Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love) là bộ phim của đạo diễn Vương Gia Vệ. Phim ra mắt công chúng năm 2000, nhưng đến nay ấn tượng về bộ phim này cùng hai diễn viên chính Lương Triều Vỹ (trong vai Châu Mộ Văn) và Trương Mạn Ngọc (trong vai Tô Lệ Trân) vẫn chưa phai nhạt.
Nội dung bộ phim xoay quanh một đề tài rất tế nhị lúc ban sơ nhưng đầy sóng gió khi kết thúc: đó là tình yêu trong hôn nhân và tình yêu ngoài hôn nhân- người ta thường gọi đó là ngoại tình. Tôi có thắc mắc là trong hôn nhân có thực sự tồn tại tình yêu không nhỉ? và ngoài hôn nhân vì sao không thể có tình yêu?
Có lẽ bạn sẽ thấy câu hỏi ấy thật vô lý, nhưng từ từ đã, cho tới khi xem xong bộ phim này biết đâu bạn lại thấy chút lý lẽ trong đó?
Ông Châu và bà Tô có thể trở thành những người hàng xóm tốt của nhau nếu như vợ ông Châu và chồng bà Tô không ngoại tình với nhau. Tôi khá ấn tượng với việc ống kính không quay gương mặt của người ra đi, mà tập trung vào toàn bộ diễn biến cảm xúc cùng những nỗi thống khổ, cô đơn của hai con người bị bỏ lại.
Ông Châu là một người đàn ông bình thường, lịch sự và quan tâm tới vợ- dù vợ ít khi ở nhà để ông quan tâm. Ông có một niềm tin thiêng liêng vào lòng chung thủy. Ông tin rằng mình sống luôn có ranh giới, chừng mực và tuyệt đối sẽ không để mắt tới những người phụ nữ đã có chồng.
Bà Tô là một người phụ nữ thanh lịch, có phần dè dặt và tôn trọng chồng- dù chồng thường xuyên không có nhà để nhận sự tôn trọng ấy. Bà cẩn trọng trong giao tiếp, giữ khoảng cách với người lạ. Một người phụ nữ đức hạnh với phẩm giá truyền thống.
Vậy nhưng khi phát hiện chồng, vợ mình ngoại tình với nhau, họ đã làm gì? Sẽ không có màn rình rập, thuê thám tử, xông tới bắt quả tang hay tấn công tình địch. Đây là bộ phim “Tâm trạng khi yêu”, không phải “hành động khi ghen”. Họ bình tĩnh hẹn gặp nhau uống cà phê để xác minh lại sự việc. Sự bình tĩnh đầy nhân văn nhưng cũng rất kì lạ. Người vẫn còn tha thiết yêu vợ, chồng liệu có sự bình tĩnh này không? Có thể bởi vì họ được giáo dục rất tốt, cũng có thể tình yêu trong lòng họ đã chết từ lâu nên họ chỉ cảm thấy đã đến lúc phải chấp nhận sự thực ấy: họ không đủ can đảm, nên người vợ - chồng đã thay họ ngoại tình.
Mối quan hệ giữa hai trái tim vừa chán ngán, vừa khao khát tình yêu đã nảy nở trong họ. Dù có thừa nhận hay không, nhưng năm tháng sóng gió này họ đã nương tựa vào nhau để học cách đối diện với sự thực về cuộc hôn nhân chưa từng hoặc đã từng hạnh phúc của chính mình- dù thế nào thì cuộc hôn nhân đó cũng đã thuộc về quá khứ.
Họ đã yêu nhau trong khi không thể yêu nhau bởi sự ràng buộc trong cuộc hôn nhân của mình. Cuộc hôn nhân mà đáng lẽ họ xứng đáng được yêu, nhưng cuối cùng thì lại không hề được yêu.
Bối cảnh bộ phim theo cảm nhận của tôi là khá tối, thỉnh thoảng điểm thêm những cơn mưa tầm tã. Có lẽ đó là dòng cảm xúc của hai nhân vật chính, với tâm trạng bế tắc. Nỗi tuyệt vọng đôi lúc biến mất, để rồi thình lình trở lại với những khoảnh khắc im lặng. Một người tựa bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài, còn một người bước đi âm thầm trên con đường vắng vẻ- thấm đẫm sự cô liêu đồng thời phảng phất chút xót thương cho số phận của mình, của người.
Hôn nhân có còn là giải pháp để trốn chạy nỗi cô độc nữa không, hay càng làm cho con người ta nhận ra đó chỉ là một thứ hợp đồng mà đôi bên đều mong muốn được phá vỡ hay lách ra khỏi vài điều khoản? Vô vàn điếu thuốc lá tàn lụi của ông Châu cũng không thể giúp ông trả lời được câu hỏi này.
Bộ phim giúp tôi nhận ra tính hữu hạn của tình yêu và tính vô hạn của sự cô đơn. Bởi lòng chung thủy thì khó tìm thấy hơn một mối quan giống với tình yêu. Người ta có thể yêu nhau chỉ vì yêu, nhưng họ không thể kết hôn với nhau khi chỉ có duy nhất tình yêu mà không kèm theo trách nhiệm.
Ngoài đời thực, liệu có xảy ra những tình huống giống với bộ phim này? Câu trả lời có lẽ nên để những người đã lập gia đình chia sẻ. Vì tôi chưa lập gia đình nên không thể khẳng định được. Tôi chỉ biết rằng gia đình tan vỡ thì không chỉ người lớn suy sụp, mà con trẻ cũng phải gánh lấy nỗi đau khổ.
Hôn nhân dường như là một khái niệm mà có cũng được, không cũng được, mới cũng được, cũ cũng được, miễn là không bao giờ biến nó thành vấn đề trong cuộc sống. Ông Châu, bà Tô trong phim đã chọn giải pháp: một người nhờ năm tháng, còn một người thầm thì nơi chiếc lỗ trên tường đá để chôn vùi tất cả những gì thiêng liêng nhất mà cũng con người nhất về cuộc đời mình.
“Tôi tưởng mình khác họ, nhưng tôi đã nhầm” là điều ông Châu nhận ra, với tâm trạng không vui, không buồn, không thù hận và cũng không hân hoan.
Tâm trạng khi yêu (In the Mood for love) hấp dẫn tôi với kết thúc không mang đến câu trả lời mà mang đến những câu hỏi và sự dở dang thường thấy ở kiếp người. Hình như luôn có điều gì đó dở dang trong đôi mắt của một con người đã từng yêu thực lòng.
Có lẽ người sâu sắc khi yêu thì thê thảm hơn những người hời hợt. Vì sự hời hợt ấy giúp họ hạnh phúc, tuy rằng nó thường khiến họ mang đau khổ đến với người họ yêu. Hạnh phúc và đau khổ trên nhân gian cuối cùng lại không cách xa nhau đến thế.
*Ảnh trong bài viết được sưu tầm từ Internet