Đôi nét về tác giả Đoàn Giỏi
Đoàn Giỏi (17/05/1925 - 2/4/1989), ông là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Trong suốt cuộc đời viết văn của mình, ông có rất nhiều bút danh khác như: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư. Ông sinh ra tại tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là tỉnh Tiền Giang). Vốn xuất thân từ một gia đình địa chủ lớn, có hàng trăm mẫu ruộng màu mỡ ven sông Tiền nhưng khi kháng chiến bùng nổ, gia đình ông đã tự nguyện hiến toàn bộ tài sản ủng hộ cho kháng chiến. Ông từng theo học tại trường Mỹ thuật Gia Định(1939 - 1940).
 Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ. Từ năm 1949 đến năm 1954, ông công tác tại Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, viết bài cho tạp chí Lá Lúa, rồi tạp chí Văn nghệ Miền Nam
 Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1955 ông chuyển sang sáng tác và biên tập sách báo, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III.
Nhà văn Anh Đức còn nhớ như in ngày ông mười bốn tuổi gặp chàng thanh nhiên Đoàn Giỏi hơn mình chục tuổi:  “Tôi từ một trường trung học kháng chiến ra, về công tác tại Ty Thông tin tỉnh Rạch Giá, vừa lúc anh Đoàn Giỏi từ Mỹ Tho về lãnh chức Phó trưởng Ty. Anh đã có vóc dáng đậm đạp, cái ống píp luôn phì phèo trên miệng.”
Tuy ngoại hình ra vẻ là một tay chơi nhưng Đoàn Giỏi có một tâm hồn mềm mỏng, thuần hậu mà khí khái. Không chỉ là một người hồn hậu, khí khái và hào phóng, ông còn là một cây viết xuất sắc và chăm chỉ. Nhà văn Anh Đức từng khâm phục nhận xét về nhà văn Đoàn Giỏi:
 “Thật tôi chưa từng thấy ở nước ta có một nhà văn nào như anh, say mê yêu mến thiên nhiên động vật, đến độ có cả một kho tư liệu ghi chép tỉ mỉ, đủ sức để viết dài dài loại truyện này. Có lúc hàng giờ anh say mê kể cho tôi nghe về đời sống của loài cọp, loài sấu, loài tê giác và loài cá. Có một lần, tôi tỏ ý hoài nghi về cái chi tiết anh viết trong tập Chuyện lạ về cá, trong đó anh tả một máy bay Đồng minh bị Nhật bắn cháy, viên phi công nhảy dù rơi xuống vùng biển Hải Phòng thì cá mập ở dưới biển giăng ra đón viên phi công tợ hình như những nan hoa xe đạp. Thấy vậy, anh vung tay, la lên: “Mày không tin hả? Tao bảo đảm trăm phần trăm đúng y như tao viết. Mày ngồi đợi đó, để tao đi lấy tài liệu cho mày coi!”
Tác phẩm đầu tay của ông là Nhớ cố hương năm 1943 đã bắt đầu cho sự nghiệp sáng tác văn chương của ông. Nhà văn Đoàn Giỏi tập trung nhiều cho sự nghiệp của mình khi tập kết ra ngoài Miền Bắc. Phần nhiều những tác phẩm của nhà văn sau này chủ yếu viết về cuộc sống con người và núi rừng sông nước Phương Nam.
 Chính bằng niềm tự hào về một vùng đất trù phú, giàu tình yêu thương, nỗi nhớ và có cả trong đó là những sự cảm phục với những con người chân chất thôn quê, ý chí dũng cảm,… Con người Phương Nam trong quá trình tạo dựng cuộc sống, trong cả việc đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giải phóng quê hương,… đó chính là những chất men giúp nhà văn Đoàn Giỏi khơi nguồn được những sáng tác.
 Với ngòi bút xuất sắc của mình, nhà văn Đoàn Giỏi đã biến con người, đất rừng Phương Nam trở thành cái gì đó thân thuộc với những độc giả nhỏ tuổi. Những trang sách của ông thấm đẫm trong đó hơi thơ của sông nước, đất rừng, thiên nhiên và cả con người Nam bộ.
Tháng 2 năm 1957, ông nhận được đơn đặt hàng của Hội văn nghệ Việt Nam viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam Bộ, thời gian viết trong 4 tháng. Tuy nhiên, mãi đến tháng 5, khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhắc lại yêu cầu này và nhấn mạnh thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng, Đoàn Giỏi mới bắt đầu đặt bút viết những dòng đầu tiên. Chỉ trong vòng một tháng, ông đã kịp hoàn tất tác phẩm đúng thời gian dự kiến. Tác phẩm được xuất bản ngay thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng và đã thành công vượt mức mong đợi. Đất rừng phương Nam là truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi rất nổi tiếng của ông và đạt được thành công lớn. Truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được dựng thành phim và in trong Tủ Sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng.
 Đất rừng phương Nam là tiểu thuyết của nhà văn viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Theo bước chân An, chúng ta lần lượt đi qua cuộc sống của những người dân vùng sông nước cũng như tinh thần kháng chiến cứu nước của nhân dân ta. Từng khung cảnh, từng nhân vật sẽ khiến cảnh đất và người hiện lên sinh động, chân thật nhất cho độc giả.
Tóm tắt tác phẩm
Từng mảng của mảnh đất phương nam đều được Đoàn Giỏi tỉ mỉ khắc họa bằng ngòi bút ngôn từ tinh tế, giản dị. Thằng bé An vốn là con của một gia đình thành thị, cuộc sống của cậu tưởng chừng cứ mãi bình yên, và thằng An sẽ lớn lên, đi làm, lấy vợ sinh con, có một cuộc sống như bao gia đình thành thị khác. Nhưng giặc Pháp đã quay trở lại cướp nước ta một lần nữa, chúng giày xéo mảnh đất quê hương mình, tấn công các thành phố, khiến người người phải kéo nhau đi di tản lưu lạc tứ xứ, và cuộc sống phiêu bạt nay đây mai đó của An bắt đầu khi nó mải chơi thì bị máy bay oanh tạc, bố mẹ nó đã đi đâu mất, nó một thân một mình lưu lạc khắp nơi. May cho thân thằng An, nó được một đoàn vận tải cho đi ké để tìm bố mẹ, nhưng đen đủi thay, trong một lần mải chơi, nó lạc đoàn thuyền và lại một lần nữa lưu lạc đầu đường xó chợ. Cậu bé may mắn được dì Tư Béo nhận về làm chạy bàn cho quán nhậu của dì. Trong một lần tình cờ, cậu bé phát hiện đôi vợ chồng Tư Mắm, vốn là khách quen của quán, hóa ra lại chính là bọn Việt gian bán nước. Hai vợ chồng hắn, một kẻ là tay sai, một đứa là sếp lén lút giả làm vợ chồng buôn mắm, dò la tin tức của những người kháng chiến. Khi biết bí mật của mình đã bị lộ, chúng liền tìm cách bịt miệng An và đốt trụi quán. May sao An đã may mắn chạy thoát và lại trở thành đứa trẻ lưu lạc. Rồi may mắn cũng mỉm cười với cậu bé, cậu được vợ chồng ông Hai - cũng là dân tản cư, cưu mang và nhận làm con nuôi. Việc gặp gỡ và được nhận nuôi bởi ông Hai thật là tình cờ làm sao. Trong một hôm đi bán rắn ở chợ, vì phải chạy vội khỏi cơn bão lớn đang vù vù kéo về mà ông bỏ quên túi đồ nghề cuả ông trên một cành cây. Thằng bé An liền nhặt về và giữ nó lại trong suốt khoảng thời gian cho tới khi gặp lại. Đối với người làm nghề câu rắn mưu sinh như ông Hai, túi đồ nghề ấy là cả một gia tài, như một nguồn sống của gia đình ông. Khi được chú bé An trả lại, ông đã rất vui mừng, và có lẽ nhận thấy sự tốt bụng trong cậu bé lưu lạc này mà ông quyết định nhận nó làm con nuôi. Trong cái thời loạn lạc ấy, ai cũng chỉ muốn lo cho thân mình, trong một cái gia đình nghèo ấy, An vẫn có được tình yêu, có một cuộc sống hạnh phúc bên cạnh bố mẹ nuôi và người anh em tên Cò của mình. Nó được khám phá biết bao điều thú vị của cuộc sống sông nước, những công việc nó chưa từng làm như đi câu rắn, lấy mật ong,... Và nó nghĩ cuộc sống của nó sẽ trôi qua êm đềm, nhưng bọn giặc lại tới. Khi ấy nó cùng cha nuôi của nó là ông Hai vừa từ nhà Võ Tòng về thì liền gặp máy bay địch ném boom oanh tạc. Trong giai đoạn thập tử nhất sinh ấy, có biết bao phen mà cả hai bố con suýt phải bỏ mạng, từ ngọn lửa hung dữ từ trái boom, hay cả con cọp rợn người nhe nanh chực chờ ăn tươi nuốt sống người. Cả cánh rừng bị đốt trụi, nhiều loài chết chìm trong biển lửa, cả khu rừng từng xanh tốt, đầy sức sống nay chỉ còn đầy sự tang thương và chết chóc. Nhưng rồi khu rừng ấy sẽ xanh tốt trở lại, tái sinh từ tro tàn y như cái cách mà con người nơi đây sống vậy. Trải qua đau khổ, trải qua bi thương nhưng rồi sẽ vực dậy, lại tấp nập, đầy sức sống như khu rừng ấy. Dẫu cho người đi trước ngã xuống, như chú Võ Tòng hi sinh bản thân thì sẽ có những người đi sau tiếp tục lý tưởng ấy, tiếp tục con đường ấy như thằng An, ông Hai.Những con người trước đây chỉ nghĩ tới chuyện có cái để ăn, có cái để mặc, lo cuộc sống mưu sinh, họ chỉ mong có cái ăn cái mặc là đủ, họ chưa bao giờ nghĩ tới những việc lớn lao như đấu với máy bay, bom, súng đạn. Nhưng khi kẻ địch tới xâm lược, chúng giày xéo quê hương, giết hại đồng bào, thì dù cho chúng có thuyền máy, có tàu bay, có súng có boom, nhân dân vẫn quyết không hề run sợ. Họ dám đứng lên để phản kháng, dám đứng lên giữ lấy mảnh đất quê cha dẫu cho có phải mất cả mạng sống. Võ Tòng là một trong những nhân vật tiêu biểu, vốn chỉ là một người săn bắt kiếm sống qua ngày đã dám phục kích tiêu diệt nhiều tên địch. Và trong một lần phục kích, Võ Tòng đã bị mụ Tư Mắm chỉ điểm rồi bị tướng địch bắn chết. Sau này, mụ ta cũng bị ông Hai trả thù, một cái kết thích đáng cho kẻ bán nước cầu vinh.Khu vực U Minh Thượng bị giặc chiếm đóng, cả gia đình ông Hai phải dời đến U Minh Hạ, tại nơi đây, cảnh sắc đất trời lại hiện lên thật choáng ngợp, như sân chim, một biển rừng các loại chim tạo thành một khung cảnh khiến ai cũng phải xao xuyến. Ở đây, An còn gặp được những người lính cách mạng đang trong cuộc chiến không cân sức với lũ giặc. Cách mạng nước ta khi ấy vừa mới chớm, còn thiếu thốn, người dân nơi đây không ngần ngại nhường cơm sẻ áo nuôi bộ đội, ấy chính là truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta bao đời nay. Cũng tại chính nơi đây, thằng bé An ngày nào còn nghịch ngợm dường như đã có một bước trưởng thành, đó là nhận thức được cách mạng và con đường đi theo cách mạng, đứng lên cầm súng bảo về quê hương. Ấy là một bước trưởng thành to lớn và sâu sắc bên trong chú bé An.
Đất rừng Phương Nam là câu chuyện của đất và người.
 Sự choáng ngợp bởi thiên nhiên miền sông nước hoang sơ, đẹp đẽ nhưng vẫn còn đó là sự mộc mạc, gần gũi. Sức sống sinh động, mãnh liệt của thiên nhiên miền sông nước ấy mạnh mẽ hơn bất cứ loại vũ khí nào của giặc. Mảnh đất ấy dẫu có bị thiêu rụi, rồi cũng sẽ tái sinh . Bức tranh thiên nhiên miền sông nước được Đoàn Giỏi khắc họa khiến cho người đọc không chỉ đơn giản là hình dung qua từng con chữ mà cả miền sông nước ấy hiện lên sinh động trước mắt, cảm giác như ta đã thoát khỏi trang sách và trở về miền đất ấy.
 Chiến tranh mang tới nỗi bi thương. Dẫu rằng đây là một cuốn sách dành cho trẻ em, dẫu cho cảnh sắc đất trời chiếm phần nhiều nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được nỗi buồn thấp thoáng ở một vài phân đoạn. Bối cảnh tác phẩm mới chỉ là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp thế nhưng với những người dân nơi đây, chiến tranh là chết chóc, chiến tranh là máu đã đổ. Xen lẫn những khung cảnh đầy sự sống của thiên nhiên là cảnh tang thương, những nỗi buồn và đau đớn vì những nỗi đau mà giặc đã gây ra với nhân dân ta. Dẫu cho tác giả không miêu tả quá kĩ những nỗi đau ấy nhưng những hình tượng tiêu biểu trong tác phẩm (Võ Tòng, ông Hai, ...) vẫn khiến cho chúng ta thấy được sự kiên cường, bất khuất của nhân dân ta.
 Dẫu những con người miền sông nước không biết đọc biết viết, thậm chí có nhiều cái cao siêu họ không hiểu được nhưng họ vẫn biết đất này do ông cha để lại, giặc mà muốn cướp thì họ sẽ hi sinh tới giọt máu cuối cùng. Những con người nơi đây dẫu còn đói ăn đói mặc nhưng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo nuôi bộ đội (bà Hai biếu quân du kích bộ chỉ khâu và kim,...). điều đó làm vẻ đẹp của con người nổi bật hơn hẳn sự hùng vĩ của thiên nhiên. Ấy là truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta, đồng bào ta sẵn sàng nhường cơm sẻ áo để nuôi bộ đội, góp sức vì ngày toàn thắng của dân tộc.
Điều nuối tiếc nhất của mình khi đọc xong tác phẩm này có lẽ là sự chia ly của gia đình An. Có lẽ do quá mong đợi một khung cảnh mà thằng bé An gặp lại bố mẹ ruột của nó, rồi nó kể cho bố mẹ ruột nó những năm tháng lưu lạc, rồi lại dẫn bố mẹ ruột nó tới gặp ông bà Hai cùng thằng Cò nên mình hơi xúc động khi không có chi tiết này. Nhưng có thể cảm nhận đôi chút rằng, đó có lẽ là ngụ ý tác giả về sự chia ly trong chiến tranh - một nỗi đau mà không gia đình nào muốn.