5h sáng, báo thức kêu. Bạn có tiết học lúc 7h. Nhưng hôm qua bạn ngủ muộn vì cố thức xem nốt phim, giờ mắt bạn còn chả thể mở quá 5s, người bạn như cứng đơ và đầu bạn thì quay như chong chóng. Bạn cố nằm thêm 10’ rồi thành 30’, rồi gắng hết sức lết cái thân nặng nề dậy. Đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, rồi bạn nhận ra bạn đã muộn giờ học, nên bạn chả thèm ăn sáng hay chuẩn bị sách vở. Bạn đi học, thật ra bạn chỉ đến trường và giả vờ học thôi. Và phần lớn một ngày trôi qua như vậy, bạn đốt thời gian ở trường và tự an ủi rằng mình đang thông minh lên. Tối, bạn thở phào vì đã thoát khỏi cái nhà tù mang tên “trường học”, bạn quyết định tự thưởng cho mình bằng hàng giờ giải trí. Gần hết buổi tối, bạn  nhận ra bạn vẫn cần học bài, bạn mở sách, rồi tự nói với mình đã muộn rồi, cần ngủ sớm. Và bạn leo lên giường…xem phim. 5h sáng hôm sau, báo thức lại kêu.
    Một ngày với bạn trôi qua thật tẻ nhạt, vô vị. Bạn không hứng thú với bất cứ gì, cũng chả tự hào về những thành tựu đã có (hoặc bạn chả có thành tựu nào cả) hay biết mình sẽ đi về đâu. Bạn lạc đường. Mỗi ngày là một chuỗi những hành động xảy đến dồn dập, mà bạn lại là nạn nhân, chứ không phải chủ thể. Bạn bị đưa đẩy bởi những việc bạn không thích, đến những nơi bạn không muốn đến. Nhưng bù lại, cái guồng quay bận rộn giữ bạn khỏi thực tế là bạn đang lạc đường. Thậm chí, đôi khi nó còn cho bạn cảm giác bạn đã cố gắng và đạt được cái gì đó. Tuy vậy, sự thật vẫn len lỏi vào. Nó tìm lại đường về khi bạn nhìn thấy một tỷ phú được tung hô trên TV, hay tệ hơn, một người tỷ phú bằng tuổi bạn, hay tệ hơn nữa, một người bạn được điểm cao hơn  bạn. Những người xung quanh cũng chả giúp được mấy. Họ có thể  chia ra thành 2 trường phái: những người sẽ vỗ vai và nói với bạn rằng mọi chuyện sẽ ổn, rằng bạn đã cố hết sức rồi; hoặc những người sẽ chọc thẳng vào sự tổn thương của bạn, khoét nó sâu thêm chút nữa, rồi dửng dưng bảo bạn đừng ủy mị nữa, rằng bạn phải cố gắng nhiều hơn và tệ nhất là lại so sánh bạn với người khác (cái việc mà bạn làm giỏi nhất). Loay hoay một mình, thiếu sự hướng dẫn và cảm thông, bạn quay lại với cái guồng quay quen thuộc, dù bạn biết rằng bạn ghét cay ghét đắng nó.
    Một quan niệm mà chúng ta có thể thấy trong hầu hết mọi tôn giáo và mọi người nói với lẫn nhau như một lời an ủi: Đời là bể khổ. Điều này có vẻ luôn hiện hữu trong tâm trí của mọi người và được coi như mặc định. Nhưng có vẻ một số người đã quên mất vế còn lại, đúng hơn, câu nói ấy đầy đủ phải là: Đời là bể khổ, nhưng chính ta cũng có thể làm cho cái “bể” đấy rộng hơn, sâu hơn. Rộng hơn, sâu hơn bao nhiêu ư ? Trong Kinh thánh, Địa ngục là một cái hố không đáy hơn là một nơi nào đó, và đó cũng là câu trả lời: cho dù cuộc sống có tồi tệ và méo mó đến mức nào, bạn luôn có “tiềm năng” để làm nó tệ hơn một chút nữa. Lời hứa về một cuộc sống yên bình là một ảo tưởng, một cú lừa thế kỷ. Bạn muốn tránh xa rắc rối ư ? Không được bao lâu đâu, và rắc rối sẽ tìm đến bạn (vì đời là bể khổ mà). Nhưng lúc đó, nó sẽ hạ gục bạn, bởi bạn đã chẳng chuẩn bị bất cứ thứ gì, bạn chả khá hơn chút nào, thay vào đó, bạn chìm đắm trong cái sự bình yên giả tạo và buông thả bản thân. Bạn có thể cho rằng cuộc sống của mình chỉ cần như một đường thẳng, không cần đi lên và chỉ cần tránh đi xuống là được. Nhưng thật ra nó đang đi xuống một cách chậm rãi, và đến một khoảnh khắc, nó sẽ rơi tự do. Thế giới hiện đại, cùng với sự phát triển của công nghệ, lại mang đến vô số những “lối thoát” tạm thời cho những vấn đề của bạn: porn, đồ ăn nhanh, game, mạng xã hội. Điểm chung của tất cả bốn “gã khổng lồ” kia: chúng đem lại mọi thứ bạn muốn ngay lập tức, miễn phí (hoặc ít nhất là rẻ) cùng với lời hứa rằng sẽ không có hậu quả đi kèm. Ai mà muốn lết xác đi tập thể dục khi bao nhiêu đồ ăn còn đang vẫy gọi (và lại còn được giao đến tận nhà nữa chứ), không chỉ vậy, sau khi ăn và nếu cảm thấy tội lỗi, bạn có thể lên mạng và xem hàng trăm khẩu hiệu, bài viết hô hào về yêu thương bản thân, rằng chúng ta đã hoàn hảo và chúng ta nên chấp nhận bản thân như ta vốn có. Và nếu sự lười biếng và thói quen ăn uống vô độ hủy hoại ngoại hình của bạn, làm bạn tự ti, kém hấp dẫn trước người khác ? Và porn đã tham gia cuộc chơi. Với hàng nghìn video, đủ các thể loại cùng những con người đẹp đẽ trần truồng luôn sẵn sàng, thì khái niệm hẹn hò nghe có vẻ lép vế và cũ kĩ. Không chỉ vậy, những con người trên màn hình không bao giờ phàn nàn, kêu ca hay đòi hỏi gì, họ còn luôn sẵn sàng đáp ứng mọi tưởng tượng của bạn. Đi cùng với sự phát triển của xã hội là sự dồi dào của những lựa chọn, bạn có thể là bất cứ ai, làm bất cứ gì bạn muốn, có bất cứ thứ gì bạn thích. Hàng đống lựa chọn được bày ra nhưng lại không có một sự chỉ dẫn nào. Bạn có thể là bất cứ ai, nhưng biết mình muốn là ai thì lại là một câu chuyện khác. Đó chính là bài toán về chọn ngành, chọn trường đại học. Bạn đi học 18 năm mà chả hề biết mình giỏi gì, thế mạnh, điểm yếu hay mong muốn ra sao. Rồi ngưỡng cửa đại học tát vào mặt bạn một cách đau đớn. Tỉ lệ bạn chọn đúng ngành mình thích, vào trường phù hợp còn thấp hơn cả tỉ lệ bạn thắng xổ số. Đến xổ số còn có nhiều giải, còn đại học chỉ có trúng hay trượt, đúng hay sai. Và bạn được kì vọng sẽ chọn đúng, và gắn bó với cái quyết định đó suốt phần đời tiếp theo. Đó là kế hoạch lý tưởng được vạch sẵn cho bạn (giờ thì nghe không lý tưởng lắm nhỉ ?). Và game đề nghị cho bạn một con đường khác, một thế giới khác. Một nơi mà cũng như thế giới thực, bạn có vô số lựa chọn, nhưng bạn có thể nhảy từ nhân vật này sang nhân vật khác, hay game này sang game khác mà không mất đi gì cả. Không chỉ vậy, bạn có chỉ dẫn, nhiệm vụ, thăng cấp, mục tiêu, cốt truyện được viết sẵn. nó cho bạn cơ hội như thế giới thực cùng với ít rủi ro hơn và những con đường được bày sẵn. Nghe có vẻ quá hoàn hảo nhỉ ? Con người là loài xã hội, chúng ta luôn muốn có chỗ đứng trong xã hội và được khẳng định bản thân mình. Nếu con đường thông thường là làm việc chăm chỉ, thành tài, làm giàu thì con đường hợp thời và dễ dàng nhất hiện nay là mạng xã hội. Mạng xã hội cho chúng ta một danh tính mới đồng thời cũng che giấu những phần xấu xí, méo mó nhất để ta tự tâng bốc mình qua những bình luận, chia sẻ và theo dõi. Ta tự làm mờ mắt bằng những lời đường ngọt của thiên hạ, nhưng cũng dày xéo bản thân nếu bất chợt có động thái chống lại ta, nhưng dù là thế nào, ta cũng đều quay lưng lại với bản thể thật của ta, và nó dần đang xù xì, biến dạng hơn trước.
    Nhưng bạn đâu phải chỉ là nạn nhân. Bạn thừa biết là mình vừa tăng 2 cân nữa, bạn thừa biết là mình lười biếng, bạn thừa biết là mình chả biết cái quái gì. Nhưng nghịch lý thay, bạn vẫn tiếp tục con đường mòn bất tận. Và mỗi ngày, bạn lại rơi sâu hơn vào cái hố không đáy, bạn lại đào cái “bể khổ” sâu hơn và rộng hơn một chút và tệ nhất, thời gian của bạn co ngắn lại. Bạn thụ động, bạn tự nhủ sẽ thay đổi khi cơ hội đến. Nhưng đoán xem ? Dù cơ hội có đến, thì bạn cũng chả biết đó là cơ hội, vì bạn đâu có cố gắng, bạn vẫn tệ hại như ngày hôm qua, hay thậm chí là tệ hơn, thì làm sao bạn có thể nhận ra cơ hội cơ chứ ? Và giả sử cơ hội có rơi trước mặt bạn, thì xác suất bao nhiêu là bạn sẽ nắm lấy nó, khi mà bạn đã nuôi dưỡng sự lười biếng, thui rèn sự lẩn trốn và hèn nhát bấy lâu nay. Cơ hội hay thách thức, cả hai cùng đòi hỏi bạn phải bước ra cái vỏ cứng nhắc mà bạn đã xây nên cho mình, nếu bạn đã chạy trốn trước khó khăn, thì bạn cũng sẽ lẩn tránh trước cơ hội mà thôi. Nhưng có lẽ, với tất cả nhận thức về sự hèn kém và khuyết điểm của mình, bạn đi đến phán quyết cuối cùng: rằng mình không xứng đáng được cứu, không xứng đáng với cơ hội. Có lẽ chúng ta không thực sự chết khi tim ngừng đập, mà cái chết xảy đến khi chúng ta buông bỏ tầm nhìn về một cuộc sống, một viễn cảnh tốt hơn cái mà chúng ta đang có. Và đó là khi “địa ngục được giải phóng” (all hell breaks loose),  chúng ta buông thả bản thân, chìm đắm trong những thú vui của ngày hôm nay mà quên đi khái niệm “ngày mai”, coi thường sự an nguy của mình. Hay nói cách khác, bạn nổi loạn chống lại mọi thứ tốt đẹp mà được hứa với bạn nhưng lại không nằm trong tay bạn, bạn làm điều xấu vì bạn muốn điều xấu xảy ra. Nhưng sự hủy diệt không dừng lại ở mình bạn, mà nó còn lan ra những người khác. Khi nhìn thấy một người khác đang cố gắng, bạn chả mấy vui vẻ gì, vì nó chỉ nhắc bạn về sự sa ngã của bản thân, và một thứ chất độc dần lan ra trong tim bạn – sự ghen ghét, phẫn uất. Nó thúc đẩy bạn đạp đổ, khinh thường sự cố gắng của người khác, và nếu người ta cũng sa ngã giống bạn, bạn sẽ hả hê thỏa mãn. Có một câu chuyện cười như thế này: chàng Marx muốn tham gia vào một câu lạc bộ nọ, nhưng ngay khi anh được chấp nhận, anh lại cười nhạo câu lạc bộ vì đã chấp nhận một người như anh. Những kẻ bắt nạt, phản xã hội, hiếp dâm, giết người,… không nhỏ trong số chúng thật ra là những kẻ yếu đuối với sự phẫn uất chảy trong huyết quản, với một niềm tin sắt đá rằng sự sống là vô nghĩa và sự hủy diệt là con đường đến sự cứu rỗi. Và cũng chính vì lẽ đó, mà sự cố gắng, vượt lên chính mình và trở thành người tốt không chỉ là hạnh phúc và trách nhiệm đối với cá nhân, mà nó còn là nghĩa vụ đạo đức với xã hội. Nếu bạn có thể làm mình tốt hơn chỉ 1%, thì bạn sẽ có thể làm gương cho người khác và giúp đỡ họ (hay ít nhất là không gây ra tội ác), và đó là cách xã hội trở nên tốt hơn.
    Thật ra, cuộc đời đơn giản chỉ có một hướng đi: tiến lên, và nếu bạn đang không tiến lên, hay đúng hơn là nếu bạn đang không cố tiến lên, thì tức là bạn đang tụt lại. Nó giống như nhị phân vậy, chỉ có 0 hoặc 1. Nghe thì có vẻ đáng sợ và tàn bạo, nhưng hay nhớ rằng, cái quan trọng không nằm ở thành tựu, mà nó nằm ở sự cố gắng. Cuộc đời cũng như một trò chơi, chúng ta đều cố đến với cái đích là “hạnh phúc”, nhưng chúng ta không biết nó ở đâu, nó như thế nào, hay phải đi như thế nào. Và chúng ta sẽ sợ hãi, cũng đúng thôi, nhưng nếu không đi, thì “địa ngục” luôn đứng đằng sau với cánh tay chào đón. Vậy thì lời giải logic nhất lại nằm trong chính slogan của Nike: cứ làm đi (Just do it). Hãy thử một cái gì đó, bất kì thứ gì. Nhưng thậm chí việc bắt đầu một cái gì đó bản thân nó cũng khó khăn, vì tìm cách giải quyết cũng chính là đương đầu với vấn đề, nhìn thẳng vào những sai sót của bạn, và nó thật đau xót. Nhưng đừng nhìn vào sự kém cỏi của mình để thương hại bản thân, hãy nhìn vào chúng với hy vọng và đặt câu hỏi rằng: Tôi có thể làm gì để tốt hơn ? Nhưng nhiều khả năng là bạn sẽ thử nhầm cái và làm sai cách, nhưng làm sai vẫn tốt hơn là không làm gì cả. Từ sai lầm của mình, bạn sẽ học được một thứ gì đó, và bạn sẽ hiểu mình hơn, bạn không làm đúng, nhưng bạn đã biết đâu là cái sai, và sẽ không mắc phải nó nữa. Và với mỗi bước như vậy, dù bước đúng hay bước sai, nhưng với hằng số là sự cố gắng, bạn sẽ có hy vọng vào một viễn cảnh tươi sáng hơn, bạn sẽ thấy tiềm năng của mình mà từ lâu bị lãng quên, bạn sẽ nhìn nhận điểm yếu như là một cơ hội để học hỏi. Đó là bước đầu của hành trình giành lại quyền kiểm soát cuộc đời.
    Một khi bạn đã chọn gánh lấy trách nhiệm của cuộc đời mình, đồng nghĩa với việc bạn ngừng đổ lỗi và tự coi bản thân như một nạn nhân. Tôi không nói rằng bạn là ngọn nguồn của mọi điều xấu, mà tôi muốn nói rằng: việc đổ lỗi rốt cục không làm bạn khá hơn, ngược lại, nó cho bạn một lý do để tuyên bố rằng thế giới đầy bất công và nó đã ngược đãi bạn. Thay vào đó, chịu trách nhiệm không chỉ là với những hành động của mình, mà là còn chịu trách nhiệm với những việc mà bạn không chịu trách nhiệm gây ra. Bạn có thể là nạn nhân của một tuổi thơ bất hạnh, nhưng không có nghĩa phần đời còn lại của bạn cũng phải là bất hạnh, nếu phần đời trưởng thành của bạn cũng chỉ có bất hạnh, thì rất tiếc, đó là lỗi của bạn. Chịu trách nhiệm nghĩa là bạn làm những thứ bạn cần, không phải là những thứ bạn muốn. Và bạn sẽ phải vĩnh viễn hy sinh hiện tại để tương lai là một ngày tốt đẹp hơn, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ đấu tranh với sự hèn kém của chính mình mỗi ngày, và sẽ có ngày bạn thắng, và sẽ có ngày bạn thua. Nhưng suy cho cùng, sự cố gắng là vĩnh cửu và ý chí là không thể bị bẻ vỡ.
He who has a why can bare almost any how - Friedrich Nietzsche