Tôi đã chọn vào một thời khắc đặc biệt để chụp hình ảnh cuốn sách này. Hai tòa nhà vàng rực vì ánh tà dương cuối chiều, cùng cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa vắt trên bìa cuốn sách nằm chính giữa. Trang bìa bí bách. Nhưng đó là tất cả những nét ẩn dụ nằm trong tác phẩm kinh điển mang tên “Tội ác và trừng phạt” của thiên tài văn học Nga Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky. Đó là những gì mà tôi có thể dành cho ông bên cạnh những dòng review sắp xuất hiện dưới đây.
Không phải khi nào tôi review sách cũng dành những khoảng lặng qua một bức ảnh. Nhưng tác phẩm này xứng đáng cho điều đó. Vì cách nó gửi gắm cũng đan xen như thế. Vì nhân vật chính, chàng sinh viên Rodion Romanovich Raskolnikov mang một trái tim hoài bão, nhưng lại bị giằng xé trong một xã hội ngục tù. Một tội phạm thông minh trên hình dung một kẻ tồi tàn. Chàng sinh viên đó cũng giống ánh cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa vần vũ, Raskolnikov mang thứ hoài bão vươn mình trong tăm tối. Hình ảnh vàng rực vì ánh tà dương cuối chiều đã phản ánh cho một hành động rực cháy, nhưng không giấu đi được thực tại phũ phàng rằng nó sắp kết thúc để màn đêm nuốt chửng. Và trang sách với các gam màu bí bách như xã hội Nga cuối thế kỉ XIX đang giam hãm tất cả các nhân vật trong không gian tăm tối tù hẹp. Cách miêu tả các căn phòng của các nhân vật như những chiếc quan tài tù đọng. Nhưng cũng như cầu vồng, họ muốn vươn lên, họ vẫn tỏa đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng, họ là Razumikhin, Dunia, hay Xonia.
Tôi không khuyến khích tất cả các bạn phải mua cho bằng được cuốn sách này, vì bạn có thể bị đánh gục vì cái u tối và sự bí bức của nó, bị đánh gục bởi những tư tưởng triết học sâu xa và những ngôn từ căng não mà Dostoyevsky bày ra cho bạn, và cũng có thể bị cuốn vào sự si mê bệnh hoạn cho nhân vật chính – một kẻ giết người. Ngay cả bản thân tôi dù biết về nó từ những năm cấp 3, cũng phải vật vã 15 năm để cảm nhận được trọn vẹn. Khi ấy tôi mới hiểu ra lý do “Tội ác và trừng phạt” luôn nằm trên giá sách của những nhân-vật- lớn từ Á sang Âu. Vì sự xuất sắc của Dostoyevsky là một sự xuất sắc đáng sợ. Tôi không hay dùng từ này cho một tác phẩm văn học. Nhưng đây là từ khả dĩ nhất có thể sử dụng. Trong ngòi bút của Dostoyevsky, ông có thể dùng một bức thư với những ngôn từ tế nhị sâu sắc, để dẫn người đọc vào trong mê cung của nhận thức. Và rồi cũng bằng những ngôn từ sắc lẹm qua lời nhân vật chính, ông róc cái bức thư mà mình tâm huyết tạo ra giống hệt như róc một chiếc mặt nạ người để nó rơi xuống lả tả, và lộ ra một hình hài xấu xí đến lạnh gáy.
Và chỉ có một tài năng xuất sắc đến đáng sợ cỡ vậy mới có thể viết ra tác phẩm này. Vì nhân vật chính, chàng sinh viên Raskolnikov là một kẻ giết người. Ngàn vạn lời hoa mỹ không chối bỏ được sự thật ấy. Nhưng chàng giết người không phải để cướp của, kể cả khi trong người không một đồng. Chàng giết người không phải vì mình là ác ma, vì chàng có một tấm lòng cao cả. Chàng giết người trong khao khát “bước qua một trở lực” để đưa mọi thứ ở xã hội Nga này trở nên tươi sáng hơn. Vì chàng nghĩ mình là Napoleon, con người đó có thể bắn phá Toulon, tổ chức một vụ thảm sát ở Paris, bỏ quên đạo quân mình ở Ai Cập, tiêu phí hơn một nửa triệu người trong chiến dịch Moskva, và đánh trống lảng bằng một trò chơi chữ ở Vilna. Nhưng con người đó đến khi chết lại được dựng tượng. Chàng đặt ra câu hỏi, chàng muốn thoát thai. Một sự thoát thai chó má và đau khổ ngút trời.
Chàng có tư tưởng, một thứ tư tưởng người ta không dám nhìn thẳng vào. Nhưng Dostoyevsky nhìn vào qua hình hài của Raskolnikov, về tội ác của những con người phi thường, những vĩ nhân. Họ đã làm gì trong chặng đường xây dựng xã hội tốt đẹp hơn ấy? Tất cả các vĩ nhân đó đều phải bước qua dòng sông máu, là “nhất tướng công thành vạn cốt khô”, là “một trận chiến được ghi vài dòng trong sử sách, vốn được viết nên bởi hàng vạn giọt máu tươi.” Raskolnikov đặt cho mình thứ vận mệnh đó, vì chàng có tài mà, nhưng nó quá đau đớn. Đời sau chỉ dám viết về vài kẻ anh hùng kiểu badman, superman, cảnh sát kiểu HongKong, đời sau chỉ dám viết về những nhà phân tích tâm lý nhân vật. 200 năm nay không ai vượt qua nổi Dostoyevsky. Người chọn cách xông pha vào trong bộ óc của một kẻ sát nhân để tự đặt mình vào thủ phạm. Viết về thủ phạm, viết về suy nghĩ, cách họ căng não, cách họ ám ảnh, cách họ đấu tranh tư tưởng, cách họ nói lên cái lý do và cách họ dằn vặt trong thống khổ.
Không có nhiều nhân vật nam chính có thể khiến tôi bứt rứt như vậy. Trước là Roark Howard của “Suối Nguồn”, sau là Raskolnikov của “Tội ác và trừng phạt”.
Người ta nói nhiều về khả năng phản ánh xã hội Nga của Dostoyevsky. Tôi không muốn bàn thêm nữa. Nhưng tôi nói đến những cái tinh tế của ông. Cái cách ông bình luận về sự tiêu pha của người nghèo trong đám tang, cách họ gào thét với câu nói “Nếu chúa không che chở cho lũ mồ côi chúng tôi thì còn che chở cho ai nữa”, hay “Tôi làm gì có tội mà phải rửa. Chính Chúa đã bỏ sót tôi.” Những đoạn văn ảo giác của ông khiến ta cảm giác sự giằng xé, và đặc biệt cả những đoạn văn liên quan đến điều tra hình sự, những màn đấu trí thì xin lỗi ông cũng bậc thầy nốt:
“Thợ sơn à, không, không thấy”!
Raskolnikov thong thả đáp, tựa như đang lục tìm ký ức, trong khi bao nhiêu tinh lực trong người chàng đều căng thẳng lên, trong khi toàn thân chàng đau buốt đến lặng người đi, cố đoán xem cái bẫy căng ở chỗ nào, nhỡ mình có nói hớ ra chỗ nào chăng?
“Không, tôi không thấy họ, và tôi cũng không nhớ là có một căn buồng nào mở cửa. Nhưng ở tầng gác thứ 4...”
Giờ thì chàng đã khám phá ra cái bẫy, và hân hoan đắc thắng.
“Tôi nhớ là có một công chức đang dọn nhà. Trước mặt buồng bà Aliona Ivanova. Tôi nhớ. Cái này thì tôi nhớ rõ lắm, nhưng thợ sơn thì không.”
Chàng chiến thắng trước những kẻ điều tra, và đầu hàng trước lương tâm cao cả. Chàng chiến thắng trước người cảnh sát già dặn, nhưng chàng “đi lang thang không mục đích”, đau khổ cùng tận và nếm trải sự trừng phạt của việc phải chối bỏ người thân yêu, dằn vặt trong nỗi đau khổ vô bờ bến, và “Một nụ cười ngạo nghễ hiện lên môi chàng, chịu đựng một nỗi thống khổ như thế! Mà lại chịu đựng suốt đời, suốt đời. Tôi sẽ quen”. Cách miêu tả những cơn ác mộng, căn phòng ngột ngạt, bước chân, cơn sốt hầm hập của Raskolnikov thật sự gây ám ảnh. Diệu làm sao, ngôn ngữ mà Dostoievsky sử dụng trong tác phẩm lại đầy tinh tế, thứ ngôn từ đó rơi vào miệng của người nghèo, kẻ giàu, người xấu, kẻ tốt, thằng hèn, đều có thể biến câu chửi “Thằng điên” thành câu nói “Anh ấy đang ở một trạng thái phi tự nhiên”.
Và bâng khuâng!
Trong hoang mang đi tìm cho bản thân một sự cứu cánh. Người anh hùng – kẻ sát nhân đi tìm một bóng dáng dịu hiền. Và tàn bạo làm sao, là hình ảnh của một cô gái điếm nhỏ phải bán mình để nuôi ông bố nát rượu, người mẹ ho lao và đám đàn em nhỏ dại.
“Một lát sau, chàng tuyệt vọng nhìn nàng với một cảm giác xót xa vô hạn.
“Xonia à, em đang đợi, tôi biết lắm nhưng tôi sẽ nói gì với em đây? Em không hiểu gì đâu, chỉ thêm đau khổ thôi. Vì tôi mà khổ. Tại sao em lại ôm lấy tôi? Tại vì tôi không chịu đựng được một mình mà phải đem trút lên vai người khác. Em yêu một kẻ hèn hạ như vậy ư?”
“Nhưng anh cũng đau khổ kia mà.” Xonia kêu lên!
Sụp đổ!
“Tội ác và trừng phạt” của tên cuốn sách này. “Tội ác và trừng phạt” khiến người ta phải lạc lối về những tư tưởng. Vì sao? Vì Dostoievsky là nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà thơ, nhà chính trị, và một người có tấm lòng bác ái sâu sắc. Tác phẩm ông viết ra, đúng sai đòi hỏi một sự chiêm nghiệm lâu dài của người đọc. Chúng ta lớn lên với những thước văn của Nam Cao, Kim Lân…nhưng khi bạn đọc Dostoievsky, bạn sẽ cảm giác rằng ông là thầy của họ, ông gây ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học không chỉ Việt Nam.
Cuộc đời Dostoievsky cũng rất đặc biệt, ông có một cuộc tình cũng rất đẹp. Ông có một mối tình với người thư ký của mình. Ông tỏ tình bà bằng một tác phẩm với hình hài của hai người được viết ra trong đó. Anna Grigorievna là tên bà, đã yêu ông bằng thứ tình yêu của cô gái nhỏ đi cùng sự tôn kính và ngưỡng mộ. Trọn vẹn cạnh ông trong những khúc ngoặt bi kịch nhất cuộc đời. Còn ông, nhờ sự hy sinh của bà mà có được những tác phẩm vĩ đại.
Năm 1881, Dostoievsky chia tay nhân thế. Anna Grigorievna đã quyết định ở vậy suốt đời (nên nhớ, bà thua ông 25 tuổi). Khi được hỏi vì sao, bà mỉm cười: "Sau Dost, tôi lấy ai ư? Họa chăng Lev Tolstoi vĩ đại”.
Đã là vợ của người khổng lồ, thì còn ai xứng đáng để mà đi bước nữa!
Sài Gòn, tháng 9 năm 2021
Bài viết thể hiện theo quan điểm cá nhân!