tin và giúp quân Đồng minh giành chiến thắng. Cuộc chiến ấy cũng không kém phần khốc liệt và gian truân. Bên cạnh đề tài chiến tranh Thế giới thứ hai, phim còn đề cập đến một cuộc chiến tranh, âm ỉ nhưng không kém phần mãnh liệt trong thời điểm đó – cuộc chiến nhân quyền của cộng đồng người đồng giới khi chính Alan Turing là một trong số đó. Tại thời điểm đó, đồng tính được xem là một căn bệnh mà cả xã hội bài trừ. Bất chấp những cống hiến lớn lao của ông, khi cảnh sát phát hiện ra ông có một mối quan hệ với một cậu trai 18 tuổi, họ đã buộc tội ông “có hành vi không đứng đắn”.
Và theo luật lệ thời đó, hoặc phải điều trị bằng thuốc “triệt dâm” hoặc phải ngồi tù. Để có thể tiếp tục cống hiến cho khoa học, ông chọn hình thức thứ nhất. Phần cao trào nhất của phim không nằm ở trường đoạn về chiến tranh mà tất cả đã nằm ở những phân cảnh Alan khóc ngon lành như một đứa trẻ sau thời gian điều trị bằng thuốc trước mặt Joan Clarke. Alan ước rằng mình cũng được bình thường như cô nhưng Joan Clarke đã nói với anh rằng:
Giờ nếu anh ước rằng anh là người bình thường thì em hứa là sẽ không ước như vậy. Thế giới tốt đẹp hơn vạn lần chính bởi vì anh không như vậy!
Thật cảm động, thật tuyệt vời khi Alan đã tìm thấy Joan trong cuộc đời của mình. Dù hai người không thể trở thành một cặp đôi đậm chất ngôn tình nhưng là một cặp tri âm tri kỷ đáng để người đời ngưỡng mộ. Joan đã đặt để tình cảm vào người đàn ông ấy, dù cô biết rằng Alan là người đồng tính, nhưng vẫn sẵn sàng muốn bầu bạn cùng anh. Rất tiếc, Alan đã không dành cơ hội cho Joan bước vào cuộc đời mình.
Ngoài Joan Clarke, người có nhiều tác động tích cực Alan chính là cậu bạn thời trung học Christopher (cái tên mà Alan đã trân trọng dành cho máy giải mã của mình). Người duy nhất không kì thị, không xa lánh, không trêu chọc mà luôn cổ vũ cậu hết mình. Có thể nói, chính cuốn sách về mật mã mà Christopher tặng cho cậu, chính là bước khởi đầu cho thiên tài giải mã về sau.
“Đôi khi những người ai cũng tưởng không là gì lại làm được điều không tưởng!” – Christopher đã gửi đến Alan, một thông điệp ngắn gọn mà truyền động lực rất nhiều. Trong phim, bạn có thể thấy thông điệp này được nhắc lại nhiều lần, trong đó có Joan Clarke.
Thương thay cho số phận của một nhà khoa học tài ba lại phải trải qua giai đoạn cuối đời ê chề khi mắc “căn bệnh đồng giới”. Chúng ta phẫn nộ với chế độ đương thời. Chúng ta cảm thấy xót xa cho nghịch cảnh mà Alan Turing cũng như số phận của những người đồng tính trong thời gian đó. Chúng ta nuối tiếc vì tài năng của Alan không được phát huy hết mức khi ông tự kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 41. Và, càng đau lòng hơn nữa khi đến tận 2013, nữ hoàng Anh mới ân xá cho ông, và những thành tựu của ông trong Thế chiến thứ 2 mới chính thức được công nhận. Cống hiến của Alan cùng đồng đội đã rút ngắn cuộc chiến đến 2 năm và cứu sống khoảng 14 triệu người. Nhưng cuộc đời thật quá trớ trêu với Alan. Nếu ông sống trong thời đại này thì mọi chuyện có thể khác hơn rất nhiều.
Hãy xem phim để cảm nhận cuộc đời của Alan được tái hiện qua màn ảnh!!!
Kết quả hình ảnh cho alan turing
Alan Turing ngoài đời thực