Quyền được khép mình, được chạy trốn
Vài năm trước, trong một lần trò chuyện, một người chị đã nói với mình: “ Đôi khi chạy trốn cũng tốt, muốn chạy trốn cũng được, chẳng...
“Mạnh mẽ lên” thường là lời động viên chúng ta thường nói với những người xung quanh gặp khó khăn. Mình cũng đã từng nói câu nói này với những người mình yêu thương với mong muốn rằng họ sẽ vượt qua được những chuyện đau buồn.
Nhưng rồi theo năm tháng, mình nhận ra việc nói “mạnh mẽ lên” có thể phù hợp cho một số hoàn cảnh, nhưng trong vài tình huống, câu nói ý nghĩa hơn ta có thể nói với ai đó là: “Không cần mạnh mẽ cũng được, hãy làm những gì bạn cảm thấy thoải mái là được nhé.”
Những Năm Tháng Khép Mình
Mình đã trải qua một thời gian dài sống khép kín. Mọi chuyện bắt nguồn từ những va vấp của tuổi trẻ: đổ vỡ trong các mối quan hệ, cho đến những trải nghiệm không mấy tích cực trong những lần đầu va chạm cuộc sống. Bây giờ, vượt qua rồi, nhìn lại quá khứ, cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng vào thời điểm đó, ở phiên bản non nớt của tuổi đôi mươi, mọi thứ không đơn giản như vậy.
Sau những biến cố của tuổi trẻ, từ một người luôn vui vẻ và hoạt náo, mình dần trở nên im lặng, sống khép kín hơn. Thời gian ấy, ngoài việc đến trung tâm dạy học và gặp gỡ bạn bè thân thiết vào cuối tuần, phần lớn thời gian mình ở một mình.
Gia đình lo lắng về lối sống trầm lặng của mình nên mọi người thường khuyến khích mình ra ngoài, kết bạn và tìm lại niềm vui. Trong một lần trò chuyện, mình nhớ dì từng nói: “Nếu con cứ mong manh như vậy, dì sợ con sẽ khó trụ vững trong cuộc đời này.” Mình biết dì muốn tốt cho mình, nhưng thời điểm khi đó, bản thân mình cảm thấy khó khăn để kháng cự lại với những thay đổi đang diễn ra.
Khoảng Lặng Trong Thế Giới Riêng
Sống một mình quả thực không dễ, nhất là trong giai đoạn đầu. Nhiều lúc, cảm giác vô cùng sợ hãi và bất an, nhất là khi phải đối diện với nỗi cô đơn và phải tự mình giải quyết mọi việc lớn nhỏ trong cuộc sống. Mình nhớ có hôm, khi đang ngồi viết trong phòng, cảm giác cô đơn bất chợt ập đến, bóp nghẹt tâm trí. Lúc ấy, mình không thể ngồi yên trong phòng mà phải chạy ra ban công đứng một lúc, như thể đang tìm kiếm điều gì đó khác đi.
Đứng ở ban công, mình chỉ ước có một ai đó ở cạnh mình vào lúc này. Nhưng đáp lại chỉ có tiếng gió và khoảng không vắng lặng của buổi đêm. Cảm giác đó thực sự đáng sợ. Mình phải đứng một lúc lâu, trở lại phòng, không còn sức để viết nữa.
Nhưng dần dần dần việc sống một mình đã trở thành niềm vui thay vì nỗi sợ hãi tột cùng.
Món Quà Từ Những Năm Tháng Khép Mình
Khoảng thời gian một mình ở nhiều năm tháng trước có thể được xem là sự trốn chạy, nhưng cũng là một món quà quý giá. Bởi chính trong những ngày tháng một mình, mình đã học được cách “ở lại” với chính mình nhiều hơn, dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc bên trong. Khi đó, đọc sách và viết nhật ký là hai việc mình làm nhiều nhất.

Mình đọc những cuốn sách tâm lý, những cuốn ách về vấn đề tổn thương và cả câu chuyện có thật như những nhân vật can đảm vượt qua giai đoạn biến cố.
Viết nhật ký là việc mình làm đều đặn. Nhờ viết, mình dần hiểu những gì đang diễn ra bên trong, điều gì khiến mình vui, buồn hay tổn thương.
Nhiều năm, nhìn lại, phải thừa nhận khoảng thời gian sống một mình đã giúp mình:
- Học cách đối diện với tổn thương: Thời gian ở một mình là hành trình học cách làm hòa với những vụn vỡ bên trong. Nó giúp mình nhận ra, thừa nhận bị tổn thương không phải điều xấu, điều quan trọng là cho mình đủ thời gian để hòa giải và vượt qua.
- “Nghiên cứu” bản thân: Sống một mình giúp mình khám phá ra bản thân là một người nhạy cảm. Khía cạnh tính cách này giống như con dao hai lưỡi. Một mặt, sự nhạy cảm giúp mình cảm nhận cuộc sống một cách tinh tế và sâu sắc. Nhưng mặt khác, tính nhạy cảm lại khiến mình dễ bị tổn thương bởi những điều nhỏ nhặt và khó quản lý cảm xúc khi trải qua căng thẳng. Học cách cân bằng sự nhạy cảm là điều mình đang dần học từng ngày. Không phải là cố gắng để trở nên mạnh mẽ hơn bằng cách che giấu đi sự nhạy cảm, mà bằng cách hiểu, học các chấp nhận, điều hướng phần nhạy cảm để sống hài hòa và trưởng thành hơn.
- Tìm ra con đường riêng: Những ngày sống một mình cũng là lúc mình quyết định theo đuổi công việc tự do và tự học để trở thành một người viết. Vì tài chính không dư dả, thời gian một mình lại trở thành lợi thế khi giúp mình có thời gian tự học và tự rèn luyện khả năng viết.
Nhớ đến tinh cầu B612 của Hoàng Tử Bé
Tuần trước, mình vừa đọc lại Hoàng Tử Bé, mới thấy rằng món quà quý giá nhất mà Hoàng Tử Bé có chính là tinh cầu B612.
Tinh cầu B612 thì nhỏ xíu, chỉ cần vài bước chân là đã đi hết, nhưng đó lại là không gian an toàn giúp Hoàng Tử Bé tìm thấy sự bình yên sau những chuyến đi khám phá thế giới. Tinh cầu ấy là nơi giúp Hoàng Tử bé được sống là chính mình, không cần phải gồng mình trở nên mạnh mẽ hay cố gắng để khác biệt.

Intenet
Trên tinh cầu B612, Hoàng Tử Bé có thể ngắm hoàng hôn đến 43 lần mà không chán ngán. Đây cũng là nơi cậu kiên trì nhổ bỏ những cây bão táp từng ngày như cách chúng ta cần phải cố gắng loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong hành trình cuộc sống. Cũng trên tinh cầu nhỏ bé B612, Hoàng Tử Bé đã học cách yêu thương bông hồng của mình - một tình yêu cần đến sự kiên nhẫn và thấu hiểu. Việc chăm sóc bông hồng không chỉ dạy cậu về trách nhiệm, mà còn về cách yêu thương một cách chân thành và bền bỉ.
Hơn hết, tinh cầu B612 là nơi Hoàng Tử Bé không phải đối diện với những lo lắng và nguy hiểm từ thế giới bên ngoài. Như cách phải đối phó với loài rắn độc hay sự khan hiếm nước nơi sa mạc hoang vu.
Phải chăng, giữa thế giới đầy rẫy những đổi thay dễ khiến trái tim con người lao đao, thì việc có một góc nhỏ để quay về lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết? Một nơi mà ta được phép là chính mình, được vỗ về và chữa lành những vết thương sâu kín. Trong những khoảng lặng ấy, có lẽ chúng ta ai cũng tìm thấy cách riêng để bước qua nỗi đau, theo những cách khác nhau.
Lời Nhắn Gửi
Bài viết hôm nay là lời nhắn gửi đến những ai đang tìm kiếm khoảng lặng giữa những ngày khó khăn. Mình mong bạn cho phép bản thân được “chạy trốn”, được yếu đuối trong thế giới riêng mà bạn tạo ra. Khép mình lại không phải là điều gì đáng xấu hổ. Ngược lại, đó là cách để bạn nhận diện và chấp nhận những biến động trong cảm xúc của mình khi phải đối mặt với những va vấp của tuổi trẻ.
Trong khoảng lặng ấy, bạn có thể học cách lắng nghe bản thân bằng việc viết nhật ký cảm xúc, tìm đọc những cuốn sách liên quan đến những khó khăn đang gặp phải để tìm kiếm giải pháp. Hoặc bạn có thể làm bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái (nhưng nhớ là đừng làm hại bản thân hoặc chọn sống buông thả nhé, hãy luôn giữ ý thức phải “cứu lấy mình” ra khỏi nỗi đau, dù mất nhiều thời gian).
Đôi khi, bạn hãy ngồi lại và tự hỏi: “Mình đang cảm thấy như thế nào? Điều gì sẽ giúp mình vượt qua khó khăn lúc này? Có phải đó là sự đồng hành của bạn bè, người thân, hay chỉ đơn giản là sự bình yên khi được ở một mình?” Những câu hỏi ấy sẽ từ từ đưa bạn đến gần hơn với sự thấu hiểu bản thân.
Mình mong bạn nhớ rằng việc khép mình lại, việc chấp nhận sự yếu đuối của bản thân không khiến bạn trở nên kém cỏi. Ngược lại, đó chính là dũng khí lớn lao. Khi bạn dám dành ra khoảng lặng cho bản thân, dám đối diện và cảm nhận nỗi đau, bạn đang từng chút một xây dựng nên sức mạnh nội tại.
Cuộc sống là một hành trình dài với nhiều thăng trầm. Sẽ có lúc chúng ta hạnh phúc, có lúc ta tổn thương và vấp ngã. Nhưng mỗi trải nghiệm đều là một bài học quý giá, đều góp phần hình thành nên phiên bản hiện tại của mỗi người trong chúng ta.
Chúng mình ai rồi cũng sẽ ổn thôi. Chỉ là vấn đề thời gian, sự cho phép được khép mình khi cần thiết và mở lòng với cuộc sống khi sẵn sàng theo cách riêng của mỗi người.
Tuổi trẻ luôn cần nỗ lực nhưng cũng hãy nhớ chăm sóc bản thân thật tốt, nhất là tâm hồn và trái tim của chúng mình.

Bức ảnh chụp Đà Lạt nhiều năm trước

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

draca_ca
Trải qua nhiều biến cố gia đình, tình yêu, mình chỉ muốn được mình một mình. Nhưng khi một mình mình lại khao khát cái đó gì đó nữa. Mình hay ra ngoài ngồi một mình, có lẽ trong lòng mình mong chờ một điều gì đó xảy ra.
Một mình là vậy nhưng mình vô cùng khao khát tình yêu, đến mức mình có thể lao đầu vào nó một cách điên dại. Mình khao khát nhưng mình cũng không có được nó, một tình yêu, sự quan tâm, thấu hiểu mà mình tìm kiếm.
Những cảm xúc, suy nghĩ của mình có lẽ hiếm gặp được ai hiểu nó. Nhiều lúc mình căm ghét con người vì trong thời gian tuyệt vọng, đau đớn nhất, cơn trầm cảm hành hạ mình mỗi ngày. Nhưng họ chỉ cười nhạo vì mình trong như cái xác không hồn. Họ không hiểu cơn đau đó, và sự cô độc mình phải trải qua dù là khi ấy hay bây giờ.
Là một thằng con trai, mình dành hết những điều ít ỏi mình có cho người ta. Tiền, sự quan tâm, thời gian, khoảng địa lí cũng không thành vấn đề với hy vọng họ trao cho mình một tình yêu mà mình luôn thiếu. Nhưng sự lừa dối lại là thứ mình nhận.
Một mình cũng tốt thật nhưng nó cũng cô đơn, mắc kẹt trong chính cảm xúc mình trải qua, chính những gì mình thấy. Tất cả điều chỉ có mình trải qua. Thân xác dù vẫn tự do, nhưng tâm trí, cảm xúc bị co lại trong chữ "tôi", có tù túng và khó chịu.
Đã nhiều lần cố cho mọi người hiểu mình cảm thấy gì, suy nghĩ gì. Nhưng cảm nhận mình có dường như chỉ mình thấy. Mình có thể hiểu mọi người cảm thấy ra sao, suy nghĩ gì, an ủi họ. Nhưng không được hiểu. Họ không hiểu mình. Nên cuối cùng một mình vừa là lựa chọn, vừa là bắt buộc để tránh thêm nỗi đau.
- Báo cáo

Viết Cùng Tiểu Hy

@Draca_ca Mình có thể hiểu được phần nào những điều bạn nói. Bạn nói đúng việc một mình tự do nhưng nó không dễ chịu như chúng ta vẫn thường nói. Dù sao con người cũng là sinh vật xã hội nghĩa là chúng ta có nhu cầu được kết nối, được thấu hiểu và được yêu thương. Đó là nhu cầu rất cơ bản. Mình không hoàn toàn ngợi ca việc một mình. Bởi nếu có thể kết nối với ai đó là một điều rất quan trọng.
Nhưng hầu hết chúng ta sẽ không chối bỏ được "trạng thái ở một mình và cảm giác không được thấu hiểu", một phần mà chúng ta phải đối diện trong quá trình lớn lên và chúng ta buộc phải chấp nhận sự thật không phải ai cũng hiểu chúng ta như chúng ta mong đợi (đôi khi mọi người không hiểu hoặc họ không thể hiểu được).
Và có một nghịch lý trong cuộc đời thể này nếu bạn càng kiếm tìm tình yêu từ bên ngoài (xuất phát cảm giác thiếu thốn bên trong: ám ảnh nỗi cơ đơn, quá mong cầu được yêu, được hiểu) thì khả năng cao bạn sẽ gặp những tình yêu càng phản ảnh sự thiếu thốn đó, hoặc đôi khi sự mong đợi quá lớn trong tình cảm sẽ khiến bạn trải qua nhiều cảm giác thất vọng hơn. Điều này cũng có nghĩa là cái kết nối quan trọng và trước nhất vẫn là phải học cách kết nối và thấu hiểu bản thân mình và học cách cân bằng giữa cho đi và nhận lại với tình cảm khác.
Mình cũng không muốn khuyên bạn mấy lời sáo rống rỗng đâu. Mình hiểu có thể bạn là tìm rất nhiều cách để vượt qua, chắc chắn là không dễ dàng. Có một 1 điều mình đọc được trong cuốn sách "Con đường chẳng mấy ai đi" thì những cảm xúc khó khăn chúng ta đang trải qua là một phần của hành trình trưởng thành và suốt quá trình này mỗi người cần học cách xử lý và vượt qua những cảm xúc khó khăn này . Bản thân mình cũng vậy, mình cũng đang học hiểu về chính mình thông qua những ngày sống một mình. Hy vọng bạn sẽ vững vàng hơn trên hành trình của mình
- Báo cáo

draca_ca
Mình cảm ơn lời khuyên từ bạn. Đúng thật là mình trông đợi quá nhiều từ bên ngoài. Mình có hơi hà khắc với chính mình trong mọi việc kể cả việc cho bản thân một bữa ăn như các món hàng quán ngon mình cũng rũ bỏ. Có lẽ mình thiếu sự tự chăm sóc cho chính mình. Mình khắt khe với mình nhưng lại khá rộng rãi với mọi người có có lẽ do mình trông đợi sự tử tế quan tâm từ họ. Chính điều này khiến mình quá mong mỏi tình yêu từ bên ngoài. Mình càng tìm nó thì mình càng khó thấy nó hơn.
- Báo cáo

Viết Cùng Tiểu Hy

Không sao đâu bạn, chúng mình ai cũng đang học về cách yêu thương thôi nè
- Báo cáo