“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là một cuốn sách khá được mong chờ khi sắp xuất bản không chỉ tại ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ, nơi nó được xuất bản lần đầu. Đó là bởi vì tác giả của nó - Ocean Vương, là một cây viết rất được chú ý sau khi tập thơ “Night Sky With Exit Wounds” (Trời đêm những vết thương xuyên thấu) của anh tạo được tiếng vang lớn và được trao giải TS Eliot và giải Whites Award. Sau khi ra đời, cuốn sách cũng rất được đón đọc, nó nhanh chóng được xuất bản ra nhiều thứ tiếng và chiến thắng hoặc lọt top đề cử của một số giải thưởng văn học uy tín. Trên Goodreads, cuốn sách cũng đạt điểm 4.05/5 với hơn 200.000 lượt đánh giá, không tồi! Nhưng những cuốn sách danh giá và best seller được xuất bản ở Việt Nam không phải là ít, điều khiến cuốn sách này được chú ý hơn là bởi tác giả của nó, như bạn có thể đoán, là người gốc Việt và cuốn sách này mang rất nhiều màu sắc tự truyện và cả tự sự của anh. Nhưng mà với mình thì mình chốt đơn mua cuốn này vì cái tên và cái bìa quá đẹp và thật may là không phải thất vọng vì điều đó :).
Nói thêm một chút về tác giả, Ocean Vương tên thật là Vương Quốc Vinh, là một nhà thơ, nhà tiểu luận và nhà văn trẻ người Mỹ gốc Việt, sinh ra ở Sài Gòn nhưng đã nhập cư ở Mỹ từ bé cùng gia đình theo dạng tị nạn chiến tranh. Cuốn sách này là tiểu thuyết đầu tay của tác giả và câu chuyện được kể trong tác phẩm phần lớn lấy từ câu chuyện có thật xảy ra với gia đình anh. Cuốn sách được viết dưới dạng những lá thư rời rạc của một đứa con trai gửi cho mẹ không biết chữ mong cho rằng nếu có kiếp sau thì bà sẽ đọc được những dòng chữ của anh, nhưng nó cũng giống như những trang nhật ký mà từ đó hiện lên câu chuyện về hành trình trưởng thành của tác giả bên mẹ, bà ngoại và cả người bạn trai khi bước vào tuổi mới lớn. Mặc dù vậy nó cũng không phải chỉ là một cuốn tự truyện thông thường, nó giàu tính tự sự và hơn cả là rất giàu chất thơ với rất nhiều những chiêm nghiệm về nhân sinh và kiếp sống vô thường.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Cuốn sách được chia làm 3 phần và khi đọc bạn sẽ phần nào cảm nhận được trình tự tuyến tính của nó, từ khi cậu con trai mới 6,7 tuổi cho đến khi bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, trình tự này không bao giờ thực sự rõ ràng hay được kể một cách rành mạch theo trình thời gian, nó như những mảng ký ức khi mờ khi tỏ, cái sau gọi cái trước và có khi ký ức lại gọi một ký ức khác xa xôi hơn. Trên nền của những mảnh ký ức ấy là lời tâm sự, đôi khi là những dòng thơ, là những quan sát và cảm nhận rất dịu dàng và tinh tế của tác giả. Với cách viết này, tác phẩm thu hút người đọc không phải bởi sự tò mò về diễn biến của câu chuyện mà là sự đắm chìm vào dòng chảy của ký ức và suy nghĩ của tác giả và rồi nhận thấy sự đồng cảm từ chính mình.
Để nói về câu chuyện trong tác phẩm, thì đây là một câu chuyện về một gia đình nhập cư vì chiến tranh khá điển hình, không có gì quá đặc biệt hay độc đáo nhưng nó vẫn đủ để cuốn hút người đọc và đôi khi có những trang viết khiến mình lặng đi vì xúc động. Hiện lên trong cuốn sách là câu chuyện về một cậu bé rời khỏi đất nước tuổi thơ của khói lửa và cực nhọc, đất nước mà cậu không hề có ký ức và nó chỉ hiện lên trong câu chuyện của bà và mẹ, những người vì nó mà bỏ chạy nhưng bóng ma từ chiến tranh vẫn luôn hiện về theo cách này hay cách khác. Lớn lên ở xứ sở cờ hoa dưới danh nghĩa là một người nhập cư nghèo khó, anh lạc lõng và luôn có cảm giác mình là người ngoài rìa, một người da vàng, đồng tính và xa lạ, chật vật để hòa nhập nhưng lúc nào cũng cảm thấy như thể mình vô hình. Nhưng dù những trang viết của anh không thiếu những nỗi buồn, những khắc khoải và sự cô đơn, nó cũng không xa vào bi lụy mà nó tràn đầy cả tình yêu lẫn cái đẹp cũng như sự mong manh , thứ ta nhận ra khi quan sát cuộc đời sau những mất mát và nỗi đau.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Để nói về nhân vật thì nhân vật khiến mình xúc động nhất là những nhân vật nữ trong tác phẩm: người mẹ và người bà. Người mẹ tên là Rose, hay là Hồng trong tiếng Việt. Bà là một người con lai - đứa con của một người mẹ Việt Nam và một người lính Mỹ mà cả đời bà cũng không biết là ai. Mang trong mình nước da trắng như dân Mỹ nên cả tuổi thơ bà bị những đứa trẻ ở Việt Nam bắt nạt và hắt hủi, đến nỗi phải dầm mình xuống dưới nước để trốn tránh. Rồi đến khi sang Mỹ, vì không biết tiếng Anh và không biết chữ, bà mãi mãi đóng vai người nhập cư xa lạ, không được chấp nhận vì không thể hòa nhập. Không có bố và sau này thì bị người chồng bạo hành nên bà chỉ có mẹ, chị gái và đứa con trai để bầu bạn. Sống trong nghèo khó và không thể hòa nhập ở cả hai đất nước, cuộc đời của bà quá nhiều vất vả và nỗi buồn đến nỗi bà phải thốt lên “những điều tốt đẹp chỉ xảy ra ở nơi khác”. Mặc dù không miêu tả rõ ràng, qua những trang viết của Ocean Vương, người mẹ hiện lên đôi khi rất khắc nghiệt, nhưng trên tất cả vẫn là tình yêu và sự thấu hiểu, điều có thể cảm nhận qua mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa tác giả và người mẹ ,và trong cách anh miêu tả mẹ mình quá đỗi dịu dàng và thân yêu.
Một nhân vật hiện lên rất đẹp nữa là người bà. Sống ở Việt Nam phần lớn cuộc đời, nên ký ức của bà về Việt Nam, về chiến tranh, về vùng đất Gò Công nơi bà sống cũng sâu sắc và nhiều ám ảnh hơn. Bà là người đặt cái tên Chó Con cho Vương để gọi ở nhà vì ở Việt Nam ngày xưa, người ta gọi tên con bằng những cái tên xấu để bảo vệ nó, tránh nó bị những điều xấu, những ác ma bắt đi mất. Bà kể cho Chó Con những câu chuyện về ngày xưa khi bà còn trẻ, những câu chuyện đã được thay đổi ít nhiều để kể cho trẻ con và ít nhiều bị bóp méo vì sự sai lệch của ký ức. Nhưng đôi khi, bà cũng bị lạc đi trong câu chuyện của chính mình, để thốt lên những lời bi ai, than khóc, để tự thương xót chính mình và để trở về là một cô bé mong có ai đó dang tay bảo vệ. Dù đã bị cuộc sống và cả cuộc chiến dập cho tả tơi, đến nỗi phải sống những năm tháng cuối đời với chứng tâm thần phân liệt và những cơn ác mộng bị lửa thiêu cháy, bà vẫn hiện lên là người phụ nữ mạnh mẽ, khôn ngoan và hiểu chuyện, người đã bỏ trốn khỏi cuộc hôn nhân bị áp đặt mang theo đứa con gái, tự đặt cho mình cái tên mới là Lan - tên của một loài hoa, rồi một thân một mình ở vùng đất xa lạ, phải bán thân cho lính Mỹ để nuôi con rồi cả đến khi sang Mỹ cũng không thể đoàn tụ với người chồng thứ hai và cuối cùng cũng chỉ có mấy mẹ con sống cùng nhau trong một khu nghèo khó ở Hartford. Đến cuối cùng, khi đã mất đi, bà mới được trở về với đất mẹ, vùng đất Gò Công mà bà luôn nhớ đến, dẫu ở đó bà đã chịu đựng biết bao đau thương.
Một người khác nữa cũng không thể không nhắc đến, là Trev, hay Trevor, bạn trai thời niên thiếu của Vương. Trev là một cậu bé da trắng, sống với bố ở trong một xe thùng - một kiểu nhà di động của dân nghèo ở Mỹ. Cậu gặp Vương khi cả hai cùng đi làm thêm ở một trang trại thu hoạch thuốc lá. Hai đứa trẻ lạc lõng trong trang trại và có lẽ trong cả đất nước này, đã tìm đến nhau ban đầu như những người bạn niên thiếu và rồi một cách tự nhiên, trở thành bạn trai của nhau. Trev hiện lên đầy khắc khoải trong trang viết của Vương, vừa dữ dội và cũng vừa dịu dàng. Trev, cũng như bất cứ nhân vật nào trong cuốn sách này, cũng bị cuộc đời vùi dập, cũng hiện lên là một người không toàn vẹn, nhiều niềm đau và nhiều mâu thuẫn. Cậu dường như cố vẫy vùng nhưng cũng dường như chịu thua cuộc sống, và cậu chia sẻ với Vương những năm tháng tuổi thiếu niên nhiều hoang mang và trăn trở về bản thân, về căn tính, về cuộc đời và biến những năm tháng ấy thành những ký ức vừa đau thương vừa rực rỡ. 
Bên cạnh câu chuyện về gia đình (mẹ, bà, ông ngoại), tình bạn, tình yêu và nỗi đau của chiến tranh, Ocean Vương cũng viết rất nhiều về sự lạc lõng của những những người nhập cư hay những kẻ ngoài rìa xã hội, mang theo mình giấc mơ Mỹ rồi sau đó bị vỡ mộng bởi cuộc đời. Còn về Việt Nam trong tác phẩm thì, ngoài hình ảnh ám ảnh về một cuộc chiến đã qua thì …không có gì cả ! Dù sao thì cũng không thể trông đợi gì nhiều khi tác giả cũng có sống ở Việt Nam hiện tại đâu, nên tác giả chỉ có thể thấy Việt Nam qua con mắt và ký ức của mẹ và bà mình mà thôi, nên nó là một Việt Nam - cuộc chiến hơn là một Việt Nam - đất nước.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Về cách hành văn trong tác phẩm, dù rằng mình nhìn nhận đây là một cuốn sách hay và không khó đọc, nó vẫn có những đoạn nằm ngoài khả năng hiểu của mình. Đó là bởi vì có rất nhiều đoạn tuy là văn xuôi nhưng mà lại như là thơ vậy, với những câu ngắn, ngắt nghỉ bất ngờ, những hình ảnh tràn ra như suối và những so sánh, liên tưởng mà đôi khi cảm giác rất…không liên quan. Có những đoạn thì rất hay và đẹp nhưng cũng có những đoạn mình đọc mà không hiểu gì vì nó rất trừu tượng (mà trình cảm thơ của mình thì có hạn) ! Cũng có một số tình tiết thì mình thấy nó hơi bị kịch quá và tác giả có vẻ cố gắng biến các nhân vật của mình thành triết gia, điều mà mình thấy không thành công cho lắm. Mình thì mình từ chối cho rằng mấy cái cao siêu, khó hiểu thì đều hay, mình chỉ đơn giản là thấy nó khó hiểu thôi. Cảm giác giống như đọc vào mấy mảng tối, bên cạnh những mảng sáng lấp lánh khác vậy. Nhưng cái này có lẽ tùy cảm nhận của mỗi người, với người khác thì có khi đấy lại là mấy đoạn hay nhất không biết chừng 😀 
Nói chung điều mình thấy thành công của tác phẩm này là cách dùng từ rất đẹp và tinh tế, sự kết hợp rất sáng tạo của văn xuôi, những tình tiết đắt giá, nhưng lời thủ thỉ, những đoạn hội thoại nhỏ và những bài thơ, điều mà kể cả sau khi đã được dịch ra một ngôn ngữ khác vẫn giữ được sự ấn tượng. Ngôn ngữ của Vương bay bổng, giàu chất thơ và tính liên tưởng đặc biệt là những khi anh viết về cái đẹp, sự lạc lõng và cả sự cứu vớt của ngôn từ. Tuy nhiên trong nỗ lực mà như tác giả của nó nói “bắt đầu bằng sự thật và kết thúc bằng nghệ thuật”, ngôn từ đôi khi trở nên quá cao siêu và những nhân vật bị nghệ thuật hóa quá mức đến nỗi trở nên không thật. Nhưng tóm lại, nếu bạn là một người yêu một tác phẩm với ngôn từ đẹp, giàu cảm xúc thì đây là một cuốn sách khá đáng đọc.
P/S: Viết review rõ dài mà vẫn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó 😅. Nếu bạn muốn biết thêm về tác giả và cách mà anh suy nghĩ về việc viết, bạn có thể tham khảo bài phỏng vấn mà anh thực hiện với chị Thùy Minh ở đây: