Mình từng tự tin rằng bản thân chưa từng là một con nghiện: không nghiện game, shopping, săn sales shopee... Thế nhưng khi covid đến, buộc phải ở nhà nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ lại mọi chuyện diễn ra trong cuộc sống thì mình tá hỏa rằng: Mình là một con nghiện cảm xúc. Hay nói đúng hơn là nghiện việc thỏa mãn cảm xúc.

Chúa cả thèm chóng chán!

Hồi đại học mình từ làm qua rất nhiều công việc, nhưng chẳng có cái nào kéo dài nổi qua 3 tháng. Khi mới bắt đầu thì rất hào hứng, vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng cứ được một thời gian thì bắt đầu oải, chán nản, không thích. Mỗi lần nói chuyện với bố mẹ, mình lại bắt đầu biện minh rằng con cảm thấy không phù hợp nên không muốn tiếp tục theo đuổi nữa.
Trải qua 4 năm đại học, chẳng biết bố mẹ đã phải nghe bao nhiêu câu chuyện định hướng mỗi khi mình bỏ đi công việc này và tìm kiếm một cơ hội khác. Mình luôn bao biện cho bản thân rằng phải thử thật nhiều để có thể tìm ra đâu mới thực sự là đam mê, yêu thích của bản thân. Thử nhiều thì có lẽ là đúng nhưng thái độ thử thiếu nghiêm túc và kiên trì là chuyện hoàn toàn sai.
Hồi năm cuối, sau bao nhiêu cố gắng, khó khăn, gian nan học tập thi cử thì mình rất hạnh phúc vì đã đậu vào một công ty khá ổn. Các anh chị rất vui vẻ, hòa đồng. Nhưng chỉ sau một vài sự kiện không như những gì mình nghĩ về môi trường làm việc, mình trở nên ghét nơi đó. Mình ghét con người, công việc - điều mà đáng ra mình không nên như vậy. Mình trở nên ít nói hơn, ít support mọi người hơn, ít nhiệt huyết hơn, lười biếng và uể oải hơn. Chúng ta có quyền ghét, có quyền không thích một điều gì đó nhưng để những thứ đó ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ thì nó là sự show off của cảm xúc. Đó là cách cảm xúc biến mình trở thành nô lệ và bị dẫn dắt.

Bố của mặc kệ!

Mình là một kẻ biết phân biệt đúng sai nhưng vào thời điểm cảm xúc khiến mình rạo rực và hừng hực khí thế. Mình sẽ bất chấp mọi rủi ro để thực hiện những chuyện điên rồ và sai lầm. Đỉnh cao hậu quả liên quan đến câu chuyện quay lại với người yêu cũ. Mình biết yêu lại người cũ chưa chắc đã sai. Nhưng cách thức sai hay bản thân hai người vẫn như lúc trước, thậm chí còn tệ hơn thế khiến việc quay lại trở thành một điều cực kì tai hại. Nó có thể giết chết trái tim và cách yêu của bạn sau này. Đó thực sự là điều đã xảy ra với mình.
Mối quan hệ của mình và nyc cực kì toxic. Chúng mình giống nhau, những kẻ nghiện cảm xúc, cả thèm chóng chán và bất chấp hậu quả. Chúng mình đến với nhau một cách chóng vánh, cực kì hạnh phúc vào những ngày đầu, nhưng cũng nhanh chán nhau. Bạn ấy có những mối quan hệ bên ngoài và chúng mình bắt đầu chia tay. Tại sao mình lại nói bắt đầu chia tay. Vì câu chuyện lặp lại, có khi cả trăm lần chia tay nhưng rồi mình vẫn đồng ý quay lại.
Mình đã từng suy nghĩ rất nhiều về việc tại sao cứ quay đi quẩn lại nhiều như thế và không thoát ra được. Bản thân biết mối quan hệ tệ hại và nên bỏ đi hoàn toàn nhưng lại không làm được. Hóa ra, là vì mình luôn dễ dãi thỏa mãn cơn thèm khát cảm xúc, để chính mình trở thành một kẻ yếu đuối khi đứng trước sự gào thét của cảm xúc. Nếu mình lí trí hơn thì những điều toxic ấy đã chẳng lặp lại nhiều và lâu đến vậy.
Hay chuyện đi học, có khi nào đứng trước một kì thi quan trọng nhưng bạn lại chẳng muốn học, chẳng muốn làm gì vì không có tâm trạng không? Dù biết hậu quả cực kì nghiệm trọng nhưng bản thân không làm gì. Đó là lúc bạn thấy red flags về việc buông thả để thỏa mãn cảm xúc chán nản của chính mình rồi đấy.
Còn nhiều những red flags khác để cho thấy bạn là một con nghiện cảm xúc, dễ dãi thỏa mãn tất cả chúng rồi bị cảm xúc dắt mũi mà chẳng hề hay biết. Nhưng có lẽ mình sẽ không tách nhỏ ra cho dông dài làm gì, mỗi ngày để ý bản thân một chút có lẽ bạn sẽ biết mình có phải con nghiện hay không.