Làm thế nào mà một thương hiệu ô tô nội địa Nhật nho nhỏ có thể đánh bại được các ông lớn trong ngành trên đất Mỹ? Làm thế nào để biến một thương hiệu đi lên từ nhà máy dệt trở thành tập đoàn sản xuất ô tô nội địa Nhật Bản đầu tiên tại Nhật và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ? Câu trả lời nằm ở cuốn sách Phương thức Toyota – Câu chuyện về đội nhóm tuyệt mật đã làm nên thành công của Toyota. Và không chỉ vậy, có lẽ bạn sẽ vận dụng được chút nào đó từ phương thức này vào công việc của mình. Đó cũng là mục đích lớn nhất mà những người sáng lập và phát triển ra phương thức này mong đợi.

Phương thức Toyota  được viết bởi nhà báo Noji Tsuneyoshi rất nổi tiếng tại Nhật Bản. Ông từng có kinh nghiệm làm việc tại nhà xuất bản trước khi chuyển sang lĩnh vực sáng tác. Chủ đề của ông rất đa dạng, từ phòng sự nhân vật trực tiếp tại hiện trường đến kinh doanh, nghệ thuật, ẩm thực, văn hóa, nước ngoài. Và Phương thức Toyota là một trong những ấn phẩm mang lại thành công vang dội nhất cho ông.
Với lối hành văn dễ hiểu, cách kể chuyện gần gũi, tác giả đã giúp người đọc tiếp cận và hiểu rõ nét từng khía cạnh của phương thức Toyota theo từng thời kỳ phát triển thông qua lời kể, cái nhìn của những người trong cuộc,từ  những người công nhân nhà máy đến những người quản lý cấp cao. Qua đó, người đọc không chỉ hiểu rõ cốt lõi, ý nghĩa, linh hồn, nét đặc trưng của phương thức này mà còn nắm được bức tranh toàn cảnh về lịch sử hình thành và phát triển của Toyota.
Cuốn sách được chia làm 18 chương, mỗi chương đều là những câu chuyện thực, là những yếu tố tạo nên phương thức Toyota, chương  trước là tiền đề của chương sau tạo thành một câu chuyện mạch lạc. Đây cũng là các mốc sự kiện quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn hùng mạnh này.
Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng phương thức Toyota là một thứ gì đó rất ghê gớm, cao siêu thì mới có thể đánh bại được Ford của nước Mỹ. Nhưng trên thực tế, phương thức này chỉ đơn thuần là những điều đơn giản mà lô-gic, hoàn toàn không phải là một phương thức sản xuất tỉ mỉ, rập khuôn. Yếu tố cốt lõi của phương thức này không chỉ là việc sử dụng Kanba (hệ thống lập kế hoạch cho sản xuất tinh gọn), không phải là việc trang bị hệ thống Andon (là phương thức hiển thị để dừng thao tác trên dây chuyền sản xuất), không nhà kho, không hàng tồn mà là việc không ngừng cải tiến, sáng tạo để tìm ra giải pháp nâng cao năng suất.
Nếu như Ford System sử dụng phương thức sản xuất hàng loạt, thao tác theo dòng chảy liên tục và người công nhân phải làm việc liên tục như một cái máy và KHÔNG PHẢI ĐỘNG NÃO KHI LAO ĐỘNG thì phương thức Toyota lại đề cao sự SÁNG TẠO CỦA CÔNG NHÂN trong khi lao động, sản xuất. Công nhân sẽ làm việc với tâm thế vui vẻ, muốn lao động thay vì phải lao động. Phương thức sản xuất Toyota là hệ thống để tạo ra những con người biết suy nghĩ, hướng đến việc tạo nên những người công nhân biết lấy suy nghĩ làm niềm vui, có thể đề xuất cải tiến ngay tại nơi mình đang làm việc, công nhân cần phải nghĩ mới bắt tay vào làm việc. Đây là điều mà không đối thủ nào làm được.

Một kẻ cứ làm công việc theo một cách duy nhất và mong chờ những kết quả khác nhau là một kẻ điên rồ”, đây là câu nói rất ấn tượng của Ono, một trong những nhà phát triển phương thức Toyota, cũng đã phần nào nói lên được tư tưởng, hồn cốt của phương thức Toyota. Với phương thức độc đáo này, Toyota là nơi đầu tiên trên nước Mỹ dạy công nhân biết cách để tự tư duy. Và cũng là nơi duy nhất công nhân sẽ không bị đuổi việc dù dây chuyền ngừng hoạt động. Họ được nắm quyền hạn của mình trong tay nhưng để có được quyền hạn đó, họ buộc phải tìm tòi suy nghĩ, sáng tạo không ngừng.
Ngoài ra, để làm nên thành công của Toyota ngày nay không thể không nhắc đến ĐỘI NHÓM TUYỆT MẬT. Đây là những con người đã không ngần ngại đương đầu với những thế lực có tư duy thủ cựu, sẵn sàng quên ăn quên ngủ dấn thân vào hiện trường sản xuất, kề vai sát cánh cùng đội ngũ công nhân để tìm ra những yếu tố gây lãng phí trong dây chuyền và nghĩ mọi cách để nâng cao hiệu suất.
Đó là ngài Kiichiro (người sáng lập ra hãng ô tô Toyota), đó là Ono (người cải cách, phát triển phương thức Toyota), là Hayashi, là Suzumura (những trợ thủ đắc lực của Ono), là những người quản lý, những người bán hàng và cũng là chính những người công nhân. Những con người ấy đã biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội để chuyển mình. Khi các công ty khác đang lao đao vì chiến tranh nổ ra, vì trận động đất Mikawa ập đến thì họ không chỉ giúp Toyota vượt qua những khó khăn đó mà còn giúp công ty trỗi dậy, mở rộng quy mô phát triển. Từ một công ty sản xuất ô tô phải nhập linh kiện từ nước ngoài đến việc tự sản xuất linh kiện, động cơ. Toyota không chỉ gói gọn trọng mảng sản xuất ô tô dân dụng mà còn là trực thăng, ô tô quân sự.
Những con người ấy đã biến những người công nhân từ lao động máy móc, rập khuôn cứng nhắc thành những người biết sáng tạo, làm chủ những gì mình đang làm. Từ một người công nhân chỉ có thể làm việc được với máy tiện mà còn là máy phay, máy cắt. Những con người đó không chỉ dạy công nhân biết cách vận hành hệ thống sản xuất mà còn giúp họ cải cách ý thức lao động. Họ thậm chí được công nhân đặt tên là “con quỷ” bởi sự quyết liệt, mạnh mẽ trong những cải cách chưa từng có, vượt lên những áp lực, chỉ trích đến từ mọi phía để đưa Toyota đến đỉnh vinh quang. Nhưng chính những người công nhân, những con người phản đối mạnh mẽ ấy cũng phải ngả mũ trước cái tài, cái tầm mà “con quỷ” ấy làm được.
Phương thức Toyota – Câu chuyện về đội nhóm tuyệt mật đã làm nên thành công của Toyota là minh chứng rõ nét nhất của sự lao động sáng tạo, không ngừng nghỉ. Nó không chỉ đơn thuần là phương thức bí mật của một thương hiệu sản xuất ô tô mà còn là kim chỉ nam cho nhiều lĩnh vực khác. Rất nhiều người sau khi đọc xong cuốn sách này đã nói rằng: “Tôi nhận ra rằng mình giống như con ếch đang ngâm mình trong nước mà không hiểu được rằng nước đang sôi lên và phương thức Toyota đã giúp họ thoát khỏi nồi nước sôi và tiếp tục sống sót”.