Remastered - Long Vương chiến và 1001 điều bạn cần biết về danh hiệu đắt tiền nhất Nhật Bản.
3 ngày ăn và ở Long Vương chiến của tôi
Câu trên là giật tít cho vui nhà vui cửa thôi, nhưng xin chào, tôi là Sawateru - thpwrclb tới từ Vietnam's Manao Kagawa Fanpage, điều này chắc tôi sẽ không cố gắng giới thiệu lại nữa. 8 tháng trước, tôi có một bài viết trên Spiderum về Long Vương chiến - một trong Bát đại giải danh hiệu của thế giới Shogi Nhật Bản, bạn có thể ngó nghía qua tại đây trước khi tôi xào lại cho nó chuẩn:
Khi đó, do tôi dại dột - tự thúc ép chính mình cố gắng viết xong bài này để nhét vào bài này (tôi để ở dưới), thành ra những sự tìm hiểu và trình bày của tôi theo dạng "quá nhanh quá nguy hiểm", mà khi tôi có dịp nhìn lại tôi... không thích lắm. Hơn nữa, cũng đã được 8 tháng trôi qua rồi, mặc dù vẫn là The Power Club nhưng tôi cũng đã lăn lộn nhiều hơn, đọc tiếng Nhật nhiều hơn, vỡ lẽ về những điều mình chưa biết nhiều hơn hay tóm lại, tôi đã biết nhiều hơn. Tự nhận thấy sự thiếu sót và rất khó chịu trước chính bài viết của mình, và hơn nữa để đập vào mặt fan bộ Công việc của Long Vương tại Việt Nam về cái sự hiểu biết Shogi chuyên nghiệp của họ, tôi quyết định Remaster lại bài viết này.
Không giống như những bài viết cũ của tôi, tôi xin phép không rào trước gì cả, nhưng tôi rất khuyến nghị các bạn làm vài điều sau để có một trải nghiệm tốt hơn khi đọc bài viết này:
- Biết luật chơi Shogi. Vâng dĩ nhiên, chúng ta đang nói về nó. Nếu bạn không biết gì cả, bạn có thể bắt đầu tại đây.
- Hiểu các cụm từ Hán Việt một chút.
- Có thì càng tốt, nhưng cũng có chút chút hứng thú với thế giới Shogi chuyên nghiệp Nhật Bản (thứ mà chắc chắn tôi sẽ làm hẳn một bài viết riêng về nó)
Còn bây giờ thì, よろしくお願いします.
Long Vương chiến là cái gì?
Long Vương chiến (竜王戦 - りゅうおうせん) là giải danh hiệu thứ bảy của thế giới Shogi chuyên nghiệp Nhật Bản, được tài trợ trực tiếp bởi Nhật báo Yomiuri (tòa này chắc các bạn cũng nghe qua thông qua học bổng rồi) và tổ chức bởi Liên đoàn Shogi Nhật Bản (JSA) - tổ chức cầm đầu toàn bộ nền cờ 9x9 tại đất nước Mặt Trời mọc. Người chiến thắng chung cuộc của Long Vương chiến sẽ sở hữu một trong tám danh hiệu cao quý nhất của thế giới Shogi Nhật Bản - Long Vương.
Fact: Trước khi thật sự có tên là Long Vương chiến, đã từng có nhiều ý tưởng khác ví dụ như Kì Thần chiến (棋神戦); Kì Bảo chiến (棋宝戦) hay thậm chí là Tối Cao Phong chiến (最高峰戦). Rất may mắn là vì nhiều lý do khác nhau như tôn giáo, Yomiuri có đóng góp ý kiến hay đơn giản là... nghe nó cứ sao sao ấy, Long Vương là cái tên cuối cùng được chọn, mặc dù tòa soạn Yomiuri cũng đã... không thích lắm.
Fact 2: Mặc dù trên quân cờ, người ta hay viết 龍王 ở mặt sau của quân Phi Xa hơn là chữ 竜王 (chữ 龍 và 竜 đều là hai cách viết của "Long" - nghĩa là rồng, có điều 竜 là cách viết mới hơn - Tân tự thể), tuy nhiên giải đấu này viết theo chữ Hán thì vẫn là 竜王戦, chứ không phải là 龍王戦. Điều này cũng đã gây ra tranh cãi trong nội bộ Liên đoàn Shogi Nhật Bản, nhưng cuối cùng thì phương án chọn chữ Long mới vẫn được duyệt, âu cũng là... một sự phân biệt rõ ràng.
Long Vương chiến bản thân có tuổi đời rất trẻ, khi lần đầu tiên được tổ chức là vào năm 1988 với sự chiến thắng của Shima Akira. Tuy nhiên, đừng vội nhìn sự trẻ này mà kết luận ngay, tiền thân của Long Vương cũng là một danh hiệu khác thanh thế không kém - Thập Đẳng (十段, 1962-1987), trước đó là Cửu Đẳng (九段, 1950-1961) và xưa cũ nhất là giải Vô địch Shogi toàn Nhật Bản (全日本選手権戦, 1947-1956). Sau này, khi mà hệ thống xếp hạng chuyên nghiệp của Nhật Bản dần dần tiến lên, chúng lần lượt thay thế nhau và cuối cùng, vào năm 1988, Long Vương chiến chính thức ra đời và từ đó đến nay - cùng với Danh Nhân, là một trong hai danh hiệu cao quý hơn cả (ý mình là so với 6 danh hiệu còn lại) của giới chuyên nghiệp.
Fact 3: Thập Đẳng có thể đã biến mất ở thế giới Shogi, nhưng chỉ cần bạn theo dõi sang người hàng xóm - cờ vây của Nhật Bản thôi, bạn chắc chắn cũng biết rằng Thập Đẳng vẫn còn tồn tại, và vẫn đang là một trong bảy danh hiệu lớn nhất của bàn cờ đen trắng xứ Phù Tang. Thập Đẳng chiến của cờ vây bắt đầu từ năm 1961, có giải thưởng cho người chiến thắng là 7 triệu Yên và được tài trợ bởi Nhật báo Sankei - Tập đoàn Công nghiệp Daiwa House.
Fact 4: Tại sao mình lại nói Long Vương và Danh Nhân là hai danh hiệu cao quý hơn cả, thì để các bạn biết thế này: Nếu như một kì thủ mang từ hai danh hiệu trở lên cùng thời điểm, thường thì thay vì nêu cả ra, chúng sẽ được gộp lại là "Nhị quán" - 2 danh hiệu; "Tam quán" - 3 danh hiệu hay như tượng đài Habu Yoshiharu là "Thất quán" - 7 danh hiệu cùng lúc. Nhưng nếu một trong số chúng là Long Vương/Danh Nhân hay là cả hai, thì khi gọi kì thủ đó ra, thay vì nêu số danh hiệu mà người đó đang sở hữu, họ sẽ được gọi thêm là "Long Vương"; "Danh Nhân" hoặc là "Long Vương và Danh Nhân". Ví dụ điển hình nhất chính là Fujii Sota - khi anh đang sở hữu 5 danh hiệu cùng một lúc nhưng sẽ chỉ được gọi là Fujii Sota Long Vương mà thôi.
Như tít chúng mình đã giật, Long Vương chiến có thể nói là giải đấu có quỹ tiền thưởng kếch xù nhất thế giới Shogi Nhật Bản, khi người chiến thắng danh hiệu sẽ luôn có ít nhất từ 43-44 triệu Yên đem về, người thua trong trận tranh danh hiệu cũng sẽ có 10 triệu Yên an ủi, đó là chưa kể tới phần thưởng của Khiêu chiến giả Xác định đâu nhé. Mà thật ra gọi là "danh hiệu đắt tiền nhất Nhật Bản", cũng là vì ngoài Long Vương chiến ra... 7 danh hiệu còn lại không hề công khai số tiền thưởng, quả là một thiếu sót lớn...
Tôi xin phép được trình bày lại một khái niệm nữa của thế giới Shogi chuyên nghiệp Nhật Bản, đó là khái niệm "Vĩnh thế" (永世). Khái niệm này sẽ đi trước tên danh hiệu, tức là có format "Vĩnh thế danh hiệu A, vĩnh thế danh hiệu B", và một kì thủ sẽ đạt được vinh dự này khi chiến thắng một danh hiệu nhất định một số lần nhất định, có thể liên tiếp hoặc không. Xin phép ví dụ với tượng đài Habu Yoshiharu - người chắc chắn phải là kì thủ Shogi vĩ đại nhất lịch sử, ông đã giành được danh hiệu Long Vương 7 lần (1990 - 1992 - 1994 - 1995 - 2001 - 2002 và cuối cùng là 2017), và theo điều kiện để trở thành Vĩnh thế Long Vương, kì thủ đó cần phải chiến thắng danh hiệu này ít nhất 7 lần/5 lần liên tiếp, nên ông nhận được danh dự này.
Fact 5: Tôi không nói "Habu Yoshiharu là kì thủ Shogi vĩ đại nhất lịch sử" một cách ngẫu nhiên, vì ông đã giành được 99 danh hiệu trong suốt sự nghiệp hơn 30 năm của mình (1), đạt được trạng thái Vĩnh thế ở 7 danh hiệu khác nhau (2) và giành được vô số giải thưởng khác nhau, cụ thể nhất là giải "Kì thủ xuất sắc nhất năm" do Liên đoàn trao tới 22 lần (3), ngoài ra còn vô số những kỉ lục khác nữa mà chắc chắn phải nêu ra ở một bài riêng vì rất nhiều (4). Nhưng đáng buồn, Long Vương kì thứ 30 cũng là danh hiệu cuối cùng mà Habu giành được và từ đó tới nay, người hâm mộ vẫn đang tự hỏi, bao giờ thì danh hiệu thứ 100 tới nơi?
Fact 6: Có duy nhất hai kì thủ đạt được danh dự Vĩnh thế Long Vương, cả hai người đều là người tôi đã trình bày ở trên - Watanabe Akira với 11 lần, và Habu Yoshiharu với 7 lần chiến thắng danh hiệu Long Vương.
Fact 7: Trạng thái Vĩnh thế sẽ được đạt tới khi và chỉ khi kì thủ đó ngừng hoạt động chuyên nghiệp bởi bất cứ lý do nào, như giải nghệ hay qua đời. Người duy nhất đi ngược quy luật này này Tanigawa Koji - Vĩnh thế Danh Nhân đời thứ 17, cựu chủ tịch của Liên đoàn Shogi Nhật Bản, ông đã xin nhận được danh dự này ngay khi vẫn còn đang hoạt động và... được chấp thuận!
Có tất cả 11 kì thủ đã từng chạm tay vào danh hiệu cao quý này (3/8/2022), người chỉ làm được đúng một lần và từ đó tới nay chưa thấy quay lại nữa (Shima Akira, chủ tịch của JSA - Sato Yasumitsu, Itodani Tetsuro, Hirose Akihito và mới đây nhất, ngay năm 2021 vừa rồi là Fujii Sota), có người thì có được đôi ba lần (Toyoshima Masayuki và Moriuchi Toshiyuki - 2, Fujii Takeshi - 3 và Tanigawa Koji - 4), riêng hai Vĩnh thế như đã nêu ở trên thì khỏi nói, Long Vương với họ giống như nhà vậy, đi ra đi vô thoải mái (Habu Yoshiharu - 7 và Watanabe Akira - 11)
Long Vương chiến (II) là một công cụ để đánh giá thực lực tức thời của một kì thủ rất hiệu quả, bên cạnh Danh hiệu (I) - Vị trí của họ tại Thuận Vị chiến (III) - Mức xếp hạng (IV) và ELO (V), bởi thể thức có tính phân định sâu sắc và số lượng ván đấu dày đặc của nó, thứ mà sẽ được mình trình bày chắc chắn là ngay sau đây thôi. Tất cả những điều trên để nói rằng, Long Vương chiến là một giải danh hiệu rất lớn của Shogi chuyên nghiệp Nhật Bản, nơi mà các kì thủ sẽ tranh đấu với nhau cho mục tiêu tối thượng nhất - giành được danh hiệu Long Vương.
Trước khi nói qua về thể thức của bản thân Long Vương chiến, tôi xin phép được nêu ra cách mà một giải đấu Shogi chuyên nghiệp tranh danh hiệu nói chung hoạt động. Biết được điều này, chúng ta sẽ phân chia các giai đoạn của Long Vương chiến và sắp xếp một cách dễ dàng hơn.
Cách mà một giải đấu danh hiệu chuyên nghiệp hoạt động.
Về cơ bản, các giải đấu danh hiệu chuyên nghiệp của Nhật Bản thì không chỉ Shogi, mà cả cờ vây đều áp dụng format chung là Khiêu chiến giả Xác định và thường gồm ít nhất là hai đến ba giai đoạn. Khác với format của các giải đấu thể thao hoặc cờ tướng/cờ vua, người sở hữu danh hiệu đó vào năm trước thì năm sau người đó sẽ chỉ xuất hiện ở cặp trận cuối cùng thay vì cũng phải xuất phát như nhiều kì thủ/vận động viên khác ở một vòng bản lề nào đó. Khó hiểu ha? Lại một lần nữa. những ví dụ trực quan sẽ giúp các bạn hiểu rõ vấn đề này hơn. Tôi xin phép được ví dụ chính kì Long Vương chiến gần nhất được tổ chức hoàn thành - Long Vương chiến kì 34 vào năm 2021.
Ảnh I cho chúng ta thấy người chiến thắng Long Vương chiến kì thứ 33 và giành danh hiệu Long Vương của kì đó - Toyoshima Masayuki, nếu các bạn chưa nhìn ra thì là 豊島将之. Việc chiến thắng này của anh có nghĩa là gì, không chỉ bảo vệ thành công danh hiệu Long Vương và nhận về 43 triệu Yên tiền thưởng, anh sẽ được "đặc cách" không phải thi đấu bất cứ một vòng loại nào cả, mà sẽ chỉ phải đánh cặp trận cuối cùng - cặp trận quyết định đến việc liệu anh còn giữ danh hiệu Long Vương hay không vào kì 34 năm sau.
Đó là đối với Toyoshima, còn với tất cả các kì thủ còn lại không sở hữu danh hiệu này, họ sẽ phải chiến đấu với nhau, ta cứ tạm cho là "bằng một cách nào đó" để chọn ra một người giỏi nhất, người chiến thắng cuối cùng để thách đấu danh hiệu Long Vương của anh ta vào năm tiếp theo. Ảnh II cho chúng ta thấy sau một quá trình chọn lọc kĩ càng và đầy giấy mực của cánh báo chí, người chiến thắng cuối cùng là Fujii Sota (tên được viết bằng chữ đỏ) và anh sẽ thách đấu danh hiệu Long Vương của Toyoshima tại kì 34.
Ảnh III và ảnh I là hai kết cục khác nhau của những cặp trận tranh danh hiệu theo thể thức Khiêu chiến giả Xác định có thể xảy ra, ở ảnh I - trường hợp 1 là khi Toyoshima bảo vệ thành công danh hiệu Long Vương; ảnh III - trường hợp 2 là khi Toyoshima thất bại trong việc bảo vệ danh hiệu Long Vương khỏi sự "chiếm đoạt" của Fujii Sota. Hai trường hợp đó được diễn giải như sau:
Trường hợp 1: Nếu đương kim danh hiệu bảo vệ thành công danh hiệu của mình tại kì đó, mọi chuyện sẽ rất dễ đoán, đương kim thì vẫn là... đương kim, người đó vẫn sẽ tiếp tục sở hữu danh hiệu và chờ người khác, hoặc có thể là chính người thách đấu cũ vào kì tiếp theo, nhưng người thách đấu danh hiệu cũng đừng vội buồn, mặc dù phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội vào năm sau, nhưng Khiêu chiến giả (người thách đấu danh hiệu) sẽ thường nhận được một ưu tiên nào đó vào kì tiếp theo.
Trường hợp 2: Nếu đương kim danh hiệu không thể bảo vệ danh hiệu của mình, mọi thứ sẽ phức tạp hơn một chút và thường có báo chí nhảy vào nhiều hơn, Khiêu chiến giả sẽ trở thành đương kim danh hiệu và chờ người khác thách đấu danh hiệu của mình ở kì tiếp theo, và dĩ nhiên vị đương kim mất danh hiệu cũng đừng quá buồn, người đó cũng sẽ nhận được ưu tiên bằng với TH1 ở kì tiếp theo.
Ảnh IV sẽ là ảnh cuối cùng đóng lại ví dụ này với kết cục của Toyoshima Masayuki tại Long Vương chiến kì 35, sau khi đánh mất danh hiệu: Anh bị giáng xuống tổ 1 - tổ cao nhất trong hệ thống của Long Vương chiến nhưng không thể thắng nổi một ván nào, sau đó ở vòng loại cuối cùng tranh vị trí thứ 5 của tổ 1 anh cũng thất bại ngay từ ván đầu tiên, từ đó bị giáng xuống tổ 2 ở Long Vương chiến kì 36.
Đây cũng là ba giai đoạn cơ bản của bất cứ một giải đấu danh hiệu chuyên nghiệp nào (chưa kể thể thức) đó là: Sơ loại (1) - Khiêu chiến giả Xác định (2) và Cặp trận tranh Danh hiệu (3), mọi giải đấu dù lớn dù nhỏ sẽ tuân theo quy trình 1-2-3 này, chưa kể đôi khi còn chia ra Sơ loại I - Sơ loại II như Kì Thánh chiến nữa. Sơ loại đúng như tên gọi của nó, chọn ra một nhóm các kì thủ xuất sắc nhất để sau đó cho họ choảng nhau ở Khiêu chiến giả Xác định, từ đó lấy được một kì thủ giỏi nhất chiến thắng Chung kết Khiêu chiến giả Xác định và trở thành Khiêu chiến giả, bước vào Cặp trận tranh Danh hiệu với đương kim.
Fact 8: Ngoại lệ duy nhất không tham gia thứ tự 1-2-3 này là Danh Nhân chiến, tuy nhiên quá trình xác định Khiêu chiến giả cũng đã bản thân trở thành một "giải đấu" riêng bởi tính bậc thang nối tiếp và không thể nhảy cóc của nó - Thuận Vị chiến.
Ở Sơ loại của tất cả các giải đấu đều là những vòng loại trực tiếp, thắng thì đi tiếp còn thua thì đi về. (Bạn thử nghĩ xem, với số lượng kì thủ hoạt động luôn dao động khoảng hơn 100, nghĩ ra thể thức nào phức tạp hơn sẽ thường rất cồng kềnh), nhưng ở Khiêu chiến giả Xác định sẽ có hai trường phái chính, một là chia thành 1-2 bảng đánh vòng tròn một lượt để chọn ra người xuất sắc nhất/2 người đứng đầu mỗi bảng vào trận Chung kết, hai là đơn giản hơn nữa, lại cho họ loại trực tiếp với nhau, thi thoảng cũng có nhánh thắng nhánh thua, tùy từng giải đấu danh hiệu quy định.
Nói đi nói lại giờ chúng ta quay trở về với Long Vương chiến. Nếu nhìn chung thì thể thức của Long Vương chiến rất đơn giản, khi Sơ loại và Khiêu chiến giả Xác định đều là những vòng loại trực tiếp, nhưng bản thân sự phân chia của Sơ loại chính là nguyên nhân để tôi khẳng định rằng "Long Vương chiến (II) là một công cụ để đánh giá thực lực tức thời của một kì thủ rất hiệu quả" như ở trên, đây cũng là phần khiến tôi bắt tay viết lại bài này do đã có những sự tìm hiểu kĩ càng hơn về sự lên xuống của vòng Sơ loại. Thể thức sắp được tôi trình bày dưới đây được bắt đầu sử dụng từ Long Vương chiến kì 2 năm 1989 và vẫn còn được sử dụng cho tới bây giờ.
Thể thức của Long Vương chiến
Trước hết, ta cần biết rằng Long Vương chiến được mở cho các đối tượng sau đây tham gia thi đấu:
- Toàn bộ các kì thủ chuyên nghiệp trực thuộc Liên đoàn Shogi Nhật Bản tự nguyện đăng kí tham gia. Đây cũng là thành phần chiếm số lượng đông nhất.
- Bốn kì thủ chuyên nghiệp nữ - hay nói theo ngôn ngữ chuyên môn là bốn Nữ Lưu kì sĩ xuất sắc nhất.
- Một kì thủ tới từ Hội Chuyên tu - lò luyện đào tạo ra đa số các kì thủ chuyên nghiệp, 5 kì thủ nghiệp dư xuất sắc nhất.
Fact 9: Hệ thống chuyên nghiệp của các kì thủ chuyên nghiệp và của Nữ Lưu kì sĩ là hai hệ thống hoàn toàn khác biệt và tách biệt khỏi nhau nhưng mang tính bao hàm, một Nữ Lưu kì sĩ bắt buộc phải là một kì thủ nữ và có thể trở thành một kì thủ chuyên nghiệp, nhưng một kì thủ chuyên nghiệp không thể trở thành một Nữ Lưu kì sĩ, hoặc chí ít là do chưa có bất cứ kì thủ chuyên nghiệp nào là nữ giới cả.
Fact 10: Lần đầu tiên một Nữ Lưu kì sĩ giành chiến thắng trong một ván đấu chính thức với những người đồng nghiệp nam giới cũng ở Long Vương chiến - cụ thể là kì 7, khi huyền thoại Nakai Hiroe đánh bại Ikeda Shuichi ở vòng 1 - tổ 6 năm đó.
Sơ loại - Thước đo đánh giá năng lực tức thời của kì thủ
Vòng Sơ loại tại Long Vương chiến sẽ được phân ra làm 6 tổ nối tiếp nhau được đánh dấu và gọi tên từ Tổ 1 đến Tổ 6 (1組 - 6組). Tất cả các kì thủ tham gia sẽ được phân vào sáu tổ dựa trên một vài tiêu chí sẽ được nhắc tới trong phần sau của mục này.
A. Kích thước và mục đích của các tổ
Để có một ví dụ trực quan và do sự giống nhau, ít biến động qua các năm, tôi lại một lần nữa xin phép được lấy ví dụ thông qua Long Vương chiến kì 34, coi như giúp cho các bạn có luôn một cái nhìn về kì Long Vương chiến thành công của Fujii Sota này.
Tổ 1 là tổ cao nhất trong hệ thống phân tổ Sơ loại của Long Vương chiến, ở đây luôn luôn có 16 kì thủ. Họ sẽ đánh tổng cộng 4 vòng ở Xếp hạng Chiến (ランキング戦), với vòng 1 là các trận từ A, B, C đến G, H; Tứ kết là các trận từ i đến l và Bán kết là m và n như đã đánh dấu ở trên hình. Việc đánh dấu các trận đấu này có ý nghĩa tương đối quan trọng để chuyển tiếp sang phần tiếp theo về sự lên xuống của các tổ sẽ được tôi trình bày sau.
Tổ 1 sẽ chọn ra một người chiến thắng phần Xếp hạng Chiến và được đánh dấu là kì thủ chiến thắng tổ 1. Người thất bại trong trận chung kết Xếp hạng Chiến sẽ được đánh dấu là kì thủ về nhì tổ 1, và mục tiêu của tổ này là chọn ra năm kì thủ xuất sắc nhất để bước vào Khiêu chiến giả Xác định. Tới đây các bạn sẽ tự hỏi: "Ơ, mới có hai kì thủ thôi mà?", thì ba kì thủ còn lại do có sự liên quan tới phần lên xuống hạng, tôi xin phép được đề cập ở phần sau.
Tổ 2, sau tổ 1 là tổ cao thứ nhì trong hệ thống Sơ loại của Long Vương chiến, và cũng giống tổ 1 cũng sẽ luôn chứa trong đó 16 kì thủ. Đánh dấu các ván đấu cũng giống như cách tôi đã trình bày ở tổ 1, nhưng mục tiêu của họ nhiều hơn: Không chỉ đóng góp 2 kì thủ cho giai đoạn Khiêu chiến giả Xác định - đó chính là hai kì thủ tham gia trận chung kết của Xếp hạng Chiến, mà sẽ chọn ra 4 kì thủ xuất sắc nhất để được phong lên chơi ở tổ 1 vào kì tiếp theo của Long Vương chiến.
Fact 11: Hẳn các bạn nhìn ảnh và nhìn chữ cũng sẽ thấy ngờ ngợ, ơ tại sao tổ 2 của Long Vương kì 34 lại chỉ có 15 kì thủ tham gia? Xin thưa, kì thủ thứ 16 - kì thủ bị giáng từ tổ 1 ở Long Vương kì 33 là Hashimoto Takanori Bát đẳng đã đưa ra thông báo giải nghệ và rút khỏi toàn bộ các giải đấu chính thức, từ đó Hirose Akihito được đặc cách thẳng vào tứ kết mà không cần phải thi đấu.
Tổ 3 có vị trí sau tổ thứ 2 trong hệ thống phân tổ của Long Vương chiến, cũng luôn chứa 16 kì thủ trong đó. Tuy nhiên khác với tổ 2, tổ 3 chỉ đóng góp 1 kì thủ tham gia Khiêu chiến giả Xác định, nhưng cũng giống với tổ 2 là sẽ tiếp tục chọn ra 4 kì thủ được phong lên chơi tổ 3 vào kì tới của Long Vương chiến.
Tổ 4 và tổ 5 là hai tổ tiếp theo trong hệ thống của Long Vương chiến, mỗi tổ sẽ chứa 32 kì thủ và đánh loại trực tiếp một lượt tại Xếp hạng Chiến để chọn ra kì thủ xuất sắc nhất chiến thắng - họ cũng sẽ là người đại diện cho tổ 4/tổ 5 để tham gia Khiêu chiến giả Xác định. Ngoài ra, cũng giống các tổ 2 và 3, mỗi tổ 4 và 5 cũng sẽ chọn ra 4 kì thủ để được phong lên chơi vào tổ cao hơn một bậc vào kì tiếp theo.
Đánh dấu các ván đấu ở tổ 4 và 5 như sau: Vòng 1 của 32 kì thủ từ A, B, C đến N, O, P; vòng 1/8 của 16 kì thủ từ a, b đến g, h; Tứ kết từ i đến l và Bán kết từ m đến n.
Tổ 6 là tổ cuối cùng, cũng là tổ thấp nhất trong hệ thống phân tổ của Long Vương chiến. Tổ 6 có kích thước không giới hạn, sẽ là nơi mà một kì thủ mới bước chân vào Long Vương chiến xuất phát, và chứa tất cả các kì thủ còn lại mà không thuộc 5 tổ vừa được kể trên cộng thêm với Nữ Lưu kì sĩ + các kì thủ nghiệp dư và kì thủ được cử tham dự từ Hội Chuyên tu. Tổ 6 cũng chỉ có thể góp một đại diện tham gia Khiêu chiến giả Xác định và cũng chính là người chiến thắng Xếp hạng Chiến, và cũng được đóng góp 4 kì thủ xuất sắc được phong lên tổ 5 chơi vào kì tiếp theo.
Như vậy, chúng ta đã có một cái nhìn qua về kích cỡ và mục đích chính của cả 6 tổ trong quá trình Sơ loại để chọn ra 11 kì thủ xuất sắc nhất bước tiếp vào giai đoạn tiếp theo là Khiêu chiến giả Xác định. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ nói về cơ chế mà các tổ này ăn nhập với nhau - lên và xuống tổ.
B. Cơ chế thăng - giáng tổ của Long Vương chiến.
Bây giờ chúng ta quay ngược trở lại tổ 1 ban nãy, khi tôi có nói rằng chúng ta sẽ chọn ra năm kì thủ xuất sắc nhất thuộc tổ này để tham gia giai đoạn tiếp theo, mà trên đó tôi mới chỉ trình bày hai kì thủ đầu tiên, vậy ba kì thủ còn lại ở đâu ra?
Để gọi tên thì... nguyên văn của nó là Xuất trường giả Quyết định chiến (出場者決定戦) và dĩ nhiên tôi cũng phải tuyệt vọng lắm mới sử dụng đến cái tên này nên tôi xin mạo muội gọi phần thứ hai này là vòng play-off đi ha. Như đã nói ở phần trên, 4 kì thủ xuất sắc nhất ở tổ 2 sẽ được phong lên tổ 1 chơi vào kì tiếp theo, thì theo lẽ dĩ nhiên thì phải có 4 kì thủ ở tổ 1 bị giáng xuống tổ 2 chơi vào kì sau để thế chỗ đúng không? Đây chính là mục đích đầu tiên của vòng play-off.
8 kì thủ thất bại trong các trận từ A đến H như đã đánh dấu ở phần trên tiếp tục đánh loại trực tiếp với nhau, và sẽ có những kết cục sau có thể xảy ra:
- 4 kì thủ thất bại ngay từ vòng 1 của play-off này sẽ không còn bất cứ một cơ hội nào nữa, và đây sẽ chính là 4 kì thủ bị giáng xuống tổ 2 chơi vào năm sau. Hay nói cách khác, cách để bạn bị loại ra khỏi một tổ của Long Vương chiến là không giành được bất cứ một ván thắng nào, từ Xếp hạng Chiến cho tới vòng play-off. Chỉ cần giành được một ván thắng, bạn chắc chắn sẽ ở lại tổ đó của Long Vương chiến, đây là concept chung chúng ta có thể ghi nhớ.
- Kì thủ chiến thắng trong nhóm tám kì thủ thất bại các trận từ A, B, C đến G, H sẽ là kì thủ có vị trí thứ 5 của tổ 1 và sẽ tham gia Khiêu chiến giả Xác định. Nhớ lấy vị trí này.
Tiếp đó, 4 kì thủ thất bại ở các trận i, j, k, l cũng sẽ thi đấu loại trực tiếp với nhau nhưng họ chỉ tìm ra một người chiến thắng mà không quan tâm người thất bại, người chiến thắng cuối cùng sẽ là kì thủ có vị trí thứ 4 của tổ 1 để tham gia Khiêu chiến giả Xác định. Và vâng, như bạn có thể tiếp tục đoán, hai người thất bại trong trận Bán kết Xếp hạng Chiến sẽ đánh với nhau và người chiến thắng trở thành kì thủ có vị trí thứ 3 của tổ 1 và như vậy, chúng ta đã xác định được đầy đủ 5 kì thủ tham gia Khiêu chiến giả Xác định tới từ tổ 1 - và cũng tiện thể xác định được 4 người sẽ phải "xách vali rời khỏi nhà chung trong đêm" để xuống tổ thấp hơn chơi vào năm sau!
Ở tổ 2 và tổ 3, do đã tìm được đủ suất cho Khiêu chiến giả Xác định ngay trong phần Xếp hạng Chiến, vòng play-off ở cả hai tổ này chỉ để xác định thêm hai kì thủ nữa - bên cạnh hai kì thủ tham gia trận Chung kết Xếp hạng Chiến để phong lên tổ cao hơn một bậc vào Long Vương chiến của năm sau; và tiếp tục xác định 4 kì thủ sẽ phải xuống chơi ở tổ thấp hơn vào kì tiếp theo.
Concept của vòng play-off ở cả hai tổ 2 và 3 như sau:
- Ở nhánh Trái, vòng 1 sẽ là cuộc chiến của bốn kì thủ thất bại ở các trận A - B; C - D và hai người thua của hai trận này sẽ là hai kì thủ bị giáng hạng. Ngược lại; hai người chiến thắng sẽ tiếp tục gặp các kì thủ thất bại trong trận i và j, sau đó tiếp tục chiến đấu với nhau để chọn ra người cuối cùng, ở đây họ sẽ đánh với người thất bại trong trận bán kết là n. Cuối cùng, kì thủ chiến thắng sẽ trở thành kì thủ giữ vị trí thứ 3 của tổ đó, được phong lên chơi tổ cao hơn vào năm sau.
- Ở nhánh Phải cũng là câu chuyện tương tự, vòng 1 là của E - F; G - H, vòng 2 là của l và k, vòng 3 sẽ chọn ra một kì thủ chiến thắng từ hai ván của vòng 2 và ván đấu cuối cùng gặp kì thủ thất bại ở trận bán kết là m và người cuối cùng sẽ là kì thủ thứ hai đồng hạng 3 của tổ đó, được phong lên chơi ở tổ cao hơn một bậc vào kì tiếp theo.
Tổ 4 và tổ 5 trong phần thứ hai có ít mục đích hơn tổ 2 và 3 do sẽ có tới 8 kì thủ thất bại ngay từ vòng 1 ở play-off: Xác định 2 kì thủ đồng hạng 3 để lại một lần nữa cùng với hai kì thủ góp mặt tại Chung kết Xếp hạng Chiến phong lên tổ tiếp theo ở Long Vương chiến vào kì tiếp theo. Tôi thật sự... rất nản trong việc mô tả thể thức ở vòng play-off này, nhưng cứ để tôi thử với nhánh Trái nhé, còn nhánh Phải thì các bạn vui lòng áp dụng tương tự:
Vòng 1 sẽ là cuộc chiến của các kì thủ thất bại ở trận A - B; C - D; E - F và G - H, sau đó bốn người chiến thắng sẽ tiếp tục gặp các kì thủ thua ván h, g, f, e; tiếp tới là cho 4 kì thủ đó đánh với nhau để loại ra còn hai kì sĩ, hai người này sẽ gặp hai bại tướng của ván i và j, sau đó tiếp tục chọn ra một người để gặp người thất bại trong trận bán kết là n. Cuối cùng, người chiến thắng sẽ là kì thủ giữ hạng 3 của tổ đó, và sẽ trở thành người được phong lên tổ cao hơn chơi vào năm tới.
Chắc các bạn cũng nhận ra vấn đề của tổ 4 và 5 khi có số lượng kì thủ gấp đôi ba tổ đầu tiên, rằng sẽ có tới 8 kì thủ thất bại ở vòng play-off, nên sẽ phải có một vòng loại sinh tử được tổ chức. Đơn giản thôi, 8 kì thủ này sẽ được đánh với nhau, và bốn kì thủ thất bại sẽ phải xuống chơi ở tổ thấp hơn vào năm sau. Và để kết thúc phần thăng - giáng hạng của Long Vương chiến mà có khi nó là diễn xuôi Wiki này, thì tôi xin phép được bỏ qua thể thức của tổ 6 do có kích thước không cố định qua từng năm, tôi sẽ để ảnh ở đây và các bạn từ chiêm nghiệm nhé!
Fact 12: Như các bạn biết thì tổ 6 có sự tham gia không chỉ của các kì thủ chuyên nghiệp mà còn là của Nữ Lưu kì sĩ - kì thủ nghiệp dư. Tuy nhiên khi chơi ở tổ 6, nếu họ thất bại thì họ sẽ không được tham gia vòng play-off để tìm cơ hội lên tổ 5 - đồng nghĩa với việc cơ hội duy nhất để một kì thủ không phải kì sĩ chuyên nghiệp được phong lên tổ 5 là chiến thắng Xếp hạng Chiến. Hơn nữa, cũng chưa từng có kì thủ nào không chuyên chiến thắng tổ 6 cả, những nỗ lực tốt nhất của họ chỉ dừng lại ở vòng Bán kết mà thôi. Fact 13: Nữ Lưu kì sĩ và kì thủ nghiệp dư thì là vậy, nhưng với kì thủ tới từ Hội Chuyên tu thì khác. Dĩ nhiên, họ cũng không được tham gia play-off nhưng nếu họ giành chiến thắng Xếp hạng Chiến ở tổ 6, họ sẽ ngay lập tức trở thành kì thủ chuyên nghiệp. Đối với kì thủ nữ/nghiệp dư - việc chiến thắng này giúp họ được quyền tham gia Bài thi lên chuyên, bài thi mà nếu giành 3 trên 5 ván thắng, bạn sẽ trở thành kì thủ chuyên nghiệp.
Mô tả phần Sơ loại có lẽ cũng đã chiếm hơn nửa bài viết do số lượng hình ảnh để miêu tả, nhưng bây giờ chúng ta sẽ quay lại quan điểm mà tôi đã nêu ra ban đầu: "Long Vương chiến (II) là một công cụ để đánh giá thực lực tức thời của một kì thủ rất hiệu quả". Sau những mô tả của tôi, tôi mong rằng bạn cũng có cho mình một câu trả lời riêng, do Long Vương chiến ở các tổ có cơ chế phong và giáng cấp rất chặt chẽ, không dễ dàng để được lên nhưng để xuống thì ok cứ thua đi và hơn nữa nó cũng có tính quá trình rất cao, việc phong cấp này rất hiếm khi có thể nhảy cóc được, nên nếu như nghe danh, "chà chà ông này là kì thủ tổ 1 Long Vương chiến đấy", rõ ràng chúng ta biết rằng họ đã trải qua một quá trình thăng cấp tương đối dài và có một kết quả tốt, giành nhiều chiến thắng để nhận được thành quả xứng đáng.
Khiêu chiến giả Xác định - Tất cả vì giấc mơ Long Vương
Tổng kết lại giai đoạn Sơ loại để bước tới Khiêu chiến giả Xác định, chúng ta chọn được ra 11 kì thủ như sau:
- 5 kì thủ giữ vị trí 1 - 2 - 3 - 4 - 5 của tổ 1
- 2 kì thủ giữ vị trí 1 - 2 của tổ 2.
- 4 kì thủ chiến thắng của mỗi tổ 3, 4, 5 và 6.
Vị trí này là rất quan trọng vì nó sẽ xác định xem, vị trí mà bạn bắt đầu ở Khiêu chiến giả Xác định sẽ là ở đâu.
Khiêu chiến giả Xác định của Long Vương chiến gồm có hai nhánh mà tôi xin phép được đánh dấu dựa trên vị trí của nó, nhánh Trái và nhánh Phải, và cụ thể hai nhánh này sẽ được sắp xếp như sau:
- Ở nhánh Trái, vòng 1 sẽ là cuộc chiến của người chiến thắng tổ 5 và tổ 6. Ở vòng 2, người chiến thắng vòng 1 sẽ gặp kì thủ xuất thân từ tổ 4. Tiếp nối ở vòng 3 sẽ là kì thủ giữ vị trí thứ 5 của tổ 1 - ở vòng 4 là kì thủ giữ vị trí thứ 4 cũng của tổ 1 và cuối cùng ở Bán kết - người chiến thắng tổ 1.
- Ở nhánh Phải sẽ xuất phát ngay từ vòng 3 khi kì thủ thứ hai của tổ 2 sẽ gặp người chiến thắng tổ 3, sau đó ai thắng cuộc sẽ gặp kì thủ giữ vị trí thứ hai của tổ 1. Đồng thời đó, kì thủ giữ vị trí thứ 3 của tổ 1 và kì thủ chiến thắng tổ 2 cũng gặp nhau ở vòng 4 và cuối cùng - hai người chiến thắng sẽ gặp nhau tại trận Bán kết.
Khác với đa số các trận đấu quyết định xem ai là người thách đấu danh hiệu của các giải đấu khác, Chung kết Khiêu chiến giả Xác định của Long Vương chiến là một cặp trận Best of 3 giữa hai kì thủ chiến thắng nhánh Trái - nhánh Phải. Người chiến thắng cặp trận này chung cuộc sẽ dĩ nhiên - trở thành Long Vương Khiêu chiến giả rồi.
Fact 14: Chưa từng có một kì thủ nào chiến thắng tổ 5 - tổ 6 tham gia trận Chung kết Khiêu chiến giả Xác định cả. Nỗ lực tốt nhất của họ chỉ là tham gia trận Bán kết (tổ 5) - Vòng 4 của nhánh Trái (tổ 6). Cũng chưa từng có một kì thủ nào thuộc tổ 4 trở thành Long Vương khiêu chiến giả cả. Cũng từng có một aura cũ hơn, khi trước kì 31, kì thủ nào chiến thắng tổ 1 sẽ không bao giờ trở thành Long Vương - và Hirose Akihito năm đó đã chứng minh điều ngược lại.
Fact 15: Chỉ cần thành công trở thành Long Vương khiêu chiến giả, dù bạn có trở thành vua rồng tiếp theo hay không - bạn cũng sẽ ngay lập tức được phong lên chơi ở tổ 1 vào kì tiếp theo. Ngoài ra, việc trở thành Long Vương Khiêu chiến giả cũng sẽ giúp bạn được phong lên Thất đẳng - nếu thành công giành danh hiệu này thì là Bát đẳng - giành danh hiệu này lần thứ hai/là danh hiệu thứ ba mà bạn sở hữu thì là Cửu đẳng.
Cặp trận tranh danh hiệu - nơi những chiến thần thể hiện
Vậy là sau cả một quá trình dài, từ Sơ loại - Khiêu chiến giả Xác định, cuối cùng chúng ta cũng đã chọn ra được một kì thủ xuất sắc nhất - đó sẽ chính là người thách đấu danh hiệu Long Vương của đương kim sở hữu khi đó. Hai người sẽ chiến đấu với nhau trong một loạt trận Best of 7 - tức là ai là người giành được 4 ván thắng trước sẽ sở hữu danh hiệu Long Vương. Tất nhiên, mọi chuyện không hề cụt lủn như vậy.
Thêm một văn hóa nữa mà tôi xin phép được trình bày với các bạn, đó là các ván cờ chuyên nghiệp ở Nhật Bản đôi khi, sẽ diễn ra trong hai ngày, với tổng thời gian là từ 480 x 1 phút byoyomi (với Long Vương - Vương Tướng và Vương Vị) hay 540 x 1 phút byoyomi với Danh Nhân chiến. Nước phong bàn sẽ là nước đi được một trong hai bên đưa ra để kết thúc ngày thi đấu đầu tiên, nước đó sẽ được niêm phong trong một tập thư và chỉ được mở ra để bắt đầu ngày thi đấu thứ hai. Cá nhân tôi ủng hộ độ dài như thế này của một ván đấu, vì nó sẽ giúp cho hai kì thủ thoải mái và đưa ra những nước đi chất lượng nhất.
Fact 16: Nếu các bạn không biết thì Fujii Sota đã đánh bại Toyoshima Masayuki trắng tới 4-0 trong loạt trận tranh danh hiệu của Long Vương chiến kì 34. Đó là lần thứ ba một Khiêu chiến giả có thể ép cho đương kim Long Vương không thở nổi như thế, và là lần thứ sáu cặp trận Long Vương kết thúc với tỉ số 4-0 như vậy, gần nhất đã là năm 2009.
Fact 17: Dành cho các fan của "Công việc của Long Vương" vẫn đang chờ tôi từ nãy tới giờ, thì cặp trận tranh danh hiệu Long Vương trong ARC cuối cùng của phiên bản Anime này được lấy cảm hứng từ cú lật kèo vĩ đại xảy ra tại Long Vương chiến kì 21 năm 2008, khi Khiêu chiến giả Habu Yoshiharu đã thắng một mạch ba ván đầu, nhưng bốn ván sau hoàn toàn là của đương kim Long Vương - Watanabe Akira. Bản thân ván 1 được biểu diễn trong Anime cũng có diễn biến tương đối giống với ván 1 thực chiến.
Bê bối Long Vương chiến kì 29 - Bắt hack bằng cơm.
Tôi nghĩ rằng đây cũng là một vụ việc cực kì đáng chú ý vì nó đã khiến cho chủ tịch đương thời của Liên đoàn Shogi Nhật Bản - Tanigawa Koji phải mất ghế, nên xin phép được nêu ra những tìm hiểu của mình về cú drama cực kì tốn giấy mực này của báo chí như sau:
Đó là ngày 8/9/2016, khi Miura Hiroyuki đánh bại Maruyama Tadahisa 2-1 trong loạt trận Best of 3 của Chung kết Khiêu chiến giả Xác định - Long Vương chiến kì 29, mà chỉ ngay ngày sau đó (9/9), Liên đoàn Shogi Nhật Bản lên bài thông báo rằng Miura sẽ trở thành người thách đấu danh hiệu Long Vương của đương kim khi đó là Watanabe Akira, ai cũng nghĩ rằng mọi chuyện sẽ thật là êm xuôi...
Tuy nhiên, một "quyết định trời giáng" xuống Miura đã được Liên đoàn đưa ra vào ngày 12/10/2016, chỉ 3 ngày trước khi ván 1 của loạt trận tranh danh hiệu diễn ra, và cụ thể nội dung của nó như sau:
"Về việc thay đổi Khiêu chiến giả tại Long Vương chiến kì 29.
Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng Khiêu chiến giả Miura Hiroyuki Cửu đẳng sẽ không tham gia loạt trận tranh danh hiệu của Long Vương chiến kì thứ 29 mà ván 1 sẽ diễn ra vào ngày 15-16/10/2016 tại đền Thiên Long Tự - Kyoto, Nhật Bản. Theo luật, người đã thất bại trong cặp trận Chung kết Khiêu chiến giả Xác định - Maruyama Tadahisa Cửu đẳng sẽ là người thay thế và thách đấu danh hiệu của Watanabe Akira đương kim. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạm ngưng hoạt động của ông Miura cho tới hết ngày 31/12/2016. Tòa soạn Yomiuri - nhà tài trợ chính của giải đấu đã xác nhận điều này.
Lời bình luận của Chủ tịch Tanigawa Koji: Chúng tôi xin lỗi vì đã đưa ra thông báo vào phút chót về sự thay đổi này. Chúng tôi mong rằng hai kì thủ sẽ cống hiến những ván đấu thật xuất sắc.
Lời bình luận của Maruyama Tadahisa Cửu đẳng: Cá nhân tôi không đồng ý với quyết định được đưa ra từ phía Liên đoàn, nhưng vẫn sẽ cố gắng làm thật tốt vì Long Vương chiến là một giải đấu Shogi đỉnh cao."
Ban đầu ta có thể nghĩ, "chắc là do ổng mệt hay bệnh thôi" nhưng sau đó, lý do cũng đã được đưa ra bởi một số các kì thủ chuyên nghiệp như Kubo Toshiaki Cửu đẳng - người đã phàn nàn rằng Miura sau giờ nghỉ tối trong một ván đấu tại Long Vương chiến kì 29 đã không quay trở lại bàn cờ sau tới... 31 phút, và rất có thể "ông ta sử dụng engine đánh cờ trên điện thoại thông minh để gian lận". Trước đó, cũng đã có một vài kì thủ bóng gió trên Twitter rằng: "Có một vài kẻ mang danh là kì thủ chuyên nghiệp nhưng lại sử dụng phần mềm để gian lận" mà không chỉ đích danh là ai, càng khiến cho cộng đồng trở nên nghi ngờ hơn. Như thêm dầu vào lửa, Watanabe Akira Long Vương khi đó cũng đã đích thân có những sự nghi vấn khi xem lại ván đấu anh thất bại trước ông tại Thuận Vị chiến - tổ A vào ngày 3/10; sau đó mời một loạt các kì thủ chuyên nghiệp có số má như Habu Yoshiharu, Sato Amahiko hay chủ tịch đương thời của JSA khi đó là Tanigawa Koji tới nhà riêng vào ngày 10/10 để nói lên sự hoài nghi của mình, thậm chí anh cũng đã tham khảo ý kiến một kì thủ rất quen thuộc với phần mềm AI là Chida Shota. Và quyết định cuối cùng được đưa ra, khi đích thân Shima Akira - Giám đốc Điều hành của Liên đoàn đã gọi cho Miura và yêu cầu ông tham gia một cuộc họp nội bộ, mà ở đó Watanabe đã nói:
Tôi không có hứng thú chơi cờ với ông Miura Cửu đẳng - người ĐÃ gian lận nữa. Tôi yêu cầu Giám đốc Điều hành đưa ra quyết định thay đổi càng sớm càng tốt.
Ngày 11/10, Liên đoàn yêu cầu một sự hồi đáp thỏa đáng tới từ cá nhân Miura Hiroyuki, và ông đã trả lời rằng ngày xảy ra những ván đấu đó, thể trạng ông không thật sự tốt. Ông cũng phủ nhận rằng kể cả nếu như những nước đi của Miura có giống với engine đi chăng nữa, chẳng lẽ một kì thủ chuyên nghiệp không thể nghĩ ra nó hay sao? Nhưng cuối cùng, dưới sức ép của rất nhiều bên, ông lựa chọn quyết định không tham gia Long Vương chiến kì 29 nữa. Ngày 12/10, ông trình ra những bằng chứng về điện thoại - máy tính của mình không có phần mềm gian lận và ngày 13/10, sự điều tra của Liên đoàn Shogi Nhật Bản chính thức được dừng lại, cùng với quyết định sẽ thay thế Maruyama trở thành Khiêu chiến giả.
Bạn có thể đọc bản báo cáo về sự việc này tại đây.
Tuy nhiên, điều mấu chốt mà những "thám tử bất đắc dĩ" của Liên đoàn Shogi Nhật Bản không hề tìm ra, đó chính là BẰNG CHỨNG. Trong cuộc điều tra sâu hơn của Liên đoàn, mặc dù đã cử một vài người để canh chừng, sau đó xem xét lại các hành động của Miura trong khuôn khổ ván 2 và 3 của Chung kết Khiêu chiến giả Xác định - Long Vương chiến kì 29, mặc dù ông cũng vào dạng... "lượn như đèn cù", không có bất cứ một chứng cứ nào được đưa ra. Hãy nhớ rằng, đến bản thân Maruyama Tadahisa không đồng ý với quyết định thay thế Khiêu chiến giả (1) - Các chủ tịch và giám đốc của JSA đã quyết định dựa trên những sự nghi vấn của các kì thủ chuyên nghiệp khác (2) và cuối cùng, 30 PHÚT ÔNG RỜI KHỎI VÁN ĐẤU VỚI KUBO LÀ KHÔNG CÓ THẬT, chỉ đơn giản là Miura cảm thấy buồn nôn và xây xẩm mặt mày nên đã nằm trong phòng nghỉ của Hội quán Shogi - địa điểm diễn ra ván đấu một chút rồi quay trở lại (3).
Và rồi cuối cùng, vào ngày 26/12/2016, một buổi họp báo của Liên đoàn Shogi Nhật Bản đã được tổ chức mà ở đó đích thân chủ tịch đương thời - Tanigawa Koji đã nói:
"[...] Tôi cảm ơn các bạn đã tới với buổi họp báo ngày hôm nay.
Ngày hôm nay, chúng tôi xin tuyên bố rằng ông Miura Cửu đẳng không hề gian lận và là sự sai sót rất lớn của ban Điều hành khi đã đình chỉ ông ấy tại các giải đấu. Tôi rất xin lỗi ông Miura vì đã gây ra một quãng thời gian khó khăn dành cho ông.
Có một vài điều mà ban Điều hành chúng tôi cần phải chia sẻ:
Đầu tiên và trước hết, chúng tôi đã chậm trễ trong việc đưa ra các quy định về thiết bị điện tử, khi mà các phần mềm Shogi có sức mạnh không ngừng được gia tăng. Một vài năm trước, có một nhân viên đã đề cập tới vấn đề này, tuy nhiên một vài người nghĩ rằng thảo luận và đặt ra những luật lệ hà khắc cho vấn đề này sẽ khiến tổ chức trở nên thiếu uy tín, nên chúng tôi đã để mọi quyền quyết định vấn đề này cho các kì thủ chuyên nghiệp.
Khởi nguồn cho quyết định đó là từ sự phàn nàn của Kubo Toshiaki Cửu đẳng trong một ván đấu vào tháng 7, và tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm để xác nhận sự thật về lời bình phẩm này. Bởi quãng thời gian mà ông Miura rời khỏi vị trí của mình và vì tỉ lệ trùng khớp nước đi với engine là rất cao, những dữ liệu có vẻ đáng tin đó nhưng thực tế, chúng tôi đã không biết hết sự việc đã xảy ra và sự trùng khớp được nêu trên có sai số lên tới 20%. Chúng tôi cảm thấy những thông tin được chúng tôi đưa ra cần phải được đính chính.
[...] Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tới ông Maruyama Cửu đẳng đã đồng ý tham gia loạt trận tranh danh hiệu Long Vương lần thứ 29 như một sự thay thế trong quãng thời gian phản ứng rất ngắn và nó đã thành công tốt đẹp. Như đã trình bày trong bài báo cáo, quyết định sai lầm kia đã được đưa ra trong một khoảng thời gian quá ít và không có lựa chọn nào khả dĩ hơn cho chúng tôi. Tôi cũng muốn nhận trách nhiệm nhiều hơn về bản thân vì đã đưa ra quyết định một cách nóng vội, thiếu chính xác như vậy.
Ông Miura sẽ có thể quay trở lại thi đấu bắt đầu từ tháng Một năm sau và chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt để giúp ông ấy quay trở lại thi đấu. Vì vậy, chúng tôi cũng xin đưa ra quyết định rằng vì đã đình chỉ ông Miura hoạt động - vòng 5 và 6 của Thuận Vị chiến tổ A ông chưa hề thi đấu, và Miura Cửu đẳng sẽ tiếp tục tham gia tổ A vào kì tiếp theo. Điều đó kéo theo việc sau kết quả từ vòng 4 của ông là 1 thắng và 3 thua, ông sẽ không phải tham gia bất cứ một ván đấu nào nữa, các đối thủ của ông sẽ được ghi nhận giành chiến thắng. Sẽ chỉ có một kì thủ được phong lên A và hai phải giáng xuống B1 vào năm tiếp theo và ở kì Thuận Vị tới, sẽ có 11 kì thủ tại tổ A, ông Miura Cửu đẳng sẽ có số thứ tự là 11.
[...] Cuối cùng, tôi xin được bày tỏ lời xin lỗi chân thành nhất tới mọi người hâm mộ Shogi, tới các nhà tài trợ - tổ chức của Long Vương chiến mà trong đó có Tòa soạn Yomiuri và trên hết, ông Miura Hiroyuki Cửu đẳng và gia đình/những người xung quanh vì bất cứ điều không thoải mái nào bị gây ra. Chúng tôi sẽ cố gắng để quản lý các giải đấu trong tương lai để điều này không xảy ra thêm một lần nào nữa."
Tiếp sau đó, vào ngày 19/1/2017, chủ tịch đương thời Tanigawa Koji và Giám đốc Điều hành Shima Akira đều đã đưa ra thông báo thôi việc - ngày 6/2, tân chủ tịch của Liên đoàn Shogi Nhật Bản - Sato Yasumitsu Cửu đẳng được giới thiệu trước công chúng. Ngày 13/2/2017 (tức là sinh nhật... 13 tuổi của tôi), Miura Hiroyuki Cửu đẳng chính thức quay lại hoạt động chuyên nghiệp với ván đấu tại Xếp hạng Chiến - Tổ 1 của Long Vương chiến kì 30 với Habu Yoshiharu Tam quán khi đó. Và cuối cùng, ngày 23/5/2017, một thỏa thuận bồi thường và hòa giải giữa Liên đoàn và cá nhân ông Miura đã diễn ra. Theo đó, một khoản tiền bồi thường được giấu kín đã được gửi tới Miura coi như một bù đắp thiệt hại của ông, và mọi chuyện chính thức dừng lại tại đây.
Tất nhiên rồi, vụ việc này đã khiến giới Shogi Nhật Bản chao đảo rất lớn và dù có bồi thường bao nhiêu đi chăng nữa, việc yêu cầu một kì thủ không được hưởng thành quả của mình - ở đây là thách đấu danh hiệu Long Vương dựa trên những căn cứ không hề có cơ sở là một việc không thể chấp nhận được, thiệt hại này của Miura rất khó được đong đếm bằng vật chất hay tiền bạc. Bắt hack mà bắt trúng thì không nói, nhưng nếu bắt trượt và gây ra hậu quả, chắc chắn nó sẽ tạo ra những ấn tượng xấu và những điều kéo theo cũng không hề tươi sáng.
Fact 18: Tanigawa, Sato Yasumitsu và ban lãnh đạo của Liên đoàn Shogi Nhật Bản nên cảm thấy may mắn vì cú scandal này đã phai mờ rất nhanh khi ở Long Vương chiến kì 30 nối tiếp cũng chính là kì Long Vương đã đánh dấu sự bắt đầu của chuỗi trận 29 toàn thắng của thiên tài hiện đại - Fujii Sota. Nếu không có chiến tích này, hãy thử nghĩ xem người ta sẽ nhai đi nhai lại vấn đề này tới bao giờ?
Fact 19: Long Vương chiến kì 30 như đã nói ở đầu bài - cũng là danh hiệu Long Vương thứ 7 dành cho tượng đài Habu Yoshiharu, danh hiệu đã giúp ông có danh xưng "Vĩnh thế Thất quán" - 永世七冠, một kỉ lục mà chắc chắn, sẽ còn phải mất tới vài chục năm nữa chúng ta mới mong chờ có người xô đổ được nó.
Thêm một vài facts nữa về Long Vương chiến trước khi hết bài viết.
Fact 20: Kỉ lục ván đấu dài nhất Long Vương chiến thuộc về ván đấu diễn ra vào ngày 27/2/2018 trong khuôn khổ Xếp hạng Chiến của tổ 6 giữa Makino Mitsunori - Nakao Toshiyuki với 420 nước. Ván đấu đó đã kéo dài 19 tiếng đồng hồ, tính cả gần 2 tiếng nghỉ trưa nghỉ tối. Đây cũng là ván đấu đã chiến thắng hạng mục "Ván đấu đáng xem nhất năm" trong lễ trao giải Đại Thưởng năm 2018
Fact 21: Với thất bại 4-3 trong Cặp trận tranh danh hiệu của Long Vương chiến kì 31 trước Hirose Akihito Khiêu chiến giả, đó là lần đầu tiên sau 10,140 ngày - 27 năm 9 tháng mà Habu Yoshiharu không sở hữu một danh hiệu nào. (18/3/1991 - 21/12/2018)
Fact 22: Có thể các bạn cũng đã nhận ra, Long Vương chiến kì 34 là lần đầu tiên một kì thủ chiến thắng danh hiệu Long Vương bằng cách thắng tất cả các trận đấu mà không thua ván nào từ Xếp hạng Chiến - Khiêu chiến giả Xác định cho tới Cặp trận tranh danh hiệu, đó chính là thành tích đáng ghi nhận của Fujii Sota. Ngày anh chiến thắng danh hiệu Long Vương (13/11/2021) cũng chính là sinh nhật của sư phụ anh - Sugimoto Masataka.
Fact 23: Người nắm giữ danh hiệu Long Vương trẻ nhất dĩ nhiên, là Fujii Sota, khi anh chiến thắng danh hiệu này vào lúc 19 tuổi 3 tháng, tiện thể giúp anh thiết lập luôn kỉ lục người giữ 4 danh hiệu cùng lúc - Tứ quán trẻ tuổi nhất.
Fact 24: Thi thoảng các ván đấu trong khuôn khổ Cặp trận tranh danh hiệu của Long Vương chiến được tổ chức ở nước ngoài, ví dụ một vài nơi như Seoul, Hàn Quốc (2004) - Đài Bắc, Đài Loan (2002) - Thượng Hải, Trung Quốc (2000) hay xa xôi hơn như Băng Cốc, Thái Lan (1991) - Paris, Pháp (1994) - Frankfurt, Đức (1990) hay Hawaii, Mỹ (2014)
Xin chào các bạn, là mình - The Power Club đây. Bài viết lần này về Long Vương chiến thật sự là một bài viết rất dài và nhiều kiến thức, trong quá trình mình viết bài mình cũng đã phải dừng lại rất nhiều lần để sửa đổi, bổ sung thêm hiểu biết về danh hiệu cao quý này. Đây cũng là bài viết đầu tiên của mình trên Spiderum trong năm mới 2022, mình sẽ còn quay lại nữa với những bài viết về Habu Yoshiharu (ưu tiên số 1) - Satomi Kana (2) hay là Danh Nhân - Thuận Vị chiến (3), nên rất mong được tất cả mọi người ủng hộ trong thời gian tới!
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất