Hôm nay mình đọc được một bài viết cũng cũ rồi, của một người Việt đi nói chuyện phỏng vấn một bạn sinh viên Mỹ đi du lịch đang bán vé số kiếm tiền ở Việt Nam. Bạn đi bán vé số này dùng gap year của mình để du lịch rất nhiều nước, mặc dù nhà cũng nghèo. Người đó so sánh với chính bản thân mình và những người như mình có ít sự can đảm để làm được việc hay hớm như thế như người ta, và kết luận là ta cần phải có nhiều người đi du lịch nhiều nơi như họ.
Cái mà bài viết đó quên không nói là người Mỹ sở hữu tấm hộ chiếu gần như tốt nhất thế giới. Họ muốn đi đâu, đến nước nào, thì trừ có Bắc Triều Tiên là có thể muốn làm khó dễ visa cho dân họ, chứ không mấy nước làm khó dễ cho người Mỹ đi du lịch tới nước của họ. Người Mỹ được miễn visa ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, làm cho việc đi du lịch vừa dễ vừa rẻ. Người cầm cái quyển hộ chiếu xanh lá cây chắc hẳn hiểu đi du lịch đắt, khó và khổ như thế nào. Việc phải "xin" visa tới hầu hết các nước trên thế giới thì đã đành, mà có nhiều khả năng đi "xin" còn bị đòi hỏi giấy tờ để chứng minh đủ các kiểu. Mình phải chứng minh được mình không đi để ở lại bất hợp pháp, buôn ma túy, làm điếm, và sau khi làm tất cả các việc đó vẫn bị từ chối visa là chuyện không có gì lạ cả.
Sau đó, nếu như ai đã đi du lịch tới nước khác thật, thì việc kiếm việc làm kiếm tiền ở nước khác với visa du lịch phần lớn là một việc phạm pháp. Ít ai rỗi việc đi bắt người đi bán vé số ở ngoài đường, cũng như ít ai đi bắt người đi bê tô phở hay làm tiệm nail, nhưng hai việc đó được những người bản xứ nhìn vào với những con mắt khác nhau. Một cậu Tây đi bán vé số hay dạy tiếng Anh chui thì người Việt ta nghĩ rằng đó là một người can đảm đi năm châu bốn bể, dám nghĩ dám làm, có gan bơi ra biển lớn thực hiện ước mơ của mình. Một người Việt đi ra nước ngoài đi du lịch hay đi học bưng phở thì là một kẻ phạm pháp chui lủi trong mắt người bản xứ. Không ai trả tiền cao hay ủng hộ cho một kẻ chui lủi như vậy cả. Vậy nên, một người là anh hùng tiên phong can đảm hay là một kẻ phạm pháp cặn bã của xã hội, nhiều khi nó phụ thuộc vào người đó là màu da gì chứ không phụ thuộc vào họ làm gì. Những kẻ máu đỏ da vàng cũng muốn làm kẻ lương thiện, nhưng ai cho họ làm kẻ lương thiện?
Tất cả những cái điều khổ nói trên không phải là lỗi của người đó, và cũng không phải là lỗi của đất nước phát cho họ quyển hộ chiếu có màu đó. Nhưng có nhiều việc khác của một kẻ cầm hộ chiếu xanh lá cây, từ làm lại cái hộ chiếu đến mua cái tấm vé máy bay về nước cũng cần phải nhiêu khê chạy đôn chạy đáo nôn ra một đống tiền, những điều đó không phải là điều nghiễm nhiên những ai cầm cái tờ hộ chiếu màu xanh lá cây phải chịu, nhưng sự thật là họ đang phải chịu. Có bao nhiêu người không chịu, nhưng họ đề nghị thay đổi đến gãy cả lưỡi nhưng họ đã kêu từ mấy năm nay rồi chuyện đâu vẫn hoàn đấy.
Còn về chuyện sáng tạo và dám nghĩ dám làm, mình nghĩ mình không phải là người cuồng tín đến nỗi tin những lời đồn đại về chuyện "Một thằng Việt thì giỏi hơn một thằng Nhật,..." Nhưng mình biết rằng trong nước có rất nhiều bạn rất giỏi, có rất nhiều nhiệt huyết, khả năng làm lụng sáng tạo không thua gì ở nước ngoài. Mình ở đây xin nói ra cái chuyện mình rõ: Mình làm về phần sụn cho máy tính tức là nó phải có xương, mà đi mua xương (tức là phần cứng) ở Việt Nam rất cực khổ. Ở Việt Nam, muốn mua cái gì mà ship về nhà thì bố của các loại nhiêu khê và đắt đỏ. Cùng một bo mạch, muốn mua từ Trung Quốc gửi về Mỹ thì chỉ mất phí bưu kiện không đáng kể. Người ở Mỹ muốn làm gì là trả 5 đô la, một hai tuần sau sản phẩm mình muốn đã ở ngoài cửa ship từ Trung Quốc không ai hỏi gì. Từ đó, muốn viết phần mềm gì để thỏa giấc mơ cũng được. Ở Việt Nam sẽ bị hành hạ đủ điều từ thuế má hải quan nếu đi chính ngạch. Một cái bo mạch người Mỹ mua được với giá một đồng sau khi chờ hai tuần từ Trung Quốc thì người Việt phải trả giá ba sau khi chờ hai tháng. Đến khi cái người ở Việt trong nước qua tất cả các thứ thủ tục đó thì thế giới họ đã đi được thêm cả trăm bước rồi. Khi nào mà những sự việc trên còn diễn ra, thì mình tin rằng việc tuổi trẻ sinh viên phải đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, sánh vai với cường quốc năm châu vân vân mãi mãi chỉ là thứ khẩu hiệu nhảm nhí rẻ tiền không hơn không kém.
Ở các diễn đàn trên mạng nói về chủ đề quản lý tiền bạc, người ta thường nói câu: Làm người nghèo rất đắt. Ý đây nói là người nghèo khi không có tiền, phải mua đồ đểu, học trường kém thì có khi làm một việc ba bốn lần không xong. Người nghèo không có tiền chữa bệnh, đến khi bệnh nặng không chữa không được thì lúc đó tiền chữa sẽ cực đắt. Người nghèo ở Mỹ không có tiền mua ô tô, mỗi lần phải thuê xe hay gọi xe rất đắt. Người nghèo có vài đồng trong tài khoản, tới khi tiêu quá thì ngân hàng sẽ thu thêm phí. Vậy nên làm gì thì làm, việc đầu tiên một người không có tiền cần làm là làm sao để cuộc sống nó không trở nên đắt đỏ nữa bằng cách là để tiền dành dụm để mình có thể chi trả được những khoản đột xuất để cuộc sống không còn đắt đỏ nữa.
Giờ sau khi làm người Việt mấy chục năm, mình cũng thấy là làm người Việt rất đắt. Mà nghèo thì còn có cách thay đổi mình để để chữa; chứ mang cái hộ chiếu màu xanh lá khó chữa hơn nhiều. Chỉ khi rất nhiều người khác cũng thay đổi thì cuộc sống mới khấm khá lên, đỡ đắt đỏ đi để nhiều ước mơ trở thành hiện thực hơn.
Nếu như có điều gì đó là silver lining, điểm tích cực ở đây thì mình nghĩ rằng mọi thứ không nên so sánh tuyệt đối. Đừng so một người Mỹ du lịch được ba mươi quốc gia với một người Việt cũng phải du lịch được ba mươi quốc gia: Một người Việt du lịch được năm quốc gia đã là rất đặc biệt rồi. Một người Mỹ làm ra được năm doanh nghiệp thì một người Việt làm ra được một cái doanh nghiệp đã là đặc biệt rồi. Một người nước ngoài đạt được ước mơ của mình ở Việt Nam có lẽ là dễ hơn một người Việt Nam đạt được ước mơ của mình ở nước ngoài. Vậy nhưng sự thật là vẫn có rất nhiều người Việt thành công ở xứ người. Thế nên tóm lại mình giỏi cũng bằng bố nó.