Đời chẳng đẹp nếu thiếu văn chương, mà văn chương không có cuộc đời thì cũng chẳng còn hay ho nữa.
Người viết nhạc có tổng cộng bảy nốt, người vẽ tranh có cả thảy ba màu, người khéo léo dùng ba màu, bảy nốt đó thì thành vĩ nhân, còn người vụng về thì đến cuối đời vẫn chỉ có trong tay tổng cộng, ba màu, bảy nốt. Chung quy lại, Mozart với anh giáo viên thanh nhạc tiểu học, Picasso với cậu họa sĩ quèn, nhìn thì khác nhau, nhưng bên trong đó cũng chỉ là một, tôn thờ một niềm tin, chia sẻ chung một sức mạnh, chỉ khác ở cách người ta dùng sức mạnh ấy. Văn chương cũng không khác là bao, có bao nhiêu chữ cái đó, bao nhiêu dấu chấm, dấu phẩy đó mà người thì viết nên những áng văn bất hủ, người thì ngày đêm vẫn viết, nhưng viết mãi vẫn chẳng thể so bì với các bậc vĩ nhân. Tản Đà nói đúng chẳng sai, văn chương hạ giới rẻ như bèo, trước giờ, văn chương chưa từng là một cái nghề đem lại nhiều tiền cho người theo đuổi cả, nếu có thì là những cây viết đại thụ, mà tổng số những người này thì chỉ như một giọt nước giữa cái hồ to toàn nhà văn chết đói. Về mặt này thì làm văn cũng như vũ công ba lê, nhiều thì nhiều đấy, nhưng để sống được thì phải cực kì giỏi, để đạt đến mức đó thì cả thành phố họa may chắc có được một người.
Văn chương hay ở đâu? Cách người đọc cảm thụ hay cách người viết thõa mãn cái tôi? Tôi nghĩ là cả hai, người viết văn vừa đem lại cảm giác sung sướng cho mình vừa cho người đọc, mặc dù, trong đa số các trường hợp, cái cảm giác sung sướng đó thường là khác nhau. Có lẽ vì thế mà bao nhiều thế hệ nhà văn từ trước đến nay hiếm khi bỏ nghề, cũng không vì chết đói mà giảm đi cả về số lượng lẫn chất lượng. Văn chương là một mối cám dỗ, sa vào văn chương giống như sa vào rượu chè vậy, càng uống càng say, càng say thì người ta lại càng không muốn tỉnh, mà có lẽ thế lại hay nhỉ. Vì đời chắc gì đã đẹp được như văn.
Chẳng phải vì đời xấu xí quá nên người ta mới tìm đến văn chương hay sao. Văn chương biết cách đem lại nỗi buồn, điều này thì đời cũng có thể, mà nó còn làm quá tốt ấy chứ; văn chương đen đến niềm vui, đời cũng làm được; văn chương đem đến cho ta thứ gì thì đời có thể mang đến thứ đấy, trừ một điều: cùng với văn chương, tên ăn mày khốn khổ nhất thế giới cũng có thể lên làm ông vua anh minh nhất, và làm cho ông vua quyền lực nhất biến thành tên ăn mày gian manh nhất địa cầu mà vẫn có thể quay trở lại làm vua khi đóng sách lại. Văn chương đen đến cho con người ta sự lựa chọn, những cơ hội. Một áng văn hay có thể làm cho con người ta thay đổi, một áng văn hay có thể cứu vãn một con người, một áng văn hay làm cho đời tươi đẹp hơn, làm cho những đám mây bồng bềnh hơn và bầu trời trong xanh thêm.
Văn chương được mến mộ chẳng qua cũng là vì đời thối nát quá thôi, nếu một ngày đời thôi thối nát, thì tôi tin rằng ngày đó văn chương sẽ không còn tồn tại, mà chính bản thân cuộc sống lúc đó là một áng văn chương, dài và mênh mông. Có điều, điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra đâu.
Và văn chương cũng biết khi nào dừng là đủ. Đời không bao giờ được như vậy. Văn biết hoàng tử gặp công chúa "và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau" là một cái kết đẹp, và người đọc biết chắc không thể nào "hạnh phúc mãi mãi về sau" được, và cũng không cần biết làm gì, họ vẫn vui, họ vẫn hạnh phúc đấy thôi, văn biết dùng năm phát súng chỉ thiên để kết thúc một câu chuyện buồn, và một con đường dài để kép lại một hành trình đẹp, hoặc đôi khi có thể là vườn rau, cây đàn cũ hay tán lá cổ thụ xa xưa... Văn chương là những lát cắt của cuộc sống, có điều những lát cắt này đã qua sàn lọc, chế biến để trở thành duy nhất, và đẹp nhất. Văn chương không thích dùng những đoạn văn bỏ lửng giữa câu, mà nếu nó bỏ lửng giữa câu thì cũng nhằm mục đích gì đó ai mà biết được, vì trước giờ tôi chưa từng đọc một cuốn sách nào kết thúc bằng cách bỏ lửng (mà không phải vì tác giả mất khi đang hoàn thành tác phẩm) nếu ai có thì cho tôi biết với.
Nếu đã lỡ sống trong văn thì chẳng ai còn thiết ra ngoài đời. Vì sau khi hóa thân thành hàng trăm hàng nghìn loại người khác nhau thì quay lại làm một thằng suốt ngày ở nhà, đến trường, đi làm và về nhà quả thực rất nhàm chán. Chắc vì thế mà nhà văn thường sống hơi lộn xộn một tý, bừa bãi một tý, mà nghĩ lại thì ông nghệ sỹ nào chẳng vậy.

một ngày không mưa cũng không nắng,
là tiếng lòng những mong ước xa xôi.