[Review Sách] Totto chan - Cô bé bên cửa sổ
Suy nghĩ và cảm xúc sau khi đọc: - Đây là cuốn sách mà bất cứ ai cũng nên đọc một lần trong đời, nhất là những bậc cha mẹ đang có...
Suy nghĩ và cảm xúc sau khi đọc:
- Đây là cuốn sách mà bất cứ ai cũng nên đọc một lần trong đời, nhất là những bậc cha mẹ đang có con nhỏ và quý thầy cô từ bậc mầm non đến trung học cơ sở.
- Những năm đầu đời của con trẻ là cực kỳ quan trọng. Những câu nói, hành động của người lớn đều có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến trẻ, chúng có thể nâng đỡ trẻ, giúp trẻ không những không tự ti về bản thân mà còn phát huy tối đa tiềm năng của các em nhưng cũng có thể vùi dập những tâm hồn non nớt của các em, làm các em bị tổn thương mà những vết thương đó khó mà lành hẳn được.
- Thật sự khâm phục phương pháp giáo dục của ông Kobayashi giúp cho một cô bé có tính cách đôi phần khác người như Totto-chan có được niềm tin tích cực vào chính mình, thay đổi cuộc đời cô vì nhiều lúc chính cô cũng đã tự hỏi cuộc đời của mình không biết sẽ như thế nào nếu phải đi học ở một ngôi trường khác; hay là cách ông giúp cho cậu bé Takahashi không những không tự ti về ngoại hình thấp bé của mình mà còn biến nó thành một thế mạnh nổi trội và có được cuộc sống hạnh phúc sau này; hay là trường hợp cô bé bị bại liệt Yasuaki-chan có thể hòa nhập với các bạn trong lớp, có những kỷ niệm đẹp cùng các bạn (mặc dù nó ngắn ngủi) mà không bị kỳ thị hay phân biệt nếu như bé lớn lên trong một ngôi trường khác.
Trích dẫn ưa thích:
- Riêng tôi, tôi không thể đánh giá hết câu ông thường nói với tôi "Em biết không, em thật là một cô bé ngoan" đã giúp tôi vươn lên như thế nào. Nếu tôi không đến trường Tomoe và không gặp ông Kobayashi thì rất có thể tôi sẽ bị mệnh danh là "một cô bé hư", đầy mặc cảm và nhút nhát.
- Ông Kobayashi đánh giá cao tính hồn nhiên và muốn để cho các đặc tính của trẻ em được phát triển càng tự nhiên càng tốt.
- Tất cả trẻ em bẩm sinh vốn tốt đẹp, và bản chất đó rất dễ bị môi trường xung quanh cùng những ảnh hưởng xấu của người lớn phá hoại. Mục đích của ông là khám phá "bản chất" của các em và phát triển nó, để giúp các em trở thành những con người với những phẩm chất riêng.
- Ông Kobayashi thường nhắc nhở các cô mẫu giáo đừng gò ép các cháu vào những khuôn mẫu định trước. "Hãy để các cháu phát triển tự nhiên", ông nói "Đừng cản trở khát vọng của các cháu. Ước mơ của các cháu lớn hơn mơ ước của các cô". Trước đó chưa có một trường mẫu giáo nào như thế ở Nhật Bản.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất