Hướng dẫn người không biết mô tê gì về cờ cách chơi Shogi. (FULL EDITION)
Mình vẫn chưa biết để các bài viết về Shogi trong mục Game hay là Thể thao...
Xin chào các bạn, mình là Ngọc, người đã viết bài tại sao lại nghiện Shogi lần trước. Mình đã đọc comment, rất cảm ơn mọi người đã góp ý, dù không nhiều, nhưng nó cũng sẽ là động lực để giúp cho mình có thể viết tốt hơn trong tương lai. Và trong phần bình luận, có một bạn đã viết thế này:
Cho nên là, trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các bạn, luật chơi của cái trò cờ khỉ gió này, cái trò khiến mình khổ cực vì nó.
Lại như lần trước, mình có một vài điều muốn rào trước với mọi người:
- Dù có kiến thức tương đối về Shogi, nhưng mình lại không có mấy kĩ năng sư phạm (dù sau này sẽ đi học HNUE), cho nên nếu câu từ có lủng củng hoặc khó hiểu ở đâu đó, cứ comment cho mình, để có thể giải đáp và sửa sang một cách đầy đủ nhất.
- Mình đã giải nghệ Shogi rồi. (Thật ra không ai quan tâm lắm), nhưng mà các bạn hãy cứ xem bài viết này có một chút uy tín đi, còn nếu bạn muốn tìm sự uy tín của mình thì đây, cái này dành cho bạn:
Thôi lắm mồm lung tung vậy đủ rồi, giờ thì chúng ta đến với từng phần nhé.
I. Giới thiệu sơ về trò chơi
Shogi là một trò chơi cờ bàn xuất phát từ Nhật Bản, bắt đầu được chơi theo luật hiện đại từ khoảng thế kỉ XV-XVI và cho tới ngày nay, đã là hơn 400 năm rồi. Shogi cũng theo "hệ Chaturanga", với "cha đẻ" là Chaturanga, trò chơi cờ bàn cổ của Ấn Độ, từ đó tạo ra cờ vua, cờ tướng, cờ cá ng... à nhầm, cờ Janggi, vân vân và mây mây.
Và nếu đã là một trò chơi từ hệ Chaturanga bước ra, thì các bạn có thể chắc chắn mục đích của nó sẽ là chiếu hết một quân chủ nào đó - trong trường hợp của Shogi là quân Vương.
Mình không tìm hiểu quá nhiều xung quanh trò chơi này, nên cũng sẽ chỉ giới thiệu sơ vậy thôi. Trong quá trình tìm hiểu sẽ có những người nghiên cứu sâu hơn, các bạn có thể hỏi họ nhé. Mình sẽ để ở trong phần III.
II. Trò này chơi thế nào?
1. Layout - Sắp xếp.
Như các bạn có thể quan sát:
- Bàn cờ Shogi gồm 9 cột từ 1 tới 9 (theo góc nhìn của người đi trước, từ 1 tới 9 sẽ từ bên phải qua bên trái), 9 hàng cũng từ 1 tới 9, nhưng thường được phân biệt với cột bằng việc sử dụng Hán tự từ Nhất tới Cửu (theo góc nhìn của người đi trước, từ 1 tới 9 sẽ là từ trên xuống dưới)
- Mỗi bên gồm 20 quân cờ, cũng không phân biệt giữa địch và ta bằng màu sắc mà là bằng hướng chỉ của quân cờ (do hình dạng đặc trưng của quân cờ, nếu quân cờ có mũi hướng lên, đó là quân của ta, nếu hướng về phía người chơi, nó sẽ là quân của đối phương.). Trong setup ban đầu, hai bên không đối xứng với nhau.
Về setup quân cờ lúc khởi tạo:
- Ở hàng trên cùng là 9 quân Bộ Binh (các bạn có thể gọi là Tốt cho nhanh) xếp thẳng hàng nhau.
- Ở hàng giữa, đặt quân Giác Hành ở bên trái (ô 88 đối với người đi trước - gọi là Sente và ô 22 đối với người đi sau - gọi là Gote) và quân Phi Xa ở bên phải (ô 82 đối với Sente và ô 28 đối với Gote). Thứ tự này không được thay đổi.
- Ở hàng đáy, lần lượt từ bên trái: Hương Xa - Quế Mã - Ngân Tướng - Kim Tướng - Vương Tướng, sau đó đối xứng ngược lại: Vương Tướng - Kim Tướng - Ngân Tướng - Quế Mã và cuối cùng là Hương Xa.
Vậy các quân cờ này là gì, di chuyển như thế nào? Mời các bạn sang phần 2, quân cờ và cách di chuyển cơ bản.
2. Quân cờ và cách chúng động đậy.
2a. Bộ Binh.
Bộ Binh là quân cờ có số lượng nhiều nhất trên bàn cờ với 18 con, cũng là quân cờ được sử dụng cho nhiều mục đích nhất. Khi di chuyển và ăn quân, Bộ Binh sẽ đi lên phía trước một ô, không có đi lùi.
2b. Hương Xa
Hương Xa là quân cờ được đặt ở góc (trái cùng, phải cùng) của bàn cờ, số lượng tổng là 4 con. Khi di chuyển và ăn quân, Hương Xa di chuyển lên phía trước bao nhiêu ô tùy ý (ăn quân thì ăn ở đâu thì dừng lại ở đó), không sang ngang hay đi lùi. Nói tóm gọn thì nó là Xe hàng đểu.
2c. Quế Mã
Quế Mã nằm ở bên cạnh Hương Xa trong setup ban đầu, với số lượng tổng trên bàn cờ là 4. Quế Mã đi hình chữ L, tức là sang ngang một bước rồi sau đó tiến lên phía trước hai bước. Vì có nước "nhảy" này, Quế Mã không bị ngăn cản, tức là chỉ cần ô mà nó muốn di chuyển là có thể, thì cứ việc tới thôi, không quan tâm có bao nhiêu quân xung quanh. Còn sau đấy nó có chết hay không thì mình không biết.
2d và 2e - Ngân Tướng và Kim Tướng.
Vì hai quân cờ này rất dễ bị nhầm lẫn, nên mình gộp vào luôn. Với Ngân Tướng (bên trái), nó có thể đi được 4 ô chéo (lên xuống trái phải) và một ô thẳng trên đầu nó. Với Kim Tướng, nó có thể đi được tất cả các ô xung quanh nó, trừ chéo xuống (phải và trái), tổng là 6 ô. Các bạn cũng nhớ kĩ cách quân Kim Tướng di chuyển cho mình nhé, ở phần 3. Đặc trưng của Shogi, mình sẽ gọi hồn nó lên.
2f và 2g - Giác Hành, Phi Xa và Vương Tướng.
Đối với Phi Xa, nó có khả năng di chuyển ngang dọc, lên xuống bao nhiêu ô tùy ý. Đối với Giác Hành, nó có khả năng di chuyển chéo, lên xuống trái phải bao nhiêu ô tùy ý, đối với Vương Tướng, nó sẽ di chuyển được tất cả các ô xung quanh nó 1 bước, lên xuống chéo chiếc gì ok cả, nhưng chỉ một ô thôi. Các bạn chơi cờ vua chắc sẽ quen hơn với điều này.
Đó là những gì mình muốn nói về quân cờ, giờ thì mời các bạn sang phần 3, phần này là phần làm cho mọi người bối rối nhất - Đặc trưng của Shogi.
3. Đặc trưng của Shogi.
3.1 - Phong cấp - Promotion.
Trước khi hiểu rõ quân cờ được phong cấp thế nào, mình muốn các bạn làm quen với khái niệm "Vùng phong cấp". Vùng phong cấp đối với một người chơi là 3 hàng mà khi bắt đầu, các quân cờ của đối phương được xếp tại đó. (Tức là gì, khi bắt đầu xếp quân lên bàn cờ để bắt đầu trò chơi, đối phương của bạn xếp quân ở hàng 1 - 2 - 3 (đối với Sente) hoặc 7 - 8 - 9 (đối với Gote), đó sẽ là vùng mà quân của bạn có thể thực hiện được hành động phong cấp)
Thứ hai, có bao nhiêu quân cờ có khả năng phong cấp? Trong Shogi, có sáu quân cờ có khả năng phong cấp, bao gồm: Bộ Binh, Hương Xa, Quế Mã, Ngân Tướng, Giác Hành và Phi Xa.
Bốn quân "nhẹ" gồm Bộ Binh, Hương Xa, Quế Mã và Ngân Tướng, khi phong cấp sẽ lần lượt được gọi là Tokin - Thành Hương - Thành Quế và Thành Ngân. Các quân cờ này khi trong trạng thái phong cấp, đều di chuyển giống Kim Tướng cả, nên mình sẽ không nhắc lại nhé.
Phi Xa sau khi phong cấp sẽ được gọi là Long Vương (hoặc nếu bạn không thích màu mè thì gọi là Xe rồng cũng được). Khi trở thành Long Vương, Phi Xa giữ nguyên cách nó đi, nhưng được cộng thêm có khả năng di chuyển 4 ô chéo xung quanh nó một bước. Điều này là lý do tại sao Long Vương được đánh giá là quân cờ mạnh nhất bản đồ, khi độ cơ động tăng lên đáng kể.
Long Mã là tên gọi sau khi được phong cấp của Giác Hành. Khi trở thành Long Mã (dịch đại khái là Ngựa rồng), không chỉ di chuyển như ban đầu, nó còn có khả năng đi 4 ô trên dưới trái phải của nó một bước. Điều này khắc phục điểm yếu chỉ có khả năng cover 50% bàn cờ của Giác Hành.
Thứ ba, các quân cờ sẽ được phong cấp thế nào?
Có 3 trường hợp quân cờ được phong cấp:
- Quân cờ di chuyển vào vùng phong cấp.
- Quân cờ di chuyển ra khỏi vùng phong cấp
- Quân cờ di chuyển bên trong vùng phong cấp.
Khi phong cấp, người chơi (khi chiến đấu thực) sẽ lật ngược quân cờ lại, và đó là lý do tại sao quân cờ không được phân biệt với nhau bằng màu sắc (sâu hơn một chút sẽ là bài tập dành cho bạn đọc tự chứng minh, hì hì).
Một vài chú ý dành cho bạn về phong cấp:
- Phong cấp không có tính bắt buộc hoàn toàn. Bạn có thể lựa chọn phong cấp hoặc không, nhưng nếu bạn khiến cho quân cờ đó nếu không phong cấp không thể di chuyển vào nước tiếp theo, bạn phải phong cấp nó.
- Phong cấp là hành động tích hợp, tức là không tốn một nước đi riêng chỉ để phong cấp nó, bạn có thể di chuyển quân cờ, và nếu như đủ điều kiện, lật ngược lại quân cờ luôn chứ không cần phải chờ lượt kế.
- Phong cấp không có nút Undo, cho nên nếu đã phong cấp thì trạng thái đó sẽ được giữ nguyên, cho đến khi biến mất khỏi bàn cờ.
3.2: Thả quân
Đây mới thật sự là đặc trưng làm Shogi phức tạp này.
Trước hết, khi ăn được một quân của đối thủ, nó không bị loại bỏ ngay lập tức ra khỏi trò chơi, mà sẽ được đặt ra ngoài, về phía của người vùa ăn được nó.
Và đúng rồi, khi đã có quân trên tay, bạn sẽ có thể sử dụng lại các quân cờ này như quân của mình! (Lại thêm một lý do nữa mà tại sao các quân cờ Shogi không được phân biệt bằng màu sắc).
Nghĩa là gì, bạn có thể (về mặt lý thuyết), đặt quân cờ mà mình vừa ăn được, lên bất cứ ô nào còn trống và khiến nó có thể di chuyển được ở nước tiếp theo
Phần mình sắp nói cho các bạn sau đây sẽ tương đối phức tạp, cho nên ngấm hiểu và nếu không hiểu thì comment luôn này: Khi thả quân, bạn bắt buộc phải tuân thủ những quy định sau đây để nước đó là một nước đi hợp lệ (vì nếu là một nước đi không hợp lệ, bạn sẽ ngay lập tức thua ván đấu):
- Không xuất hiện hai con Tốt không phong cấp của cùng một bên trên cùng một cột.
- Không thả các quân cờ mà khiến nó không có khả năng di chuyển vào nước tiếp theo.
- Khi thả quân vào vùng phong cấp của đối phương, bạn sẽ không được phong cấp ngay lập tức, mà phải chờ tới nước tiếp theo.
- Không thả Bộ Binh để chiếu hết Vương Tướng của đối phương ngay lập tức.
3.3: Các cách mà một ván cờ Shogi có thể kết thúc.
3.3a - Chiếu và chiếu hết. Hoặc là có ông nào đấy phạm luật.
Trước hết thì mình cũng nói luôn, nếu một người thực hiện một nước đi không nằm trong luật, sẽ bị xử thua ngay lập tức.
Vậy thì, chiếu là gì? Chiếu là hành động đe dọa sẽ ăn lấy quân Vương Tướng của đối phương trong nước tiếp theo. Khi một kì thủ bị chiếu, họ phải ngay lập tức hóa giải nó, để đảm bảo rằng đối phương sẽ không ăn được quân Vương của mình trong nước tiếp theo. Nếu không, sẽ bị xử thua ngay lập tức.
Nếu như mối đe dọa đó không thể bị loại bỏ bằng bất cứ cách nào, nó được gọi là chiếu hết, và kì thủ nào chiếu hết được Vương Tướng của đối phương trước sẽ là người chiến thắng.
Và như mình đã lưu ý ở phần trước, bạn có thể thả bất cứ quân gì để chiếu hết Vương Tướng đối phương ngay lập tức, trừ Bộ Binh ra nhé!
3.3b - Anh bạn à, tôi có thể...
Ý tôi là hòa. Cũng có một lưu ý nhỏ cho các bạn, nếu hai bên hòa cờ, ván đấu sẽ được đánh lại, người đi trước sẽ trở thành người đi sau và ngược lại.
Trong Shogi có hai cách để hòa cờ. Cách thứ nhất được gọi là Sennichite - Thiên Nhật Thủ, và cách thứ hai được gọi là Jishogi - Impasse.
Với trường hợp đầu tiên - Thiên Nhật Thủ, nếu như một hình cờ bị lặp lại tới lần thứ tư mà không có sự thay đổi về số lượng quân (trên bàn cờ và trên tay của hai bên), nó sẽ là một trận hòa. Nhưng hãy lưu ý rằng, nếu bạn chiếu Vương đối phương một cách lặp lại quá 4 lần liên tiếp mà không có khả năng dẫn tới chiếu hết (tức là hai bố cứ ngồi cù nhây chiếu với nhau thôi ấy), thì người chiếu liên tục lặp lại sẽ là người thua cuộc.
Các bạn có thể xem qua video này (tại vì mình không biết nên lấy hình minh họa kiểu gì để giải thích cho việc lặp lại thế cờ)
Trường hợp thứ hai là Jishogi - Impasse, tạm dịch là Vương cùng tồn tại. Để hiểu trường hợp này, mình sẽ đưa một hình cờ ví dụ:
Hai quân Vương đều đã sang vùng phong cấp của mình, với rất nhiều quân bao xung quanh để có thể bảo vệ nó. Do các quân cờ Shogi đều được thiết kế để tấn công về phía trước (chứ không quá mạnh khi tấn công lùi), việc chiếu hết hai quân Vương này gần như là điều không thể. Để tránh việc hai thanh niên tiếp tục đổ bê tông, luật Impasse được ra đời. Đại khái cái quy tắc nó hoạt động thế này:
- Mỗi quân Phi Xa và Tượng mà kì thủ đó có (cả trên tay lẫn trên bàn cờ) được tính 5 điểm, các quân còn lại (trừ Vương Tướng) được tính một điểm.
- Quy tắc này sẽ được sử dụng khi cả hai bên đồng ý với nhau không còn khả năng chiếu hết quân Vương của đối phương, khi đó sẽ tính tổng số điểm mà hai bên có theo quy tắc bên trên. Nếu như một trong hai bên có điểm dưới 24, người đó sẽ thua ván cờ. Nếu cả hai cùng trên 24 điểm, ván đấu sẽ trở thành một ván đấu hòa.
Bạn cũng có thể xem video tham khảo về luật này (do mình cũng éo biết phải minh họa như thế nào luôn):
Thật ra thì còn một vài điều nữa, nhưng nếu bạn là một người mới, thì mình có thể nói rằng phần II này là tất cả những điều mà bạn cần biết để có thể chơi được một ván Shogi từ đầu đến cuối một cách hoàn chỉnh. Có thể trong bài viết tiếp theo, mình sẽ viết về những thứ xung quanh ván cờ và bàn cờ, để bạn có thể chơi Shogi một cách "văn hóa" hơn.
III. Nhiều hơn là học luật.
Tất nhiên rồi, nếu chỉ đưa bạn luật chơi Shogi, thì hứng thú mà yêu thích, đam mê với nó không phải ai cũng làm được. Cho nên, phần III này sẽ là một hướng dẫn *be bé* để bắt đầu dẫn bạn vào thế giới Shogi, ít nhất là ở Việt Nam.
Trước hết, bạn có thể đánh Shogi online (tình hình dịch đang căng thẳng) tại các trang web:
Và đây là video tutorial cách sử dụng hai nền tảng này:
Rồi, đó là về các trang web để chơi Shogi hay được sử dụng và cách nó sử dụng. Còn về cộng đồng người chơi Shogi tại Việt Nam, mình có thể giới thiệu cho các bạn Vietnam Shogi Club:
https://www.facebook.com/vietnamshogiclub/ - Fanpage của VSC
https://www.facebook.com/groups/2797534503840929 - Group facebook của Vietnam Shogi Club. Nếu các bạn vào nhớ trả lời câu hỏi, đọc pass là "đọc bài viết của Ngọc trên Spiderum", xong rồi paste link bài này cũng được, mình sẽ rất biết ơn đấy.
https://discord.gg/NeUbfWBVA5 - Discord của Vietnam Shogi Club.
Ở đây có mọi người, bạn đặt câu hỏi gì về Shogi họ cũng đều có thể trả lời cho bạn, nên đừng ngần ngại mà hãy tham gia nhé!
Bài viết này đã cung cấp cho bạn không chỉ là cách chơi Shogi, mà còn là những bước chân đầu tiên để bạn có thể tham gia vào thế giới 81 ô đầy hỗn loạn này. (Mình đã cúp tiết Văn và dành gần 2 tiếng để hoàn thành bài viết này, nên nếu có thích nó, thì cho mình xin một upvote, để có thể đem Shogi tới nhiều người hơn). Chúc bạn may mắn trong thế giới này, mình là Ngọc đến từ Ryunista Crew, xin chào và hẹn gặp lại!
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất