Link phần 1: 
Phần II này, mình sẽ nói qua một số thuật ngữ được dùng trong phim để mọi người theo dõi dễ dàng hơn nha! Đây chỉ là các khái niệm bề mặt thôi chứ không đi sâu vào giải thích cặn kẽ 7 phần chìm bên dưới vì có muốn thì kiến thức của mình cũng không đủ đáp ứng.
Thật ra, trong phim cũng sẽ giải đáp chúng theo những cách cực kỳ dễ hiểu nhưng mình vẫn muốn nói qua để các bác đỡ tốn nhiều thời gian khi xem vì quả thật, mình coi đến khúc giải thích toàn tua lại để xem họ cái mẹo gì.
Hình ảnh có liên quan
Các bác nhớ chuẩn bị tinh thần trước khi đọc tiếp nhé! 
FED (Federal Reserve System): Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ vai trò như Ngân hàng Trung Ương. Cơ quan này sẽ đảm nhận các nhiệm vụ điều tiết, gây ảnh hưởng và điều soát các hoạt động tiền tệ và tài chính vĩ mô của Mỹ. Biết sơ sơ về FED nhiêu đó là được rồi, còn cụ thể nhiệm vụ chi tiết của nó thì hơi nhức đầu một tẹo bao gồm: 
1. Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tác động các điều kiện tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn
2. Giám sát và quy định các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn, vững vàng và bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng
3. Duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính
4. Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính thức nước ngoài, và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.
SEC (Securites and Exchange Commission): Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ. Nhiệm vụ của cơ quan chủ yếu là thiết lập các quy tắc, điều tiết và giám sát thị trường chứng khoán. Đơn giản vậy thôi, còn sâu xa nữa thì chỉ tổ nhức đầu.
FICO: Mấy bác xài thẻ tín dụng chắc không xa lạ với cái thuật ngữ này lắm đâu ha. FICO là điểm xếp hạng tín dụng do Fair Isaac Corporation xây dựng. Bác nào có điểm FICO càng cao, có nghĩa là được xếp hạng tín dụng tốt á, thì cơ hội vay được tiền sẽ càng cao. Điểm này được đánh giá trên nhiều tiêu chí: lịch sử tín dụng, lịch sử thanh toán (trả đúng hạn hay không), thời gian sử dụng, loại tín dụng….
Chứng khoán: Là cái bằng chứng để ghi nhận việc bác sở hữu tài sản hoặc vốn của người tạo ra cái chứng khoán đó. Có nhiều loại chứng khoán lắm, nhưng cổ phiếu và trái phiếu là 2 đại diện điển hình nhất của nó. Nhiều cái khác nữa nhưng trong phạm vi nội dung phim, nó chỉ đề cập đến 2 loại này!
Trái phiếu: Nói nôm na là bác cần tiền, bác đi vay, và ghi giấy xác nhận mượn nợ đưa cho người mà bác vay. Cái giấy đó được gọi là trái phiếu. Người chủ nợ giữ tờ giấy này, nhận lãi bác trả. Hết thời gian mượn, bác phải trả lại cả lãi & gốc.
Trong trái phiếu thì sẽ có trái phiếu kho bạc, đây là loại trái phiếu do Chính phủ phát hành, để mượn nợ của bác á. Đây được xem là loại trái phiếu an toàn nhất vì chính phủ có thể in tiền, tăng thuế để trả tiền cho bác. Bù lại cho sự chắc ăn đó, bác hưởng được ít lãi hơn.
Cổ phiếu: Khi doanh nghiệp muốn huy động vốn để phát triển mạnh hơn, họ sẽ phát hành cổ phiếu. Bác mua cái này có nghĩa là bác góp tiền cho họ, và trở thành một phần của họ. Khi doanh nghiệp tăng trưởng, giá cổ phiếu tăng, bác được hưởng cổ tức (lợi nhuận sau thuế chia cho các cổ đông) và ngược lại.
Trong phim có đề cập đến cổ phiếu công ty điện nước, tại sao? Vì những doanh nghiệp này có mức tăng trưởng ổn định, ai không cần điện, nước chứ nên đầu tư vào nó, dù không lãi nhiều nhưng an toàn cho số tiền của bác.
Lợi tức: Tức là tất cả các khoản tiền bác nhận được sau khi trừ đi khoản tiền ban đầu bác đã bỏ ra từ việc đầu tư. 
Thấu chi: Có nghĩa là bác chi vượt trên số tiền mà bác có.
Bán khống: Bác bán trước cái mà bác không có (ở đây là chứng khoán), sau đó mua lại đúng bằng số lượng mà bác bán để bù vô. Tại sao lại làm như vậy? Vì bác có thông tin mật (hoặc bấm độn tay) biết là, tương lai chứng khoán đó sẽ giảm giá. Nếu bác đúng, bác có tiền. Nếu bác sai, bác ăn hành. Vậy thôi! Liều thì ăn nhiều.
Hợp đồng quyền chọn: Hợp đồng này cho phép người giữ hợp đồng có quyền mua/bán một số lượng chứng khoán nhất định tại một thời điểm xác định trong tương lai với người ký hợp đồng này.
Thanh khoản: Là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản. Một tài sản càng dễ chuyển đổi thành tiền thì tính thanh khoản của nó càng cao. Đại loại là vậy.  
Bản cáo bạch: Khi chào bán chứng khoán trên sàn, bác phải có bản cáo bạch, nó sẽ giúp cho nhà đầu tư đánh giá về công ty của các bác, triển vọng đầu tư, rủi ro trong tương lai để họ suy nghĩ xem có nên đầu tư hay là không.
Nợ xấu: Nợ khó đòi khi chủ nhân của khoản nợ không còn khả năng trả nợ nữa. 
Standard & Poor’s (S&P), Moody’s: Là các tổ chức xếp hạng tín dụng, hai ông này là đối thủ của nhau. Họ cũng góp phần quan trọng vào cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 khi bán các xếp hạng tín dụng theo ý muốn cùa ngân hàng chứ không còn giữ vai trò trung lập là đánh giá nữa.
Đây tới phần cực kỳ quan trọng, những thuật ngữ được nhắc đi nhắc lại suốt thời lượng của phim, các bác để ý nha:
SP (sub-prime): Khoản vay dưới chuẩn là các khoản vay có mức tín nhiệm thấp. Nó tiềm ẩn nguy cơ cao là chủ nhân sẽ không có khả năng trả được nợ khi đến hạn. Độ rủi ro cao nên bù lại, lãi suất cho những khoản vay này sẽ cực kỳ hấp dẫn.
MBS (Mortgage Backed Securites): Chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp, mà cụ thể trong phim là bất động sản. Có nghĩa là khi mà người đi vay không có khả năng trả nợ thì người cho vay sẽ siết nhà của họ. Thay vì trước kia, ngân hàng sẽ phải nhận lãnh hậu quả khi người mua nhà hết khả năng trả nợ, thì bây giờ họ nhét cái rủi ro đó vào tay nhà đầu tư thông qua việc phát hành trái phiếu.
ABS (Asset backed securities): Chứng khoán đảm bảo bằng tài sản. Khác với MBS được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là bất động sản, ABS được đảm bảo bằng các tài sản khác có quyền hưởng trong tương lai như: mua ô tô, lãi tín dụng... 
CDS (Credit default swap): Hợp đồng hoán đổi nợ xấu được xem là một loại hợp đồng bảo hiểm. Trong The Big Short, các nhà đầu tư tin rằng các MBS cụ thể nào đó sẽ vỡ nợ trong tương lai. Lúc này họ sẽ ký một hợp đồng CDS với đối tác (là ngân hàng). Nhà đầu tư sẽ phải trả một khoản phí hằng tháng cho đối tác cho đến khi hợp đồng kết thúc. Trường hợp các MBS này vỡ nợ trong thời gian hợp đồng, ngân hàng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. Số tiền bảo hiểm là bao nhiêu thì hai bên sẽ tự thỏa thuận với nhau.
Tiền ký quỹ: Nó có mối liên hệ đặc biệt với CDS vì để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trả phí hằng tháng, nhà đầu tư buộc phải gửi một khoản tiền nhất định để ký quỹ cho bên thứ 3 trong 1 thời gian nhất định. Trong trường hợp nhà đầu tư không còn khả năng trả nợ, khoản tiền sẽ được đem ra thanh toán cho ngân hàng.  
CDO (Collateralized dept obligation): Chứng khoán hình thành từ nghĩa vụ nợ tổng hợp là một đống khoản vay dưới chuẩn lẻ tẻ được xếp hạng BBB, BB, B trộn lẫn với nhau và được gọi với cái tên mỹ miều “đa dạng hóa rủi ro” và được xếp hạng tín nhiệm lại 92% - 93% AAA để lừa dối nhà đầu tư (giải thích theo Jared Vennett)
Kết quả hình ảnh cho sàn chứng khoán
Để hình nhìn cho đỡ chán 
CDO phái sinh:  Được hiểu nôm na là CDO của CDO. Mình ví như CDO là một đống shit, nhưng bác lại tin rằng đống shit này sẽ sinh lời, bác sẽ mua 1 cái được gọi là CDO phái sinh cho đống shit này vì tin vào tương lai của nó. Rồi có một ai đó, cũng tin vào việc bác tin đống shit này là đúng, họ mua 1 cái CDO phái sinh của CDO phái sinh của bác tạo ra một hiệu ứng dây chuyền khi đống shit này bốc mùi thật sự. Mấy bác hiểu mình đang nói gì không? Mình cũng không hiểu được mình nói cái gì nên xem phim để rõ nhe chứ mình cũng không biết giải thích thế nào để nó dễ hiểu hơn.
ABX Index: Chỉ số theo dõi giá trị trái phiếu nợ vay dưới chuẩn. Các nhà đầu tư sẽ căn cứ vào chỉ số này đê đánh giá rủi ro của trái phiếu nợ vay dưới chuẩn mà đưa ra quyết định tốt nhất cho mình.
Thỏa Thuận ISDA: Thỏa thuận cho phép nhà đầu tư tham gia vào “chiếu trên” và giao dịch các loại chứng khoán cấp cao (trích giải thích trong phim)
Lãi suất cố định: Có nghĩa là, khi bác vay tiền, bác sẽ trả một khoản lãi cố định hằng tháng trong suốt thời gian bác vay tiền. Ưu điểm của nó là bác dự trù được số tiền mình cần trả hằng tháng nên giữ thế chủ động. Nhược điểm của nó là nếu biên độ biến động lãi suất của thị trường cao thì có thể, bác sẽ phải trả nhiều hơn so với thực tế, còn nếu thị trường ổn định, thì chẳng có gì để bàn.
Lãi suất thả nổi (lãi suất có điều chỉnh): Có nghĩa là, khoản lãi hằng tháng của bác trả cho ngân hàng nó sẽ có sự điều chỉnh (có thể là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng) và được ghi rõ trong hợp đồng. Mức điều chỉnh lãi suất được điều chỉnh theo lãi suất tham chiếu hoặc theo chỉ số lạm phát nên nó không cố định trong suốt thời hạn vay.
Ưu điểm là nếu nếu thị trường biến động lãi suất giảm, thì lãi suất sẽ giảm theo, bác được hưởng lại nhưng mà ngược lại nếu nó tăng mạnh thì bác sẽ phải trả lãi xanh mặt. Với thêm nữa, bác cũng không chủ động được khoản tiền lãi phải trả hằng tháng. Lựa chọn này như con dao 2 lưỡi chết người.
Trong phim, các trader “amateur” đã tích cực gạ gẫm những người vay “gà mờ” lựa chọn lãi suất có điều chỉnh để họ ăn hoa hồng cao. Và sau đó, số phận của những người vay “gà mờ” thì các bác biết rồi....
P/s:  Vì những thuật ngữ này, mình viết theo ý hiểu của mình cộng với việc tham khảo một số tài liệu, nếu có gì thiếu sót, các bác có thể góp ý thêm cho mình nhé! Cảm ơn các bác nhiều. 
Nhớ đón xem 2 phần cuối về nội dung chính của phim sau Tết nữa nếu các bác thích nha :) ! 
Link phần III.1:
Nguồn tham khảo:
Đọc thêm: