Hắc Thần Thoại Việt Nam - Tại Sao không?
Thành Rome không được xây nên trong một ngày, cũng như Tây Du Ký không được thực hiện trong một đêm.
Nhìn Black Myth Wukong làm mưa làm gió thị thường game tôi không khỏi giấu giếm sự ngưỡng mộ và thầm mong Việt Nam sẽ có được một siêu phẩm như vậy.
Không rõ có liên quan đến thành công của game này không, nhưng Chính phủ ta cũng vừa mới có công văn khuyến khích việc phát triển game thông qua Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29-8-2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Nếu là tôi của những năm 2018, thì cảm xúc của tôi sẽ là "Thời tới rồi, cản không kịp". Ước gì tôi có thể góp phần tạo nên sản phẩm đó.
Còn tôi của bây giờ thì đã hiểu rằng giấc mơ vẫn còn xa lắm…
Theo tôi cần phải có đủ cả 3 yếu tố sau để có thể làm được điều đó:
1. Một tác phẩm câu chuyện thần thoại lôi cuốn, được nhiều người biết đến
2. Khả năng làm đồ họa, hoạt hình xuất sắc
3. Kỹ thuật làm game đỉnh cao
Như Tây Du ký là tác phẩm bất hủ có từ cách đây cả trăm năm, với cả bản phim truyền hình lẫn nhạc phim đã trở thành huyền thoại. Game Trung Quốc đã kế thừa xuất sắc cốt truyện gốc và sáng tạo ra một phiên bản mới vừa đen tối hơn, vừa mở rộng hơn. Game cũng có sự hấp dẫn về chiến đấu không kém siêu phẩm God of War vốn kế thừa câu chuyện của thần thoại Hy Lạp và các thần thoại Bắc Âu khác.
Với vai trò là một người làm Sản phẩm công nghệ kiêm Nhà văn viết fantasy Việt, và là một blogger bán chuyên, tôi nghĩ mình có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về những khó khăn gặp phải khi chính tôi đã theo đuổi điều kiện số 1 trong suốt 6 năm qua.
Về một giấc mơ fantasy Việt
Năm 2018, tôi đang trong quá trình được phụ trách triển khai một dự án về xây dựng một kho Stickers cho trình duyệt Cốc Cốc. Ý tưởng là các nghệ sỹ, hoạ sĩ Việt Nam sẽ sáng tạo ra một kho các nhân vật riêng với những biểu cảm thú vị, gần gũi với người Việt, và trình duyệt Cốc Cốc sẽ giúp cho người dùng dễ dàng gửi ảnh, stickers thuần Việt này hiện lên mỗi khi gõ từ khoá trên kênh chat qua các nền tảng như Messenger, Facebook message,...
Khi làm dự án này, tôi đã trầm trồ khi nhìn thấy bên Kakao Corp họ đã từng sáng tạo ra hẳn một nhân vật mới hoàn toàn trên Stickers là chú gấu Brown và Thỏ Cony. Họ tạo ra hẳn một kho stickers phong phú, giúp nhiều nghệ sĩ đã kiếm được nhiều tiền từ việc chế tạo và bán stickers trên kho. Chú gấu Brown cũng đã trở thành biểu tượng du lịch khi tôi đến Hàn Quốc tại sân bay Incheon năm đó.
Ngắm nhìn kho stickers của các bạn, tôi nhận thấy có một nhóm các nhân vật đến từ văn hoá, truyện tranh nhiều vô kể. Người Dơi, Người Nhện, Thần Thoại Hy Lạp, Harry Potter,.. Từ thời điểm ấy, tôi đã nhìn thấy tiềm năng của việc khi hình ảnh và các sản phẩm phái sinh của một câu chuyện về văn hoá đủ lớn, sẽ có rất nhiều cơ hội kinh doanh các sản phẩm digital, phái sinh trên đó.
Cùng năm đó, tôi đã có một quyết định khá điên rồ, khi nảy ra ý tưởng tự mình xây dựng một thế giới fantasy thuần Việt, khi chứng kiến những gì Game of Thrones và Marvel đã làm được với hàng triệu người xem trên thế giới thông qua câu chuyện của họ. Bên cạnh về ảo vọng thành công, tôi cảm thấy một sức hút mãnh liệt vào câu chuyện và tiềm năng của thế giới mà tôi tạo ra.
Bạn có thể đọc cụ thể hơn câu chuyện đó ở đây 👇
Tôi muốn trở thành người đầu tiên sử dụng những nhân vật trong cổ tích và thần thoại của Việt Nam như An Dương Vương, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, Lạc Long Quân, vua Hùng, Thạch Sanh, Lý Thông,... để tạo một siêu thế giới với cốt truyện mới và khiến mọi người khám phá những bí ẩn đằng sau của những câu chuyện gốc. Ý tưởng khá giống với một "hắc thần thoại", đúng không nào?
Sau 4 năm ròng rã vừa đi làm vừa viết, tôi đã hoàn thành phần 1 của sách, có nhan đề "Tưởng Giới - Đứa con trở về". Sách đã được in và xuất bản vào năm 2022.
Quá trình hoàn thành và triển khai MVP này đã khiến tôi thấu hiểu sâu sắc hơn khoảng cách giữa thực tế và giấc mơ kỳ ảo mênh mông như thế nào.
Bài học Thực tế: Hơn cả 81 kiếp nạn
Kiếp nạn 1: Dấu hỏi về năng lực nội tại
Giống như mọi người làm sáng tạo nội dung khác, tôi có nỗi sợ to lớn về việc sản phẩm mình không đủ tốt. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình là nhà văn, và danh xưng đó khiến tôi sởn gai, rùng mình khi nghĩ đến. Tôi từng ghét các nhà văn từ hồi phải học năm sinh, năm mất, hoàn cảnh sáng tác của họ. Và đúng là ghét của nào thì trời trao tôi của đó.
Tôi sợ cái cảm giác có người đọc truyện của mình xong, cười sằng sặc, vỗ đùi đen đét, và rơi lệ cảm ơn tôi đã cho họ thật nhiều phút giây giải trí, thư giãn đến không ngờ. Sự thư giãn giống như khi bạn xem Vietnam Idol, bạn ứa nước mắt giàn giụa khi nghe những thí sinh thừa tự tin cất lên những giọng hát rớt tông, cảm lạnh dù có những biểu cảm quằn quại không thua gì những nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Với một người tay ngang, học chuyên Toán, làm kỹ thuật như tôi, việc công bố viết và xuất bản sách fantasy đầu tay còn đáng sợ hơn cả việc lên sân khấu tấu hài. Rủi ro của việc ước mơ lớn của bạn trở thành trò cười của người khác đủ lớn để bạn luôn tự hỏi mình xem mình có thật sự bị điên không.
Và thực tế khi tôi kể câu chuyện fantasy mình muốn viết ra, có nhiều người nhìn tôi với ánh mắt ái ngại như là tôi điên thật.
Bạn có thể đọc thêm lý do bối cảnh của việc vì sao tôi vẫn tiếp tục viết ở đây 👇.
Tôi chỉ muốn nói là tôi đã vượt qua nỗi sợ kinh khủng đó, một nỗi sợ đủ lớn để sau này tôi cảm thấy rất ít điều gì có thể khiến tôi sợ hơn được nữa.
Và tôi tự hỏi, có bao nhiêu tác phẩm, ý tưởng tiềm năng đã chết ngay trong đầu vì quá ít người đủ điên và liều để viết ra và theo đuổi nó?
Nếu chỉ dám nghĩ mình là một con khỉ tầm thường, liệu Tôn Ngộ Không có bao giờ đại náo thiên cung?
Kiếp nạn 2: Tìm độc giả beta
Bạn có một ám ảnh trong đầu, dám viết nó ra và theo đuổi nó mỗi ngày. Đó là bước đầu tiên của hành trình thỉnh kinh. Tuy nhiên, bạn không thể thành chính quả một mình.
Viết ra và tự đọc chưa bao giờ là đủ, bạn cần phải share nó cho người khác và chấp nhận nghe chửi để tiến bộ hơn.
Giống như thi người mẫu, dù bạn có ngượng đến đâu, thì bạn vẫn phải cởi đồ và gửi cơ thể của mình cho người khác đánh giá.
Không giống như viết blog, viết tiểu thuyết là một hành trình kỳ lạ. Khi mà câu chuyện của bạn quá dày, quá dài, sẽ có càng ÍT người đủ thời gian, tâm trí, kiên nhẫn và hứng thú để đọc hết những gì bạn viết.
Bạn rất cần có một feedback loop, một nhóm độc giả beta thuộc guu phù hợp, sẵn sàng đọc văn của bạn và có thể chia sẻ chân thành cảm nghĩ của họ dành cho bạn.
Cho đến tận bây giờ, tôi đã rất biết ơn những người bạn đã bỏ thời gian ra đọc những phiên bản đầu tiên của truyện, và có những cảm nghĩ chân thành để đủ khiến tôi không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục tin vào chính mình. Cho đến khi tới tay nhà xuất bản, tôi đã phải sửa hơn trăm lần từ đầu đến cuối giọng văn, hơn chục lần thay đổi bố cục,...Những góp ý chân thành ấy chính là những viên gạch chắc chắn để giúp tôi có niềm tin mình đang không ảo tưởng quá đà vào thế giới mình đang xây dựng.
Nhưng một chân lý tôi tự ngộ ra đấy là không có ai yêu bạn mù quáng đến mức đọc hết một cuốn tiểu thuyết chục trang dù thấy nó quá dở cả,
...vì đó là một sự TRA TẤN quá lớn.
Thế nên cứ yên tâm, một khi bạn dám gửi đăng, thì không sợ không có người dám đọc. Và khi có người đọc hết, bạn biết đấy là tín hiệu vũ trụ của việc hàng đã được cho vào giỏ.
Kiếp nạn 3: Sự thờ ơ của hệ thống nhà xuất bản
Tôi có thể kể miết những khó khăn gặp phải của một người tay ngang khi thử sức mình với loại tiểu thuyết lớn và khó như fantasy, và tham vọng như Tưởng Giới. Tuy nhiên, việc viết ra và viết xong nó mới chỉ là những khó khăn ban đầu, vì những điều sau đó hoàn toàn đủ sức khiến bạn cảm thấy mình bé nhỏ và bất lực như thế nào.
Tôi gửi mail đến hơn 20 nhà xuất bản, và chờ hơn 1 tháng để nhận được hồi âm của không một ai cả. Tôi hiểu ra một điều là các nhà xuất bản họ có thể không check mail, và họ cũng không có thói quen hồi đáp với bất kỳ một tác giả vô danh nào.
Tôi sử dụng mạng lưới bạn bè của bè bạn, những độc giả beta có người quen làm ở các nhà sách, thì cũng có tiến triển hơn chút chút. Có một nhà xuất bản đồng ý làm việc với tôi, và hôm đó tôi đã vui vô cùng vì thấy công sức của mình có kết quả, truyện của tôi đủ tốt để có nhà đầu tư.
Tuy nhiên, dịch Covid diễn ra, và nhà xuất bản quyết định cắt những đầu sách không khả thi về doanh thu.
Và tôi hiểu ra một bài học về nút cổ chai lớn về thị trường sách Việt như sau.
Văn hoá đọc của người Việt vốn không nhiều người đọc sách.
Trung bình 1 người Việt Nam đọc 1,2 cuốn sách/năm (không tính sách giáo khoa) (Nguồn)
Đấy là còn chưa kể sách có rất nhiều thể loại khác nhau, và sách dòng của tôi là một dòng rất ít tác giả Việt viết về nó.
Những người lớn họ đọc về self-help nhiều, càng ít người đọc về fiction. Các nhà sách sẽ cần phải dành kinh phí để truyền thông cho sách fantasy, họ sẽ chọn phương án đỡ rủi ro về kinh doanh hơn: chọn một đầu sách nổi của nước ngoài để dịch thuật lại.
Thời buổi kinh doanh sách, mọi người sẽ thực dụng hơn rất nhiều. Thay vì đầu tư cho một tên tuổi vô danh, họ sẽ chọn các đầu sách mà tác giả đã sẵn có một cộng đồng fan của mình. Còn nếu không, họ kiếm một đầu sách ngoại về và dịch lại nó.
Ngành phim ảnh cũng gặp phải vấn đề tương tự, khi mà kịch bản cũng đa phần là chuyển thể từ nước ngoài, chứ ít kịch bản gốc Việt được chú ý.
Bằng một cơ duyên khác, cuối cùng cũng có một nhà sách khác nhận lời cộng tác với tôi, và dùng tôi để thử nghiệm mảng sách mới của họ.
Tôi chỉ muốn nói là viết sách hay thôi chưa đủ, các tác giả mới còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể mang truyện của mình đến với độc giả nữa
Và văn hoá nhà sách bây giờ họ vẫn còn cành cao, lười không thèm viết thư từ chối, chứ chưa nói đến việc hỗ trợ, ươm mầm tác giả mới.
Kiếp nạn 4: Sự kiểm duyệt của nhân loại
Trong quá trình xin giấy phép, Tưởng Giới của tôi đã suýt phải bỏ cuộc mấy lần, và phải mất 6 tháng để tìm kiếm một đơn vị chấp nhận xuất bản, sau khi bị 2 đơn vị từ chối.
Các bạn chơi Wukong, các bạn thấy yêu quái chặt đầu bồ tát, thiên đình thì lũng loạn, chèn ép yêu ma, mỗi nhân vật đều có cái nhìn đa chiều, với câu chuyện đằng sau (backstory) khác hẳn bản chính mà bạn từng đọc.
Một câu chuyện hay không hẳn là một câu chuyện mà ai cũng biết, mà là một câu chuyện với những góc nhìn mới trên những sự kiện mà ai cũng tưởng là mình đã biết.
Tưởng Giới mà tôi muốn xây dựng cũng như vậy. Trong tầm nhìn của tôi, nhân vật An Dương Vương chưa hẳn đã là thiện, nhân vật vua Triệu Đà chưa hẳn đã là ác. Việc đánh mất thành Cổ Loa, chưa chắc đã là lỗi của Mỵ Châu.
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lẫn Lĩnh Nam Chích Quái, sách còn chép rõ rằng chính An Dương Vương là người đã đánh bại Hùng Vương thứ 18, chấm dứt triều đại vua Hùng. Đây cũng chính là vị vua đã kén rể cho Sơn Tinh và Thuỷ Tinh.
Bằng tư duy logic của mình, tôi đã viết lại một backstory khác của các truyện thần thoại trên. Tôi cho là Thuỷ Tinh sau khi thua cuộc đã không dừng lại như mọi người vẫn tưởng, mà anh ta đã ngầm giúp An Dương Vương đánh bại vua Hùng. Thần Kim Quy là sứ giả được anh ta phái tới giúp đỡ sau này, xây thành Cổ Loa, ban cho Nỏ Thần,…
Tôi muốn tạo một thế giới mới thú vị hơn từ những gì chi tiết nhỏ mà tất cả mọi người đã bỏ quên.
Những chi tiết này vẫn chỉ là những viên gạch nhỏ trong số những diễn biến tham vọng tôi mong muốn kể, nhưng trong bối cảnh một cuốn sách đầu tay, tôi chỉ dám đi từng bước “nhỏ” đó. Tôi cố tình thiết kế cuốn đầu tiên là một câu chuyện tròn trịa, nhẹ nhàng, nhiều thông điệp trong sáng, và hé mở một số những tiềm năng ở đằng sau, để đo phản ứng của nhà xuất bản và kiểm duyệt.
Vậy mà những “sáng tạo” nhỏ bé ấy đã đủ để cuốn sách bị từ chối bởi nhiều bên vì dám “xuyên tạc lịch sử”. Khi mà độc giả của chúng ta thèm khát những gì bí ẩn, đen tối của thế giới tinh thần ngoài kia, thì nhà kiểm duyệt vẫn đòi giữ nguyên sự trinh trắng, một chiều của cách hiểu và cách học tầm chương trích cú, coi mọi điều viết ra trong truyện cổ tích thành lịch sử.
Những sự kiện ghi trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, liệu có đáng được coi là lịch sử hay không? Liệu tôi có được quyền phóng tác dựa trên những gì bên ngoài câu chuyện đó không?
Liệu ta phải chấp nhận Thuỷ Tinh chỉ có thể thua Sơn Tinh vì truyện cổ tích của chúng ta bảo thế?
Hay ta chỉ cho phép mình tin như thế vì ta không dám tưởng tượng sai do mọi cách hiểu khác đều đang bị chính chúng ta kiểm duyệt?
Để có một Hắc Thần Thoại, phải có một ai đó giúp chúng ta phá những chiềc vòng kim cô do chính mình tạo ra, còn không thì những chỉ thị chính phủ cũng chỉ như những chức danh suông, các tác phẩm lớn đều sẽ phải bị tách thành những “lục căn” nhỏ, để con voi khó mà thoát khỏi lỗ kim.
Muốn học tập người ta, thì thiên đình phải được ác, Dương Tiễn phải được “liêm”, yêu ma cũng phải có “nét đẹp”, các sư thầy cũng phải có “sân si”,… thì câu chuyện của game mới trờ thành tác phẩm được.
Còn khi tác giả dám viết, người đọc dám đọc, nhưng kiểm duyệt không dám "nhả", thì chúng ta vẫn mãi dậm chân tại chỗ ở nơi chúng ta “cho phép” mình tưởng tượng.
Kiếp nạn 5: Sự định kiến của đồng loại
Sau khi sách xuất bản xong, kiếp nạn tiếp theo của tôi đấy là làm sao để có người biết tới cuốn sách.
Vì nhiều lý do bên truyền thông của nhà sách họ không dám dành nhiều ngân sách đổ quảng bá cho câu chuyện của tôi. Tôi dần hiểu ra mình không thể dựa vào ai cả, chính mình cần tự tìm cách truyền thông cho nó.
Tôi đã thử quảng cáo sách vào một số group những người yêu truyện fantasy Việt Nam, thì nhận ra thêm một trở ngại nữa.
Nhiều người Việt tự kỳ thị sách của tác giả Việt Nam, nhất là khi dám so sánh với các tác phẩm quốc tế cùng thể loại.
Khi quảng bá mình như một Harry Potter mới, nhiều người chưa đọc sách nhảy vào ném đá tôi vì đã dám bắt quàng làm họ.
Tôi hiểu nhiều người đã từng thất vọng, và đánh giá thấp sản phẩm của Việt Nam.
Nhưng nếu chúng ta không dám cho nhau niềm tin, thì làm sao chúng ta có cơ hội?
Tôi cũng hiểu luôn là có thể đã có nhiều người bị truyền thông dắt mũi, dính quảng cáo bẩn, nên họ phản ứng với những gì có vẻ giống thế.
Định kiến về những câu chuyện của Việt Nam là đủ mạnh để các tác giả mới như tôi cảm thấy mình chỉ có thể dám giật tít sách mình như là “Bật Mã Ôn”, chứ không phải là “Tề Thiên Đại Thánh”.
Đấy cũng là lý do tôi đã quyết tâm phải xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình nhiều hơn, viết blog chia sẻ nhiều hơn.
Để một ngày chúng ta có thể dám tin vào chính mình..
Rằng những con khỉ đá của Việt Nam cũng có thể dám nói tiếng người, chứ không chỉ được phép kêu “Khẹc Khẹc” như những gì logic mà nhiều người chúng ta "cho phép" mình tin tưởng 🐒.
5. Sự đùa cợt của số phận
Khi mà tác giả của Tưởng Giới đã phải tự lực truyền thông, thì phía nhà sách của Tưởng Giới từ chối tiết lộ doanh thu sách.
Đồng ý là sách có thể bán ít, nhưng theo thoả thuận, tác giả ngoài việc nhận được tiền nhuận bút ra, thì vẫn cần có chia sẻ 50-50 từ doanh thu mỗi cuốn bán được.
Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ khi bán sách, phía nhà sách không hồi âm về doanh thu cụ thể, và cũng chẳng chịu trả tiền nhuận bút.
Cho đến khi tôi phải gửi thư đòi khởi kiện dân sự, thì nhà sách mới đồng ý thanh toán.
Là một tác giả Việt, tôi phải tìm mãi mới được một nhà sách để tin tưởng cho mình cơ hội, và chờ mãi phải doạ kiện thì mới đòi được tiền.
Chưa kể một khi sách bị gán với một nhà sách, và luật bất thành văn là các nhà sách khác không muốn hợp tác với bạn.
Ngô Thừa Ân - tác giả của Tây Du Ký, sống cả đời trong nghèo khó, cô độc, và vô danh, cho đến khi năm trăm sau, tác phẩm của ông vang danh bốn bể, là cảm hứng và là biểu tượng văn hoá, giúp người đời sau kiếm bộn tiền.
Là nhà văn, bạn chọn viết những tác phẩm có đề tài làng nhàng hợp thị hiếu và bán chạy, hay những tác phẩm bất tử nhưng bạn thì vô danh?
Đây là một câu hỏi vui để ngẫm, còn tôi thấy biết ơn mình vẫn sống được bằng nghề khác, chứ không chắc chắn tôi đã chết vì nghèo và trầm cảm từ lâu rồi.
Vĩ thanh
Tôi kể câu chuyện cá nhân mình nhằm mong muốn độc giả hiểu hơn về hành trình của tôi trong quá trình theo đuổi một giấc mơ kỳ ảo và bị thực tế vả đôm đốp như thế nào.
Tất nhiên, hoàn toàn có thể hiểu là câu chuyện này chỉ đại diện cho góc nhìn bé nhỏ của tôi. Biết đâu đấy, một ai đó sẽ làm được việc này dễ dàng hơn tôi vì câu chuyện của họ hay hơn, họ may mắn hơn, gặp thời hơn,...
Tuy nhiên, tôi tin rằng để có một Hắc Thần Thoại được tất cả yêu mến, thì nó cũng phải thoát khỏi những kiếp nạn cơ bản như vòng kim cô kiểm duyệt, sự ủng hộ của những độc giả ban đầu, một cộng đồng fan, một nhà xuất bản có tâm, một ekip đằng sau,...
Thành Rome không được xây nên trong một ngày, cũng như Tây Du Ký không được thực hiện trong một đêm.
Tôi hy vọng câu chuyện này của tôi dù có thể không giúp tôi bán sách, thì cũng biết đâu góp phần biến những mong ước của nhiều độc giả Việt Nam chúng ta thành sự thật..
..bằng việc cùng nhau cổ vũ, khuyến khích các tác giả Việt viết sách và giúp họ để sách tìm được đến các độc giả nhiều hơn.
Ngay cả Tôn Ngộ Không cũng đâu có đánh yêu quái một mình, khỉ ta ngoài 72 phép thuật và binh khí ra, còn có Bát Giới, Sa Tăng, Bạch Long,.. cùng hệ thống Thần Phật bốn phương sẵn sàng giúp đỡ.
Chúng ta rất khó để có chân kinh, nếu cứ coi người thỉnh kinh là yêu quái, bị cả thiên đình xua đuổi, xã hội cô lập và trấn áp, phải không nào?
Bài viết đến đây là hết, cám ơn những ai đã đọc đến đây. Vậy bước tiếp theo, các bạn có thể làm gì?
1. Hãy chia sẻ bài viết trên các kênh mạng xã hội nếu các bạn thấy câu chuyện của mình thú vị, và cùng thông điệp "hãy yêu thương các tác giả Việt nhiều hơn".
2. Follow ủng hộ Tưởng Giới và tác giả qua Page chính thức của truyện . Hiện Tưởng Giới đang được review 4.8/5 trên Goodreads. Các bạn có thể đặt mua sách bằng cách inbox Page hoặc điền vào form tại đây 👇
3. Subscribe blog the1ight của tác giả để tiếp tục ủng hộ mình và các dự án của mình sắp tới nhé.
4. Cho mình xin ít feedback về nội dung bài viết này dưới đây nào 😉👇
P/S: Chân thành cám ơn mọi người đã đọc đến đây. Mình biết ơn mọi sự ủng hộ của mọi người và quý độc giả, và hy vọng các tác giả Việt đều sẽ nhận được ủng hộ khi theo đuổi hành trình lấy "chân kinh", và chúng ta sẽ sớm có một game "Hắc Thần Thoại Việt Nam" trong kiếp người mà mình đang sống.
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất