3 điều rút ra được từ Khi hơi thở hóa thinh không
Đọc những phần cuối cuốn sách, mình tin rằng anh em sẽ có nhiều cảm nhận khác nhau. Nhưng với mình, mãnh liệt hơn cả là ý chí của tác giả đặt trong quyển sách này. Một người bị ung thư ác tính giai đoạn cuối như Paul vẫn đủ sức để hoàn thành những việc dang dở mà anh muốn.
Hế lô anh em. Mình vừa đọc xong một cuốn sách phải nói là rất rất hay, đó là cuốn Khi hơi thở hóa thinh không. Và hôm nay mình sẽ điểm lại một số điều rút ra được từ cuốn này, cùng chia sẻ với anh em 😊
Khi hơi thở hóa thinh không là một cuốn sách đặc biệt. Nó là lời tự sự của Paul Kalanithi, một bác sỹ phẫu thuật. Cuốn sách kể về cuộc đời anh, một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ để trở thành một bác sỹ phẫu thuật chuyên nghiệp.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Paul đã tiến hành phẫu thuật và cứu sống biết bao nhiêu người. Nhưng câu chuyện lần này lại khác, một ca phẫu thuật khác biệt, bệnh nhân lại chính là anh.
Tôi lướt qua ảnh chụp CT, chuẩn đoán đã rõ ràng: hai phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thùy gan bị phá sạch. Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt sáu năm qua, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của... chính tôi.
(Trích đoạn trong sách)
Từ vị trí một bác sỹ, đem lại hi vọng về sự sống cho bệnh nhân. Nay mọi thứ hoàn toàn đảo ngược. Paul là bệnh nhân, và đang từng ngày hi vọng sự sống vào những đồng nghiệp bác sỹ của mình.
Bài viết cùng chủ đề:
Câu chuyện này mang đến rất nhiều điều hay ho cho mỗi người đọc. Và dưới đây là 3 điều mình tâm đắc nhất rút ra được từ cuốn sách thú vị này.
1. Muốn làm gì, thì hãy cứ làm, ít nhất một lần trong đời
Paul là người có hứng thú rất lớn với Văn học, Lịch sử và Y khoa. Anh mong mỏi tìm được điểm chung giữa 3 lĩnh vực này.
Một điểm đặc biệt là anh rất thích viết, và viết rất nhiều.
Tôi đã dần coi ngôn ngữ như một năng lực gần như siêu nhiên tồn tại giữa người với người, mang bộ não được bóc kín trong vỏ sọ dày cả centiment của chúng ta đi tới chỗ giao tiếp được.
(Trích đoạn trong sách)
Mặc dù đã theo học chương trình Lịch Sử và Triết Học tại ĐH Cambridge, nhưng Paul chừng từng một lần theo đuổi khát khao trở thành nhà văn chuyên nghiệp của mình. Và sau đó, anh dành cả đời cho Y Khoa.
Tuy vậy vào khoảnh khắc cuối đời, với nghị lực phi thường Paul đã dành hết sức lực để chia sẻ câu chuyện của mình ngay trong cuốn sách này.
Xin nhắc lại là ảnh bị ung thư phổi, phải uống Tarceva, và cứ 3 tuần phải tiến hành hóa trị một lần.
Cuốn sách chỉ có 2 chương, với kết thúc khá... tiếc nuối. Cảm giác như anh em đang đọc, và cảm nhận ngay được rằng: tác giả đã dừng bút và không còn đủ sức lực để viết tiếp câu chuyện của mình.
Đọc những phần cuối cuốn sách, mình tin rằng anh em sẽ có nhiều cảm nhận khác nhau. Nhưng với mình, mãnh liệt hơn cả là ý chí của tác giả đặt trong quyển sách này.
Một người bị ung thư ác tính giai đoạn cuối như Paul vẫn đủ sức để hoàn thành những việc dang dở mà anh muốn. Hoặc nói đúng hơn là khát khao được trở thành nhà văn của anh, khát khao được cho ra đời những tác phẩm do chính mình viết.
Những phút cuối đời, anh vẫn đấu tranh mãnh liệt để biến những khát khao đó thành hiện thực. Vậy thì không có lý do gì một người khỏe mạnh bình thường như mình lại để mọi việc dang dở như thế mãi được.
Ai cũng có khát khao, ước mơ, và không phải ai cũng sống mãi cả. Nếu ngày mai có điều gì đó không hay xảy đến, thì tại sao không bắt tay vào làm những điều đó ngay bây giờ chứ.
Đọc Khi hơi thở hóa thinh không, mình cảm nhận rõ được niềm yêu thích văn chương cực kỳ mãnh liệt của tác giả. Và thật tự hào, với những gì mình muốn, Paul đã hiện thực hóa được nó, ngay cả khi cơ thể dần trút những hơi thở cuối cùng.
Đây là điểm cực kỳ hay của cuốn sách. Và nó càng được củng cố thêm ở một tình tiết: Paul và vợ Lucy của anh chưa có con.
Và một quyết định những ngày tháng cuối đời được đưa ra, Paul và Lucy muốn có con ngay trước khi Paul từ giã cuộc đời! Họ đã thụ tinh ống nghiệm để có thai thật nhanh.
Chín tháng sau đó, bé Cady chào đời, ngay trong quãng thời gian Paul vật vã với sự sống, với lưỡi cưa thần chết lúc nào cũng nhăm nhe đưa anh về với cõi chết.
Nhưng sau cùng, anh đã được làm bố.
Đoạn Lucy sinh con, Paul nằm cạnh vợ mình trên chiếc giường bệnh gần đó, người anh xương xẩu run lên bần bật vì lạnh chắc chắn sẽ không khỏi khiến anh em xúc động.
Tôi nắm tay Lucy trong suốt khoảnh khắc cuối của việc chuyển dạ. Và sau đó, với cú rặn cuối cùng, con gái chúng tôi chào đời, vào 2 giờ 11 phút, sáng ngày Quốc Khánh [...].
"Chúng tôi có thể đặt cô bé lên ngực anh được không papa?" Y tá hỏi tôi.
"Không, tôi quá l-l-lạnh," tôi nói, răng đánh lập cập. "Nhưng tôi muốn được ôm con bé".
Họ cuốn bé trong chăn và chuyển cho tôi. Cảm nhận sức nặng của con gái trong một tay, và cầm chặt bàn tay Lucy ở tay còn lại, mọi khả năng về cuộc đời đều hiện ra trước chúng tôi. Những tế bào ung thư có thể tiếp tục chết, hoặc bắt đầu phát triển lại.
Nhìn về dải đất mở rộng phía trước, cái tôi nhìn thấy không phải là một mảnh đất hoang trống rỗng, mà là thứ gì đó đơn giản hơn: Một trang giấy trắng tôi cần phải tiếp tục viết.
(Trích đoạn trong sách)
2. Cái chết đôi khi chưa phải là cái kết tệ nhất
Mình tạm chia Khi hơi thở hóa thinh không thành 3 phần: phần mở đầu - khoảng 20%, phần giữa - khoảng 70% và phần kết thúc - 10%.
20% đầu bài là phần mở đầu cực kỳ hay, và cực kỳ lôi cuốn.
70% tiếp theo tác giả tập trung chia sẻ câu chuyện của mình như: công việc hằng ngày của một bác sỹ phẫu thuật, đối mặt với sự sống cái chết ra sao, áp lực công việc, cũng như những suy nghĩ của chính tác giả với vai trò một người mang lại sự sống cho người khác.
Sure với anh em một điều, đọc cuốn này xong, chắc chắn anh em sẽ biết thêm rất nhiều thứ hay ho về bác sỹ, về y khoa, và cả về ngành phẫu thuật, mổ xẻ.
Nhưng trên hết, anh em sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về... cái chết.
Đôi khi, sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi, bạn hít thở mà không nhận ra. Nhưng khi khác, giống như những ngày trời nồm ẩm ướt, nó có sức nặng riêng đến ngạt thở.
Đôi khi ở bệnh viện, tôi cảm thấy như mắc kẹt trong một mùa hè ở chốn rừng hoang vô tận, người sũng mồ hôi, những cơn mưa nước mắt của các gia đình có người thân bỏ mạng đang ào ào rơi xuống...
(Trích đoạn trong sách)
Paul kể lại, một hôm ở nhà ăn thì được thông báo chuẩn bị có một ca chấn thương nghiêm trọng, và được thuật lại rằng: "Nam, hai mươi hai tuổi, tai nạn xe máy, bốn mươi dặm một giờ, có thể não đã chui ra theo đường mũi..."
Và sau đó là 30 phút miệt mài của Paul và các bác sỹ.
Kiểm tra các chức năng sống, kê khay thông khí quản, kiểm tra mặt, đồng tử giãn rộng, bơm mannitol giảm sưng phù não, soi cắt lớp cho thấy hộp sọ vỡ nát, xuất nặng trên diện rộng. Bên cạnh đó là huyết áp giảm đột ngột.
Tiếp theo đó, như Paul nói: "một cơn lốc những nỗ lực vây quanh cậu": ống thông tĩnh mạch được nhét sâu trong ngực, thuốc được đẩy vào ven tĩnh mạch và những nắm đấm thúc mạnh vào trái tim để giữ cho dòng máu thông chảy.
30 phút sau, Paul và các bác sỹ đành phải... để cậu ra đi.
Sau ba mươi phút, chúng tôi để cậu ra đi. Với dạng chấn thương đầu thế này, chúng tôi thầm thì nhất trí rằng: cái chết là hơn cả.
(Trích đoạn trong sách)
Paul cũng như các bác sỹ khác, không phải là đối thủ của cái chết, mà theo anh, bác sỹ chính là đại sứ của cái chết.
[...] Tôi phải giúp những gia đình đó hiểu rằng, con người mà họ đã biết - con người độc lập và đầy sự sống đó - giờ chỉ còn trong quá khứ.
Và rằng, tôi cần họ ra quyết định để tôi hiểu được anh ấy/ chị ấy muốn một kiểu tương lai như thế nào: một cái chết nhẹ nhàng hay một tương lai bị chằng buộc giữa những túi dung dịch đi vào đi ra trong cơ thể, để bám trụ cuộc sống ngay cả khi đã mất khả năng chiến đấu.
(Trích đoạn trong sách)
Anh em thấy đó, cái chết là ghê gớm, là thứ mà ai cũng sợ.
Nhưng đôi khi nó lại là giải pháp phù hợp trong một số tình cảnh nhất định.
Nhưng đôi khi nó lại là giải pháp phù hợp trong một số tình cảnh nhất định.
Đọc Khi hơi thở hóa thinh không là đọc về cuộc đời của một bác sỹ phẫu thuật, đọc về ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Sẽ rất nhiều lần, cái chết, sự sống, chết kiểu này, chết kiểu kia được nhắc đến, sẽ khiến anh em không khỏi sợ hãi và ám ảnh về cuộc sống hiện tại của chính mình.
Và nó dẫn tới cảm xúc thứ ba, một cảm xúc rất quan trọng mà mình nghĩ ai cũng sẽ cảm nhận được sau khi đọc xong quyển này.
3. Hiểu và biết quý trọng bản thân
Mình đọc sách chủ yếu vào buổi tối, trước khi ngủ, và cuốn này cũng không ngoại lệ.
Nhưng như mình có nói, "chết chóc" là thứ được nhắc đến khá nhiều trong cuốn sách, nên đâu đó, đọc cuốn này vào buổi tới sẽ hơi creepy một chút.
Run run là cảm giác đầu tiên của mình khi đọc tới những đoạn mô tả... một ngàn lẻ một cách tử vong của bệnh nhân. Kết hợp giữa trời tối lạnh, nằm ở nhà một mình, gió thổi nhè nhẹ làm đung đưa rèm cửa sổ, mình chuyển sang giai đoạn hai là hơi tái tái.
Nhưng may quá, những đoạn creepy đó qua khá nhanh, bởi ngay sau đó là những lời tự thuật của Paul.
Đó là suy nghĩ của anh về cái chết, về cơ thể người bệnh đang dần chết mòn, và hơn hết là về chính cái chết của anh.
Không giống các bệnh nhân thông thường, "bệnh nhân Paul" biết rõ căn bệnh của mình. Anh biết rõ từng bộ phận trên cơ thể đang dần bị hủy hoại ra sao.
Và dĩ nhiên khi phát hiện ra bệnh, anh hoàn toàn không tin vào điều đó. Vì anh chính là một bác sỹ phẫu thuật, đang trong đà phát triển sự nghiệp, và bi kịch này không thể nào xảy ra với anh được.
Hành trình của tôi từ một sinh viên y khoa vươn tới vị trí giáo sư về phẫu thuật thần kinh đã đến hồi kết: sau 15 năm tu luyện miệt mài, tôi quyết tâm phải kiên trì nốt trong 15 tháng tới đến khi chương trình nội trú kết thúc.
Tôi giành được sự tín nhiệm của những người đi trước, đạt được nhiều giải thưởng quốc gia danh giá và đang cân nhắc đề nghị làm việc từ vài trường đại học lớn .
Giám đốc chương trình học của tôi ở Stanford gần đây đã gặp tôi và nói: "Paul, tôi nghĩ anh sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho bất kỳ công việc nào mà anh lựa chọn. Thông tin cho hay: chúng tôi đang bắt đầu tìm kiếm một người như anh cho vị trí trong khoa". [...]
Ở tuổi 36, tôi đã gần leo đến đỉnh núi; tôi có thể nhìn thấy Vùng Đất Hứa, từ Gilead, Jericho cho tới Địa Trung Hải. Tôi có thể thấy trên biển đó chiếc tàu xinh đẹp mà Lucy, những đứa con và tôi vẫn đi nghỉ cuối tuần trên đó. [...]
(Trích đoạn trong sách)
Ở tuổi 35, nếu nhận thấy mình có những dấu hiệu sụt cân đột ngột, những cơn đau lưng bộc phát, là một bác sỹ, sẽ không ai không nghĩ đó là ung thư. Nhưng vấn đề là mình chấp nhận nó như thế nào. Những chuyển biến tâm lý của tác giả chắc chắc sẽ làm anh em không khỏi xúc động.
Cái hay là tác giả dẫn dắt và cho chúng ta thấy được sự thay đổi góc nhìn của chính tác giả qua các giai đoạn ra sao.
Trong căn phòng này, tôi đã từng ngồi với bệnh nhân và giải thích cho họ kết quả chuẩn đoán cuối cùng cũng như các phẫu thuật phức tạp; trong căn phòng này tôi chúc mừng bệnh nhân vì được chữa khỏi và chứng kiến niềm hạnh phúc của họ khi được trở về với cuộc sống; cũng trong căn phòng này, tôi tuyên bố những bệnh nhân tử vong. [...]
Mà giờ tôi nằm đây, hoàn toàn tỉnh táo.
Một y tá trẻ tôi chưa từng gặp ngó đầu vào: "Bác sĩ sẽ tới ngay".
Vậy là cái tương lai mà tôi đã tưởng tượng, cái mà tôi sắp sửa đạt được, đỉnh cao nhất sau bao thập kỷ tranh đấu cho nó, đã hoàn toàn bay hơi.
(Trích đoạn trong sách)
Đọc một cuốn sách hay, nói về sự sống và cái chết, một mình, ngay giữa đêm khuya sẽ không khỏi khiến anh em ngừng suy nghĩ về bản thân mình.
Đọc về Paul, mình biết thêm về một con người mới, với những khát khao, mong muốn mãnh liệt, rõ ràng và không ngừng theo đuổi nó, đến khi gần như trút những hơi thở cuối cùng.
Nó khiến mình phải tự nhìn nhận và đối chiếu lại bản thân, thực sự mình đã hiểu rõ chính mình, biết quan tâm đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân của mình hay chưa?
Đọc thêm:
Tất cả những gì Paul kể, tự mỗi người trong chúng ta sẽ rút ra được những bài học cho riêng mình. Và đó là một câu chuyện đẹp, truyền cảm hứng và mãi là như vậy.
Lời tự sự của Lucy, vợ Paul.
Hai ngày sau khi Paul mất, tôi viết một trang nhật ký gửi tới con gái Cady của chúng tôi:
"Khi một ai đó ra đi, mọi người thường có xu hướng nói những điều tốt đẹp về người đó. Con hãy nhớ rằng tất cả những gì tuyệt vời mà mọi người đang nói về cha con là thực. Cha con thật sự tốt đẹp và dũng cảm."
(Trích đoạn trong sách)
Trên là những chiêm nghiệm của mình về cuốn Khi hơi thở hóa thinh không. Thực sự đây là một quyển rất hay, đỉnh của đỉnh thuộc thể loại tự sự. Rất đáng để đọc.
Hi vọng nãy giờ mình không spoil gì nhiều :v Những trích đoạn là những ví dụ điển hình mà mình muốn dẫn chứng, nếu nó hay 10, thì cả cuốn sách hay 100. Vậy nên cứ mua sách về đọc, và thưởng thức đi nhé anh em 8-)
Đây là cuốn hiếm hoi trong top Bestseller mà mình thấy hay thực sự. Mình tin rằng nếu anh em đọc, chắc chắn sẽ nhận ra được nhiều điều thú vị :)
Originally published at Thinhnotes.com
Bài viết cùng tác giả:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất