Cuốn sách Lấy nước đường xa của tác giả Linda Sue Park (dịch giả Nguyễn Thanh Tùng) là một cuốn sách hay. Tôi đánh giá nó hay, không phải vì tôi được tặng nó miễn phí, mà bởi nó kể về đời thực của một thế giới có thực song vì ở quá xa sự hình dung của chúng ta nên nội dung sách trở nên huyền ảo như trong các câu chuyện cổ tích- mặc dù nó có thực.

Cô bé Nya phải “mất nửa buổi sáng nếu không la cà dọc đường” mới có thể mang về chiếc can đựng nước. Sức vóc nhỏ bé ấy phải lê lết dưới cái nắng thiêu đốt  trên con đường xa xôi để mang về thứ nước chẳng mấy sạch sẽ- nhưng buộc phải có để duy trì sự sống của con người.
Do nội chiến, tồn tại ở đất nước Sudan chưa bao giờ là dễ dàng. Từ hơn hai mươi năm trước, chú bé Salva đã thấm thía điều đó.
Lạc mất gia đình sau một trận tấn công bất ngờ vào trường học, Salva lưu lạc hết trại tị nạn này đến trại tị nạn khác- xen kẽ vào đó là chuỗi ngày lang thang không nơi nương tựa của cậu. Xa lìa trường học, cuộc sống khắc nghiệt đã trở thành người thầy rèn luyện chú bé Salva.
Quá trình trưởng thành của Salva gắn liền với những biến động, nghịch cảnh. Hoàn cảnh ấy đã hun đúc mong muốn vượt khó, vượt khổ để trở nên hữu ích của cậu. Không có hình thức giáo dục phụ thuộc vào lời khen, sự trách mắng, công thức hay phương pháp tân tiến nào đủ khả năng tạo nên nét tính cách này nơi Salva.
Bởi công cụ duy nhất mà cuộc sống đem ra giảng dạy cho cậu chính là những tình thế mà lựa chọn trực tiếp của bản thân sẽ quyết định cậu tiếp tục tồn tại hoặc không.
Nếu nước là biểu trưng cho nguồn sống và trí tuệ thì hành trình lấy nước của Salva cũng nhọc nhằn không kém gì Nya. Vào những thời điểm then chốt, lời nói của người chú quá cố như chiếc kim chỉ nam dẫn dắt cậu: “Cháu có làm được không, Salva Mawien Dut Ariik?”. Sự khích lệ đúng lúc và tình thương sáng suốt của người chú đã biến Salva bé nhỏ thành một thủ lĩnh từ lúc nào không hay.
Dấu hiệu nhất biết rõ nhất cho điều này nằm ở hành động: Salva quyết tâm quay lại Sudan để mang lại nguồn nước cho mọi người. Và hơn thế, sau giếng nước, sẽ là trường học.
Đó cũng là thời điểm số mệnh kết nối Salva với cô bé Nya.
Đồng thời, đây cũng là lúc tôi nên dừng bài review này ở đây để bạn tự tìm đọc.

Cuốn sách “Lấy nước đường xa” không chỉ gợi nên những rung cảm thương xót mà còn giúp người đọc nhận ra cuộc sống vốn dĩ là một món quà với bất kì ai biết trân trọng- đặc biệt là có đủ can đảm để trân trọng từng phút giây. Vì đời người mải miết tìm nước biết đâu lại quên mất chính bản thân mình cũng là một dòng nước?